Vậy là chúng tôi đã ở hai đêm tại Sán Đầu và coi như ngày ngắm cảnh đêm đi shopping ngằm đồ vì chuyến đi này chúng tôi ở các khách sạn ngay trung tâm thành phố nên mọi thứ đều thuận tiên. Nói vậy chớ cũng chẳng có gì để mua như những lần trước ngoại trừ trái cây. Trái cây rất ngon vì đa số được nhập từ Việt Nam hay Đài Loan. Ngon nhất là trái thanh long, vải thiều, măng cụt, khế ngọt, mãng cầu dai và xoài rừng...đều rất ngon và rất rẻ nếu so với Úc.
Hôm nay là ngày cuối ở Sán Đầu nên phải xem một vài cảnh điểm trước khi rời vì mấy ngày nay chỉ đi lòng vòng trong thành phố. Chuyến đi này hơi vất vả vì phải đi rất nhiều và leo núi. Bây giờ cũng không ngoại lệ vì anh dẫn đoàn đưa chúng tôi vào một khu công viên vui chơi nhưng ở trên núi. Xe đến chân núi thì có cáp treo đưa chúng tôi lên. Trên đây chúng tôi có thể nhìn được toàn cảnh Sán Đầu, nhìn ra sông, ra biển của một hải cảng lớn quan trọng của ngày trước, nơi đã đưa biết bao người Triều Châu ra nước ngoài làm việc để giúp đở gia đình và cũng góp sức xây dựng vào đất nước mà mình đang sinh sống.
Nếu nói đến người đóng góp cho Sán Đầu nhiều nhất có lẽ phải nói đến công lao của tỷ phú Lý Gia Thành, ông ta đã bỏ tiền xây dựng trường đại học Sán Đầu và đóng góp chi phí cho trường đại học này hoạt động.
Chúng tôi đến một địa điểm khác, nơi đây là một cảnh điểm chính của du lịch Sán Đầu, nó là một quần thể chùa miếu của cả Đạo và Phật giáo. Khu này rất lớn, từ ngoài nhìn vào thật đồ sộ với với rất nhiều hồ sen xây phía trước có nước phun. Ngay chính giữa là ngôi miếu có cái tên là "Bạch Hoa Tiêm Đại Miếu" (白花尖大廟) thờ "Cửu Thiên Thánh Mẫu" (九天聖母), bên trong là một không gian thật rộng có tượng "Tứ Đại Thiên Vương" (四大天王) và cũng chung chung như những ngôi miếu thờ khác nhưng chỉ có cái ở đậy thật rộng lớn.
Bên cạnh miếu phía bên phải là chùa thờ Quan Âm và bên trái là một tòa bảo tháp rất cao tôi nghĩ khoản hơn 7 tầng. Từng dưới là nơi thờ Phật và rất nhiều tượng La Hán, chúng tôi lên đỉnh tháp bằng thang máy. Trên đây mới thấy có núi phía sau miếu và nhìn bao quát cả Sán Đầu trong tầm mắt. Mới biết Sán Đầu đã phát triển rất nhanh, rất mạnh và dường như có một sự cạnh tranh ngầm giữa Sán Đầu (Triều Châu) và Hạ Môn (Phúc Kiến).
Trưa nay chúng tôi ăn trưa lần chót tại Sán Đầu, nhà hàng thật đặc biệt vì cách bày trí. Bước vào là những dãy bàn trưng bày các món ăn mẫu, một khu bán đồ biển tươi và khu bếp trong đó có treo đồ quay và khìa kiểu Tiều với mấy con ngỗng thật to như con heo được khìa chín treo lủng lẳng trong quầy. Chúng tôi nói với chị Hồng là tụi tôi muốn kêu thêm một đĩa ngỗng khìa. Ở Úc các bạn vô phương ăn được thịt ngỗng vì muốn là ăn lén (mua về tự làm thịt lén) chứ không có bán bởi thế mỗi lần có dịp qua Hong Kong là coi như bữa ăn nào tôi cũng kêu một đĩa ngỗng quay. Không hiểu sao hồi đó ở Việt Nam ba tôi không cho ăn và thường nói ăn ngỗng rất độc dễ bị phong (?) dù có khi có người biếu cho mấy con ngỗng, ba tôi cũng cho lại người khác chứ không bao giờ ăn nhưng ngược lại thì thích ăn thị vịt, một món quê hương Triều Châu mà ông thường nhắc là vịt hong khói.
Tôi có một suy nghĩ không biết có đúng không, dường như tính cách phân vùng địa lý nó cũng có ảnh hưởng phần nào đến văn hóa ẩm thực: miền Nam lúc nào thức ăn cũng ngon và phong phú hơn miền Bắc (?). Bữa ăn kết thúc, chúng tôi đi ra ngoài nhưng chưa lên xe vì phải chờ mấy anh tài xế chuyển hành lý của chúng tôi qua một chiếc xe khác vì xe của anh không được phép chạy xuống Quảng Châu. Công ty du lịch ở Quảng Châu phải đưa một chiếc xe bus khác lên Sán Đầu đón chúng tôi về Quảng Châu. Xe không thể đi nhưng anh dẫn đoàn thì theo chúng tôi đến lúc kết thúc hành trình thì anh ta một mình quay về Hạ Môn.
Tôi đi du lịch Trung Quốc rất nhiều lẩn, có những nơi đã đến vài ba lần nhưng mỗi lần đến là mỗi lần khác vì càng ngày họ càng tạo ra nhiều khu du lịch mới để bắt khách và không dể khách nhàm chán. Lần đi này được trải nghiệm ngồi tàu cao tốc rất êm nhưng không thoải mái vì mang theo nhiều hành lý. Cho nên lần đến Quảng Châu này chúng tôi phải ngồi xe bus trong một khoảng thời gian thật dài, gần 5 tiếng đồng hồ.
Xe đưa chúng tôi qua rất nhiều thị trấn nhỏ hoặc ngang qua những khu nông thôn mà khung cảnh rất quen thân với những ngôi nhà cũ kỹ, với những cây tre, cây chuối ven đường. Ở miền Nam Trung Quốc mới thấy rất nhiều cây chuối, như hôm qua chúng tôi ó ghé qua một trạm nghỉ dọc đường có một khu bán hàng, tôi thấy có bán loại chuối quả thật to màu tím, tôi nghĩ đó là loại chuối ngự (?) có lẽ nhập từ Việt Nam nên mua mấy quả. Thú thật lúc trước còn ở Việt Nam, tôi chỉ nghe tên mà chưa ăn qua bao giờ. Chỉ hai quả mà nặng hơn một cân, mùi rất thơm nhưng ăn không thấy ngon lắm vì tôi không hảo chuối. Loại chuối mà tôi thích ăn nhất là chuối cau vì nó vừa thơm vừa ngọt.
Anh dẫn đoàn thì vừa kể vừa hát cho chúng tôi nghe nhưng một hồi thấy chúng tôi ai cũng buồn ngủ nên anh ta để cho ngủ. Tôi cũng mơ mơ màng màng đến khi mở mắt thì xe đã vào đến thành phố Quảng Châu. Xe đến khách sạn, đêm nay chúng tôi sẽ ở lại Quảng Châu nhưng không ngay trong trung tâm thành phố nhưng bên cạnh khách sạn cũng có một shopping mall khá lớn và một dãy tiệm buôn dọc hai bên đường.
Tối nay là đêm cuối cùng trong cuộc hành trình này nên chỉ dạo shop rồi về sớm để thu dọn hành lý, sáng sớm mai chúng tôi sẽ ra phi trường Baiyun để về Úc. Về đến Melbourne, lúc ra ngoài khoảng hơn 8 giờ tối, đợi xe đến đón trong cái không khí lành lạnh dù tôi đã mặc áo ấm. Melbourne đang chuẩn bị vào đông.
Có 2 điều khác lạ nhận thấy được trong kỳ đi này:
- Tất cà các cầu tiêu nơi công cộng đã cải tiến rất tốt vì có cuộc cách mạng "cầu tiêu" ở Trung Quốc. Có cái còn tốt như ở khách sạn 5 sao.
- Trước đây là "thiên đường xe đạp" nhưng bây giờ rất ít thấy xe đạp mà thay vào đó là xe mô tô 2 bánh chạy bằng điện để bảo vệ môi trường.
LKH
Note: Hẹn các bạn ở một chuyến du lịch khác. Bye!
No comments:
Post a Comment