Khi người khác có được điều gì đó tốt hơn mình, nhiều hơn mình, người ta đố kỵ.
Khi người khác có được điều mà chính mình mong muốn, người ta đố kỵ.
Cấp độ của sự đố kỵ tỷ lệ thuận với sự ích kỷ trong con người. Sự ích kỷ càng lớn, người ta càng đố kỵ với những điều nhỏ nhặt hơn, với tất cả mọi thứ mà người ta “hơn” mình…
Cũng chỉ bởi một chữ “hơn”! Người ích kỷ thường không mong muốn ai hơn mình, luôn muốn mình có .được nhiều người yêu mến hơn, được những điều tốt đẹp nhất .
Một trong những điều gây ra cái “khổ” cho con người chính là do họ thích quan tâm đến chuyện người khác rồi đem so sánh với mình… Mà tất cả mọi sự so sánh vốn khập khiễng, người ta mấy ai hài lòng về bản thân và lòng tham thì lại là không đáy.
Sự đố kỵ chính là một “cái khổ” của con người! “Nhìn lên thì chẳng bằng ai…”, những người ích kỷ, hay đố kỵ lại chỉ nhớ vế này mà quên mất vế sau: “nhìn xuống chẳng ai bằng mình”. Nếu họ cứ suốt đời đi so sánh để rồi thấy mình thua đường này, kém đường kia thì không bao giờ họ có thể hài lòng và sống thanh thản, hoàn toàn vui vẻ được.
Xóa bỏ được sự đố kỵ, lòng ích kỷ cũng chính là xóa bỏ cái “khổ” cho bản thân. Để chữa lành “căn bệnh” đố kỵ, cần triệt tiêu cái gốc rễ “ích kỷ”. Mỗi con người cần biết tiết chế bản thân, tiết giảm dần lòng ích kỷ và thay thế vào đó sự vị tha, cao thượng, phóng khoáng… Nên mừng cho người khác khi họ có được may mắn, đạt được những điều tốt đẹp…
Cần nhìn những thứ người khác hơn mình để làm mục tiêu phấn đấu, vươn lên cho chính bản thân chứ không phải nhìn vào đó mà ghen ghét, đố kỵ và mong cho họ mất đi những điều đó, thậm chí mong lấy được những thứ đó từ tay họ. Nếu khả năng không thể cố gắng, hãy cố học cách hài lòng với những gì mình có.
Vậy, ta sẽ lựa chọn dứt bỏ cái khổ của sự “đố kỵ” hay cứ giữ lấy nó như một căn bệnh, dù cho mình biết thuốc chữa?
Nguyễn Hương