Thursday, December 26, 2019

GÀ NẤU TRÁI GIÁC NGON HƠN NẤU LÁ GIANG

Hơn cả năm rồi mới có dịp trở lại quán Gà Bà Bộ. Lần trước ăn món gà nướng cà phê rất phê. Lần này vừa hợp tình vừa hợp mùa (mưa) là gà nấu trái giác.


Cần Thơ và miền Tây như một thứ kinh Mahabharata dài đến 100.000 câu – bộ bách khoa có thể tìm bất kỳ thứ gì của Ấn Độ cổ đại – để tôi mỗi lần “cạn tàu ráo máng” những câu chuyện ẩm thực, là buộc lòng phải mò xuống hòng “tra cứu”.

Một ngày trong tuần thứ ba tháng 6 vừa rồi, vừa đến Cần Thơ, tôi gọi hỏi ông bạn Đỗ Khuê: “Độ rày có món gì mới?” Anh hẹn đợi lát gọi lại, có lẽ là để suy nghĩ. Thế rồi lát sau anh đổ xe lại số 5 Trần Văn Hoài đón tôi. Trời đang bay mưa phất phơ. Cần Thơ đang sũng nước sau cơn mưa lớn đầu mùa mà nếu ở Sài Gòn ắt là nhiều nơi lênh láng. Lát sau xe ngừng ở 516A/19 Nguyễn Văn Linh, quận Ninh Kiều, Cần Thơ – một cố quán xa cách nay hơn cả năm. Có lẽ nhờ Gà Bà Bộ đang dần nổi lên như một quán chuyên trị thịt gà có tiếng mà cái danh nhơ gà (cầu) Bà Bộ phai nhạt đi.

Ông bạn giới thiệu: “Quán này có món gà nấu trái giác ăn được lắm!” Tôi biết đến trái giác và đọt giác nhơn một lần xuống Cần Giờ đi dỡ chà bắt cá ở khu du lịch sinh thái Vàm Sát, Cần Giờ. Lúc đó mới vào hè, chưa có trái chín. Nó được hái đọt nấu với cá nâu tươi xanh vừa bắt ở khu dỡ chà. Hạnh phúc được sáng lòng với hai thứ đều là lần đầu tiên mới biết. Gà nấu trái giác quán Gà Ba Bộ là món do ông bạn Khuê gợi ý cho quán nấu. Chắc cũng hết đề tài như tôi nên bạn “nghiển” ra cách dùng một thứ trái chua nấu thịt gà.


Thịt gà có lẽ là thứ nguyên liệu được chế biến trăm hoa đua nở nhất trong ẩm thực xứ Việt, khiến hình thành cả nghệ thuật chặt gà như Ngô Tất Tố tả lại trong một truyền ngắn. Kể cả rất lâu trước khi nó được thuần hoá từ gà rừng thành gà nhà. Thậm chí người ta còn bắt gà đá giả cầy với vị mắm ruốc khá đậm đà… Một thời gian dài, gà nấu lá giang bước vào danh mục món gà nấu chua ngon thiệt ngon. Phần lớn hàng quán ở Sài Gòn đều đưa vào thực đơn. Miếng thịt gà vừa ngọt vừa chua, vừa dai giòn. Cái chua của dây giang mọc dại có một vị chua rất lá giang, hơi chát, không lẫn vào các loại gia vị tự nhiên tạo chua khác như me, khế, bần, mơ, sấu, cóc. Bây giờ tôi còn được biết thêm món gà nấu trái giác rừng U Minh. Trong khi chờ gà mềm, chúng tôi khai khẩu bằng món gà nướng nước mắm tại bàn.

Nước mắm ngon nướng miếng thịt gà
Em thích chồng gần hay thích chồng xa.

Món ăn làm thương cảm cho con gái miền Tây một thời nhiều cô bị gả chồng xa…

Gà nấu trái giác hái từ miệt U Minh cho một vị chua dịu lạ trong cái ngọt của thịt gà. Ảnh: Đỗ Khuê.

Rồi khi nhìn món gà nấu trái giác, tâm trí tôi lại trôi theo những kinh, những rạch, những xẻo tận dưới U Minh. Nghe tiếng vỏ nổ dòn. Thấy mình đang ngồi bềnh bồng trên một chiếc vỏ men theo các thuỷ lộ để hái trái giác mọc dại ven bờ. Có trái chín, có trái xanh vỏ bóng nhẫy. Nước vừa chín tới, sôi lăn tăn một lúc, múc vài muỗng húp thử xem vị gà trái giác như thế nào. Vừa thổi vừa húp. Một vị chua đằm thắm như con gái miền Tây làm lưỡi mê mẩn. Ngon và khác hơn gà nấu lá giang. Ông bạn hỏi: “Thấy sao”. Gật gù: “Đã thiệt”. Đúng là thiệt đáng sống hơn Singapore – một đề tài đang thời thượng ở Sài Gòn, trong các câu chuyện buổi sáng uống càphê vỉa hè, bên một chiếc ghế nhựa đủ chỗ cho hai cái ly.

Cho đủ bộ, quán còn có món rượu ngâm trái giác chín đen hin. Có nơi còn gọi trái này là nho rừng. Tây coi là một loại black berry. Dân Cà Mau có công đưa thức rượu này vào danh mục ẩm thực Việt. Có nơi ủ cho lên men với đường, có nơi chỉ ngâm trái chín trong rượu.

Cứ thế tì tì, trời mưa mặc kệ trời mưa. Thời gian ở quê dài gấp đôi ở Sài Gòn…

Ngữ Yên
Theo TGTT

No comments: