Thực ra, câu thành ngữ này xuất phát từ một tích truyện thấm đẫm ý nghĩa nhân sinh có tên là “Cái Kiến mày kiện củ khoai”.
Ngày xưa, có một anh chàng sinh trưởng trong một gia đình giàu có, nhà anh ta có ao thả cá, có nhiều ruộng vườn, trâu bò. Ở làng bên có một cô gái nết na, xinh đẹp nhưng nghèo khổ, hàng ngày nàng phải làm thuê làm mướn kiếm ăn. Anh chàng nhà giàu kia ngây ngất vì nhan sắc của cô gái, ao ước được cùng nàng kết bạn trăm năm. Sau đó, nhờ có một người đàn bà làm mối, anh ta được gặp nàng nhiều lần và thề non hẹn bể quyết lấy nàng làm vợ.
Nhưng mụ đàn bà mối lái vốn là người chỉ biết có đồng tiền. Được tiền của anh nhà giàu cho, mụ vẫn chưa thỏa mãn. Đối với cô gái nhà nghèo, mụ không “xơ múi” được gì. Bấy giờ, ở gần vùng đó có một cô gái nhà giàu ế chồng. Mụ bèn tìm tới tỉ tê với cô nọ bảo nếu cho mình nhiều tiền, mình sẽ đánh tiếng cho anh chàng nhà giàu kia. Cô gái nọ nghe nói mừng lắm, đút tiền cho mối để mụ ta liệu bề tác thành cho mình.
Từ đó, mụ mối luôn buông lời gièm pha cô gái nhà nghèo: “Con này thế mà không được đoan chính. Đã nhiều lần tôi bắt gặp nó tằng tịu với Đồ Vân. Đồ Vân học giỏi nay mai sẽ đỗ đạt…”
Thế rồi mụ ta nhen nhóm thêm lòng ghen tuông và tức giận của anh chàng nhà giàu, đồng thời nói tốt cho cô gái mà mụ bòn rút lần hồi khi năm quan, khi ba quan không biết mỏi. Mưu kế của mụ có hiệu quả; anh chàng kia từ ghen tức đến chán ghét người tình cũ. Cuối cùng, anh chàng cho người đưa trầu cau dạm hỏi cô gái nhà giàu kia làm vợ.
Ngày cưới hai bên, cô gái nhà nghèo nọ bị tình phụ, lòng đau như cắt. Trong một phút tủi phận hờn duyên, nàng nhảy xuống sông tự tử. Cái chết của nàng khiến cho cặp vợ chồng mới trở nên hối hận và lo sợ. Nhất là mụ mối, nghe tin này như sét đánh ngang tai.
Khi tất cả mấy người đó lần lượt chết xuống âm phủ, Diêm Vương căn cứ vào nỗi oan uổng cũng như tội trạng của từng người mà cho họ đền “nợ” hay báo “oán” một cách xứng đáng. Mụ mối được thác sinh làm con gái một nhà phú ông, anh chàng phụ tình thì đầu thai làm một người học trò không đất cắm dùi. Còn cô gái nhà nghèo bạc mệnh được ở lại cõi âm để theo dõi chúng mà báo thù.
Cái Kiến, cô con gái phú ông rất đẹp và thông minh. Nhưng cha của nàng thì chỉ biết có tiền tài và danh vọng, còn ngoài ra ông chả coi ai ra gì. Chàng thư sinh rất khôi ngô, học giỏi, văn hay, nhưng nghèo rớt mồng tơi. Văn tài của chàng nổi tiếng khắp kinh kỳ, thế mà cứ hễ vào trường nhất hay giỏi lắm vào đến trường nhì là bị loại ra ngay. Không làm cho đau bụng thì cũng bắt phạm “trường quy”, oan hồn của người bạc mệnh quyết không cho hắn đỗ. Thế nhưng, chàng vẫn lọt vào mắt xanh của cô Kiến.
Cô con gái phú ông vẫn tin tưởng rằng người học trò đó sẽ làm nên. Nàng ao ước sẽ được sánh duyên cùng chàng mới phỉ dạ. Hai người đã gặp nhau và thề bồi với nhau quyết giữ một lòng son sắt. Khi nghĩ đến cha mình, nàng Kiến rất buồn vì biết ông khó tính: “Không đời nào ông ấy lại gả con gái cho một người nghèo xơ nghèo xác”. Nghĩ thế, nàng lập mưu ăn trộm tiền bạc của cha, mua vàng đúc thành một hình củ khoai. Không gặp nhau được, nàng nhắn người yêu giả làm người ăn xin đến nhà mình xin khoai, nàng sẽ tận tay trao cho món ấy để dùng làm sính lễ.
Anh chàng y hẹn đã cải trang, mang bị gậy đến nhà phú ông xin ăn. Cô con gái mang khoai ra cho, trong đó có giấu củ khoai bằng vàng.
Rồi sau đó, người mối của anh chàng xin “dạm ngõ” cái Kiến. Phú ông nghe nói sính lễ là một củ khoai bằng vàng mười thì ngạc nhiên, nhưng rồi ông cũng nhận lời.
Đến ngày cưới, khi họ nhà trai bưng sính lễ đến, họ nhà gái đổ xô ra xem xem chàng rể của phú ông giàu có ngầm như thế nào. Củ khoai vàng được gói ba bốn tầng vải hồng điều. Không ngờ khi mở ra xem thì chả thấy vàng đâu cả mà chỉ là… một củ khoai lang luộc. Oan hồn cô gái nhà nghèo cố ý làm ra như vậy cho bõ ghét. Cả hai họ bật cười. Phú ông tức giận chửi mắng om sòm. Rồi để chế nhạo, ông cắt khoai biếu mỗi người một miếng.
Chàng học trò không ngờ có sự lạ lùng ấy, vừa buồn rầu vừa xấu hổ đi luôn một mạch không trở về nhà nữa. Còn cái Kiến tưởng người yêu là một tay đại bợm: đã lấy mất vàng lại bày ra trò giễu cợt đó nên tức tối thành bệnh mà chết.
Lúc xuống âm phủ lần này, nàng kiện với Diêm vương về việc củ khoai vàng, nhưng Diêm Vương đã giở sổ vạch cho nàng biết những tội kiếp trước. Vì thế mới có câu:
“Cái Kiến mày kiện củ khoai”
Ý nói về những việc kiện tụng vô ích.
Khiêm Từ
(Tham khảo: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi)