Saturday, August 31, 2019

CÔNG CHÚA THÁI LAN

Công chúa đương triều Thái Lan: 5 tuổi thất sủng bị đày sang Anh Quốc đến ngày trở về vinh quang

Hiện giờ tuy đã là thế kỷ 21, nhưng không ít quốc gia trên thế giới vẫn còn duy trì nền quân chủ lập hiến.


Trong số các nước còn duy trì nền quân chủ lập hiến thì phải kể đến đất nước ở gần chúng ta nhất, Thái Lan. Chỉ mới vài tháng trước, trong ngày đăng cơ trọng đại của đức vua Thái Lan vua Rama X, đất nước này đã tổ chức một buổi lễ vô cùng hoành tráng, với các nghi lễ cực kì rắc rối và phức tạp. Trong ngày này, hầu hết các thành viên trong hoàng gia Thái Lan đều góp mặt chúc mừng.

Trong đó có cả công chúa Sirivannavari Nariratana, hay còn được gọi với cái tên thân mật là công chúa Siri.


Công chúa Siri ra đời vào năm 1987, lúc này cha cô vẫn còn là thái tử, tuy thân là công chúa, nhưng cô có một tuổi thơ khá là trắc trở, mà nguyên nhân đến từ tình cảm giữa cha mẹ cô.


Trước khi cưới mẹ cô (nữ diễn viên Sujarinee Vivacharawongse), thái tử đã có một người vợ trước, nhưng đó là một cuộc hôn nhân chính trị, người vợ này là thành viên hoàng tộc và là cháu gái của hoàng hậu đương thời.

Sau khi tình cảm giữa hai người tan vỡ, thái tử lập tức qua lại với Sujarinee, cả hai có tổng cộng bốn con trai và một con gái, thế nhưng lúc này Sujarinee vẫn chưa có bất kì thân phận nào. Cho đến tận năm 1994, cả hai mới được hoàng gia Thái Lan chúc phúc và cử hành đám cưới.


Tuy nhiên 2 năm sau đó, Sujarinee và năm đứa con của mình đã bị lưu đày đến Anh quốc. Để giải thích cho hành động này, hoàng gia Thái Lan tuyên bố Sujarinee phạm tội thất trinh. Cả bốn đứa con trai của Sujarinee đều bị tước đoạt danh hiệu tất cả các đặc quyền của vương thất.

Bất ngờ là sau một thời gian sống ở Anh, công chúa Siri thì lại được ưu ái đón từ Anh về Băng Cốc, cô cũng hoàn thành chương trình trung học và đại học của mình ở Thái Lan. Nhiều nguồn tin cho rằng hoàng gia Thái Lan từng được báo rằng mạng công chúa rất tốt cho hoàng gia, nên phải giữ công chúa lại.


Có lẽ trải qua nhiều truân chuyên khi còn nhỏ nên công chúa Siri sớm đã tỏ ra là một cô gái rất độc lập, không chỉ vậy, cô còn thông minh hiếu học, cô biết cưỡi ngựa và thường xuyên tham gia các trận thi đấu trong ngoài nước. Khi rảnh rỗi cô còn thường đến các trường đua ngựa cổ động cho các vận động viên.


Ngoài ra cô còn chơi cầu lông rất giỏi, Vào năm 2005, trong đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á cô từng giành được huy chương vàng trong hạng mục này. Năm 2016, giải cầu lông Thailand Masters hay còn được biết đến dưới tên The Princess Sirivannavari Thailand Masters được tổ chức, và trở thành một trong những giải có giá trị nhất trong khuôn khổ giải The BWF Grand Prix.


Thời đại học công chúa Siri theo học chuyên ngành mỹ thuật tạo hình và ứng dụng nghệ thuật ở trường đại học Chulalongkorn, chính vì thế sau khi tốt nghiệp cô đã nảy ý định dấn thân vào con đường thiết kế thời trang. Và hiển nhiên, đây không phải chỉ là lời nói suông.


Là một trong những tiểu thư quý tộc nổi tiếng và giàu có nhất Châu Á, công chúa Siri là gương mặt quen thuộc trong các tuần lễ thời trang trên thế giới, năm 2007, cô từng được Pierre Balmain, mời đến Paris tham gia tuần lễ thời trang. Một năm sau, cô mang theo thương hiệu thời trang của mình mở màn cho tuần lễ thời trang xuân hạ ở Paris.

Hàng năm thương hiệu thời trang của cô còn tổ chức những buổi biểu diễn thời trang khác trong nước.



Nhìn có vẻ cuộc sống của công chúa Siri không khác gì các quý cô giàu có khác, tuy nhiên trên thực tế thì với một đất nước tuân thủ lễ tiết nghiêm túc như ở Thái Lan, mọi chuyện không chỉ đơn giản có thể.

Điển hình như khi quốc vương Thái Lan sắc phong Hoàng hậu, đã phải thực hiện đại lễ tam quỳ cửu bái (Quỳ xuống ba lần, mỗi lần bái ba bái), Hoàng hậu đã phải quỳ sụp xuống dưới chân quốc vương Thái Lan để thực hiện nghi lễ lên ngôi.


Những lễ nghi khắt khe này cũng được thực thi trên người công chúa Siri, bất kì ai khi muốn chụp hình chung với công chúa, đều phải quỳ xuống. Dù đối phương có là minh tinh điện ảnh hay là trùm thương nghiệp, cũng phải tuân theo quy định này.


Đây là một lễ nghi bày tỏ sự tôn trọng dành cho các thành viên hoàng gia Thái Lan từ thời cổ đại, được giữ gìn tới tận bây giờ. Đương nhiên đây chỉ là phong tục và truyền thống của đất nước này, không hề liên quan tới danh dự hay tự cách đạo đức gì cả.



Việc tôn trọng phong tục cũng như tín ngưỡng tôn giáo của một đất nước khác không phải chuyện gì đáng trách, ở góc độ nào nó mà nói, nó có thể giúp quan hệ giữa người và người trở nên thoải mái, hoà hợp hơn.


Trong một bữa tiệc từ thiện, Lý Liên Kiệt cũng từng quỳ một gối hôn tay công chúa, để cảm ơn sự trợ giúp của công chúa. Điều này từng bị các cư dân mạng cũng như truyền thông Trung Quốc chê bai và cho rằng Lý Liên Kiệt khúm núm làm mất mặt người Trung Quốc.

Thanh Yên
Nguồn bài: kknews
Link tham khảo:
https://en.wikipedia.org/wiki/Sirivannavari


LÝ DO CHỨC NỮ KHÔNG GẶP NGƯU LANG

Gần hết tháng Bảy rồi mà Chức Nữ vẫn chưa gặp Ngưu Lang.

Bực bội, Chức Nữ móc điện thoại gọi người tình:

- Chàng hỡi, quá hẹn đã lâu rồi mà sao chửa thấy mặt chàng? Để thiếp chờ mòn mỏi đây nè!


Đầu dây bên kia Chàng Ngưu lúng túng một hồi mới đáp:

- À... Ừ... nàng thông cảm... ta không dám sang gặp nàng vì mới có một phát hiện quan trọng!

Chức Nữ sốt ruột:

- Là chuyện gì, chàng nói lẹ lên!

- À... Ừ... số là chuyện tình chúng ta được xây dựng trên cổ tích Trung Hoa, nghĩa là cây cầu chúng ta thường đi qua mỗi năm để hội ngộ tất nhiên được xây bằng công nghệ Trung Quốc. Mấy ngàn năm qua ta không để ý chuyện này, nhưng tới nay khi nghe dưới kia râm ran phàn nàn chuyện chất lượng và tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng xây bằng công nghệ tương tự thì ta đâm hoảng: có bao giờ lần này ta đi qua thì cầu... tự dưng hết tuổi thọ?

Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ

Chức Nữ tấm tức:

- Tưởng chuyện gì! Thế thì mình bỏ cây cũ đi, huy động vốn xây cầu mới theo hình thức BOT!

Ngưu Lang ngẫm nghĩ một hồi rồi gật đầu:

- OK, nàng nói chí phải! Chỉ có điều... nên đặt tên trạm thu của con đường BOT ấy là chi?

Cả hai sôi nổi bàn cãi cháy cả sim điện thoại từ “thu phí” sang “thu giá”, “thu phí”, “thu tiền”, thậm chí cả “thu tình” rồi quay lại “thu phí”, đến hồi quyết định xong thì đã hết tháng Bảy!

Người Già Chuyện
Nguồn: Người Đô Thị Online

Friday, August 30, 2019

CHỒNG CON GÌ ĐÂU YẾU XÌU...


Có năm bà vợ đang ngồi rù rì với nhau ..

Bà Thuốc khoe: Chồng tớ có lên có xuống …

Bà Gaz: Chồng tui cũng vậy lên xuống thất thường .

Bà Xăng: Chồng tui cũng vậy. Nhưng đỡ hơn mấy bà là lên mạnh, nhưng xuống nhẹ.,,

Bà Nước: Chồng em ít lên nhưng ổn định lâu dài …

Bà Điện: Chỉ có chồng tui là ngon nhất, lên mạnh, nhưng quyết tâm là không xuống, dù ai nói ngã nói nghiêng, chồng tui vẫn quyết như kiềng ba chân ha! ha ….

Bổng bà Lương ở đâu lù lù đi tới giọng thiểu não: Chồng tui thì tệ nhất… dù tui năn nỉ ỉ ôi, thậm chí van xin vẫn nhất quyết không chịu lên, tới chừng tôi phân trần chồng con người ta có lên, có xuống, thậm chí anh Nước lên, anh Điện lên mạnh rồi nằm ì luôn, thằng chả mới miễn cưỡng trườn lên có chút xíu rồi nằm im.hỏng có nhúc nhích, cục cựa gì cả. Chồng con gì đâu mà chậm chạp yếu xìu, chán như con gián…

NĂM THỜI SỰ
Saigon 22/04/2019

THẾ GIỚI ĐƠN GIẢN KHI BẠN ĐƠN GIẢN

Xã hội vốn dĩ không phức tạp, chỉ là đạo đức con người đang trượt dốc, khiến con người trở nên phức tạp mà thôi. Người có trí huệ có thể nhận rõ bản chất và điều cốt yếu của con người, sự vật, và đối diện với nó bằng đại thiện niệm.


Người sạch sẽ thì ưa sạch sẽ, người vẩn đục lại thường nghĩ đến những điều vẩn đục. Thẩm mỹ quan của thế giới xưa nay cũng không hề phức tạp, chỉ là quan niệm của con người không chính, mới khiến thế giới này trở nên ngầu đục mà thôi.

Mâu thuẫn lớn nhất trong nhân tính là dẫu bản tính hướng thiện, nhưng cái thiện đó lại dễ bị mai một trong xã hội, nên có thể vì chút tư lợi mà hành sự bất chấp mọi thủ đoạn. Vậy nên tâm lý con người là khó nắm bắt nhất.

Những nhà tâm lý học hàng đầu thế giới giải mã tâm lý con người như sau:

Sigmund Freud

Ông là nhà tâm thần học, tâm lý học người Áo, người sáng lập thuyết phân tâm học. Ông đã sáng tạo ra một lĩnh vực mới nghiên cứu về tiềm ý thức, thúc đẩy động lực phát triển của tâm lý học, tâm lý cá tính và tâm lý học bất thường. Ông còn đặt định nền tảng mới cho môn thức y học hiện đại, cung cấp chỗ dựa vững chắc cho lý luận quan trọng cho khoa học nhân văn của phương Tây thế kỷ 20.


Cách nhìn nhận về cuộc đời của ông như thế này:

Không hề có thứ gọi là “đùa cợt”, mọi sự đùa cợt đều có thành phần nghiêm túc trong đó.

Không hề có thứ gọi là “lỡ lời”, mọi sự lỡ lời đều là những tiết lộ chân thực của tiềm ý thức.

Những người có tinh thần lành mạnh thường nỗ lực làm việc, yêu thương con người. Chỉ cần có thể làm được hai việc này thì những việc khác chẳng có gì khó khăn.

Đời người như bàn cờ, chỉ cần đi sai một bước thì cả ván cờ đều thua. Đây chính là điều bi ai của con người. Hơn nữa đời người còn chẳng bằng một bàn cờ, vì không thể chơi lại ván sau, cũng chẳng thể đi lại nước cờ cũ.

Không ai là người không có lý trí, con người đều có thể tiếp nhận bằng lý trí.

Đa số con người không thực sự muốn được tự do, vì tự do đều bao hàm trách nhiệm, mà đa số con người lại sợ trách nhiệm.

Lương tâm là một thứ cảm giác trong nội tâm con người, là sự ức chế những mong muốn bất thường nào đó đang dâng lên trong cơ thể của chúng ta.

Thế giới này không có sự ngẫu nhiên, chỉ có điều tất nhiên, những giấc mơ cũng giống như vậy.

Alfred Adler

Ông là nhà tâm thần học, nhà sáng lập tâm lý cá tính người Áo, là người đi tiên phong trong lĩnh vực tâm lý chủ nghĩa nhân văn và là cha đẻ của tâm lý học cá tính hiện đại. Ông từng theo Sigmund Freud, một bác sỹ và là nhà tâm lý học người Áo, khám phá các vấn đề về tâm thần. Nhưng ông cũng là người đầu tiên phản đối Sigmund Freud trong nội bộ học phái phân tâm học.


Ông giải mã về cuộc đời như sau:

Người không có hứng thú với người khác, khổ nạn họ gặp phải trong đời thường sẽ nhiều nhất, họ cũng là người làm tổn thương người khác sâu sắc nhất. Mọi thất bại của nhân loại đều sinh ra bởi kiểu người này.

Dũng khí đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống, có thể nói rõ họ định nghĩa như thế nào về cuộc sống.

Mỗi người chúng ta đều cảm thấy tự ti ở những mức độ khác nhau. Bởi vì chúng ta đều muốn mình trở nên ưu tú hơn, khiến cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn.

Khi một người gặp phải vấn đề không thể giải quyết được nhưng lại tin tưởng chắc chắn rằng mình có thể giải quyết được thì điều này chỉ thể hiện sự tự ti của họ mà thôi.

Thế giới rất đơn thuần, đời người cũng vậy. Không phải là thế giới phức tạp, mà là bạn đã khiến thế giới trở nên phức tạp.

Không có một ai sống trong thế giới khách quan. Chúng ta đều sống trong một thế giới chủ quan mà mỗi người tự định nghĩa.

Carl Gustav Jung

Ông là nhà tâm lý học người Thuỵ Sỹ. Năm 1907 ông bắt đầu hợp tác với Sigmund Freud, bác sỹ và là nhà tâm lý học người Áo, nhằm phát triển và quảng bá học thuyết phân tâm học suốt 6 năm. Sau đó quan niệm của ông và Sigmund Freud có chiều hướng bất hoà nên tách ra ai đi đường nấy. Ông sáng lập nên lý luận phân tâm học Jung. Lý luận và tư tưởng của ông tới nay vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng tới lĩnh vực nghiên cứu tâm lý học.


Lăng kính cuộc đời của ông là:

Một người nỗ lực cả một đời cũng chỉ để chỉnh sửa lại tính cách mà mình đã hình thành từ thuở ấu thơ.

Cô độc không phải vì xung quanh không có người. Nguyên nhân thực sự khiến con người cảm thấy cô độc chính là một người không thể chia sẻ với người khác cảm nhận bức thiết nhất của bản thân.

Phải nhẫn nại trước thế giới tàn khuyết này, cũng đừng đánh giá quá cao sự hoàn mỹ của bản thân.

Việc khắc phục những xung đột mạnh mẽ khiến chúng ta tìm được sự an toàn và trạng thái tĩnh lặng bình ổn, siêu nhiên. Muốn đạt được trạng thái an toàn và tĩnh tại dài lâu về tâm lý, thì điều cần thiết chính là những sự kiện bùng phát đột ngột và mạnh mẽ này.

Những việc thôi thúc tôi chú ý tới người khác đều có thể khiến tôi thấu hiểu bản thân mình hơn.

Số ngày và số đêm trong một năm là như nhau, thời gian cũng dài như nhau. Dẫu bạn sống hạnh phúc thế nào thì cũng sẽ có những vệt đen. Không có “nỗi bi ai” để cân bằng, thì từ “hạnh phúc” này sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Nhẫn nại và điềm tĩnh tiếp nhận sự thay đổi của mọi chuyện trên đời là đạo xử thế tốt nhất.

Sức sáng tạo không đến từ trí thông minh, mà đến từ bản năng chơi đùa thiết yếu bên trong. Một bộ não sáng tạo sẽ thích trêu đùa với thứ mình yêu thương nhất.

Với bất kỳ sự vật nào, muốn thay đổi nó trước tiên hãy chấp nhận nó. Truy cứu trách nhiệm thì chẳng thể giải quyết vấn đề, chỉ có thể mang tới áp lực mà thôi.

Chính cách chúng ta đối đãi với sự vật sẽ quyết định tất cả, chứ không phải bản thân sự vật đó như thế nào.

Thấu hiểu những góc khuất của bản thân là cách tốt nhất để đối đãi với góc khuất của người khác.

Erich Fromm

Ông là người Đức gốc Do Thái mang quốc tịch Mỹ, là nhà triết học chủ nghĩa nhân văn và nhà phân tâm học. Ông đã dốc sức cả đời để sửa đổi thuyết phân tâm học của Sigmund Freud cho phù hợp với trạng thái tinh thần sau chiến tranh thế giới thứ 2 của người phương Tây. Thuyết phân tâm học của ông có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới.


Ông nhìn nhận thế giới như thế này:

Hàng ngày hãy ngồi tĩnh toạ 15 phút, lắng nghe hơi thở của mình, cảm nhận nó, cảm nhận bản thân mình và thử không nghĩ gì cả.

Dục vọng như lòng tham không đáy, dục niệm bất tận sẽ khiến những người nỗ lực nhất cũng phải kiệt quệ tinh thần.

Trên thế giới này, lương tâm còn lớn hơn cả thiên tài.

Điều quan trọng nhất là học cách sống đơn độc một mình, không đọc sách, không nghe đài, không hút thuốc, không uống rượu. Khả năng tập trung thể hiện ở việc có thể sống đơn độc hay không. Năng lực này lại là một điều kiện giúp con người học được cách yêu thương.

Nếu mọi nguyện vọng mang tính bản năng đều được toại nguyện thì đó không phải là nền tảng của hạnh phúc, cũng không thể đảm bảo sự lành mạnh tối thiếu trong tinh thần của con người.

Cho đi là giàu có. Không phải người có nhiều tiền tài mới là người giàu sang, mà người cho đi càng nhiều mới thực sự đủ đầy nhất.

Cuộc sống của người hiện đại thường ở trong một cảm giác sai lầm như thế này: Họ dường như rất minh bạch về những gì mình theo đuổi. Nhưng thực tế điều họ theo đuổi, chỉ là thứ mà người khác kỳ vọng họ theo đuổi mà thôi.

Con người đều sống trong ảo giác, tự cho rằng mình thấu hiểu những gì mình mong muốn. Trên thực tế những điều họ mong muốn lại là những thứ người khác hy vọng họ có được.

Khi đạo đức của con người thăng hoa trở lại, hoàn cảnh xã hội sẽ cải biến theo sự thay đổi của nhân loại. Nếu bạn đơn giản thì thế giới sẽ trở nên đơn giản, nếu bạn phức tạp thế giới sẽ phức tạp giống bạn.

Theo Sound of Hope
Thiên Cầm biên dịch

Thursday, August 29, 2019

KỲ VĨ HOÀNH SƠN QUAN

“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”

Năm 1558, sau khi Nguyễn Kim bị đầu độc, Nguyễn Hoàng - con trai của Nguyễn Kim sợ anh rể là Trịnh Kiểm ám hại đã đến hỏi Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm kế sách dung thân. Bỉnh Khiêm không đáp mà chỉ vào non bộ trước sân nhà, ngâm câu thơ "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân"*Hoành Sơn Quan qua góc nhìn nghệ thuật

Hoành Sơn Quan qua góc nhìn nghệ thuật

Xuôi theo Quốc lộ 1A qua địa phận Hà Tĩnh, cảnh sắc thay đổi đột ngột bởi một dãy núi cao cắt ngang hình thái địa lý bằng phẳng và xuôi chiều theo hướng Bắc - Nam vốn rất quen thuộc ở vùng đất duyên hải Bắc Trung bộ.

Hoành Sơn (dãy núi Ngang ) nằm phía nam huyện Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh),dài 50 km, chạy từ dãy Trường Sơn ở phía tây ra Biển Đông. Đỉnh cao nhất trong dãy núi có độ cao tuyệt đối là 1044m. Xưa nó là biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia cổ Việt - Chiêm, nay là địa giới hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình. Khối núi này chiếm diện tích 1.500 km2, kéo dài từ phía tây Vọng Liệu, Kỳ Anh - Tuyên Hoá, Quảng Bình đến mút phía đông là mũi Đao, mũi Độc (Kỳ Nam). Núi chỉ có độ cao trung bình 400m, nhưng cũng có đỉnh cao tới 646m (như Động Nậy), hoặc 823m (ngọn Ba Cốc)

Ảnh: Instagram

Hoành Sơn cũng là biên giới khí hậu bắc - nam. Phía Hà Tĩnh, mùa đông có gió mùa đông bắc mạnh, còn mùa hè gió Lào dữ dội, lượng mưa rất lớn 3.000 mm/năm. Trong khi đó, Quảng Bình chỉ cách 10km mà gió mùa rất yếu...Do điều kiện khí hậu, cây cỏ phát triển nhanh và mạnh. Ngày xưa toàn bộ dãy Hoành Sơn bao phủ một thảm thực vật dày đặc, những cánh rừng bạt ngàn. Dưới lớp rừng ấy là đủ loại động vật quý: voi, hổ, tê, ngựa, hươu, nai, gà lôi, công, trăn, rắn,.. "nhưng qua thời gian rừng đã bị tàn phá, khai thác, bây giờ chỉ còn lại lau và cây bụi khô cằn, mọc trên đất đỏ vàng, che lấp những miếu nhỏ, những thành lũy đổ nát ngày xưa còn lại" (Thiên nhiên Việt Nam - SĐD).Ngày nay, những rừng thông, rừng gỗ mới trồng đã bắt đầu trải màu xanh trên mái núi.

Đường lên Hoành Sơn Quan

Sử sách còn ghi, năm 1833 vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang, cửa cao 4 m, hai bên có thành dài 30 m, ở trên cổng đắp nổi ba chữ “Hoành Sơn quan”. Mở về hai phía, có 1.000 bậc thang lên xuống do thợ xẻ núi tạo thành. Khách bộ hành qua lại bằng lối này và thuộc nằm lòng câu ca: “Trèo đèo hai mái chân vân/ Lòng về Hà Tĩnh, dạ ân Quảng Bình”. Đứng ở đây nhìn về Quảng Bình hay Hà Tĩnh đều chiêm ngưỡng được nhiều cảnh đẹp, khiến lòng bồi hồi khó tả.

Nếu so với những tường thành khác trên dọc dài bắc nam như Hải Vân, đèo Cả thì có thể nói độ lớn và hùng vĩ của Hoành Sơn không thể sánh bằng. Nhưng đèo Ngang có những mạch nguồn cảm xúc độc đáo và đi vào thơ ca bởi những danh sĩ tài hoa như Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Vũ Tông Phan, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Bà huyện Thanh Quan... Trong đó, nhiều người biết đến tuyệt phẩm “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan với những câu thơ quen thuộc: “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà/Cỏ cây chen đá, lá chen hoa…”.

Du khách thích thú chụp hình lưu niệm trước Hoành Sơn cổ kính

Nằm trên biên giới Việt - Chiêm thời xa xưa rồi thời phân tranh Trịnh - Nguyễn, và sau này là vị trí quân sự hiểm yếu, Hoành Sơn luôn luôn là đất chiến địa, đất của gươm đao, súng đạn. Suốt trong quá trình lịch sử, cho đến những ngày chống Mỹ, ở đây không mấy buổi được yên. Huyền thoại về công chúa Liễu Hạnh cũng dựng lên hình ảnh cuộc đấu giữa bà chúa Liễu với Bát bộ kim cang...Nhưng luôn luôn Hoành Sơn vẫn là một danh thắng nhất nhì ở Nghệ - Tĩnh, với cảnh đèo Ngang kỳ tuyệt, với "luỹ cổ Lâm Ấp" đồ sộ, với cửa quan Hoành Sơn, với bảo Thống Lĩnh (Xuân Sơn) Phạm Quý Thích (1760 - 1825) có câu thơ về cảnh thiên nhiên bao la (TKĐ dịch):

"Cát trắng mênh mông, mây cát sôi Ngàn xanh thăm thẳm, bể xanh trôi..."

Và cụ Nghè Huỳnh Thúc Kháng (1876- 1947) cũng có bài thơ "Qua núi Hoành Sơn" với mấy câu :

"... Một đường xe điện dừng không đứng, Hai cánh rừng cây dậy muỗi bay. Thử hỏi nghìn năm hồn nước cũ Hồng Lam danh thắng vẫn xưa nay"

Góc nhìn từ Hoành Sơn Quan

Thỏa thuê dạo bước Hoành Sơn, trải nghiệm một cung đường đèo Ngang đẹp như tranh thủy mạc, mãn nhãn với thiên nhiên thủy tú. Dù chia tay cung đèo để vào Nam hay ra Bắc thì ở cả hai phía chân đèo đều có những bãi biển nhỏ nhắn, xinh đẹp và xanh mát. Dưới chân dãy Hoành Sơn về phía Bắc có bãi tắm Đèo Con sạch đẹp, bãi cát dài thoai thoải, mát mẻ và kín gió, những ngọn núi với hình thế đặc biệt như núi Cao Vọng, núi Ô Tôn, núi Bàn Độ, Vũng Áng tạo nên quần thể danh thắng mang một vẻ đẹp riêng không kém phần hấp dẫn.

Những bãi tắm nhỏ, hoang sơ cùng rất nhiều món đặc sản biển tươi nguyên hấp dẫn sẽ là nơi dừng chân lý tưởng cho những du khách dừng chân nơi đây.

*: Theo sử sách, câu nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn dĩ là: “Hoành Sơn nhất đaí, khả dĩ dung thân”, nhưng nhà Nguyễn muốn tỏ ý thiên mệnh là vua của mình nên đổi thành “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”

Nguồn: Việt Nam sử kí 
Biên tập: Thu Hiền


ADIDAS VÀ PUMA: HAI THƯƠNG HIỆU, MỘT MỐI THÙ

Thị trấn Herzogenaurach tại Đức có dân số khoảng 22.000 người, nằm bên bờ sông Aurach, cách trung tâm thành phố Nuremberg khoảng 23 km. Herzogenaurach không có gì khác thường so với mọi thị trấn nhỏ khác ở Đức ngoại trừ một điểm.

Anh em Adolf (bên trái) và Rudolph Dassler.

Nơi đây là “chiến trường” giữa hai thương hiệu thể thao danh tiếng nhất thế giới: Adidas và Puma.

Hai công ty trên thù ghét nhau không phải vì muốn giành giật thị trường như các cặp “kỳ phùng địch thủ” Coca Cola với Pepsi hay Apple với Microsoft. Ngọn lửa hận thù ngùn ngụt cháy giữa Adidas và Puma hoàn toàn xuất phát từ chuyện nội bộ của một gia đình, thậm chí còn gây chia tách thị trấn Herzogenaurach trong suốt 60 năm.

“Sự chia rẽ giữa hai anh em nhà Dassler đối với thị trấn Herzogenaurach như thể việc xây một Bức tường Berlin bao quanh thủ đô nước Đức”, nhà báo địa phương Rolf-Herbert Peters cho hay. Có điều là Bức tường Berlin đã sụp đổ năm 1989 thì ngày nay khi khách lạ tới thăm Herzogenaurach vẫn sẽ cảm thấy không khí đối đầu giữa Adidas và Puma còn hiện hữu.

Tình anh em rạn nứt

Những năm 1920, hai anh em ruột Adolf Dassler (tên thường gọi là Adi) và Rudolph Dassler (tên thường gọi là Rudi) đã cùng mở công ty giày thể thao Anh em Dassler, kinh doanh bên ngoài căn phòng giặt là của gia đình tại thị trấn Herzogenaurach. Adi là một thợ thủ công tài năng, trầm tính, chịu trách nhiệm thiết kế và sản xuất giày. Còn người em Rudi lại là một tay bán hàng năng nổ. Hai anh em nhà Dassler đã tạo nên một cặp bài trùng ăn ý giúp công việc kinh doanh tiến bước thuận lợi. Mặc dù cả hai đã gia nhập đảng phát xít khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, nhưng điều này vẫn không ngăn cản các ngôi sao trên thế giới chọn lựa giày thể thao của họ. Việc huyền thoại điền kinh người Mỹ gốc Phi Jesse Owens đi giày của họ trong kỳ thi đấu Olympics 1936 và giành bốn huy chương vàng đã khiến sản phẩm giày của anh em nhà Dassler được cả thế giới biết tới. Doanh thu của họ kể từ đó đã bùng nổ thực sự.

Jesse Owens đã giành 4 chiếc huy chương vàng trong khi mang giày của anh em Dassler.


Thế nhưng, đúng lúc công việc kinh doanh đang trên thời kỳ đỉnh cao thì giữa anh em họ đã xuất hiện những vết rạn nứt khó dung hòa. Người dân thị trấn tin rằng lý do khiến Adi và Rudi từ mặt nhau là do hai bà vợ không hòa hợp. Cũng có người lại cho rằng Rudi đã quan hệ vụng trộm với Kathe, vợ của anh trai, và điều này khiến Adi không thể nào tha thứ.

Người ta còn đồn rằng anh em họ thường xuyên tranh cãi nhau ai là người nhiệt huyết với đảng phát xít hơn, hay như ai mới là người thực sự phát minh ra đôi giày đinh đã giúp đội tuyển bóng đá quốc gia Đức bảo toàn ngôi vô địch World Cup trước đối thủ Hungary năm 1954. Trong một lần quân Đồng minh ném bom để tiêu diệt quân phát xít tại thị trấn Herzogenaurach, Adi và vợ đã nhảy xuống một hầm trú bom, nơi hai vợ chồng Rudi đã có mặt từ trước. “Những kẻ khốn kiếp, bẩn thỉu này đã quay trở lại”, Adi thốt lên tục tĩu về quân Đồng minh nhưng Rudi lại tin rằng anh trai đã ám chỉ tới ông và gia đình mình. Mối xích mích giữa Adi và Rudi trong thời gian sau đó đã trở nên không thể cứu vãn được nữa.

Khi Rudi bị gọi nhập ngũ, ông nghi ngờ đây chính là kế hoạch của anh trai mình, muốn tống khứ ông ra chiến trường để tiện đường làm ăn. Tiếp đến, lần Rudi bị phạt vì bỏ gác và lần bị quân Đồng minh bắt giữ vì tình nghi làm việc trong cơ quan tình báo của phát xít Đức Gestapo, ông đều tin rằng Adi đã nhúng tay vào. Nghi vấn của Rudi đã được một quan chức điều tra Mỹ xác nhận lại. Trong thời gian Rudi phải ngồi trại tù nhân chiến tranh thì Adi đã gây dựng lại chuyện kinh doanh, bắt đầu bán giày cho lính Mỹ sang Đức tham chiến.

Bức tượng của Adolf Dassler

Năm 1948, khi Chiến tranh Thế giới thứ hai đã kết thúc, anh em nhà Dassler chính thức giải thể công ty sau 25 năm làm ăn chung. Họ chia đôi toàn bộ tài sản cùng với đội ngũ công nhân. Adi lập công ty riêng có tên Adidas, ghép từ tên và họ của mình. Còn Rudi lập ra Ruda nhưng cuối cùng đã đổi thành Puma (loài báo sư tử) để nghe oai vệ hơn. Hai trụ sở mới này nằm đối diện nhau, chỉ cách nhau dòng sông Aurach.

Mối hận thù giữa hai em Dassler không chỉ chia rẽ gia đình họ mà còn khiến cả thị trấn bị tách đôi làm hai phe. Gần như toàn bộ cư dân Herzogenaurach đều làm trong nhà máy giày Adidas hoặc Puma nên cũng mang tư tưởng ghen ghét nhau. Các quán rượu, quầy thịt, thậm chí đến người khắc bia mộ cũng chia làm hai phe đối địch. Họ cũng đặt ra những điều lệ kỳ cục: nếu bạn làm việc cho Puma, bạn không được nói chuyện với người của công ty Adidas hay như nếu gia đình bạn làm việc tại Adidas, bạn không được phép kết hôn với người làm cho Puma… Herzogenaurach vì thế mà còn có tên gọi “thị trấn cổ cong” khi người dân phải nhìn đôi giày mà một người đang đi để xem nó thuộc hãng nào để quyết định có nói chuyện với người đó hay không.


Sau khi quyết định đường ai nấy đi, hai người đàn ông muốn sản phẩm của họ phải thật khác biệt. Adi quyết định khâu ba đường sọc thẳng lên giày khiến sản phẩm Adidas được cứng cáp hơn, trong khi Rudi lại chọn biểu tượng con báo đang nhảy vọt lên cho Puma. Rudi có đội nhân viên bán hàng tài năng và có chiến lược quảng cáo sản phẩm tốt hơn thì Adi lại nắm trong tay kỹ thuật đóng giày và có quan hệ thân thiết với các vận động viên. Thực tế thì Adi đã chiến thắng với công ty riêng có quy mô lớn hơn Puma nhiều lần. Adidas có 39.000 nhân viên trong khi Puma chỉ có số lẻ 9.000 người.

Mối thù ghét giữa hai công ty Adidas và Puma được kết thúc bằng một trận đấu bóng.

Tuy nhiên, bởi vì quá bận tâm vào việc kèn cựa lẫn nhau nên cả Adidas và Puma đã bỏ quên mối đe dọa từ Hãng Nike của Mỹ, đang vươn lên thống trị thị trường giày thể thao.

Anh em nhà Dassler lần lượt qua đời trong thập niên 1970. Họ được chôn tại cùng nghĩa trang nhưng ở tận hai đầu khuôn viên cách xa nhau. Có tin đồn cho rằng, sáu tháng trước khi ông Rudi qua đời năm 1974, hai anh em đã bí mật gặp nhau một lần, nhưng cuộc gặp bị giấu kín vì không muốn làm ảnh hưởng tới chuyện kinh doanh. Mối hận thù giữa Adi và Rudi vẫn được con cháu “thừa kế” mãi cho tới năm 2009. Năm đó, các công nhân của hai công ty đã nhất trí chấm dứt mối thù hằn kéo dài sáu thập kỷ bằng cách thi đấu một trận bóng hữu nghị.

Nguồn bài: thevintagenews


Wednesday, August 28, 2019

HUYỀN THOẠI TOMOE GOZEN - NỮ SAMURAI LÀM CẢ NƯỚC NHẬT PHẢI KHIẾP SỢ

Tuy đa số những chiến binh tàn bạo nhất trong lịch sử Nhật Bản đều là nam giới, vẫn có những người phụ nữ lật đổ chuẩn mực xã hội và trở thành những nữ chiến binh với tài nghệ xuất chúng. Một ví dụ điển hình là Tomoe Gozen - nữ samurai khét tiếng vào khoảng thế kỷ 12.

Bức họa "Tomoe Gozen xuất trận đồ" thực hiện bởi Shitomi Kangetsu, hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Quốc gia Tokyo.

Câu chuyện về cuộc đời Tomoe Gozen vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng theo nhiều ghi chép lịch sử, bà xinh đẹp tuyệt trần lại càng tinh thông võ nghệ. Sở dĩ cái tên Tomoe Gozen khắc sâu dấu ấn trong lịch sử đến vậy là vì không những là một nữ samurai, bà còn là một chiến binh ưu tú và tàn bạo, khiến bao chiến binh khác phải khiếp sợ.

Nhật Bản vào thời của Tomoe Gozen

Những samurai đầu tiên xuất hiện từ thế kỷ 8, nhưng phải đến thế kỷ 11 thì họ mới thực sự nắm quyền lực. Họ trở thành những chiến binh trung thành với các lãnh chúa (daimyo) lúc này vẫn liên tục tranh chiến. Khoảng năm 1600, samurai mới được công nhận là một tầng lớp xã hội và được hưởng một số đặc quyền, bao gồm quyền được mang hai thanh kiếm bên mình.

Đa số samurai đều là nam giới: cũng như xã hội phương Tây lúc bấy giờ, phụ nữ trong xã hội Nhật Bản xưa đều thường lấy chồng, sinh con, và chăm nom gia sự trong khi chồng mình ra chiến trường - nhưng vợ của samurai lại là ngoại lệ. Những người phụ nữ này phải vừa có học thức vừa đảm việc nhà và bảo vệ được gia đình, một số họ còn giấu những thanh gươm nhỏ bên mình.

Tomoe Gozen đánh bại Uchida Saburo, bức họa được thực hiện bởi Tsukioka Yoshitoshi (1839 - 1892).

Từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19 cũng có những người phụ nữ đã gầy dựng tên tuổi như những nữ chiến binh.

Thật vậy, từ trước khi samurai được công nhận thì đã có những người phụ nữ miệt mài rèn gươm để bảo vệ gia đình mình khỏi các thế lực xâm lăng. Họ được biết đến dưới cái tên Onna-bugeisha (女武芸者; Nữ Võ Vân Giả), đúng nghĩa là "nữ chiến binh".

Thanh kaiken thường được phụ nữ Nhật Bản xưa giấu trong kimono để tự vệ hoặc tự sát. Thời nay, kaiken là một trong những phụ kiện truyền thống được mặc cùng kimono nghi lễ như furisode (kimono dành cho thiếu nữ trẻ chưa chồng) hoặc uchikake (kimono dành cho ngày cưới hoặc diễn kịch).

Onna-bugeisha thường sử dụng những loại vũ khí như kaiken (gươm nhỏ chỉ samurai mới được sử dụng) và naginata (thanh kiếm với phần cán dài và lưỡi kiếm cong dài). Thanh naginata trở thành một biểu tượng gắn liền với onna-bugeisha, vừa là vũ khí vừa là dấu hiệu cho biết họ thuộc tầng lớp chiến binh. Những người con gái thuộc dòng dõi samurai sẽ mang một thanh naginata về nhà chồng, xem như của hồi môn.

Và trong số những nữ chiến binh này có Tomoe Gozen.

Truyền thuyết về Tomoe Gozen

Tuy Tomoe Gozen là một trong số ít nữ chiến binh nổi tiếng nhất Nhật Bản, những câu chuyện về bà đa phần là dựa trên truyền thuyết chứ không phải sự thật lịch sử.

Cũng không chắc rằng đây là tên thật của bà vì lúc bấy giờ, việc dùng tên thật để gọi phụ nữ được xem là thất lễ. "Tomoe" (巴) có thể ám chỉ hoa văn của phần giáp trên vai bà, và "Gozen" (御前) là một dạng kính ngữ cổ dùng để tôn xưng những người phụ nữ có vị thế.

Bức họa "Tomoe Gozen bên bờ sông Yodo", thực hiện bởi Toyohara Chikanobu (1838 - 1912).

Một trong những nguồn thông tin chính về bà là Truyện kể Heike (平家物語; Bình Gia Vật Ngữ) - một tư liệu lịch sử có từ khoảng năm 1240, tổng hợp những lời dân ca, truyện kể, và nhiều văn bản khác nhau để tạo nên một thiên sử thi hoành tráng.

Truyện kể về cuộc chiến giữa hai dòng họ Taira (平), còn được biết dưới cái tên Heike (平家), và dòng họ Minamoto (源; Nguyên). Tomoe là samurai dưới quyền Minamoto no Yoshinaka - một viên tướng thuộc nhà Minamoto.

Tương truyền rằng mẹ Tomoe từng là vú nuôi của viên tướng này, và Tomoe từ một người chị em nuôi đã trở thành một trong những tướng lĩnh trung thành nhất của ông. Tùy vào văn bản lịch sử mà bạn đọc thì sau này bà còn là vợ hoặc thê thiếp của Yoshinaka. Truyện kể rằng bà đã trực tiếp chỉ huy đến 1.000 binh lính.

Tomoe Gozen qua nét vẽ của Kikuchi Yosai (1781 - 1878).

Thực chất thì Tomoe không hẳn là một onna-bugeisha mà là một onna-musha - dùng để chỉ những người phụ nữ trực tiếp ra chiến trường chứ không chỉ bảo vệ nhà cửa gia đình. Và bà không phải là người duy nhất: bằng chứng khảo cổ cho thấy phụ nữ chiếm tỉ lệ không hề nhỏ trong quân đội Nhật Bản lúc bấy giờ.

Theo Truyện kể Heike miêu tả:

Tomoe đặc biệt xinh đẹp, với mái tóc đen dài và nước da trắng trẻo; hơn nữa còn là một người cưỡi ngựa tài ba, nàng trị được ngựa chướng và vượt mọi địa thế hiểm trở. Nàng múa kiếm dương cung chọi nổi quỷ thần, sức địch nghìn quân.

Tuy được lấy tên đặt cho một thanh naginata, tương truyền rằng bà thường hạ địch thủ bằng katana - loại kiếm dài, thẳng thường chỉ được samurai nam sử dụng.

Chiến công Lịch sử

Tuy tướng Yoshinaka lập được nhiều chiến công trong Cuộc chiến Genpei (1180 - 1185) chống lại nhà Taira, vinh quang cộng với tài lãnh đạo kém cỏi của ông đã biến gia tộc Minamoto thành kẻ thù. Năm 1184, quân đội của ông bị tàn sát và khi tháo chạy khỏi thủ đô Kyoto, ông chỉ còn 5 6 binh lính bên mình, trong số đó có Tomoe.

Theo một tư liệu, trong đợt rút lui khỏi kinh đô, Tomoe đã chạm trán với hai tướng quân lừng danh. Viên tướng đầu tiên, Hatakeyama Shigetada, bị Tomoe đánh bại hoàn toàn, đến nỗi ông phải tháo chạy để thanh danh gia tộc mình không bị ô uế bởi việc ông bị giết bởi một phụ nữ. Người thứ hai, Uchida Ieyoshi đã bị bà chém đầu.

Tomoe Gozen nghênh chiến với Uchida Ieyoshi và Hatakeyama no Shigetada. Tranh khắc gỗ của Yōshū Chikanobu, 1899.

Một phiên bản khác của câu chuyện này lại kể rằng khi Yoshinaka, Tomoe, và những chiến binh còn lại chuẩn bị tấn công quân đội của Minamoto no Yorimoto - anh họ của Yoshinaka trong Trận Awazu (1184), Yoshinaka đã bảo rằng Tomoe hãy chạy ngay đi, vì bà là phụ nữ.

Có lẽ ông muốn bà bỏ chạy để thực hiện lễ nghi tự sát (seppuku), hoặc ông muốn bà báo tin về cái chết của ông với gia tộc, hoặc ông không muốn mình phải chết trước mắt một người phụ nữ - hoặc tất cả các ý trên.

Tomoe Gozen trong Trận Awazu, bức họa được thực hiện bởi Utagawa Yoshikazu.

Bất chấp mọi lý do, Tomoe đã từ chối bỏ chạy. Theo Truyện kể Heike, bà muốn giết được một "địch thủ xứng đáng" cuối cùng vì danh dự của Yoshinaka. Không rõ địch thủ xấu số này là ai, mỗi tư liệu kể một khác, nhưng tương truyền rằng khi một nhóm địch đến gần, Tomoe cưỡi ngựa xông thẳng đến, tóm lấy thủ lĩnh và trảm hắn ngay trên yên ngựa.

Dư âm Văn hóa

Cũng như phần lớn cuộc đời Tomoe, câu chuyện về bà sau trận đánh cuối cùng vẫn là một ẩn số.

Có truyện kể rằng bà đã sống sót sau trận chiến, lúc này ở tuổi 28, và sau này trở thành một nữ tu đến khi qua đời ở tuổi 90. Theo Truyện kể Heike thì bà bị tướng Wada Yoshimori đánh bại và phải trở thành vợ hoặc thiếp của ông.

Lại có một truyện khác kể rằng Tomoe đã giết hết kẻ thù của Yoshinaka để báo thù và mang thủ cấp của ông trầm mình xuống biển để không ai có thể báng bổ.

Bia tưởng niệm Tomoe Gozen tại chùa Gichu, thành phố Otsu, tỉnh Shiga.

Tuy thực hư vô định nhưng lòng anh dũng và sự tàn bạo của bà đã khắc sâu dấu ấn trong nền văn hóa dân gian. Một vở kịch Noh về bà được thực hiện - một trong 18 vở kịch về chiến binh samurai trong tổng số 200 vở kịch Noh từ thế kỷ 15, và bà được vinh danh trong lễ hội Jidai được tổ chức vào ngày 22/10 hằng năm nhằm tưởng niệm những nhân vật lịch sử tại Kyoto.

Bà đã góp mặt trong bộ ba tiểu thuyết giả tưởng mang tên The Tomoe Gozen Saga được viết bởi tiểu thuyết gia người Mỹ Jessica Amanda Salmonson, và cũng xuất hiện nhiều trong văn hóa đại chúng.

Bộ ba tiểu thuyết về Tomoe Gozen được viết bởi Jessica Amanda Salmonson.

Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết thực hư danh tính của Tomoe Gozen cũng như những chiến công thực sự của bà, nhưng những câu chuyện về lòng gan dạ và sức mạnh kinh người này sẽ muôn đời được truyền lưu.

Nguồn bài: All That's Interesting

VÌ SAO LƯƠNG-CHÚC SAU KHI CHẾT LẠI HÓA THÀNH BƯỚM, CHỨ KHÔNG PHẢI CON VẬT KHÁC?

Trong nhiều truyền thuyết của Trung Quốc có nhắc đến loài bướm, như chuyện tình của Lương – Chúc sau khi chết hóa bướm, chuyện linh hồn người vợ của Lưu Tú Tài hóa bướm bay về, v.. , cho thấy bướm trong văn hóa Trung Hoa tượng trưng cho linh hồn người đã khuất, sự tái sinh, hay đại diện cho một cho một loại giấc mơ hư vô.

Trong văn hóa Trung Hoa tượng trưng cho linh hồn người đã khuất, sự tái sinh, hay đại diện cho một cho một loại giấc mơ hư vô. (Ảnh qua evarociocom)

Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài là một trong bốn truyền thuyết lớn trong nhân gian của Trung Quốc, là câu chuyện được truyền miệng, kể về cô gái Chúc Anh Đài giả trai để được đi học, kết bạn đồng môn với Lương Sơn Bá, cuối cùng lại là một bi kịch tình yêu khi không thể kết duyên đến với nhau.

Câu chuyện tình yêu của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài ở Trung Quốc ai cũng đều biết, bọn họ sau khi chết hóa thành một đôi bướm, để được mãi mãi bên nhau, chuyện tình này không biết đã làm cảm động biết bao nhiêu người. Vậy thì, tại sao cặp đôi “Sơn – Chúc” sau khi chết lại hóa thành bướm, mà không phải là một con vật khác? Rốt cuộc việc hóa bướm có ý nghĩa văn hóa và hàm ý gì?

Nói đến tình yêu, chúng ta có thể liên tưởng đến hình ảnh chim liền cánh, cây liền cành, chim yến có đôi,… nhưng rất ít người nghĩ đến bươm bướm.

Chuyện tình Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài ở Trung Quốc sau khi chết hóa thành một đôi bướm để được mãi mãi bên nhau. (Ảnh qua hsjushi)

“Ong bướm” và “Trêu hoa ghẹo bướm” v..v.. cùng những từ ngữ có liên quan đến bướm đều chỉ sự đa tình. Trong “Thanh Lăng Đài” của Lý Thương Ẩn có viết một câu: “Chớ như Hàn Bằng làm cánh bướm, dễ dãi bay lên đậu cành khác”.

Có thể thấy, bươm bướm mặc dù cũng thường bay chung cùng nhau, nhưng quan niệm của người xưa, nó không thể đại diện cho sự trung thành trong tình yêu. Nếu đã như vậy, câu chuyện truyền thuyết đó sao phải để một cặp đôi kiên cường như thế lại hóa thành bướm?

Một lý do rất có thể đó chính là: đôi bướm tượng trưng cho linh hồn của hai người. Linh hồn của người vợ vừa chết, hóa thành bướm để tương ngộ.

Trong tiểu thuyết “Nhị Khắc Phách Án Kinh Kỳ” của nhà Minh có viết câu chuyện xảy ra sau khi người vợ Trịnh Thị của Lưu Tú Tài trấn Tứ Cửu mất đi:

“Lưu Tú Tài mời bạn bè đến đưa tang mời rượu tại phần mộ. Bỗng nhiên có một con bướm lớn bay đến, dài đến ba tấc, cứ bay lượn xung quanh Lưu Tú Tài, đuổi vẫn không đi.

Lưu Tú Tài biết là điềm lạ, liền nói đùa: ‘Có phải linh hồn của thê tử ta không? Nếu ở âm phủ có biết, thì hãy đậu vào bàn tay ta’. Vừa dứt lời, con bướm liền theo tiếng nói mà làm, quả nhiên bay vào lòng bàn tay phải của Lưu Tú Tài”.

Ở đây muốn nói, linh hồn người vợ vừa mất của Lưu Tú Tài, đã hóa thành bướm trở về cùng anh ta tương ngộ. Có thể thấy, con bướm là biểu tượng cho linh hồn đã khuất, lại còn là một linh hồn của người vừa mới mất.

Ở Trung Quốc, cũng có một câu chuyện “hóa bướm” giống với Lương – Chúc, đó là Trang Chu mộng điệp. Dựa theo “Trang Tử – Tề Vật Luận” có viết “Xưa kia Trang Chu mơ thấy mình hóa bướm, vui vẻ bay lượn”.

“Mộng điệp” trong đây thực tế là trạng thái xuất hồn trong mơ, thấy được trải nghiệm của bản thân mình. Từ lúc Trang Tử bắt đầu mộng điệp, bươm bướm cũng đại diện cho một loại giấc mơ, hư vô, cả sự phân ly giữa linh hồn và thể xác.


Trang Tử bắt đầu mộng điệp, bươm bướm cũng đại diện cho một loại giấc mơ. (Ảnh qua bharatabharati)

Trong truyền thuyết Trung Quốc, hóa bướm được coi là một biểu tượng của sự sống và hồi sinh. Phim truyền hình “Hoàn Châu Cách Cách”, cảnh kinh điển “Hương Phi hóa bướm” có lẽ đã trở thành một hồi ức đẹp đẽ của rất nhiều người.

Hương Phi trong hoàng cung hóa thành bươm bướm bay đi, nhưng Hàm Hương trong thực tế thì lại “hồi sinh” ở ngoài cung, bắt đầu một cuộc sống mới.

Dường như trong tất cả các loại văn hóa, “trùng sinh” được an bài vào ngày xuân khi vạn vật tự nhiên sống lại, Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ.

Hằng năm vào tiết thượng tị mùng ba tháng ba âm lịch, chính là ngày truyền thống “Phục sinh, thành tiên và ngày mất đi”, ngày này cũng trùng với lễ hội cuối xuân “Ngày đàn bướm bay lên”.

Trong câu chuyện “Lương – Chúc”, tình tiết “hóa bướm” thật sự xảy ra vào cuối xuân, có lẽ sự sắp xếp này không phải là ngẫu nhiên

Lý do dùng bướm để biểu đạt sự trọng sinh, có lẽ là vì phương thức tiến hóa của bươm bướm – con nhộng “phá kén hóa bướm”, đạt được tự do trên hai phương diện thể xác và tinh thần, tượng trưng cho sự bắt đầu một cuộc sống mới.

Từ đó có thể thấy, đôi uyên ương mệnh khổ Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài này, sau khi chết đã hóa thân thành bươm bướm, đằng sau đó là một cội nguồn văn hóa rất sâu rộng.

Bươm bướm là sự hóa thân của linh hồn, mặc dù cơ thể của họ đã chết, nhưng linh hồn thì vẫn sát cánh kề vai bên nhau mãi mãi, có được sự bình yên và bất diệt.

Bươm bướm còn có khả năng mang ý nghĩa rằng bọn họ đã hồi sinh, là lời chúc phúc và cầu nguyện chân thành nhất của những người tốt dành cho họ. (Ảnh qua info.xineurope)

Không chỉ như vậy, bươm bướm còn có khả năng mang ý nghĩa rằng bọn họ đã hồi sinh, là lời chúc phúc và cầu nguyện chân thành nhất của những người tốt dành cho họ.

Câu chuyện “Lương Chúc hóa bướm” được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cả trăm ngàn năm sau, kéo dài không dứt, vì câu chuyện này khiến người ta tin rằng, thế gian thật sự có một tình yêu đẹp đến thế, và tình yêu này lại còn mãi trường tồn.

Ví như trong “Mẫu Đơn Đình” của Thang Hiển Tổ có nói: “Tình không biết khi nào đến, đến rồi lại sâu đậm, người sống vì tình mà chết, chết rồi lại tái sinh. Sinh nhưng không cùng chết, chết lại không cùng sinh, quả thực là nhẫn tâm”.

“Lương Chúc hóa bướm” luôn vương vấn trong lòng của mỗi người từng xem qua tiểu thuyết này, là đoạn mộng tương tư vĩnh viễn chẳng thể nào xóa nhòa.

Tuệ Tâm
Nguồn: SOH

Tuesday, August 27, 2019

NHỮNG MÓN XÔI TRUNG HOA Ở SÀI GÒN

Khám phá những món xôi người Hoa ở Sài Gòn khiến thực khách nhớ mãi không quên

Những món xôi Trung Hoa ở Sài Gòn này chắc chắn sẽ làm bạn khâm phục tài sáng tạo của người dân nơi đây.


Nếu bạn là người yêu thích món ăn Trung Hoa và đặc biệt là những loại xôi thì nhất định không được bỏ qua hàng loạt các cái tên đặc biệt dưới đây khi tới Sài Gòn đâu nhé.

Xôi khâu nhục

“Khâu nhục” còn có tên gọi khác là “nằm khâu”, một món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc đã theo chân dân tộc người Tày, người Nùng du nhập vào Việt Nam.

Nguyên miếng thịt ba rọi được tẩm ướp kĩ càng, sau đó chiên giòn phần mỡ rồi mang hấp cách thủy trong khaongr thời gian dài. Nhìn miếng khâu nhục có vẻ cứng nhưng ăn lại mềm, không khô tẹo nào vì phần mỡ đã thấm vào từ thớ thịt, ăn chung với xôi dẻo nóng hổi, rắc thêm chút đậu phộng đập nhuyễn bùi bùi hay mỡ hành thơm thơm là "hết xảy".



Xôi bát bửu

Xôi bát bửu là món ngon nổi tiếng của ẩm thực Trung Hoa đã du nhập vào Việt Nam từ lâu, món xôi này được rất nhiều người yêu thích.

Xôi được nấu với xì dầu và các loại nguyên liệu như thịt xá xíu, tôm khô, lạp xưởng, nấm đông cô, củ cải, hành phi, đậu phộng, có màu nâu đặc trưng của xì dầu. Xôi bát bửu được bày bán rất phổ biến tại các khu phố người Hoa tại quận 5, quận 6 ở TP.Hồ Chí Minh.



Xôi xá bấu

Xôi xá bấu còn được người ta gọi là xôi củ cải mặn. Người làm mang xá bấu xắt nhuyễn được xào khô phủ đầy lên mặt xôi cùng với đậu phộng rang. Xôi xá bấu có màu nâu nhẹ được nấu cùng đậu phộng, tôm khô và tương dầu hào khá giống như xôi bát bửu nhưng không nhiều nguyên liệu bằng. Món ăn này được chế biến không mặn, khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được độ giòn giòn cùng đậu phộng bùi bùi rất thơm.



Xôi cadé

Khác với các dạng xôi ngọt khác, thay vì sử dụng đường và muối vừng thì món xôi cadé này kết hợp với sốt cadé ngọt ngọt, béo béo được làm từ trứng, cốt dừa và bột mì. Khi thực khách thưởng thức mon xôi này sẽ thấy khá lạ miệng nhưng dễ bị “nghiện” cực kì đấy nhé. Theo bí quyết thì xôi cadé nên ăn khi còn nóng hoặc hơi lạnh mới ngon.




Xôi xá xíu

Xá xíu là một loại thịt heo quay hoặc nướng, có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Theo nghĩa Hán Việt, xá xíu là “đốt/nướng xâu”. Người Hoa làm món này bằng cách lấy thịt heo, lọc bỏ xương, ướp gia vị, xỏ ghim rồi đem nướng trên lửa. Thịt thường dùng là thịt vai, ướp mật ong, ngũ vị hương, xì dầu, chao, tương đen, phẩm màu đỏ và rượu.

Món thịt xá xíu ra thành phẩm có màu đỏ cực kì bắt mắt, khi ăn lại mềm mà không hề khô đâu nhé. Một chút xôi trắng nóng hổi, phủ lên trên là vài lát thịt xá xíu xắt mỏng, rưới chút mỡ hành mới hấp dẫn làm sao.



Bạn đã thử qua những loại nào trong danh sách 5 món xôi người Hoa trên đây rồi nào? Có đam mê ẩm thực Trung Hoa thì đừng bao giờ bạn bỏ lỡ những món ngon hấp dẫn này khi có dịp đặt chân tới Sài Gòn nhé.

Phương Nguyễn - Theo yan.vn