Sunday, September 8, 2019

HỒNG HIÊN TỰ: NGÔI CHÙA TRĂM TUỔI TẠI PHÁP, CỔ NHẤT CHÂU ÂU

Tròn 100 tuổi vào năm 2019, Hồng Hiên Tự là ngôi chùa cổ nhất châu Âu. Được những người lính Việt đóng quân tại Pháp trong Thế Chiến I xây dựng, ngôi chùa là nơi để những người con xa quê tiếp tục thờ Phật và là nơi để tưởng nhớ những đồng hương hy sinh vì nước Pháp.

Điện thờ chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp.(RFI / Tiếng Việt)

Nằm ở Fréjus, một thành phố nhỏ ở vùng Côte d’Azur (French Riviera, miền nam nước Pháp), Hồng Hiên Tự nổi bật từ xa với cổng tam quan sơn đỏ và những bậc thang nối tiếp nhau dẫn lên đỉnh đồi nơi chùa tọa lạc. Hai bên cầu thang là hàng tượng chư Phật như dõi theo bước chân khách hành hương đến vãn cảnh chùa.

Nổi bật trong khuôn viên rộng 6.100 m2 là hàng trăm bức tượng đầy mầu sắc thể hiện những vị Phật, các vị la hán và anh hùng dân tộc Việt Nam, trong đó ấn tượng nhất là tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn, dài hơn 9 mét và một bức tượng bằng đồng cao 2 mét, nặng 1,5 tấn được đúc ở Thái Lan và được đưa về chùa năm 1979. Bức tượng thể hiện đức Phật đang thiền dưới bóng cây bồ đề trong vòng 49 ngày trước khi thành đạo.

Tượng Đức Phật nhập niết bàn, dài hơn 9 mét, tại chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp.
(RFI / Tiếng Việt)

Khi mới được thành lập năm 1919, chùa mang tên chùa Gallieni để tưởng nhớ đại tướng Joseph Gallieni (1849-1916), từng làm bộ trưởng bộ Chiến Tranh và là người cho thành lập các « Doanh trại Đông Nam » từ năm 1915, dành cho lính bộ binh thuộc địa.

Tên gọi Hồng Hiên được hòa thượng Thích Thanh Vực đặt sau này. « Hồng » lấy từ chữ Lạc Hồng của dòng máu, nòi giống Việt ; « Hiên » là hiên ngang, khí phách. Ở chùa vẫn còn câu đối nhắc nhở đến ý nghĩa tên gọi này : « Hồng Lạc linh căn phương Việt địa, Hiên ngang hùng khí tráng Âu thiên ».

Bà Brigitte Sabattini, giảng viên đại học Aix-Marseille (Aix-Marseille Université, AMU), chuyên gia về di sản, đã dành cho RFI Tiếng Việt một buổi phỏng vấn về lịch sử chùa Hồng Hiên.

Cổng tam quan dẫn vào lên chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp. (RFI / Tiếng Việt)

*******

RFI : Là một nhà nghiên cứu và tổ chức rất nhiều hội thảo về những người lính Đông Dương tại Pháp trong Thế Chiến I, cũng như cộng đồng Việt-Pháp sau này, xin bà phác một chút về lịch sử chùa Hồng Hiên.

Brigitte Sabattini : Ngôi chùa được xây ở Fréjus, sau Thế Chiến I, nhờ những người lính Đông Dương đóng ở « doanh trại Đông Nam » (Camps du Sud-Est). Trong tiểu đoàn 73 bộ binh dự bị Sénégal, có rất nhiều đại đội lính Đông Dương, trong đó có người Việt và dường như chính họ đã xây chùa. Ngôi chùa được khánh thành ngày 06/04/1919.

Nhờ một mục nhỏ trên tờ Le Petit Marseillais, người ta biết rằng một thành viên hoàng tộc An Nam cũng tham gia dự án xây ngôi chùa. Người này làm thư ký cho đại đội 1, thuộc tiểu đoàn 73. Ngoài ra, còn có tên của hai đại úy chỉ huy các đại đội lính Đông Dương, thuộc tiểu đoàn dự bị Sénégal. Vẫn theo bài báo, ngôi chùa được dành để tưởng nhớ những người lính Đông Đương tử trận vì nước Pháp trong Thế Chiến I.

Cổng tam quan dẫn vào lên chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp. (RFI / Tiếng Việt)

Tại sao lại chọn Fréjus ? Đơn giản là ngay cạnh doanh trại Gallieni có một nghĩa trang với hơn 5.210 ngôi mộ, trong số này có khoảng 230 đến 300 mộ lính Đông Dương. Họ chết ở Fréjus trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Thực vậy, khi bị ốm hoặc không đủ khả năng ra mặt trận, họ ở lại tiểu đoàn dự bị. Nguyên nhân tử vong thường là do bệnh tật hoặc do vấn đề đường hô hấp. Nhưng ở Fréjus, có rất ít trường hợp người lính qua đời vì bị thương ở chiến trường.

Xin bà cho biết quá trình xây chùa diễn ra như thế nào ?

Chúng tôi biết là ngôi chùa được những người lính đó xây trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1919, nhưng chúng tôi không có văn bản chính xác về quá trình xây dựng.

Tuy nhiên, dựa vào công việc của những giám thị thời kỳ đó, chúng tôi biết rằng quân nhân Đông Dương được giao nhiệm vụ xây những khu nhà kiên cố ở Fréjus từ năm 1917, đặc biệt là trong doanh trại Caïs, một trong một những doanh trại lớn nhất và hiện vẫn tồn tại, họ xây cơ quan chỉ huy trong suốt mùa đông 1917-1918.

Hàng tượng dọc cầu thang dẫn lên chùa Hồng Hiên (nhìn từ trên cao), Fréjus, Pháp.
RFI / Tiếng Việt

Tiếc là tôi không tìm thấy bất kỳ tài liệu nào nói rõ về quá trình xây chùa. Điều tôi chắc chắn là ngôi chùa được chỉ huy trung đoàn 15 khánh thành ngày 06/04/1919.

Chức năng của chùa trong thời kỳ đầu và hiện nay dường như có nhiều điểm khác nhau ?

Thực ra, ngôi chùa có hai chức năng. Thứ nhất, đó là nơi tưởng nhớ những người lính Đông Dương hy sinh vì nước Pháp ; thứ hai, chùa cũng là để những người lính Đông Dương tiếp tục thờ Phật theo truyền thống tôn giáo của họ. Sau này, vẫn có nhiều quân nhân Việt Nam tiếp tục phục vụ trong những đội quân thuộc địa tại Pháp cho đến khoảng những năm 1962.

Trong thời kỳ này, có một dấu mốc mang ý nghĩa rất quan trọng, đó là năm 1926, khi Ủy ban Tưởng niệm Đông Dương (Comité du Souvenir indochinois) đứng ra thờ cúng liệt sĩ Đông Dương tại Pháp vì đây là một truyền thống quan trọng của người Việt. Ủy ban này gồm một người lính Đông Dương và hai cựu chiến binh Pháp tham chiến ở Đông Dương, trong đó có đại tá Lame, từng là chỉ huy doanh trại Đông Nam và đã phục vụ ở Đông Dương trong thời gian rất dài. Đại tá Lame đã yêu cầu Ủy ban cho trùng tù ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây là đợt trùng tu đầu tiên của ngôi chùa.

Hàng tượng trong khuôn viên chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp.(RFI / Tiếng Việt)

Nhờ một bộ phim có cảnh quay ở chùa, nên Hồng Hiên Tự trở nên nổi tiếng. Không chỉ còn là nơi tưởng niệm, thờ phụng, ngôi chùa còn là một điểm du lịch nổi tiếng ngay thời đó. Vì thế, du khách nước ngoài đến vùng Rivera hoặc các đoàn du lịch do các doanh nghiệp tổ chức cho nhân viên, khi tới vùng này, đều đến thăm chùa như là một địa điểm tượng trưng cho nghệ thuật Đông Dương.

Dĩ nhiên là với thời gian, như trong Thế Chiến II, đặc biệt là giai đoạn hậu chiến, ngôi chùa không được chăm sóc thực sự. Kể từ năm 1962, khi các đội quân thuộc địa bắt đầu tan rã và bị thuyên chuyển, người ta bắt đầu đặt câu hỏi làm gì với ngôi chùa. Cuối cùng, một hiệp hội gồm con cháu của những người lính Việt đã đứng ra nhận chăm sóc ngôi chùa. Ban đầu là họ được thuê chùa và cho trùng tu lại toàn bộ. Phải nhắc lại là bộ Văn Hóa Pháp lúc đó chưa có những tiêu chí như bây giờ nên chùa Hồng Hiên không được coi là một di sản kiến trúc hoặc di sản phi vật thể.

Tượng trong chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp. (RFI / Tiếng Việt)

Lúc đầu là thuê, sau đó ngôi chùa được bán lại cho hội. Hội chăm sóc điện thờ cũng như bia ghi công liệt sĩ, hiện vẫn tồn tại. Đây là bằng chứng cho thấy mục đích đầu tiên của chùa là nơi tưởng nhớ những người lính hy sinh vì nước Pháp trong Thế Chiến I. Cuối cùng, chùa cũng trở thành nơi thờ cúng cho cộng đồng người Pháp-Việt ở trong vùng.

Ngoài trùng tu chùa Hồng Hiên, hội còn xây một ngôi nhà khác, dành để đón tiếp và làm nơi ở cho các vị sư và có một vị hòa thượng trụ trì. Đáng tiếc là cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, giữa các vị sư và hội đã xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến một số vấn đề mà hiện chúng tôi hy vọng có thể giải quyết vì tương lai của chùa.

Dù sao, đây là nơi tuyệt đẹp mà mọi người nên đến thăm và là bằng chứng cho sự hiện diện của người Việt ở Fréjus ngay từ Thế Chiến I.

Tìm hiểu lịch sử của chùa Hồng Hiên nằm trong chương trình nghiên cứu bảo tồn di sản mà bà phụ trách, bà có cảm nhận như thế nào về ngôi chùa ?

Có ba điểm khiến tôi rất ấn tượng. Thứ nhất, đó là công trình thuật lại cuộc sống của đức Phật, trong đó có một cảnh nói về lúc đức Phật chào đời, một cảnh về bài thuyết giáo đầu tiên của ngài ở Benares (còn gọi là Varanasi). Bên cạnh những sự tích về Phật, còn có tượng đức Phật ngủ trên niết bàn dài hơn 9 mét.

Bia giới thiệu chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp. (RFI / Tiếng Việt)

Ngoài ra, còn có hai loại tượng, được một sinh viên thạc sĩ gọi là “khu lịch sử Việt Nam”. Ở đây có rất nhiều tượng đá được chạm khắc tinh xảo về những vị anh hùng Việt Nam, từ những vị vua đến những nữ anh hùng. Nhờ đó, ngôi chùa được mở rộng sang cả thiên hướng lịch sử Việt Nam.

Khoảng sân trước chùa còn có rất nhiều tượng các vị la hán. Đó là những tác phẩm tuyệt đẹp, nhắc đến những vị thánh chưa đạt đến cấp độ cao nhất của cõi niết bàn.

Tất cả những chi tiết trên cho thấy chùa Hồng Hiên giúp chúng ta hiểu được lịch sử của cộng đồng người Việt-Pháp, từ vết tích của những người lính Việt hy sinh vì nước Pháp cho đến nghi thức thờ cúng hiện nay. Ngoài ra, chùa còn có tháp An Lạc thờ vong hồn và là nơi chứa tro cốt của những người quá cố thời nay.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Brigitte Sabattini, giảng viên đại học Aix-Marseille.

Thu Hằng
Nguồn: RFI Tiếng Việt