"Mặt nạ thời gian" là một cụm từ mà tôi mới được nghe khi xem chương trình "Người Bí Ẩn mùa 6 - Tập 16" tối nay. Lúc bắt đầu tôi cứ nghĩ loại mặt nạ này thường thấy ở các nước Đông Nam Á như Nhật Bản, Trung Quốc,...nhất là loại mặt nạ trong loại hoạt hình ngệ thuật ở Thành Đô Trung Quốc nhưng sau khi xem xong tôi mới thấy nó thật sự là một nghệ thuật độc đáo của riêng Việt Nam mà cho đến bây giờ mới biết. Mỗi một chiếc" mặt nạ thời gian" là một câu chuyện mà nghệ nhân đã để vào trong đó và chắc chắn là không có chiếc thứ hai.
Tôi lên mạng tìm được một bài viết giới thiệu về nghệ nhân này, ông Bùi Quý Phong, xin chia sẻ cùng các bạn và có kèm theo clip ngắn của "Người Bí Ẩn" (LKH).
Mê mẩn với những chiếc 'mặt nạ thời gian'
Đến Hội An, hỏi về mặt nạ giấy bồi hẳn ai cũng sẽ nhắc tới tên ông Bùi Quý Phong (62 tuổi), một người đàn ông dành cả trái tim vào những chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống.
Số 66 Bạch Đằng, phố cổ Hội An đã trở thành một không gian đầy màu sắc dưới bàn tay trang trí của ông Phong.
Ông Phong cho biết, làm mặt nạ trải qua rất nhiều công đoạn. Ban đầu là đắp mặt nạ bằng giấy trên các khuôn có sẵn, việc đắp giấy đòi hỏi người đắp phải có bàn tay khéo léo, đắp sao cho đều, mịn, tránh “gồ ghề” sẽ ảnh hưởng đến thần thái của mặt nạ sau này.Viền mặt nạ được làm bằng dây mây hoặc tre.
Tính từ lúc đắp mặt nạ cho đến khi vẽ xong, một mặt nạ hoàn chỉnh phải cần đến 2 ngày để thực hiện.
Phong cách nghệ thuật mặt nạ của ông Phong rất đa dạng. Từ mặt nạ tuồng, mặt nạ truyền thống, cho đến những phong cách mới được ông học theo những họa sĩ nổi tiếng trên thế giới.
Năm 2016, cửa hàng “Mặt nạ thời gian” của ông chính thức đi vào hoạt động, không gian nghệ thuật mặt nạ này thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Nếu muốn, du khách sẽ được ông Phong hướng dẫn vẽ mặt nạ và sản phẩm đó, sẽ là món quà lưu niệm ấn tượng cho chính du khách vừa vẽ xong.
Là một người yêu nghệ thuật tuồng, yêu cái đẹp truyền thống, ông Phong rất tâm tư về những giá trị văn hóa dân gian đang dần bị mai một. Nhiều lần con cháu khuyên ông chuyển sang làm nghề khác đỡ vất vả hơn nhưng ông nhất quyết gắn bó với những chiếc mặt nạ của mình để có thể quảng bá những giá trị truyền thống đến với khách du lịch ở Hội An.
Ông tâm sự: “Nếu tôi làm mặt nạ bằng nhựa, sẽ nhanh hơn và tiện hơn rất nhiều, lại tiết kiệm được nhiều công sức lao động và tiền nguyên liệu, chiếc mặt nạ cũng bóng hơn và đẹp hơn…”
Tuy nhiên, ông đã quyết định lựa chọn giấy làm nguyên liệu chính cho những chiếc mặt nạ, bởi nó là nguyên liệu truyền thống của dân tộc, lại thân thiện với môi trường.