Thấy một chú tiểu đang tưới cây, một người khách hỏi, “đã biết cuộc đời là vô thường, sao chú còn chăm sóc thứ ấy làm gì cho tốn công, vô ích?”
Chú tiểu đáp, “dạ xin thưa, nếu mọi vật đều là thường, thì đâu cần chúng con chăm sóc để làm gì?”
Bởi vô thường nên mọi hiện tượng, sự vật trên cõi đời này đều thay đổi, biến thiên theo thời gian. Mới hồi sáng thấy tinh thần sảng khoái, dễ chịu, trẻ trung yêu đời, muốn làm gì cũng được; ấy thế mà buổi chiều, mình lại xìu như bánh bao chiều, mệt mỏi, chán chường, thất vọng, lo âu, sợ hãi. Chính vì vậy mà Phật dạy, “cuộc đời là mộng huyễn”; còn chúng ta thì cho rằng, cuộc đời này vốn là thường còn mãi mãi.
Đời là một giấc mộng dài, là một đám sương mù, là một làn điện chớp, có đó rồi không đó, tích tắc rồi tan biến, nên có bài thơ như sau
Gá thân mộng, dạo cảnh mộng,
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng, nhắn khách mộng,
Biết được mộng, tỉnh cơn mộng.
Đời người cũng vậy, và tất cả muôn loài vật cũng lại như thế. Vô thường là một lẽ thật chung cho tất cả thế gian, không phải của riêng ai, mọi người đều có quyền thấy biết, nhìn nhận như vậy, không phải của người này, mà cũng không phải của người kia. Bởi vô thường nên mọi sự vật có thể đổi thay, vì đổi thay nên ta mới khổ.
Sống trên cõi đời, ai cũng muốn nắm giữ đủ thứ hết, giữ không được thì sinh ra tiếc nuối, buồn khổ. Cũng từ vô thường, nên thân này mới có sinh-già-bệnh-chết, rồi yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được khổ, và sự thịnh suy của thân này cũng khổ. Do đó, Phật dạy, “cái gì có tướng là hư hoại”. Ta gọi chung cho mọi sự thay đổi, hư hoại đó là vô thường.
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment