Friday, September 20, 2019

TÌNH YÊU

Tối nay không có gì xem nên xem clip của thầy Thích Pháp Hòa, nghe thầy giải đáp câu hỏi của các Phật tử, trong đó tình cờ nghe thầy đọc bài thơ của Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH, tôi lần đầu mới biết vì bài thơ rất hay. Nó đượm thắm tình yêu Đạo và Đời, nó thanh cao thuần khiết của tình yêu cả nhân loại. Tôi lên mạng tìm được bài thơ ấy nên xin chia sẻ cùng các bạn vì tôi biết rất ít người biết bài thơ này. (LKH)



Tình yêu
thơ: Huỳnh Phú Sổ

Ta có tình yêu rất đượm nồng,
Yêu đời yêu lẫn cả non sông.
Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,
Không thể yêu riêng khách má hồng.

Nếu khách má hồng muốn được yêu,
Thì trong tâm trí hãy xoay chiều.
Hướng về phụng sự cho nhơn loại,
Sẽ gặp tình Ta trong khối yêu.

Ta đã đa mang một khối tình,
Dường như thệ hải với sơn minh 
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.



Giới thiệu thi phẩm

Bài Tình Yêu, gồm ba khổ, mỗi khổ 4 câu, mỗi câu 7 chữ, theo thể thơ hiện đại, được tác giả sáng tác tại miền Đông Nam Bộ, năm 1946.

Nguyên do sáng tác: Một thiếu nữ ở Sài Gòn thầm yêu Huỳnh Phú Sổ trong khi ông còn đang ẩn lánh thực dân Pháp và Việt Minh. Biết được mối tình thầm kín kia, ông bèn viết bài thơ này để tỏ chí của mình và cũng để cảnh tỉnh cô gái ấy.

Sơ lược tiểu sử tác giả:

Huỳnh Phú Sổ sinh ngày 15 tháng 1 năm 1920 nhằm ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi tại làng Hoà Hảo, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, (nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Thuở nhỏ, ông thông minh, học hết bằng sơ học yếu lược Pháp - Việt, nhưng vì hay bị đau ốm nên đành bỏ dở việc học. Trong một lần lên núi Sam (Bảy Núi, An Giang), tiếp xúc với giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, ông được trị bệnh tốt và luyện chí tu hành. Năm 1937, ông về làng, chữa bệnh cho dân, viết kinh, giảng sấm, tự xưng là Phật Thầy, và được nhân dân gọi tôn là Đức Huỳnh Giáo chủ...


Ngày 16 tháng 4 năm 1947, Huỳnh Phú Sổ đột ngột mất tích khi đến Đốc Vàng (thuộc Tân Phú, tỉnh Đồng Tháp) để hòa giải sự xung đột giữa Việt Minh và đạo của ông. Theo tài liệu của Tây phương và Việt Nam Cộng hòa thì ông bị Việt Minh thủ tiêu.

(Theo Wikipedia)


No comments: