Sunday, September 22, 2019

TÊN ĐƯỜNG SÀI GÒN, XƯA GIỜ SAO KHÔNG BIẾT?

“Ủa, thật vậy đó hả? Thế mà xưa giờ em không biết!”, cô gái bán cà phê ngay góc nhà thờ thốt lên khi biết đường sách của Sài Gòn vốn được đặt theo tên của một vị linh mục.

Con đường ngắn nhưng mát rượi dưới những vòm me chạy từ Hai Bà Trưng ra Nhà thờ Đức Bà mang tên Tổng giám mục Thiên chúa giáo giáo phận Sài Gòn Nguyễn Văn Bình.

Đường sách Sài Gòn ngày nay mang tên Tổng giám mục Thiên chúa giáo giáo phận Sài Gòn Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Hà Hương.

NGHÌN NĂM NƯỚC VIỆT QUA TÊN ĐƯỜNG

Từ năm 1955, nhóm chuyên gia của chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã có ý đặt tên đường dựa theo từng cụm gồm các nhân vật gần gũi nhau về một phương diện nào đó. Tên các anh hùng, danh sĩ triều Lý, Trần, Lê, Tây Sơn cho đến những nhà cách mạng đầu thế kỷ 20 như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học đều được đặt tên đường thay cho tên tiếng Pháp trước đó.

Cụm danh tướng nhà Trần ở Tân Định (quận 1) gồm Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Đặng Dung… Cụm danh tướng nhà Lê ở quận 4 gồm Đinh Lễ, Lê Quốc Hưng, Lê Thạch, Lê Văn Linh.

Cụm các liệt sĩ trong Khởi nghĩa Yên Bái gồm Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Cô Giang, Cô Bắc, Ký Con. Cụm Gia Định tam gia ở quận 5 và Bình Thạnh gồm có Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định.

Cụm các nhà thơ, nhà văn nằm trong phạm vi quận 1 và quận 3 gồm Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Lê Ngô Cát, Đặng Trần Côn, Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương… Trong khi đó, cụm thi đàn Mặc Vân ở quận 8 gồm có Mặc Vân, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương.

Đường Trần Văn Đang ngày nay vào năm 1972 được đặt tên là Hoàng Đạo nối với đường Khái Hưng giáp Nguyễn Thông. Con đường này gợi nhớ đến nhóm Tự lực văn đoàn những năm 1930.

Góc đường Nguyễn Thái Học - Cô Giang nằm khuất dưới chân cầu Ông Lãnh. Ảnh: Hà Hương.

Ở quận 5 có một con đường tên là Kim Biên. Ngày nay, cái tên Kim Biên chủ yếu được biết đến với biệt danh “chợ thần chết” chuyên bán các loại hoá chất hay phụ gia thực phẩm. Thực tế, Kim Biên chính là phiên âm theo tiếng Hán Việt tên Phnom Penh, kinh thành của Cao Miên cũ.

Hay nếu đến khu cư xá Bắc Hải tại quận 10, nhiều người sẽ bắt gặp tên của những dòng sông, ngọn núi xuyên suốt đất nước Việt Nam. Đó là sông Cửu Long, sông Đồng Nai hay núi Ba Vì, Hồng Lĩnh. Năm 1969, những nhà quy hoạch cư xá này đã đặt tên đường theo nguyên tắc đường ngang là núi, đường dọc là sông.

MỖI GÓC PHỐ, MỘT CHUYỆN TÌNH

Góc đường Nguyễn Thái Học – Cô Giang nằm khuất dưới chân cầu Ông Lãnh. Nguyễn Thái Học và Cô Giang (tức Nguyễn Thị Giang) là những cái tên đánh dấu cuộc Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Nhưng, không nhiều người biết câu chuyện tình yêu bi thương của họ trong giai đoạn lịch sử nhiều xáo trộn đầu thế kỷ 20.

Đường Cô Giang có từ năm 1920. Trước đó, đường có tên là Douaumont, được chính thức đổi tên thành đường Cô Giang vào năm 1955 dưới thời chính quyền Sài Gòn.

Theo cuốn sách Đường phố Thành phố Hồ Chi Minh của tác giả Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Đình Tư, cô Giang gặp Nguyễn Thái Học và yêu nhau vào năm 1929. Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thái Học và các đồng chí bị thực dân Pháp đưa lên máy chém.

Đường Đồng Khởi từng có tên là Catinat thời Pháp, Tự Do dưới thời Việt Nam Cộng hoà. Ngày nay, một quán cà phê góc đường Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi có tên là Katinat. Ảnh: Hà Hương. 

Sau khi chứng kiến cái chết của người yêu trên pháp trường, cô Giang trở về và viết một bức thư gửi hương hồn Nguyễn Thái Học: “Anh đã là người yêu nước, không làm trọn được nghĩa vụ cứu nước, anh giữ lấy linh hồn cao cả để về dưới suối vàng chiêu binh rèn súng đánh đuổi quân thù. Phải chịu đựng nhục nhã mới mong có ngày vẻ vang. Các bạn đồng chí còn sống lại sau anh phải phấn đấu thay anh để đánh đổ cường quyền mà cứu đồng bào đau khổ”.

Cũng trong ngày hôm đó, cô Giang quay về quê chào từ biệt song thân của Nguyễn Thái Học và dùng súng tự tử.

Song song với đường Cô Giang là đường Cô Bắc. Đường Cô Bắc nối Nguyễn Thái Học với đường Hồ Hảo Hớn nằm trong cụm tên đường liên quan đến Khởi nghĩa Yên Bái. Cô Bắc là em gái của cô Giang, là Đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng. Khởi nghĩa thất bại, cô Bắc cùng các đồng chí bị đưa ra toà và kết án tù 5 năm.

HÀ NỘI CÓ PHỐ HÀNG, SÀI GÒN CÓ XÓM NGHỀ

Sài Gòn cũng có nhiều cái tên gợi nhớ đến những thôn làng cũ của đất Gia Định xưa. Đó là đường Phú Giáo, Phú Hữu hay đường Tân Hưng, Tân Thành ở quận 5.

Theo giải thích của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, cái tên đường Xóm Cải bắt nguồn từ một địa danh xưa của đất Chợ Lớn. Nơi đây, xưa kia người dân chuyên trồng rau cải để bán. Tương tự, đường Xóm Chỉ được lấy theo tên một làng chuyên làm nghề kéo chỉ. Còn đường Lò Siêu đặt tên theo một xóm nhỏ nơi người dân sống với nghề làm siêu nấu nước bằng gốm.

Ở Sài Gòn, tên của những bà già bán nước ven đường cũng trở thành tên của một địa danh hay một con đường. Thành phố có đường Bà Hom, Bà Ký hay Bà Hạt, Bà Lài.

Trong đó, đường Bà Lài có một số phận khá kỳ lạ. Bà Lài vốn là tên của một người phụ nữ sống ở ngoại ô Chợ Lớn xưa. Bà mở một quán hàng hàng ở vùng quận 5. Khi người Pháp lập thành phố Chợ Lớn, đường chạy qua quán của bà được lấy theo tên bà. Tuy nhiên, khi bà dời xuống quận 6 buôn bán, người ta chuyển tên đường Bà Lài từ quận 5 xuống quận 6 cho phù hợp với thực tế.


Trong một kiến nghị vào năm 1993, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khẳng định: “Tôi không tán thành việc xoá bỏ những địa danh nôm na như Bà Lài, Bà Ký, Lò Gồm, Lò Gạch. Cũng nên bảo lưu tối đa những tên thôn ấp, phường xã có từ trước thời Pháp. Những địa danh nôm na và cổ kính đó sẽ chứng minh là thành phố ta đã có từ lâu đời.

Các thành phố cổ thường bắt đầu từ một xóm làng heo hút với mấy lều tranh vách đất. Thành phố ta cũng vậy, tuy mới xây dựng 300 năm nay, thành phố lớn mạnh nhanh chóng, tuy nhờ có vị trí địa lý biệt đãi và hoàn cảnh lịch sử thuận lợi song cũng do công sức xây dựng của các nhà lãnh đạo và của từng cư dân lao động cần cù. Lịch sử của một dân tộc cũng như một thành phố bao gồm vừa ánh sáng vừa bóng tối”.


Hà Hương
Theo Zing

No comments: