Wednesday, September 25, 2019

HẠNG VŨ QUA THƠ NGUYỄN DU

NGUYỄN DU THĂM MỘ HẠNG VŨ, PHẠM TĂNG

Sở Bá Vương Hạng Vũ tức Hạng Tịch (232-202) tự Võ hay Vũ, người đất Hạ Tương nay thuộc tỉnh Giang Tô xuất thân từ gia đình quý tộc đời đời làm tướng nước Sở. Sức mạnh nhấc vạc, dời non địch cả trăm người. Cuối đời nhà Tần theo chú là Hạng Lương khởi binh ở Ngô Trung, đánh phía Bắc sông Hoài, sông Hoàng Hà, đại phá quân Tần. Sau khi Tần mất tự lập là Tây Sở Bá Vương, cùng Lưu Bang (Hán Cao Tổ) tranh đoạt thiên hạ, cuối cùng bị thua ở Cai Hạ, chạy đến Ô Giang tự vẫn năm 31 tuổi.


Hạng Vũ và Lưu Bang là hai nhân vật chính trong lịch sử Hán Sở Tranh Hùng: một đìển hình về nhân đạo và bạo lực. Tần Thủy Hoàng tóm thâu 6 nước thống nhất thiên hạ, lập nên nhà Tần ham dâm vô đạo: chiếm nước Triệu giết bốn trăm ngàn quân sĩ đầu hàng, đốt sách, chôn nho sĩ, lập cung A Phòng với 5 ngàn cung nữ, xây Vạn Lý Trường Thành hao tổn bao xương máu, nhân dân thán oán. Lòng dân ngóng đợi một vị minh chúa. Khi Tần Thủy Hoàng mất đã xuất hiện Hạng Vũ, một kẻ vá trời lấp biển, thuận theo lòng người diệt nhà Tần, trị thiên hạ. Tuy nhiên Hạng Vũ vẫn là kẻ bạo ngược, cũng chỉ biết dùng bạo lực trị dân. Lưu Bang không đánh giặc bằng uy dũng mà dẹp loạn vì lòng nhân, khiến cho bạo lực và nhân đức đối chọi nhau trong một cuộc chiến kỳ thú. Cuối cùng Lưu Bang đã thắng lập nên nhà Hán cai trị Trung Quốc 400 năm. Đó là một triều đại thịnh trị, dân Trung Hoa tự xưng mình là dân tộc Hán.

Hạng Vũ khi bị Lưu Bang vây chặt ở đất Cai Hạ có làm bài thơ “Cai Hạ Ca”. Ngu Cơ họa theo. Hạng Vũ khóc, mọi người cùng khóc, Ngu Cơ tự vẫn để Hạng Vũ chiến đấu trận cuối cùng.

Sức bạt núi hề khí trùm cõi thế,
Ngựa chuy không chạy hề thời không may.
Ngựa sao đứng mãi thế này !
Nàng Ngu Cơ ơi, hề tính sao đây !



Nguyên tác:

Cai Hạ Ca

Lực bạt sơn hề khí cái thế,
Thời bất lợi hề chuy bất thệ.
Chuy bất thệ hề khả nại hà !
Ngu hề Ngu hề nại nhược hà !


垓下歌 

力拔山兮氣蓋世,
時不利兮騅不逝.
騅不逝兮可奈何,
虞兮虞兮奈若何.


Nàng Ngu Cơ đáp lời:

Hán binh lấy hết đất,
Khúc Sở vang bốn bề,
Đại Vương chí lớn cạn,
Tiện thiếp sống làm chi !


Nguyên tác:

Biệt Bá Vương

Hán binh dĩ lược địa,
Tứ diện Sở thanh ca.
Đại vương ý khí tận,
Tiện thiếp hà liễu sinh !

別霸王 

漢兵已略地,
四面楚歌聲.
大王意氣盡,
賤妾何聊生.


Hạng Vũ tự vẫn ở bến sông Ô Giang, tỉnh An Huy, đầu bị cắt đem về dâng Hán Cao Tổ. Lưu Bang ôm đầu khóc, nhớ lại những ngày xưa từng kết nghĩa anh em, chỉ vì tranh thiên hạ mà hiềm khích. Tuy bắt Thái Công và Lã Hậu, mà vẫn nuôi dưỡng tử tế không hề xúc phạm, đó là hành động của bậc trượng phu. Không ngờ nay nhà vua chết đi, tôi thương tiếc biết chừng nào.... Cái đầu xuất hiện lần cuối cùng ở Lỗ Thành, khi thành này không chịu hàng, Hán Cao Tổ cho đem đầu đến quân tướng Lỗ Thành mới chịu đầu hàng. Sau đó Hán Cao Tổ cho an táng theo nghi lễ Lỗ Công tại khu lăng mộ vua nước Lỗ. Như thế theo phong tục ngày xưa Trung Quốc, có hai ngôi đền lăng mộ Hạng Võ: Ngôi mộ ở Ô Giang chỉ có thân mình và chiếc đầu giả bằng gỗ, và ngôi lăng mộ ở Lỗ Thành an táng chiếc đầu và thân hình tạc bằng gỗ. Nguyễn Du viết bài I, ở Ô Giang và viết bài II, ở Lỗ Thành, khi đi sứ trên đường về qua Sơn Đông; trong khoảng thời gian 2-11 đến 11-12 năm Quý Dậu (1813) từ Cảnh Châu tỉnh Trực Lệ qua Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, rồi qua An Huy mà xuống Hồ Bắc.

Nguyễn Du viết Sở Bá Vương mộ bài I, vì từng muốn đi Trường Lăng, tỉnh Thiểm Tây thăm mộ Hán Cao Tổ. Thiểm Tây là tỉnh có kinh đô Trường An, do đó bài này làm khi đi qua mộ Sở Bá Vương ở Ô Giang trong thời kỳ giang hồ 1789. Sứ thần Hồ Tông Thốc làm bài thơ ở Đền Hạng Vương, Lỗ Thành. Sứ thần Phạm Sư Mạnh đời Trần làm bài thơ ở Ô Giang. Nhà thơ Phạm Huy Thông, năm 16 tuổi, không đi qua hai nơi này nhưng bắt nguồn cảm hứng từ chuyện Hạng Võ biệt Ngu Cơ trong Hán Sở Tranh Hùng đã viết trường ca Tiếng Địch sông Ô, đăng báo năm 1935. Sông Ô Giang là một trong 7 phụ lưu chính, nằm bên phải sông Dương Tử Giang (dài 6300 km, thứ ba trên thế giới sau sông Nil và Amazon, Dương Tử Giang có 700 phụ lưu). Ngày nay Ô Giang không còn thơ mộng như xưa mà là con sông ô nhiểm nhất thế giới, đến mức báo đăng gần đây có một thương gia họ Lưu làm ăn thua lỗ, nhảy xuống sông Ô Giang tự tử, nhưng chịu không nổi mùi hôi thối phải kêu cứu nhờ người vớt lên bờ trở lại.


Nguyễn Du viết: Có sức dời non, nhấc vạc, nhưng làm gì được mệnh trời. Bài Cai Hạ Ca, Hạng Vũ viết: Lực bạt sơn hề khí cái thế (Sức san bằng được núi, khí thế bao trùm cõi đời). Trước miếu vua Hạ Vũ có cái vạc, chỉ mình Hạng Vũ nhấc nổi. Mối hận xưa, dằng dặc gửi dưới lớp cát mỏng. Đất Bá Thượng (tỉnh Thiểm Tây) khi Lưu Bang ở có đám mây nổi lên trời như con rồng năm sắc, mọi người cho đó là điềm vua xuất hiện, có người sẽ lên làm vua. Trong màn luống nghe tiếng hát mỹ nhân: Khi Hạng Vũ bị Lưu Bang vây. Hạng Vũ ngâm thơ, phu nhân là Ngu Cơ họa đáp. Hạng Vũ khóc mọi người cùng khóc. Ngu Cơ hát lời cuối cùng trước khi tự vẫn. Phiến đá trước mắt còn ghi dấu anh hùng. Sau này bọn nhà nho bàn tán quá nhiều. Hạng Võ thua ở Cai Hạ không chịu về Giang Đông để phục binh mà tự vẫn vì không muốn mang danh là tướng bại trận. Muốn tìm một mảnh đất ở Trường Lăng: mộ Hán Cao Tổ nay thuộc huyện Trường Lăng, tỉnh Thiểm Tây. Sau loạn Xích My nơí ấy gai góc mọc đầy. Cuối thời Tây Hán, để khỏi lộn với quân Vương Mãng, nghĩa quân đều vẽ lông mày đỏ gọi là Xích My.

MỘ SỞ BÁ VƯƠNG I

Dời non nhất vạc chẳng qua trời,
Dưới cát mỏng còn hận chẳng nguôi.
Bá Thượng hiện ra thiên tử khí,
Trong màn tiếng hát mỹ nhân thôi.
Anh hùng bia đá còn trong mắt,
Nho sĩ luận bàn biết mấy lờì.
Đất cũ Trường Lăng toan tính đến,
Xích My loạn lạc phủ đầy gai.

(Nhất Uyên dịch thơ)

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

SỞ BÁ VƯƠNG MỘ KỲ NHẤT

Bạt sơn giang đỉnh nại thiên hà ?
Túc hận du du ký thiển sa.
Bá Thượng dữ thành thiên tử khí,
Thướng trung không thính mỹ nhân ca.
Nhãn tiền phiến thạch anh hùng tại,
Sự hậu quần nho khẩu thiệt đa.
Dục mịch Trường Lăng nhất phôi thổ,
Xích my loan hậu biến bồng ma.


楚霸王墓其一 

拔山扛鼎奈天何,
夙恨悠悠寄淺沙.
霸上已成天子氣,
帳中空聽美人歌.
眼前片石英雄在,
事後群儒口舌多.
欲覓長陵一坏土,
赤眉亂後遍蓬麻.

Bài II. Tấm đá dựng một mình cao ngất bên đường. Chẳng phải Ô Giang (phía đông bắc Hòa Huyện, tỉnh An Huy) nơi Hạng Vũ tự vẫn. Mà là thành cũ nước Lỗ, nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông. Khi Hạng Vũ thua ở Cai Hạ chạy về bến Ô Giang, người đình trưởng Ô Giang đưa đò đến đón khuyên Vũ nên về Giang Đông nước Sở nhưng Vũ tự đâm cổ chết. Sau khi Vũ chết các thành đều hàng phục Lưu Bang, riêng Lỗ Thành không chịu hàng. Lưu Bang phải đem đầu Vũ ra cho xem mới chịu hàng. Nguyễn Du đi sứ về, vì đổi đường có đi ngang qua Sơn Đông, viết bài “Cây Liễu đền Mạnh Tử”, bài II, Nguyễn Du làm lúc đi ngang qua Lỗ Thành thấy tấm bia ở đền Hạng Vương. Đến khi biết bại vong không phải do tội đánh trận kém. Câu này nhắc lại lời Hạng Vũ nói ông ta thua không phải vì không biết đánh trận mà vì trời làm cho thua. Mới hay đem trí lực mà tranh với trời chỉ uổng công thôi. Xưa nay không biết bao nhiêu anh hùng đã rơi lệ. Câu này nhắc tích Hạng Vũ ngâm họa “Cai Hạ ca” cùng Ngu Cơ, mọi người đều khóc không ai ngẩng lên nhìn. Trong mưa gió còn nghe như tiếng la hét. Hạng Vũ khi cầm quân thường la hét. Nguyễn Du tưởng tượng trong mưa gió gầm thét như tiếng hét Hạng Vũ năm nào. Ngôi đền vắng vẻ hai mùa, không ai quét dọn cúng tế. Mỗi mùa xuân đến, cỏ Ngu mỹ nhân lại mọc xanh tươi. Sau khi Ngu Cơ tự vẫn, thứ cỏ mọc trên mộ nàng gọi là Ngu mỹ nhân. Tăng Tử Cố trong bài vịnh nàng có câu: Tiêu huyết hóa vi nguyên thương thảo (Máu đào hóa thành cỏ mọc trên bãi).


Bên đường bia đá dựng chênh vênh,
Chẳng phải Ô Giang mà Lỗ Thành.
Biết chẳng bại vong vì sức kém,
Uổng đem trí lực chống trời xanh.
Xưa nay bao lệ anh hùng đổ,
Mưa gió còn nghe tiếng hét quanh.
Vắng vẻ hai mùa không cúng lễ,
Cỏ Ngu xuân đến lại xanh xanh.

(Nhất Uyên dịch thơ)

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Lộ bàng phiến thạch độc tranh vanh,
Bất thị Ô giang, thị Lỗ Thành.
Cập thức baị vong phi chiến tội,
Không lao trí lực dữ thiên tranh.
Cổ kim vô ná anh hùng lệ,
Phong vũ do văn sất sá thanh.
Tịch tịch nhị thời vô tảo tế,
Xuân lai ngu thảo tự tùng sinh.


楚霸王墓其二 

路旁片石獨崢嶸,
不是烏江是魯城.
及識敗亡非戰罪,
空勞智力與天爭.
古今無那英雄淚,
風雨猶聞叱吒聲.
寂寂二時無埽祭,
春來虞草自叢生.


Nói đến Hạng Vũ, cũng không quên nói đến Phạm Tăng quân sư. Ngày 21-9 năm Quý Dậu (1813) Nguyễn Du đến Từ Châu, kinh đô cũ Bành Thành của Hạng Vương, đã ghé thăm mộ Phạm Tăng và viết bài “Á Phụ Mộ”.

Phạm Tăng người đất Cư Sào, có nhiều mưu kế lạ, năm ông 66 tuổi được Sở Bá Vương Hạng Vũ mời ra giúp. Vũ rất trọng Phạm Tăng nên gọi Phạm Tăng là Á Phụ. Tăng biết mệnh trời đã ứng với họ Lưu song vẫn xui Vũ giết Lưu Bang nhân buổi yến tiệc ở Hồng Môn, Vũ không nghe. Có đôi chén ngọc do Lưu Bang, Trương Lương tịch thu từ cung điện nhà Tần đem tới, Hạng Vũ tặng lại cho, Phạm Tăng tức giận cầm đôi chén đặt xuống đất tuốt kiếm đập vỡ tan và nói: “Chà, thằng trẻ con không thể cùng bàn mưu. Người đoạt thiên hạ của Hạng Vương nhất định là Bái Công. Bọn ta sẽ bị bắt cầm tù hết” (Sử Ký). Phạm Tăng tiến cử Hàn Tín, Hạng Vương không tin chỉ dùng làm Chấp kích lang, vác kích theo hầu. Phạm Tăng dặn dò trước khi đi vắng: nếu không dùng Hàn Tín thì nên giết Hàn Tín đi, Hạng Vương không nghe để Hàn Tín về đầu Lưu Bang, trở thành Đại nguyên soái của Lưu. Cuối cùng Hạng Vương bị đại bại về tay Hàn Tín.

Lúc binh Sở vây thành Huỳnh Dương của Hán rất gấp, Hạng Vương lại mắc mưu ly gián của Trương Lương, nghi Phạm Tăng tư thông với Lưu Bang phản mình. Phạm Tăng biết tính nóng nẩy, hẹp hòi của Hạng Vũ, biết không thể minh oan cho mình được, bèn xin từ chức về quê. Phạm Tăng vừa buồn vừa tức. Buồn vì biết rằng Sở sẽ bị Hán diệt, tức vì mình đem thân phụng thờ Hạng Vương, kẻ hữu dõng vô mưu. Chẳng bao lâu Phạm Tăng lâm bệnh, phát một cái nhọt lớn ở lưng, rồi chết, thọ được 71 tuổi. Hạng Vương hay tin hối hận không cùng, sai người đem xác Phạm Tăng về Bành Thành khâm liệm, mai táng trọng thể.


Bài thơ Á Phụ Mộ, Nguyễn Du viết tại Từ Châu: Mắt nhìn thấy mây năm sắc nổi lên ở đất Bá Thượng. Bá Thượng là nơi Lưu Bang, Hán Cao Tổ sinh ra. Ngày xưa cho rằng khi mây ngũ sắc xuất hiện nơi nào là nơi đó có vị thiên tử xuất hiện, lập triều đại mới. Phạm Tăng biết Lưu Bang sẽ được ngôi vua nhưng vẫn miệt mài bày mưu đặt kế giết Lưu Bang, cuối cùng đều bị hỏng. Phạm Tăng hành động vì quan niệm trung quân, đã thờ Hạng Vương làm minh chúa thì không phụ lòng Sở Vương, khăng khăng cho rằng “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” dù biết mệnh trời đã thuộc về Lưu Bang. Nghiệp bá của Sở Vương tiêu tan đã ngàn năm rồi. Nấm mộ cổ chôn sâu ba thước (thước Trung Quốc ngày xưa nhỏ hơn mét ngày nay) giờ hoang lạnh trong mùa thu. Bao nhiêu kẻ trung thành với người mình thờ, thường bị đời cười là ngu.

MỘ Á PHỤ

Bá Thượng mây năm sắc thấy rồi,
Vẫn còn mài miệt đặt mưu thôi.
Không đành phụ Sở dầu ghi dạ,
Dẫu biết rằng Lưu có mệnh trời.
Nghiệp bá nghìn năm tiêu tán mất,
Nấm mồ ba thước lạnh thu trôi.
Một lòng bao kẻ trung vì chúa,
Thường bị người đời bảo ngốc, cười.

(Nhất Uyên dịch thơ)

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Á PHỤ MỘ

Nhãn khan Bá Thượng ngũ vân phù,
Cấp cấp phương đồ nhất kích mưu.
Đãn đắc thủ tâm vô phụ Sở,
Bất tri thiên mệnh dĩ qui Lưu.
Bá đồ dẫn diệt thiên niên hậu,
Cổ mộ hoang lương tam xích thu.
Đa thiểu nhất tâm trung sở sự,
Mỗi vi thiên hạ tiếu kỳ ngu


亞父墓 

眼看霸上五雲浮,
汲汲方圖一擊謀.
但得此心無負楚,
不知天命已歸劉.
伯圖泯滅千年後,
古墓荒涼三尺秋.
多少一心忠所事,
每為天下笑其愚.

Phạm Trọng Chánh

No comments: