Saturday, August 11, 2018

NHẬU MÀ KHÔNG BỆNH MỚI HAY

Bài post hôm nay của BS. Hoàng, cái tựa nghe là khoái rồi, tôi cũng thuộc loại dân nhậu và đã bị bệnh gout mà đến bây giờ mới biết chắc hơi trễ. Có một người bạn quen lâu năm, năm nay đã hơn 70, anh ấy rất thích nhậu và mỗi khi uống là cũng gần tới bến vậy mà anh ta ít bệnh và gần như mấy chục năm không có thời gian rảnh đi khám bác sĩ hay thử tình trạng sức khỏe mặc dù ở Úc đi khám bệnh khỏi trả tiền.


Có lẽ anh chẳng dám đi khám tổng quát vì sợ ? Người nhà nói quá, anh chấp nhận đi khám tổng quát, thử máu, thử mọi thứ và BS kết luận sức khỏe anh rất tốt. Anh khoái quá và khoe với mọi người: bắt đầu từ bây giờ anh đã có "Licence to Drink".
Tôi hỏi anh do đâu mà tốt như vậy. Anh nói thường khi mỗi tuần nấu nước mát uống, hoặc uống rau má, có lẽ nhờ thế làm mát gan và xổ mọi chất độc ra ngoài. Chắc đúng vì bài viết hôm nay cũng có một ý nghĩ như vậy tức là "xổ độc".(LKH)

NHẬU MÀ KHÔNG BỆNH MỚI HAY

Không ít bệnh nhân, sau khi xét nghiệm cho thấy gan nhiễm mỡ gần hết do bị hủy hoại bởi độ cồn, thường tìm cách chống chế với lý do phải uống vì… nghề nghiệp! Nhiều bệnh nhân thuộc nhóm “không cụng không về” còn hồn nhiên hơn nữa với câu hỏi liệu có cách nào uống rượu mà vẫn tránh được tình trạng da già trước tuổi, gan bệnh trước người? Cứ như rượu uống vào rồi rượu ngoan ngoãn một đi không trở lại.


Khỏi nói dông dài thì ai cũng hiểu là đã uống rượu, kể cả bia, vì với nhiều người thuộc nhóm “quắc cần câu là chuyện bình thường” thì bia khác với rượu, ắt khó tránh tác hại, không sứt cũng mẻ đâu đó. Nói một cách tương đối, nếu phải chén chú chén anh để cả anh lẫn chú đều vui, thì khéo hay vụng chỉ ở chỗ làm sao để tuy vướng vào vòng túy lúy nhưng chỉ bị thương… nhẹ!
Rượu bia, phải nói chung như thế để tránh đối xử phân biệt, sở dĩ gây hại trên gan, thận, thần kinh, da… là do độ cồn trong rượu. Độ cồn càng cao, càng bất lợi cho sức khỏe, chưa kể đến chuyện trật vuột trong phong cách ứng xử vì say xỉn. Đế đúng là hại hơn bia, nếu cùng liều lượng. Nhưng nướng trọn két bia thì cũng không thua gì xị đế. Như thế, người tuy ít khi uống nhưng hễ uống thì “chơi tới bến” lại dễ là miếng mồi ngon của rượu bia hơn người tuy ngày nào cũng uống nhưng chỉ lai rai đúng nghĩa ba sợi cho vui.


Uống theo kiểu nào cũng thế, muốn giảm thiểu mức độ tai hại của rượu bia, nói chung, có ba cách cơ bản:
• Trì hoãn tiến độ hấp thu rượu vào máu bằng cách vừa uống vừa ăn, đừng chỉ uống mà không ăn. Chính nhờ tác dụng lót đường của thức ăn mà một phần độc chất trong rượu được kéo ra ngoài theo đường tiêu hóa, phần còn lại vào máu với vận tốc chậm rãi hơn nên lá gan có đủ thời giờ đối phó.
• Pha loãng độ cồn trong máu để giảm bớt gánh nặng cho lá gan bằng uống nhiều nước, càng nhiều càng tốt, ngay trong bữa nhậu, nếu khả thi, hay ngay sau bữa nhậu. Nếu được nước khoáng loại có nhiều kali càng hay để mượn tác dụng lợi tiểu của khoáng tố này mà giả từ độ cồn.
• Giải độc tức khắc cho cơ thể bằng cách xông hơi, hay sauna sau bữa nhậu quá tay. Khéo hơn nữa là giải độc định kỳ cho cơ thể bằng cách áp dụng, chẳng hạn 10 ngày liên tục trong mỗi tháng, với các loại trà dược thảo có công năng hỗ trợ chức năng giải độc của gan, thận, ruột như linh chi, atixô, nhàu…


Cả 3 mẹo vặt nêu trên tuy vậy vẫn là hạ sách. Cách hay nhất vẫn là cố gắng gom góp hết nghị lực để nói không với rượu bia cho thường. Nếu không được thì chỉ còn cách tìm đến thầy thuốc khi vừa phát hiện triệu chứng ngộ độc rượu như mất ngủ, đau nhức, rối loạn hành vi… để chạy thuốc trước khi xơ gan. Khi đó chỉ mong thầy thuốc đừng… xỉn!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng

No comments: