Lăng mộ của Chu Nguyên Chương nằm ở phía Nam của núi Chung Sơn thuộc thành phố Nam Kinh. Ngày nay lăng mộ này đã trở thành 1 điểm du lịch nổi tiếng với du khách trong và ngoài Trung Quốc.
Nhiều du khách từng đến Hiếu Lăng đều để ý thấy rằng trên bia mộ của Chu Nguyên Chương có khắc 3 chữ cùng với 7 chữ viết trên bức tường đá ở bảo đình phía nam đều có điểm khác lạ so với chữ viết thông thường. Cụ thể là 2 chữ "明" (Minh) trong 3 chữ "明孝陵" (Minh Hiếu Lăng) và 7 chữ "此山明太祖之墓" (Mộ của Minh Thái Tổ được đặt tại ngọn núi này) đều bị viết sai ở bộ "日" (bộ Nhật – một trong 2 bộ phận cấu tạo nên chữ Minh) thành "目" (bộ Mục).
Có tin đồn rằng những chữ "Minh" này đã bị thay đổi kể từ khi Khang Hi tới thăm Hiếu Lăng. Nhưng sự thật có phải như vậy?
Những chữ "明" (Minh) trên bia mộ của Chu Nguyên Chương đều được viết khác với cách thông thường. (Ảnh: Baidu)
Theo những ghi chép trong sử sách, trong chuyến Nam tuần của mình, Khang Hi đã ghé qua Nam Kinh và chủ động tới thăm lăng mộ của Chu Nguyên Chương. Thậm chí, Khang Hi còn thực hiện nghi lễ "tam quỳ, cửu khấu" (3 quỳ, 9 dập đầu - nghi lễ trang trọng nhất chỉ dùng trong lúc bái lạy đấng quân vương hoặc thần linh) trước mộ của Chu Nguyên Chương.
Sau chuyến ghé thăm này, mọi người bắt đầu đồn đại rằng chữ "Minh" trên bia mộ của Chu Nguyên Chương đã được sửa lại. Trong dân gian lan truyền 1 câu chuyện là Khang Hi nghe lời khuyên của 1 đạo sĩ nên đã thêm 1 nét ngang trong bộ Nhật "日" thuộc chữ Minh thành bộ Mục "目". Mục đích của việc này là để trấn áp hoàn toàn những vinh hiển cũng như những suy nghĩ làm phản của các tàn dư nhà Minh.
Thậm chí sau khi chữ "Minh" trên bia mộ của Chu Nguyên Chương bị sửa, nhiều văn sĩ lúc bấy giờ còn không dám đưa chữ này vào các tác phẩm của mình. Họ làm như vậy là để đảm bảo rằng nếu triều đình đột ngột tra soát các tác phẩm của mình sẽ không vì cách viết khác biệt mà vin cớ xử tội.
Tuy nhiên, các nhà sử học thời hiện đại sau khi nghiên cứu và đối chiếu với sử liệu đã minh oan cho hoàng đế Khang Hi. Họ đã căn cứ vào thời gian 2 chữ "Minh" trên bia mộ được sửa lại để nhận định rằng việc cố tình viết sai này hoàn toàn không liên quan gì tới hoàng đế Khang Hi.
Chữ "明" (Minh) được thể hiện bằng 2 cách viết trên các văn bản được lưu lại. (Ảnh: Baidu)
Thực tế là thời điểm gần nhất mà 2 chữ "Minh" trên bia mộ của Chu Nguyên Chương được sửa là năm 1961. Những chữ viết trên bia mộ được viết bởi nhà thư pháp Võ Trung Kỳ. Thế nhưng, tại sao các nhà quản lý lăng mộ cũng như nhà thư pháp nọ vẫn tiếp tục giữ lại cách viết sai của chữ "Minh" trước đó? Phải chăng họ đã biết được gì đó phía sau nên mới làm như vậy?
Dựa trên cuốn "Can Lộc tự thư" của Nhan Nguyên Tôn, thừa tướng thời nhà Đường, các nhà sử học đã tìm thấy chữ "Minh" được viết với bộ "目" thay vì bộ"日" như thông thường. Thậm chí, chữ "Minh" được viết theo cách khác còn được lưu hành như một ký tự chính thống.
Chữ "Minh" có bộ "目" phía trước còn được thể hiện dưới nhiều phong cách viết thư pháp khác nhau. Đồng thời, nó còn được sử dụng rất nhiều trên một số loại bia ký và văn án. Mãi tới sau này, khi chữ Hán được thống nhất cách dùng, cách viết, chữ "Minh" với bộ "目" đã không còn được sử dụng nữa. Điều này đã khiến cho nhiều người cho rằng chữ "Minh" vốn chỉ có 1 cách viết duy nhất. Từ đây, cũng có thể thấy, lời đồn Khang Hi cố tình sửa chữ "Minh" trên bia mộ của Chu Nguyên Chương là hoàn toàn sai sự thật.
Nguyệt Phạm / Theo: Soha
Link tham khảo: