So với đất nước bốn ngàn năm, Nam Kỳ Lục Tỉnh còn trẻ quá, từ thời Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được cử đi kinh lược đất Sài Gòn năm 1698, đến nay chỉ mới hơn 300 năm. Vùng đất này được nhắc đến nhiều qua các du ký, bút ký của người phương Tây, tưởng cũng cần nói một chút về chuyện ngôn ngữ. Trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 200 năm, đất nước chia ra hai vùng: Đàng Ngoài và Đàng Trong chia cách nhau bởi con sông Gianh thuộc địa hạt Quảng Bình. Người phương Tây (chủ yếu là người Pháp) gọi Đàng Ngoài là Tonkin, âm từ chữ “Đông Kinh”, vốn là một tên cũ của Hà Nội, còn Đàng Trong thì gọi là Cochinchine. Từ này được hiểu là cả vùng Đàng Trong, từ Quảng Bình vào đến địa giới cuối cùng về phía Nam.
Năm 1808, vua Gia Long cho lập ra Gia Định thành là một vùng đất rộng gồm 5 trấn (sau là tỉnh) trải dài từ Bình Thuận đến Hà Tiên, người Pháp dùng từ “Basse Cochinchine” (Hạ Đàng Trong) để chỉ vùng đất này. Quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức được tác giả Aubaret dịch ra tiếng Pháp dưới cái tên “Histoire et Description de la Basse Cochinchine”. Năm 1831, vua Minh Mạng đổi tên gọi cấp địa phương “trấn” thành “tỉnh” và năm 1836, cử quan lại đi kinh lý “6 tỉnh Nam Kỳ” gồm: Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên.
Lần đầu tiên trong sách Quốc Triều Sử Toát Yếu, người ta đọc thấy cụm từ “Nam Kỳ lục tỉnh”. Như vậy cụm từ này ra đời năm 1836, thay vì 1834 như có tài liệu đã viết. Hơn 30 năm sau, năm 1867, khi thực dân Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ thì cụm từ Nam Kỳ Lục Tỉnh bị họ chính thức khai tử bằng cách lập ra hơn 20 “arrondissement”, theo nghĩa chính của từ ngữ là quận huyện, song theo cách gọi của sách báo thời bấy giờ là hạt hay địa hạt. Đứng đầu các hạt là những Tham biện người Pháp ngạch “Administrateur des affaires indigènes”, có sự phụ giúp của một số viên chức thừa hành cao cấp người Việt ngạch Huyện, Phủ và Đốc phủ sứ. Cũng từ thời kỳ này trở về sau, từ Cochinchine được người Pháp dùng chỉ riêng Nam Kỳ, Trung Kỳ là Annam và Bắc Kỳ là Tonkin.
Ngày 1.1.1900, thực dân Pháp tái lập cấp tỉnh trên toàn cõi Nam Kỳ, đến thập niên 1910, đã có một số Phủ, Huyện Việt Nam được bổ làm Chủ quận. Số tỉnh có lúc lên đến 20 tỉnh, song trong ngôn ngữ người dân miền Nam lúc bấy giờ, Nam Kỳ Lục Tỉnh vẫn có giá trị của ký ức sâu đậm một thời. “Về lục tỉnh” vẫn là cách nói phổ biến vào nửa đầu thế kỷ 20 để chỉ các tỉnh miền Tây Nam phần. Điều thú vị hơn cả, có lẽ là sáng kiến của các thầy cô giáo vào thời kỳ này đã sắp xếp chữ đầu của 20 tỉnh miền Nam thành 4 câu ngũ ngôn, đọc thông suốt, dễ thuộc và dễ nhớ, học trò thế hệ sinh vào thập niên 1940 trở về trước, hầu như ai cũng từng đọc qua.
Bốn câu đó là:
GIA CHÂU HÀ RẠCH TRÀ
SA BẾN LONG TÂN SÓC
THỦ TÂY BIÊN MỸ BÀ
CHỢ VĨNH GÒ CẦN BẠC
Gia Định, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Trà Vinh
Sa Đéc, Bến Tre, Long Xuyên, Tân An, Sóc Trăng.
Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Biên Hòa, Mỹ Tho, Bà Rịa
Chợ Lớn, Vĩnh Long, Gò Công, Cần Thơ, Bạc Liêu
Mỗi khi đọc lại câu Gia Châu Hà Rạch Trà…, tưởng như thấy lại mái trường xưa, người thầy lưng còng tóc bạc và một thời thơ ấu đã xa.
LÊ NGUYỄN