Tuesday, January 4, 2022

THÁI PHÓ NGUYỄN Ư DĨ - NAM TRIỀU ĐỆ NHẤT KHAI QUỐC CÔNG THẦN

Do danh tiếng Trạng Trình quá lớn nên hậu thế hay nhắc đến câu “Hoành Sơn nhất đái” như một lời khuyên chiến lược nổi bật nhất trong sự thành công của Nguyễn Hoàng. Nhưng ít người biết rằng tầm nhìn đó 42 năm trước đã được vạch ra bởi người cậu Nguyễn Ư Kỷ của ông, nó thể hiện tầm nhìn xa và năng lực đáng kinh ngạc của vị quan Lê triều không mấy nổi bật trong lịch sử này.

Nguyễn Hoàng dù giỏi đến mấy nếu không có sự cưu mang nuôi dạy của người cậu tài năng nhìn xa trông rộng như Nguyễn Ư Kỷ thì cũng không thể lập ra nền móng cho Nam triều sau này. (Ảnh tổng hợp)

Không nổi tiếng như vua Minh Mạng, cũng không tạo nên những thành tựu vĩ đại như Minh Vương, ông lại càng không nổi bật trong lịch sử có quá nhiều danh nhân lương tướng của nhà Nguyễn. Nhưng ông lại là người quan trọng nhất quyết định sự thành lập và thịnh vượng của triều đại này ở những năm đầu tiên, ông chính là Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, mưu sĩ và là đệ nhất công thần khai quốc của Nam triều.

Làm quan nhà Lê, nuôi dạy chúa Tiên

Nguyễn Ư Dĩ hay còn gọi là Nguyễn Ư Kỷ, tự là Vô Sự. Tổ tiên ông vốn là người huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, sau dời vào Thanh Hóa. Ư Kỷ là con Nguyễn Kính Diện - Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thự vệ sự đời Lê. Vợ của Nguyễn Kim (cha chúa Tiên Nguyễn Hoàng) là em ruột của ông. Ư Kỷ làm quan nhà Lê tước đến Thái phó Uy quốc công.
Năm Bính Tuất 1527, nhà Lê bị nhà Mạc cướp ngôi vua, Nguyễn Kim chạy vào Ai Lao dấy quân để khôi phục nhà Lê. Ông để con mình là Nguyễn Hoàng năm ấy mới lên hai tuổi được nuôi dưỡng ở nhà Ư Kỷ.

Năm 1533, Nguyễn Kim đón con trai của Lê Chiêu Tông tên Lê Ninh, lập làm vua tức vua Lê Trang Tông, nhờ công ấy ông được phong làm Thượng phụ thái sư Hưng quốc công chưởng nội ngoại sự.

Nguyễn Hoàng ở nhà Ư Kỷ được ông hết lòng chăm sóc, nuôi dạy, thường khuyên ông nên lập công danh sự nghiệp. Lớn lên ông làm quan cho triều Lê Trung hưng, được phong làm Hạ khê hầu, và cử quân đánh nhà Mạc. Nguyễn Hoàng chém được tướng Mạc là Trịnh Chí nên khi khải hoàn được vua Lê Trang Tông khen rằng: "Thực là hổ phụ sinh hổ tử".

Năm 1545 quả là năm đại nạn đối với gia tộc Nguyễn, vừa sau khi cha bị đầu độc chết, thì người anh cả của Nguyễn Hoàng là Tả tướng Lãng quận công Nguyễn Uông liền bị Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm (con rể Nguyễn Kim) giết chết. Nguyễn Hoàng lúc này tuổi còn trẻ nhưng lại có quân công nên được vua Lê phong làm Thái úy Đoan quận công, ông lại trở thành cái gai trong mắt người anh rể tàn nhẫn Trịnh Kiểm. Tứ bề quả là nguy cơ trùng trùng, thân lâm hiểm cảnh. Có thể mất mạng bất cứ lúc nào.

Nguyễn Ư Dĩ hay còn gọi là Nguyễn Ư Kỷ, tự là Vô Sự. Tổ tiên ông vốn là người huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, sau dời vào Thanh Hóa. (Ảnh chụp màn hình)

Giả điên lánh nạn, vào Nam lập nghiệp

Tuy là anh rể, nhưng Trịnh Kiểm vì quyền lực nên đố kỵ với Nguyễn Hoàng do ông tuổi trẻ tài cao, lập công to và được phong tước lớn. Biết Trịnh Kiểm muốn mưu hại cháu mình nên Nguyễn Ư Kỷ khuyên Nguyễn Hoàng giả cách bị bệnh điên, có những cử chỉ thất thường khiến cho Kiểm khỏi để ý.

Tuy nhiên điều này vẫn không qua mắt được Trịnh Kiểm. Mưu sĩ của ông ta là Nguyễn Hưng Long lại khuyên nên giết Nguyễn Hoàng trừ hậu họa. Nguyễn Hoàng biết được việc này rất lo sợ, bàn bạc với Ư Kỷ.

Ông nói: "Kiểm có lòng nham hiểm, ta nên tránh xa. Thuận Hóa là đất hiểm trở kiên cố, có thể giữ mình được. Vậy nên nhờ chị con là Ngọc Bảo (Ngọc Bảo là con gái Nguyễn Kim và là Chánh phi của Trịnh Kiểm) nói với Kiểm, xin vào trấn thủ Thuận Hóa, rồi sau sẽ mưu làm việc lớn".

Ngọc Bảo vì muốn cứu em nên liền nói với Kiểm. Người anh rể nham hiểm này cũng không muốn mang tiếng giết em nên đành tương kế tựu kế vì cho rằng Thuận Hóa là nơi lam chướng nước độc và có tướng nhà Mạc đóng đồn ở đấy, muốn mượn tay nhà Mạc để giết đi. Ông ta bèn tâu vua Lê phong đất ấy cho Nguyễn Hoàng, trao cho cờ tiết làm trấn thủ. Mà không biết rằng mọi việc đều định bởi Trời, việc làm này lại là sự khởi đầu cho việc xây dựng nên vương quốc Nam Hà hùng mạnh sau này của nhà Nguyễn.

Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm. (Ảnh: Wikipedia)

Phò tá quân vương, cùng chung hoạn nạn

Năm Mậu Ngọ (1558) mùa đông, Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, Ư Kỷ đem gia đình đi theo.

Đến bãi cát xã Ái Tử (Quảng Trị ngày nay) dân đem dâng 7 chum nước trong. Ư Kỷ mừng tâu rằng: "Đấy là Phước trời cho. Việc trời tất có điềm báo. Nay chúa thượng mới đến mà dân đem "nước" dâng lên, có lẽ là điềm "được nước" đó chăng ?".

Đoan quận công nhận lấy 7 chum nước ấy, bèn chọn Ái Tử đặt doanh trại.

Tuy đã trở thành tướng lĩnh trấn nhậm biên cương, nhưng ban đầu thế lực nhỏ yếu vẫn phải phục tùng chính quyền chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.

Năm Quý Tỵ (1593), sau khi chúa Trịnh Tùng chiến thắng nhà Mạc và bắt được vua Mạc Mậu Hợp, Nguyễn Hoàng phải quay lại Đông Đô để chầu mừng. Lúc đó, chúa Trịnh Tùng giữ ông ở lại đó 8 năm để cùng dẹp giặc và cũng có ý kiềm chế.

Trong thời gian đó, Nguyễn Ư Kỷ luôn theo bên cạnh phò tá, lo lắng coi sóc trong quân. Ông cùng Nguyễn Hoàng giúp họ Trịnh đem quân dẹp giặc, lập nhiều chiến công.

Tượng Chúa Nguyễn Hoàng. (Ảnh: Wikipedia)

Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân

1595, sau chiến công diệt nhà Mạc, quang phục Thăng Long, dưới sức ép từ phủ Chúa, vua Lê phải tấn phong cho Trường Quốc Công Trịnh Tùng thành Bình An Vương, kế vị Triết Vương Trịnh Kiểm. Lúc này uy quyền nhà Chúa Trịnh lên đến tột đỉnh, vua Lê chỉ còn là bù nhìn.

Thế nên một rừng không thể có hai hổ, ban đầu Trịnh Tùng còn nể tình anh em rể, đối xử với Nguyễn Hoàng rất thân thiết nhưng khi nắm quyền cao liền sinh tâm ngờ vực và muốn trừ khử. Bởi vì Nguyễn Hoàng quả thật là một hào kiệt, danh tướng lẫy lừng thống ngự một phương, trong 8 năm lại lập nhiều quân công, uy tín trong triều ngày càng mạnh và có nhiều người ủng hộ. Người như ông ta ắt sẽ không cam chịu dưới trướng bất cứ ai.

Dù là thế nhưng Nguyễn Hoàng lúc này thân đang trong nguy hiểm không lối thoát, vùng đất của ông trấn nhậm xa xôi và còn quá non yếu, không đủ để ông hạ quyết tâm ly khai.
Vào thời điểm đó, một gợi ý lịch sử đã được đưa ra cho Nguyễn Hoàng, khiến ông cương quyết ra đi về Nam.

“Năm Canh Tý, niên hiệu Hoằng Định năm đầu (1600), mùa hè, ngày mồng một tháng năm, hữu thừa tướng Đoan quốc công Nguyễn Hoàng thấy tình cảm đối xử của Bình An vương Trịnh Tùng ngày một thưa nhạt, phải tính kế giữ mình, nhưng không nghĩ ra cách gì, bèn sai người đem vàng bạc làm lễ vật đến biếu viên quan nhà Mạc đã hưu trí về làng là Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm để hỏi kế giữ thân, Trình quốc công bèn lấy giấy bút viết tám chữ giao cho người tâm phúc của Nguyễn Hoàng đem về. Đoan quốc công Nguyễn Hoàng mở thư đọc thấy tám chữ: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung nhân” (Nghĩa là “Hoành Sơn một giải, dung thân muôn đời”). Đọc xong, Nguyễn Hoàng trầm ngâm nghĩ ngợi suốt cả một ngày mới chợt hiểu ra. Từ đó chỉ nghĩ cách tìm đường trở về trấn cũ.” (Trích Nam triều công nghiệp diễn chí - Nguyễn Khoa Chiêm)

Gợi ý này so với lời tâu của Nguyễn Ư Kỷ 42 năm trước quả thật là tương đồng lạ kỳ, và qua đó cũng thể hiện tầm nhìn xa và tài năng của Nguyễn Ư Kỷ, nếu không có ông ắt sẽ không có Nam triều vậy.

Tượng đài Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Wikipedia)

Thoát nạn về Nam, kiến công dựng nghiệp

Năm Canh Tý (1600), lấy cớ đem binh dẹp loạn, Nguyễn Hoàng thành công vượt biển về Nam. Trong chuyến đi này, cũng chính Nguyễn Ư Kỷ lại theo phò tá để chuyến đi thuận lợi.

“Thuyền đến cửa biển Thần Phù, dân nhiều người đi theo. Nghe nói quân Trịnh đuổi riết, Ư Kỷ sai quân bơi thuyền đi nhanh. Dây buộc cọc chèo bị đứt. Có người huyện Yên Mô là Phạm Thị Công dâng một sọt tơ sống để làm dây buộc, thuyền lại đi nhanh (Phạm Thị Công theo vào Thuận Hóa, đến lúc chết, được tặng phong là Thị tùng hỗ giá Phạm phu nhân). Chúa đến Thuận Hóa rồi ở vài năm; Ư Kỷ về thăm Quý hương, chúa tiễn tặng rất hậu, Ư Kỷ chia cả cho tướng sĩ. Về sau Ư Kỷ lại vào Thuận Hóa chầu hầu, rồi chết.” (Đại Nam liệt truyện)

Các con của Nguyễn Ư Kỷ cũng noi gương cha, hết lòng phò tá Nam triều, kiến công lập nghiệp.

“Con là Đình Dũng (có thuyết nói là họ Mai. Vì trước kia, khi nhà Mạc cướp ngôi vua nhà Lê, Triệu Tổ khởi binh ở Ai Lao, Ư Kỷ nuôi Thái Tổ, sợ nhà Mạc biết nên đổi họ là họ Mai. Đình Dũng bèn noi theo họ Mai, đến lúc việc đã yên mới đổi lại là họ Nguyễn), theo cha vào Nam, nhiều lần lập chiến công làm đến Thái bảo Quận công. Năm Tân Mùi (1571) mùa thu, thổ mục (48) Quảng Nam làm loạn, cướp giết lẫn nhau. Đình Dũng dẹp yên rồi lưu trấn đất ấy, thu thập vỗ về quần chúng còn lại, trăm họ được yên. Con Đình Dũng là Đình Hùng, tính người trầm nghị, có tài làm tướng, vì có quân công được phong tước đến Quận công. Hi Tông Hoàng Đế năm thứ 7 (1630), tướng Trịnh là Nguyễn Tịch giữ châu Nam Bố Chính, Đình Hùng đem quân đánh úp, chém Tịch tại trận, bèn giữ đất ấy, lập làm doanh Bố Chính.” (Đại Nam liệt truyện)

Lời bàn

Hưng Đạo Vương từng nói: “Chim hồng chim hộc muốn bay cao ắt nhờ vào sáu trụ xương cánh”, cho thấy rằng phàm là bậc vĩ nhân khai triều mở cõi đều phải nhờ vào sự giúp đỡ rất lớn của thân nhân và thuộc hạ. Nguyễn Hoàng dù giỏi đến mấy nếu không có sự cưu mang nuôi dạy của người cậu tài năng nhìn xa trông rộng như Nguyễn Ư Kỷ thì cũng không thể lập ra nền móng cho Nam triều sau này.

Do danh tiếng Trạng Trình quá lớn nên hậu thế hay nhắc đến câu “Hoành Sơn nhất đái” như một lời khuyên chiến lược nổi bật nhất trong sự thành công của Nguyễn Hoàng. Nhưng ít người biết rằng tầm nhìn đó 42 năm trước đã được vạch ra bởi người cậu Nguyễn Ư Kỷ của ông, nó thể hiện tầm nhìn xa và năng lực đáng kinh ngạc của vị quan Lê triều không mấy nổi bật trong lịch sử này. Thiếu sự nuôi dạy, tầm nhìn của ông ắt sau này không có Nam triều, không có lục tỉnh miền Nam trong bản đồ Việt Nam. Vì thế mà người viết cho rằng ông quả thật xứng đáng là Nam triều đệ nhất khai quốc công thần vậy.

Minh Bảo / Theo: ntdtv

No comments: