Monday, September 30, 2019

DẠ YẾN THẢO

Dạ yến Thảo: Loài hoa mang cả dải ngân hà chứa trong lòng bàn tay

Bạn đã bao giờ tự hỏi vũ trụ sẽ trông như thế nào nếu được đặt trong lòng bàn tay của mình chưa? Hãy cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa Dạ yến thảo hay còn gọi là Night sky (tạm dịch: bầu trời đêm), và bạn sẽ biết chính xác cảm xúc đó là như thế nào.

Dạ yến Thảo: Loài hoa mang cả dải ngân hà chứa trong lòng bàn tay. (Ảnh: t/h)

Đây là một trong những loài hoa đẹp nhất thế giới, bất kỳ ai một khi ngắm nhìn màu sắc và hoa văn của loài hoa này thì đảm bảo sẽ đều bị mê hoặc. 

Loài hoa tựa dải ngân hà (The Night Sky Petunia)

Vẻ ngoài của loài hoa Dạ Yến thảo lai này khá độc đáo. Cánh hoa có màu tím thẫm với những chấm trắng to nhỏ khác nhau tạo nên những hoa văn độc đáo, và tươi sáng. Thoạt nhìn, chúng có thể khiến bạn liên tưởng đến một bầu trời đầy sao. Và có lẽ đây là một trong những lý do tại sao loài hoa này lại được đặt tên là “Night Sky” (Bầu trời đêm); hay còn được mệnh danh với cái tên khác là “loài hoa tựa dải ngân hà”.

“Night Sky” (Bầu trời đêm); hay còn được mệnh danh với cái tên khác là “loài hoa tựa dải ngân hà”. (Ảnh: Pixabay)

Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm trong quá trình sinh trưởng đã tạo nên những đốm trắng trên cánh hoa. Theo đó, nếu được chăm sóc trong điều kiện nhiệt độ ban ngày khoảng 38૦C và làm mát vào ban đêm ở 10૦C thì hoa sẽ cho màu sắc như mong muốn.

Thân cây có thể đạt chiều cao lên tới 40 cm và hoa thường nở vào mùa xuân và mùa hè. Giống hoa có nguồn gốc ở Nam Mỹ, loài hoa này được đưa vào châu Âu trong thế kỷ thứ 19, và sớm trở nên nổi tiếng vì vẻ ngoài huyền ảo của mình khiến bao người say mê.

Chúng có thể sinh trưởng gần giống với khoai tây, cà chua và cây thuốc lá. (Ảnh qua Freeimages)

Với vẻ ngoài rực rỡ, loài hoa này thường thích hợp trang trí trong các bệ chậu cửa sổ hay các cảnh quan trong vườn. Trên thế giới, dòng Night Sky này là một trong 35 loài hoa thuộc họ Dạ yến thảo. Màu sắc chính của chúng thường là tím, hồng, vàng, trắng và đỏ. 

Màu sắc chính của chúng thường là tím, hồng, vàng, trắng và đỏ. (Ảnh: t/h)

Cách trồng hoa Dạ yến thảo Night Sky

Các nhà khoa học cho biết, để đảm bảo rằng dòng hoa Night Sky này phát triển tốt, cần phải nhân giống trong môi trường có độ pH từ 5,5 đến 5,8. Nhiệt độ đất phải duy trì trong khoảng 34૦C – 36૦C cho đến khi hạt bắt đầu nảy mầm. Khi cây đã bén rễ, cho vào ống thụ tinh với 75 đến 100 ppm N (phần triệu của nitơ). Khi rễ bắt đầu phát triển, thụ tinh có thể được tăng lên đến 200 ppm N.

Tại thời điểm này, nên duy trì nhiệt độ ban đêm là 25૦C – 30૦C và nhiệt độ ban ngày là khoảng 28૦C – 37૦C. Càng có sự chênh lệch nhiệt độ nóng lạnh thì những đốm trắng càng xuất hiện nhiều và rõ ràng. Nếu bạn muốn cánh hoa có nhiều đốm trắng, bạn nên giữ hoa ở nhiệt độ lạnh. Theo trang House Beautiful, nếu giữ hoa ở nhiệt độ quá nóng thì sẽ khiến cánh hoa mang nhiều màu sắc tím và ít xuất hiện các đốm trắng.

Nếu bạn muốn cánh hoa có nhiều đốm trắng, bạn nên giữ hoa ở nhiệt độ lạnh. (Ảnh qua Greenme)

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự thay đổi màu sắc của hoa là nó ít được tưới nước. Trong trường hợp này thì các chấm trắng ở cánh hoa cũng xuất hiện nhiều hơn. Hoa Night Sky phát triển tốt nhất trong điều kiện có ánh sáng với cường độ từ 50.000 đến 80.000 lux. Nếu ánh sáng quá thấp, có thể làm cho thân cây phát triển dài ra và điều này sẽ làm giảm chất lượng của cây. Loài hoa này không nên tưới quá nhiều nước vì có thể dễ dẫn đến các mầm bệnh cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Độ pH cao cũng gây hại cho sự phát triển của loài Dạ yến thảo Night Sky này vì dễ xuất hiện các đốm úa vàng trên những lá non. Tuy nhiên, nếu để đến khi lá có dấu hiệu vàng úa rõ rệt thì thật sự là khó có thể cứu vãn tình hình và cây sẽ không thể phát triển tốt nữa. Vì vậy cách tốt nhất để tránh xảy ra trường hợp xấu này là thường xuyên kiểm tra độ pH của đất.

An Nhiên biên dịch


NỮ BÁC SĨ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

Bà Henriette Bùi Quang Chiêu, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1906, là con gái thứ trong một gia đình người Việt giàu có mang quốc tịch Pháp ở Nam Kỳ.

Mẹ bà Henriette là Vương Thị Y, thuộc một gia đình giàu có người gốc Hoa. Cha của bà là Nghị viên Bùi Quang Chiêu, một chính khách có tiếng ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc, sau này bị thủ tiêu bởi Việt Minh.

Tuy nguyên quán ở trong Nam, bà Henriette Bùi lại được sinh ra ở Hà Nội và lớn lên ở Sài Gòn. Thưở nhỏ, bà học Trường St. Paul de Chartres, tức Trường Nhà Trắng tại Sài Gòn. Năm 1915, bà thi vượt cấp và đậu bằng Certificat d’Études sớm 2 năm. Sau đó, bà vào học trường Collège des Jeunes Filles, trước năm 1975 là Trung học Gia Long Sài-gòn, nay là Trung học Nguyễn Thị Minh Khai.

Bà sang Pháp du học năm 15 tuổi. Một năm sau đó, mẹ bà qua đời vì bệnh lao phổi. Có lẽ việc này đã tăng thêm nguyện vọng của bà theo ngành y. Một trong 5 anh chị của bà, ông Louis cũng đã trở thành bác sĩ chuyên về bệnh ho lao nổi tiếng tại Sài Gòn. Bà học rất giỏi, ngoài tiếng Việt, tiếng Pháp và Trung Hoa, bà còn thông thạo nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Tây Ba Nha, Ý và cả những cổ ngữ như La Tinh và Hy Lạp. Việc học của bà bị gián đoạn một năm vì bệnh đau mắt (trachoma), tuy nhiên đến năm 1926, bà cũng tốt nghiệp bậc trung học tại Lycée Fenelon ở Paris.


Bà Henriette Bùi, thời sinh viên y khoa tại Bordeaux.

Bà đậu vào Trường đại học Y khoa năm 1926. Năm 1927, bà theo học Đại học Y khoa Paris (Faculté de Médecine de Paris) thuộc Đại học Paris. Là phụ nữ người Việt, sự hiện diện của bà trong trường chuyên môn ở Pháp là một bước đột phá trong hệ thống giáo dục chính quốc tại Pháp thời bấy giờ. Cũng trong thời gian học tại Đại học Paris, bà được giới thiệu rồi trở thành thân thiết với nhà bác học Marie Curie và nhà sử học Charles Seignobos, và nhiều người Việt đang học tại đây, đặc biệt là một sinh viên trẻ đang theo học ngành cầu đường là Nguyễn Ngọc Bích, con trai Đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Tương.

Bà cũng quen biết nhiều người Việt nổi tiếng và có quyền lực khác, điển hình là vua Bảo Đại đang theo học tại Pháp; ông Nguyễn Văn Xuân, sinh viên trường École Polytechnique, sau này là Trung Tướng Nguyễn Văn Xuân, Thủ tướng Chính phủ Quốc Gia Việt Nam đầu tiên vào năm 1948; Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn, sinh viên Polytechnique, sau này là Bộ Trưởng Giáo Dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim; ông Ngô Đình Nhu, sinh viên École de Chartres, sau này là Cố Vấn Chính Trị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm; bà Hoàng Thị Nga, em gái của Giáo sư Hoàng Cơ Nghị, vị nữ tiến sĩ khoa học đầu tiên của Việt Nam; bà Nguyễn Thị Bính, vợ của Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn, vị nữ dược sĩ đầu tiên của Việt Nam v.v.

Năm 1932, bà tốt nghiệp đại học. Sau hai năm thực tập, bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên lấy bằng bác sĩ y khoa ở Pháp. Khi tốt nghiệp, bà dự định viết một luận án về đề tài “thụ tinh nhân tạo cho những người bị hiếm muộn,” tuy nhiên vào thời đó thì đề tài này quá mới mẻ và gây nhiều tranh cãi cho một người phụ nữ trẻ tuổi, do đó bà đã nghe lời khuyên của các vị giáo sư mà đổi sang một đề tài “truyền thống” (traditional) hơn: “The Phlebitis of Gestation.” Bài luận án của bà đã được hội đồng giám khảo khen ngợi và tưởng thưởng huy chương trong kỳ thi tốt nghiệp vào năm 1934. Khi trở về Việt Nam năm 1935 bà nhậm chức trưởng khoa hộ sinh ở Chợ Lớn.

Henriette Bùi Quang Chiêu sinh ngày 8.9.1906, là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam.

Khoảng một năm sau ngày trở về Việt Nam, thân phụ của bà muốn bà kết hôn với Luật sư Vương Quang Nhường, vị tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của người Việt Nam, là luật sư nổi tiếng của Tòa Án Sài Gòn, cũng là một đảng viên Đảng Lập hiến Đông Dương (Đảng lập nên bởi cha bà Henriette như đã nói).

Chồng bà vốn xuất thân trong một gia đình trí thức, giàu có, là cháu ruột của Thái hậu Từ Dũ. Đây là một cuộc hôn nhân có thể nói là “môn đăng hộ đối” nhất thời đó. Tuy nhiên bà Henriette Bùi lại không hài lòng mà còn chống đối vì bà không thích và không muốn chấp nhận một cuộc hôn nhân được xếp đặt, dù rằng người đứng ra xếp đặt lại chính là thân phụ của bà. Tuy nhiên khi thân phụ của bà nói rằng, “Mày là một bác sĩ ăn học ở bên Tây nhưng cũng là con gái của tao, một người Việt Nam, mà theo phong tục Việt Nam thì người con gái khi lập gia đình phải do ‘cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó’. Cha của mày muốn mày phải lấy Luật sư Vương Quang Nhường.” Không dám cãi lại lệnh của thân phụ, bà trả lời, “Bẩm Ba, con xin tuân lệnh” và kết hôn với Luật sư Vương Quang Nhường vào năm 1935.

Chồng bà chỉ muốn bà ở nhà, lo chuyện nội trợ. Ông tuyên bố: “Tôi là trạng sư, lương đủ cho bà ở nhà, đi chơi”. Bà nói: “Tôi thích làm, không thích chơi”. Bất chấp sự phản đối của ông, bà vẫn đến nhà bảo sanh Từ Dũ hành nghề bác sĩ, chuyên khoa sản và nhi. Và không đầy 2 năm sau, vợ chồng bà ly hôn vì khác biệt trong cách sống. Bấy giờ, việc một người đàn bà ra tòa xin ly dị chồng được người Việt Nam xem như là một chuyện không thể nào tin được, nhất là một người trong gia đình danh giá như gia đình ông Bùi Quang Chiêu.

Luật sư Vương Quang Nhường về sau lấy một công chúa, con gái của Cựu Hoàng Thành Thái. Vào đầu thập niên 1950, ông đã tích cực vận động và tranh đấu với người Pháp đòi hỏi họ phải trả tự do cho Cựu Hoàng Thành Thái đang bị đày ở đảo Réunion từ năm 1916. Người Pháp sau đó đã cho phép cựu hoàng Thành Thái được trở về Việt Nam sau 35 năm bị lưu đày, tuy nhiên họ vẫn cấm không cho nhà vua sống tại cố đô Huế mà chỉ được sống tại Vũng Tàu cho đền khi từ trần vào khoảng năm 1953.

Về sau, khi nói về cuộc hôn nhân này, BS Henriette Bùi cho biết, “Hồi đó, ngay cả ở Pháp, phụ nữ học ngành y cũng rất ít. Ra trường, cũng không ít nữ bác sĩ bỏ nghề vì phải lấy chồng, sinh con. Tôi cũng không thoát khỏi định kiến xem thường phụ nữ thời ấy. Vừa tốt nghiệp bác sĩ, tôi đã bị cha triệu về Việt Nam để gả chồng…” Với bà, đó là mối hôn nhân không hạnh phúc, cho dù gia đình hai bên rất “môn đăng hộ đối.

BS Henriette Bùi Quang Chiêu về già

“Người chồng mà cha tôi chọn cho tôi là một người đàn ông rất tốt, rất có tài, rất dễ thương và bao giờ cũng dành cho tôi một sự săn sóc tận tình. Tôi không có điều gì chống lại ông ta cả. Ông ta là một luật sư, tôi là một bác sĩ… Nhưng mà ông ta luôn luôn than phiền rằng ông ta ít khi thấy tôi ở nhà, ông ta không thể nào chịu đựng được việc tôi phải làm việc tối ngày ở bệnh viện, nhất là những khi phải vào bệnh viện để chữa trị những trường hợp cấp cứu vào ban đêm… Còn phần tôi thì tôi đã quyết tâm phục vụ cho y học, phục vụ cho đồng bào của tôi, tôi không thể bỏ mấy chục năm theo đuổi việc học để ngồi nhà hầu hạ cho chồng. Chúng tôi ly dị, đó là chuyện rất đơn giản và sau đó thì chúng tôi vẫn coi nhau như bạn bè. Nhưng nói cho ngay thì hồi đó (năm 1937) quả thật vụ ly dị của tôi đã gây ra một chuyện xì-căng-đan rất lớn tại Sài Gòn.”

Sau cái chết bi thảm của người cha yêu quý và các anh em của bà năm 1945, bác sỹ Henriette Bùi nén đau thương và vẫn tiếp tục phục vụ xã hội. Với những thương binh, bệnh binh trong thời chiến, bà đều chăm sóc chu đáo, không hề phân biệt bạn hay thù. Ở bệnh viện tại Chợ Lớn nơi bà làm việc, bà chứng kiến quá nhiều sự bất công và bị các y sĩ người Pháp gây khó dễ. Cùng là bác sĩ, nhưng vì là người Việt dù mang quốc tịch Pháp, bà chỉ được trả lương 100 đồng mỗi tháng, trong khi bác sĩ Pháp được trả 1.000 đồng. Ban giám đốc bệnh viện bắt bà mặc áo đầm đi làm. Bà từ chối, kiên quyết mặc áo dài để khẳng định mình là người Việt Nam.

Cách cư xử của bà biểu hiện quan niệm bình đẳng, bình quyền giữa nam và nữ, cũng như bình quyền chủng tộc giữa người Việt và người Pháp. Bà đã tranh đấu với Thống Đốc Pagès là giới chức cao cấp nhất tại Nam Kỳ lúc bấy giờ để chỉ trích sự kỳ thị giữa người Pháp với các bác sĩ, y tá, và bệnh nhân Việt. Sau khi nghe lời phản đối hợp lý của bà, Pagès đã ra lệnh cho giới bác sĩ người Pháp phải xóa bỏ mọi sự phân biệt đối với bệnh nhân cũng như là phải thay đổi cách đối xử với người Việt Nam.

Mặt khác, lúc bấy giờ, có một số bác sĩ trong giới y khoa người Pháp ở Đông Dương thường hay chê bai, chỉ trích nền y học cổ truyền của người Việt Nam trước khi người Pháp đến đô hộ vùng đất này. Những lời chỉ trích này không những chỉ xuất hiện trên báo chí mà ngay cả trong các phúc trình y khoa cũng như là một số luận án tốt nghiệp của các sinh viên y khoa người Pháp. Bác sĩ Henriette Bùi đã viết nhiều bài báo cũng như đọc nhiều bài diễn văn ca ngợi sự tiến bộ của nền y học Tây phương do người Pháp mang đến cho các nước Đông Dương, nhưng đồng thời bà cũng đề cao vai trò của nền y khoa truyền thống trong xã hội Việt Nam từ ngàn năm trước khi người Pháp đặt chân đến nước ta. Cuối năm 1950 bà sang Nhật Bản học nghề châm cứu, với nhiều áp dụng có hiệu quả cho ngành sản khoa.

Ảnh gia đình chụp năm 1921 tại Phú Nhuận. Từ trái: Madeleine, Henriette, ông Bùi Quang Chiêu, Louis, Camille, Helene.

Ngoài chuyện ly dị chồng, vào thời đó bà Henriette Bùi còn làm nhiều điều mà người Việt Nam coi như là chuyện “động trời” vì chưa có người đàn bà Việt Nam nào dám làm như vậy: bà dám đi giày cao gót y như các phụ nữ người Pháp – người Việt Nam gọi là các “bà đầm” – bà dám mặc áo tắm như đầm khi đi tắm piscine, dám chơi thể thao và dám lái xe hơi… Bà chỉ bỏ dở việc học lái máy bay. Bà cho biết bà đã đi học lái máy bay vì nghĩ rằng trong thời chiến tranh mà một vị bác sĩ như bà biết lái phi cơ thì có thể đi đến được những nơi xa xôi hẻo lánh để chữa trị cho bệnh nhân, tuy nhiên vì dư luận lúc đó chỉ trích việc một người đàn bà mà dám đi học lái máy bay nên sau một thời gian thì bà đành phải bỏ học.

Năm 1961, bà lập gia đình lần thứ 2 với ông Nguyễn Ngọc Bích, kỹ sư và là bạn cũ của bà khi gặp lại ở Pháp và ông bà sống với nhau cho đến khi ông qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1965.

Bác sĩ Henriette Bùi sau đó tình nguyện trở về Việt Nam tham gia vào một chương trình y tế do Hội Church World Service, một cơ quan bất vụ lợi do nhiều giáo hội Tin Lành có trụ sở tại New York tài trợ, cũng tương tự như Hội Médecins San Frontières (Bác Sĩ Không Biên Giới, Doctors without Borders) sau này. Trong suốt 5 năm trời, dù đã lớn tuổi nhưng bà vẫn hoạt động với tư cách là trưởng nhóm và tích cực xông pha vào tận những nơi người dân cần sự săn sóc về y tế dù rằng tình hình chiến sự ở trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng. Bà phục vụ cho tất cả mọi người, bất kể là họ sống trong vùng do chính phủ VNCH kiểm soát hay là trong những vùng do MTDTGPMNVN kiểm soát. Bà cũng cứu chữa cho tất cả những người bị thương không kể họ thuộc phe nào, vì theo bà nguyên tắc của Hội Hồng Thập Tự là chữa trị đồng đều cho tất cả mọi người bị thương tích bất kể họ là bạn hay là thù nghịch. Vào năm 1970, bà tình nguyện vào phục vụ không lương về ngành hộ sản và nhi khoa tại Bệnh viện Phú Thọ ở vùng ngoại ô thành phố Sài Gòn.

Bà Henriette Bùi Quang Chiêu, ở tuổi 105. Hình chụp tại Paris nhân chuyến viếng thăm của đoàn bác sĩ từ Hoa Kỳ.(Ảnh: Internet)

Năm 1971 bà trở về Pháp, vẫn phục vụ trong ngành y khoa, cho đến năm 1976, khi 71 tuổi bà mới nghỉ hưu. Bà hiến tặng biệt thự tư gia của bà ở số 28 đường Testard làm cơ sở cho Trường Đại học Y khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Ngày nay nơi này là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM.

Năm 2011, đã 105 tuổi, bà vẫn còn khoẻ và minh mẫn. Bà mất ngày 27 tháng 4 năm 2012 tại Paris và được an táng tại Tòa Thánh Cao Đài tỉnh Bến Tre, thọ 105 tuổi bên cạnh mộ phần của chồng. Ông bà không có con song có một con nuôi rất hiếu đễ trông nom bà tới khi mất.

(Tư liệu và bài soạn lại theo nguồn của VH và NT VN)

NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU

Sunday, September 29, 2019

CHINA TOUR 2019 - NGÀY 12 & 13: SÁN ĐẦU (汕頭) - QUẢNG CHÂU (廣州) - MELBOURNE


Vậy là chúng tôi đã ở hai đêm tại Sán Đầu và coi như ngày ngắm cảnh đêm đi shopping ngằm đồ vì chuyến đi này chúng tôi ở các khách sạn ngay trung tâm thành phố nên mọi thứ đều thuận tiên. Nói vậy chớ cũng chẳng có gì để mua như những lần trước ngoại trừ trái cây. Trái cây rất ngon vì đa số được nhập từ Việt Nam hay Đài Loan. Ngon nhất là trái thanh long, vải thiều, măng cụt, khế ngọt, mãng cầu dai và xoài rừng...đều rất ngon và rất rẻ nếu so với Úc.


Hôm nay là ngày cuối ở Sán Đầu nên phải xem một vài cảnh điểm trước khi rời vì mấy ngày nay chỉ đi lòng vòng trong thành phố. Chuyến đi này hơi vất vả vì phải đi rất nhiều và leo núi. Bây giờ cũng không ngoại lệ vì anh dẫn đoàn đưa chúng tôi vào một khu công viên vui chơi nhưng ở trên núi. Xe đến chân núi thì có cáp treo đưa chúng tôi lên. Trên đây chúng tôi có thể nhìn được toàn cảnh Sán Đầu, nhìn ra sông, ra biển của một hải cảng lớn quan trọng của ngày trước, nơi đã đưa biết bao người Triều Châu ra nước ngoài làm việc để giúp đở gia đình và cũng góp sức xây dựng vào đất nước mà mình đang sinh sống.


Nếu nói đến người đóng góp cho Sán Đầu nhiều nhất có lẽ phải nói đến công lao của tỷ phú Lý Gia Thành, ông ta đã bỏ tiền xây dựng trường đại học Sán Đầu và đóng góp chi phí cho trường đại học này hoạt động.



Chúng tôi đến một địa điểm khác, nơi đây là một cảnh điểm chính của du lịch Sán Đầu, nó là một quần thể chùa miếu của cả Đạo và Phật giáo. Khu này rất lớn, từ ngoài nhìn vào thật đồ sộ với với rất nhiều hồ sen xây phía trước có nước phun. Ngay chính giữa là ngôi miếu có cái tên là "Bạch Hoa Tiêm Đại Miếu" (白花尖大廟) thờ "Cửu Thiên Thánh Mẫu" (九天聖母), bên trong là một không gian thật rộng có tượng "Tứ Đại Thiên Vương" (四大天王) và cũng chung chung như những ngôi miếu thờ khác nhưng chỉ có cái ở đậy thật rộng lớn.


Bên cạnh miếu phía bên phải là chùa thờ Quan Âm và bên trái là một tòa bảo tháp rất cao tôi nghĩ khoản hơn 7 tầng. Từng dưới là nơi thờ Phật và rất nhiều tượng La Hán, chúng tôi lên đỉnh tháp bằng thang máy. Trên đây mới thấy có núi phía sau miếu và nhìn bao quát cả Sán Đầu trong tầm mắt. Mới biết Sán Đầu đã phát triển rất nhanh, rất mạnh và dường như có một sự cạnh tranh ngầm giữa Sán Đầu (Triều Châu) và Hạ Môn (Phúc Kiến).


Trưa nay chúng tôi ăn trưa lần chót tại Sán Đầu, nhà hàng thật đặc biệt vì cách bày trí. Bước vào là những dãy bàn trưng bày các món ăn mẫu, một khu bán đồ biển tươi và khu bếp trong đó có treo đồ quay và khìa kiểu Tiều với mấy con ngỗng thật to như con heo được khìa chín treo lủng lẳng trong quầy. Chúng tôi nói với chị Hồng là tụi tôi muốn kêu thêm một đĩa ngỗng khìa. Ở Úc các bạn vô phương ăn được thịt ngỗng vì muốn là ăn lén (mua về tự làm thịt lén) chứ không có bán bởi thế mỗi lần có dịp qua Hong Kong là coi như bữa ăn nào tôi cũng kêu một đĩa ngỗng quay. Không hiểu sao hồi đó ở Việt Nam ba tôi không cho ăn và thường nói ăn ngỗng rất độc dễ bị phong (?) dù có khi có người biếu cho mấy con ngỗng, ba tôi cũng cho lại người khác chứ không bao giờ ăn nhưng ngược lại thì thích ăn thị vịt, một món quê hương Triều Châu mà ông thường nhắc là vịt hong khói.


Tôi có một suy nghĩ không biết có đúng không, dường như tính cách phân vùng địa lý nó cũng có ảnh hưởng phần nào đến văn hóa ẩm thực: miền Nam lúc nào thức ăn cũng ngon và phong phú hơn miền Bắc (?). Bữa ăn kết thúc, chúng tôi đi ra ngoài nhưng chưa lên xe vì phải chờ mấy anh tài xế chuyển hành lý của chúng tôi qua một chiếc xe khác vì xe của anh không được phép chạy xuống Quảng Châu. Công ty du lịch ở Quảng Châu phải đưa một chiếc xe bus khác lên Sán Đầu đón chúng tôi về Quảng Châu. Xe không thể đi nhưng anh dẫn đoàn thì theo chúng tôi đến lúc kết thúc hành trình thì anh ta một mình quay về Hạ Môn.


Tôi đi du lịch Trung Quốc rất nhiều lẩn, có những nơi đã đến vài ba lần nhưng mỗi lần đến là mỗi lần khác vì càng ngày họ càng tạo ra nhiều khu du lịch mới để bắt khách và không dể khách nhàm chán. Lần đi này được trải nghiệm ngồi tàu cao tốc rất êm nhưng không thoải mái vì mang theo nhiều hành lý. Cho nên lần đến Quảng Châu này chúng tôi phải ngồi xe bus trong một khoảng thời gian thật dài, gần 5 tiếng đồng hồ.


Xe đưa chúng tôi qua rất nhiều thị trấn nhỏ hoặc ngang qua những khu nông thôn mà khung cảnh rất quen thân với những ngôi nhà cũ kỹ, với những cây tre, cây chuối ven đường. Ở miền Nam Trung Quốc mới thấy rất nhiều cây chuối, như hôm qua chúng tôi ó ghé qua một trạm nghỉ dọc đường có một khu bán hàng, tôi thấy có bán loại chuối quả thật to màu tím, tôi nghĩ đó là loại chuối ngự (?) có lẽ nhập từ Việt Nam nên mua mấy quả. Thú thật lúc trước còn ở Việt Nam, tôi chỉ nghe tên mà chưa ăn qua bao giờ. Chỉ hai quả mà nặng hơn một cân, mùi rất thơm nhưng ăn không thấy ngon lắm vì tôi không hảo chuối. Loại chuối mà tôi thích ăn nhất là chuối cau vì nó vừa thơm vừa ngọt.


Anh dẫn đoàn thì vừa kể vừa hát cho chúng tôi nghe nhưng một hồi thấy chúng tôi ai cũng buồn ngủ nên anh ta để cho ngủ. Tôi cũng mơ mơ màng màng đến khi mở mắt thì xe đã vào đến thành phố Quảng Châu. Xe đến khách sạn, đêm nay chúng tôi sẽ ở lại Quảng Châu nhưng không ngay trong trung tâm thành phố nhưng bên cạnh khách sạn cũng có một shopping mall khá lớn và một dãy tiệm buôn dọc hai bên đường.


Tối nay là đêm cuối cùng trong cuộc hành trình này nên chỉ dạo shop rồi về sớm để thu dọn hành lý, sáng sớm mai chúng tôi sẽ ra phi trường Baiyun để về Úc. Về đến Melbourne, lúc ra ngoài khoảng hơn 8 giờ tối, đợi xe đến đón trong cái không khí lành lạnh dù tôi đã mặc áo ấm. Melbourne đang chuẩn bị vào đông.

Có 2 điều khác lạ nhận thấy được trong kỳ đi này:

- Tất cà các cầu tiêu nơi công cộng đã cải tiến rất tốt vì có cuộc cách mạng "cầu tiêu" ở Trung Quốc. Có cái còn tốt như ở khách sạn 5 sao.

- Trước đây là "thiên đường xe đạp" nhưng bây giờ rất ít thấy xe đạp mà thay vào đó là xe mô tô 2 bánh chạy bằng điện để bảo vệ môi trường.

LKH
Note: Hẹn các bạn ở một chuyến du lịch khác. Bye!


TẢN MẠN VỀ 4 TỪ "NAM KỲ LỤC TỈNH"

Đối với người Việt miền Nam sinh vào nửa đầu thế kỷ 20, bốn từ Nam Kỳ Lục Tỉnh có một ý nghĩa máu thịt, với những ký ức về một thời kỳ đầy gian khó của cha ông. Chúng gợi lên hình ảnh những đồng lúa bạt ngàn, những chiếc ghe thương hồ chở theo những phận người lênh đênh sông nước, có khi kéo dài suốt cả một đời.


So với đất nước bốn ngàn năm, Nam Kỳ Lục Tỉnh còn trẻ quá, từ thời Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được cử đi kinh lược đất Sài Gòn năm 1698, đến nay chỉ mới hơn 300 năm. Vùng đất này được nhắc đến nhiều qua các du ký, bút ký của người phương Tây, tưởng cũng cần nói một chút về chuyện ngôn ngữ. Trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 200 năm, đất nước chia ra hai vùng: Đàng Ngoài và Đàng Trong chia cách nhau bởi con sông Gianh thuộc địa hạt Quảng Bình. Người phương Tây (chủ yếu là người Pháp) gọi Đàng Ngoài là Tonkin, âm từ chữ “Đông Kinh”, vốn là một tên cũ của Hà Nội, còn Đàng Trong thì gọi là Cochinchine. Từ này được hiểu là cả vùng Đàng Trong, từ Quảng Bình vào đến địa giới cuối cùng về phía Nam.


Năm 1808, vua Gia Long cho lập ra Gia Định thành là một vùng đất rộng gồm 5 trấn (sau là tỉnh) trải dài từ Bình Thuận đến Hà Tiên, người Pháp dùng từ “Basse Cochinchine” (Hạ Đàng Trong) để chỉ vùng đất này. Quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức được tác giả Aubaret dịch ra tiếng Pháp dưới cái tên “Histoire et Description de la Basse Cochinchine”. Năm 1831, vua Minh Mạng đổi tên gọi cấp địa phương “trấn” thành “tỉnh” và năm 1836, cử quan lại đi kinh lý “6 tỉnh Nam Kỳ” gồm: Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên.


Lần đầu tiên trong sách Quốc Triều Sử Toát Yếu, người ta đọc thấy cụm từ “Nam Kỳ lục tỉnh”. Như vậy cụm từ này ra đời năm 1836, thay vì 1834 như có tài liệu đã viết. Hơn 30 năm sau, năm 1867, khi thực dân Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ thì cụm từ Nam Kỳ Lục Tỉnh bị họ chính thức khai tử bằng cách lập ra hơn 20 “arrondissement”, theo nghĩa chính của từ ngữ là quận huyện, song theo cách gọi của sách báo thời bấy giờ là hạt hay địa hạt. Đứng đầu các hạt là những Tham biện người Pháp ngạch “Administrateur des affaires indigènes”, có sự phụ giúp của một số viên chức thừa hành cao cấp người Việt ngạch Huyện, Phủ và Đốc phủ sứ. Cũng từ thời kỳ này trở về sau, từ Cochinchine được người Pháp dùng chỉ riêng Nam Kỳ, Trung Kỳ là Annam và Bắc Kỳ là Tonkin.


Ngày 1.1.1900, thực dân Pháp tái lập cấp tỉnh trên toàn cõi Nam Kỳ, đến thập niên 1910, đã có một số Phủ, Huyện Việt Nam được bổ làm Chủ quận. Số tỉnh có lúc lên đến 20 tỉnh, song trong ngôn ngữ người dân miền Nam lúc bấy giờ, Nam Kỳ Lục Tỉnh vẫn có giá trị của ký ức sâu đậm một thời. “Về lục tỉnh” vẫn là cách nói phổ biến vào nửa đầu thế kỷ 20 để chỉ các tỉnh miền Tây Nam phần. Điều thú vị hơn cả, có lẽ là sáng kiến của các thầy cô giáo vào thời kỳ này đã sắp xếp chữ đầu của 20 tỉnh miền Nam thành 4 câu ngũ ngôn, đọc thông suốt, dễ thuộc và dễ nhớ, học trò thế hệ sinh vào thập niên 1940 trở về trước, hầu như ai cũng từng đọc qua.

Bốn câu đó là:

GIA CHÂU HÀ RẠCH TRÀ
SA BẾN LONG TÂN SÓC
THỦ TÂY BIÊN MỸ BÀ
CHỢ VĨNH GÒ CẦN BẠC


Để chỉ 20 tỉnh:

Gia Định, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Trà Vinh
Sa Đéc, Bến Tre, Long Xuyên, Tân An, Sóc Trăng.
Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Biên Hòa, Mỹ Tho, Bà Rịa
Chợ Lớn, Vĩnh Long, Gò Công, Cần Thơ, Bạc Liêu


Mỗi khi đọc lại câu Gia Châu Hà Rạch Trà…, tưởng như thấy lại mái trường xưa, người thầy lưng còng tóc bạc và một thời thơ ấu đã xa.

LÊ NGUYỄN

Saturday, September 28, 2019

"BA CHÌM BẢY NỔI, CHÍN LÊNH ĐÊNH"


"Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non."



Từ nhỏ nghe nói rằng khi làm chè trôi nước, khi vo bánh tròn xong được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra.

Phần giải thích thì tùy, có người bảo ba lần chìm xuống nổi lên (tức là sôi ba dạo), vì nước sôi bánh chìm nổi theo nước, chừng khi nổi 7 phần thì bánh chín!

Nếu sôi mãi bánh vỡ ra nổi hẳn lên mặt nước!

Chuyện xảy ra, khi kể thì phần lỗi của người mười phần, chẳng nghe kể lỗi mình một phần, nếu vậy thì kể như bánh vỡ rồi! Chẳng còn thành một chén chè trôi nước nữa.

Bạn bảo,

“Nếu quy lỗi cho người bảy phần, bảy phần nổi là lỗi người dễ thấy ngay, còn ba phần chìm, lỗi mình chìm nên mình khó thấy, nhưng cũng còn thầm nhận ra rằng mình có phần lỗi.

Thì ba phần nhận đó là lỗi mình, có nghĩa mình còn cơ hội sửa chữa lỗi lầm, nếu chẳng nhận ra chỉ thấy lỗi người mười phần! Thì mãi mãi sẽ đứng ì một chỗ với vô số lỗi lầm mà chẳng bao giờ nhận ra!

Thì thôi có gặp chuyện gì ít ra cũng ba chìm bảy nổi vậy”.

(Sưu tầm trên mạng)

METEORA TU VIỆN LƠ LỬNG TRÊN KHÔNG

Nhắc đến tu viện người ta hay nghĩ đến những công trình tọa lạc ở khu vực trung tâm, nơi có đông dân cư và thuận tiện cho việc di chuyển. Thế nhưng tại một nơi hẻo lánh ở Thessaly phía Bắc Hy Lạp, lại có một quần thể tu viện tọa lạc treo leo trên vách đá hiểm trở với tên gọi là Meteora. Di sản thế giới này cuốn hút hàng triệu du khách mỗi năm bởi sự hùng vĩ, ngoạn mục với khung cảnh đẹp như tranh vẽ làm xao xuyến lòng người.


Từ Meteora trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là treo lơ lửng trên không, và đúng như tên gọi, từ trên cao nhìn xuống, các tu viện thật sự treo lơ lửng giữa mây. Đây là một trong những quần thể tu viện lớn và quan trọng nhất ở Hy Lạp. Vào thời hoàng kim, ở đây có tới 20 tu viện nhưng sau những biến động của lịch sử cho đến nay chỉ còn lại 6 tu viện. Đó là những tu viện có tên: Great Meteoron, Varlaam, Rousanou, St. Nicholas Anapausas, St. Stephen và Holy Trinity.
 

Vào thế kỷ thứ 9, một nhóm các ẩn sĩ tu khổ hạnh, được xem là những người đầu tiên định cư ở Meteora, đã lên các mỏm đá nhọn. Trong đó có đỉnh núi nằm ở độ cao lên tới 550m so với khu vực đồng bằng. Họ sống trong những hốc và các khe nứt thuộc các núi đá để yên tĩnh và bảo vệ mình khỏi nạn trộm cướp. Ban đầu, các ẩn sĩ sống cô đơn, chỉ gặp nhau vào ngày chủ nhật và những ngày đặc biệt để cầu nguyện. Thời gian chính xác lập ra các tu viện cũng chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII, một tu viện đã được lập ra và sau đó một nhóm nhà tu khổ hạnh đã đến Meteora.


Gần một thế kỷ trước, để lên được đến tu viện người ta phải đi bằng những thang dây hay ngồi trong một cái giỏ treo lỏng lẻo và kéo bằng ròng rọc để lên được phía trên. Ngày nay lối đi lên xuống tu viện đã được cải tiến bởi các cầu thang chạm khắc vào đá, không còn đầy mạo hiểm như trước kia nữa. Tuy nhiên riêng đối với tu viện Holy Trinity thì vẫn phải di chuyển bằng dây leo để lên trên.


Theo một số tài liệu cho biết để xây dựng một tu viện chỉ mất khoảng 20 ngày nhưng để vận chuyển các khối đá lên trên núi thì mất tới 22 năm. Các tu sĩ này đã phải vận chuyển các khối đá lớn lên vách núi thẳng đứng, cheo leo và cao chót vót để tạo nên được một kiệt tác ‘lơ lửng trên không, chạm đến tầng mây’ như vậy. Đối với địa hình hiểm trở thế này, họ đã chọn cách là tạo ra một sợi dây nối từ đỉnh núi xuống mặt đất để leo lên leo xuống và kéo đá lên.


Ngoài ra, ngay tại thị trấn Kalambaka kế bên quần thể tu viện còn có một nhà thờ nhỏ xinh đẹp, có tên là Virgin Mary. Nhà thờ này xây theo kiểu của một loại hình chữ thập và có một mái vòm được hỗ trợ trên hai cột. Nhà thờ chính của tu viện được xây dựng vào thế kỷ thứ XV và được trang trí với những bức bích họa vào thế kỷ thứ XVIII. Một cửa sổ giả cây chĩa ba là một phần của nơi tụng niệm, có các cột trắng và mái vòm, cũng như gạch bông hồng màu. Bên trong nhà thờ có rất nhiều các bức bích họa mang giá trị rất lớn về cả mặt tôn giáo cũng như nghệ thuật, thu hút rất nhiều du khách.


Năm 1981, bộ phim nổi tiếng "For your eyes only" có một bối cảnh đầy kịch tính diễn ra ở Meteora. Với địa thế cheo leo hiểm trở từ các vách đá hay vẻ huyền bí phía trong của tu viện (trong phim dùng làm nơi ẩn náu) đã làm cao trào tăng hấp dẫn cho bộ phim này.


Ngắm hoàng hôn từ đỉnh của tu viện cũng là một trong những trải nghiệm đẹp để lại ấn tương khó quên cho các du khách tới đây. Tu viện Meteora đã thu hút một lượng du khách rất lớn đến viếng thăm không chỉ bởi tính linh thiêng mà còn ở sự kỳ vĩ về địa hình độc đáo của mình. Nếu có cơ hội, hãy một lần đến đây, bước đi trên khắp các bậc thang để lên đỉnh của tu viện, ngắm nhìn cảnh thiên nhiên hùng vĩ trong không khí an lành của vùng đất Thánh.

Theo: VYC Travel


Friday, September 27, 2019

CHẾT LÀ LẼ ĐƯƠNG NHIÊN


Trời hửng nắng, ta trở dậy, mệt nhoài, như mới hôm qua ta còn khoẻ, nói chuyện tới khuya, giờ đây mình đã ngã bệnh chỉ sau một đêm. Bởi thế, nói đến vô thường ai cũng thấy buồn chán và ngán ngẩm làm sao; chỉ trong chớp mắt, trong khoảnh khắc, mọi việc đều đã thay đổi một cách nhanh chóng, mới thấy đó rồi mất đó, cuộc sống quá mong manh, tạm bợ. Vì vậy, vô thường có thể là một bài hát buồn đối với nhiều người. Có một câu chuyện nói về sự vô thường như sau:

Thấy một chú tiểu đang tưới cây, một người khách hỏi, “đã biết cuộc đời là vô thường, sao chú còn chăm sóc thứ ấy làm gì cho tốn công, vô ích?”


Chú tiểu đáp, “dạ xin thưa, nếu mọi vật đều là thường, thì đâu cần chúng con chăm sóc để làm gì?”

Bởi vô thường nên mọi hiện tượng, sự vật trên cõi đời này đều thay đổi, biến thiên theo thời gian. Mới hồi sáng thấy tinh thần sảng khoái, dễ chịu, trẻ trung yêu đời, muốn làm gì cũng được; ấy thế mà buổi chiều, mình lại xìu như bánh bao chiều, mệt mỏi, chán chường, thất vọng, lo âu, sợ hãi. Chính vì vậy mà Phật dạy, “cuộc đời là mộng huyễn”; còn chúng ta thì cho rằng, cuộc đời này vốn là thường còn mãi mãi.


Đời là một giấc mộng dài, là một đám sương mù, là một làn điện chớp, có đó rồi không đó, tích tắc rồi tan biến, nên có bài thơ như sau

Gá thân mộng, dạo cảnh mộng,
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng, nhắn khách mộng,
Biết được mộng, tỉnh cơn mộng.


Đời người cũng vậy, và tất cả muôn loài vật cũng lại như thế. Vô thường là một lẽ thật chung cho tất cả thế gian, không phải của riêng ai, mọi người đều có quyền thấy biết, nhìn nhận như vậy, không phải của người này, mà cũng không phải của người kia. Bởi vô thường nên mọi sự vật có thể đổi thay, vì đổi thay nên ta mới khổ.

Sống trên cõi đời, ai cũng muốn nắm giữ đủ thứ hết, giữ không được thì sinh ra tiếc nuối, buồn khổ. Cũng từ vô thường, nên thân này mới có sinh-già-bệnh-chết, rồi yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được khổ, và sự thịnh suy của thân này cũng khổ. Do đó, Phật dạy, “cái gì có tướng là hư hoại”. Ta gọi chung cho mọi sự thay đổi, hư hoại đó là vô thường.

(Sưu tầm trên mạng)

NGỦ GẬT - NÉT VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG CỦA NGƯỜI NHẬT BẢN

Người Nhật có phải là dân tộc làm việc cực kỳ siêng năng hay không ?


Có lẽ câu trả lời của bạn sẽ là “có” khi nhìn vào sự phát triển của nền kinh tế Nhật. Vậy chúng ta hãy thử xem xét điều đó dưới một góc nhìn khá thú vị. Thói quen ngủ gật của người Nhật.

Trong những buổi hội nghị quốc tế, người Nhật Bản vẫn thường bị chỉ trích về 3 chữ S đó là Silent, Smile và Sleep. (im lặng, cười mỉm và ngủ).

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Bộ trưởng tài chính Taro Aso “đang lắng nghe” câu hỏi từ một nghị sĩ đảng đối lập trong phiên họp về ngân sách tại Tokyo tháng 2-2013

Trong hội nghị của tổ chức FAO - nông nghiệp và lương thực thế giới - được tổ chức tại Rome, xuất hiện một số hình ảnh thành viên trong phái đoàn Nhật Bản đang gật gù trong buổi hội nghị khiến những đại biểu quốc gia khác đã có cái nhìn không mấy được thiện cảm. Thế nhưng ít ai lại biết được rằng ngủ gật chính là một nét đặc trưng văn hóa của người Nhật.

Ngay tại đất nước, người dân Nhật Bản vẫn ngủ gật mọi lúc, mọi nơi. Trên xe bus, trên xe điện, trong thư viện hay thậm chí là ngay trong các cuộc hội thảo, hội nghị và trong các buổi tranh luận tại quốc hội. Đặc biệt hơn nữa là trong những giảng đường đại học, thì hình ảnh sinh viên gục xuống bàn ngủ trong các buổi học là chuyện quá đỗi…. hiển nhiên. Cả giảng đường nhiều khi có tới 70 - 80 sinh viên thì chỉ còn khoản 7 - 10 sinh viên là còn tỉnh táo để nghe giáo sư giảng bài.

Một nơi nữa mà bạn có thể nhìn thấy nhiều người dân Nhật ngủ gật nhất có lẽ là trên các phương tiện giao thông công cộng. Khi di chuyển trên các phương tiện công cộng để đi làm – về nhà – đi học – đi chơi,… người Nhật luôn có cảm giác an toàn đồng thời sau thời gian làm việc, nhìn máy tính nhiều,…. nên rất dễ dàng rơi vào giấc ngủ. Tại Osaka và Tokyo luôn có một hệ thống xe điện công cộng chạy vòng quanh thành phố, nếu chẳng may khi lên xe mà bạn có lỡ ngủ quên thì cũng không sao hết, bạn có thể ngồi ngủ tiếp thêm chút nữa để chờ xe điện vòng lại địa điểm bạn cần xuống một lần nữa.


Mỗi khi nhắc đến câu chuyện về ngủ gật, người dân Nhật thường sẽ trả lời rằng: Xã hội Nhật là một xã hội rất an toàn. Thật sự vậy, chính vì an toàn nên người dân ở đây mới có thể an tâm mà ngủ để nghỉ ngơi một cách dễ dàng và thoải mái. Trên các phương tiện công cộng tại Nhật, không bao giờ bạn phải lo lắng về chuyện bị móc túi hay mất đồ.

Nhưng có điều có thể khiến bạn khá ngạc nhiên đó là người Nhật tuy ngủ nhưng lại giống như không ngủ.
Bạn sẽ thấy một người dân Nhật đang có vẻ như phiêu bồng, say sưa ở một chốn nào đó bỗng dưng bật dậy rồi xuống đúng ga cần xuống khi tàu, xe dừng lại. Hoặc bạn có thể thấy một vị đại diện người Nhật đang nhắm mắt như thiu thiu trong giấc ngủ trong một buổi hội thảo vẫn có thể vỗ tay tán thưởng khi bài phát biểu của một ai đó vừa chấm dứt hay thậm chí còn có thể phản biện lại.


Vậy trừ những lúc ngủ thực sự do quá mệt mỏi trong công việc, học tập,…. thì người Nhật tuy nhắm mắt nhưng các giác quan khác của họ vẫn hoạt động và tai vẫn có thể nghe được những thông báo được phát đi đang trên tàu đến một ga nào đó và họ vẫn có thể xuống đúng ga mình cần.

Đến đây, bạn đã thấy, ngủ gật ở Nhật Bản đúng là một nghệ thuật chưa?

(Sưu tầm trên mạng)


Thursday, September 26, 2019

7 CÁCH BỐ THÍ KHÔNG TỐN TIỀN

Đức Phật dạy 7 cách bố thí không tốn một đồng nào lại giúp bạn gặp vận may cả đời
 

Một người nghèo chạy đến phía trước Đức Phật vừa khóc vừa hỏi Ngài:

“Tại sao con làm việc gì cũng không thành công, đó là do duyên cớ gì ạ?”

Đức Phật nói với anh ta: “Đó là bởi vì con chưa học được cách bố thí cho người khác.”

Người kia thưa: “Nhưng con là một người nghèo khó không có tiền, làm sao có thể bố thí!”

Đức Phật dạy: “Đều không phải như thế. Một người cho dù hoàn toàn không có tiền, vẫn có thể cho người khác 7 thứ:

1. Nhan thí – Cho đi bằng nét mặt. Chúng ta có thể cho đi nụ cười niềm nở đến những người xung quanh hàng ngày mà mình gặp trong cuộc sống.


2. Ngôn thí – Cho đi bằng lời nói. Chúng ta có thể nói nhiều những lời nói ấm áp, khiêm nhường, khen ngợi, an ủi, khích lệ, cổ vũ và động viên người khác.

3. Tâm thí – Cho đi bằng tấm lòng. “Sưởng khai tâm phi, thành khẩn đãi nhân”, có nghĩa rằng mở rộng tấm lòng, chân thật, thành tâm đối đãi với người khác.

4. Nhãn thí – Cho đi những ánh mắt, những cái nhìn hiền từ. Dùng ánh mắt thiện ý để nhìn người khác.

5. Thân thí – Cho đi bằng hành động nhân ái. Dùng hành động nhân ái để đi giúp đỡ người khác.

6. Tọa thí – Cho đi bằng nhường chỗ ngồi cho người cần. Khi đi xe hay trên thuyền có thể nhường chỗ ngồi của mình cho người cần.

7. Phòng thí – Bố thí nơi ở: Đem phòng còn trống cho người khác nghỉ ngơi.


Cuối cùng Đức Phật nói: “Cho dù là ai, chỉ cần tập thành 7 thói quen này thì vận may sẽ đi theo “như hình với bóng”!

Đức Phật nói với chúng ta hạnh của bố thí có rất nhiều cách, chỉ cần dùng chân tình và thiện tâm là có thể làm được.

– Ví như trong cuộc sống hàng ngày, mưu sinh kiếm tiền nuôi gia đình, kỳ thực nuôi gia đình cũng là một dạng bố thí!

– Nếu như bạn cảm nhận thấy bản thân là làm trâu làm ngựa, hay kiếm tiền trả khoản nợ nào đó cho người ta, thế thì chính là bạn đang ôm giữ trong lòng một bụng khí oán giận, bạn sẽ cảm nhận thấy cuộc sống rất khổ! Một khi bạn chuyển ý niệm đầu tiên “nuôi gia đình” thành là bố thí, là cho đi, là chăm sóc, nuôi dưỡng, cung phụng; bạn là cần cho gia đình này, gia đình này cần bạn và bạn là đang cho đi, đang bố thí, đang cung phụng nuôi dưỡng mọi người trong nhà, khi đó bạn sẽ cảm thấy ấm áp nhẹ nhàng và vui vẻ thoải mái.


– Đây chính là giác ngộ và trong mê, tỉnh và thức, khi mê thì thấy rõ ràng xác thực là như bị đòi nợ, trả nợ, một khi giác ngộ ra rồi thì không phải là đòi nợ, trả nợ nữa mà là thực hành bố thí, cung phụng phụng dưỡng cho đi.

– Đừng tưởng rằng đến đền chùa bỏ một chút tiền vào đó mới là bố thí, bởi vì trong vô lượng phương diện bố thí thì bạn mới chỉ hiểu được có một mặt. Bạn có biết rằng, trong cuộc sống thường nhật hàng ngày, hết thảy các hành động và việc làm của chúng ta đều là bố thí, là cung phụng, phụng dưỡng.

– Thí dụ như bạn sắp xếp thu dọn nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ giúp cho cuộc sống những người trong cả nhà được thoái mái, dễ chịu, thì chính là bạn đang tu dưỡng bố thí trong gia đình. Bạn là đang thực hành hạnh Bồ Tát Đạo! Tại công ty bạn tận lực tận tâm làm việc đó là hạnh bố thí trong công việc, và là cung phụng, cung dưỡng đối với xã hội.

– Chúng ta có đủ khả năng khởi lên những niệm đầu này, chúng ta sẽ sống tự tại!


– Chúng ta vất vả chăm chỉ làm việc, có thể tính là không nhận được quyền lợi gì tới mình, nhưng cũng sẽ không còn cảm thấy khó sống, tại sao lại thế ? Bởi vì chúng ta bằng sức lao động và bằng chính thể lực, trí tuệ của bản thân mình để bố thí, cung phụng, phụng dưỡng cho người, cho nên tâm chúng ta hoan hỷ hài lòng và sẽ vô cùng vui vẻ.

– Chúc bạn có thể tu thành hạnh bố thí, cung phụng. Trên bề mặt trước mắt nếu mà bạn có thể chưa thấy ngay được phúc báo, nhưng rồi quả của nó sẽ báo đáp không thể nghĩ bàn.

(Sưu tầm trên mạng)

CÓ NHỮNG CUỘC ĐỜI KHÔNG GIỐNG NHAU


Một nhà có ba người con trai, họ trưởng thành trong những trận cãi vã không ngừng của cha mẹ, mẹ của họ lúc nào cũng bị cha họ đánh đập thương tích đầy mình.

Người con cả nghĩ: Mẹ thật đáng thương! Sau này mình phải đối tốt với vợ mình hơn.

Người con thứ hai nghĩ: Kết hôn thật chẳng có nghĩa lý gì, sau này mình lớn lên chắc chắn sẽ không lấy vợ!

Người con thứ ba nghĩ: Thì ra, chồng có thể đánh đập vợ như vậy!

Kết luận:

Cho dù môi trường sống giống nhau, nếu cách tư duy không giống nhau, sẽ kéo theo những cuộc đời không giống nhau.

(Sưu tầm trên mạng)