Thursday, July 7, 2016

HÀNH TRÌNH "THẦN HÓA" CỦA VÕ THÁNH QUAN VÂN TRƯỜNG

Hồi đó lúc mới qua Úc và khi con còn nhỏ, những lúc cuối tuần hay nghỉ lễ tôi hay lái xe xuống Bendigo với mấy người bà con trong nhà, trước là đi cúng chùa Quan Công sau là picnic ở Hanging Rock. Bây giờ con đã lớn rồi nên nhiều năm nay không có đi nữa vả lại có nhiều chùa mới ở gần hơn có thờ Quan Công nên cũng ít đi Bendigo như lúc mới qua.


Chùa Quan Công ở Bendigo là ngôi chùa Quan Công đầu tiên ở Victoria do những người TQ qua làm cu-li tìm vàng ở khu vực Bendigo xây dựng lên đã có hơn 100 năm. Ngôi chùa sau này đã trở thành di tích lịch sử của Victoria, người Úc vào thì phải trả phí vào cửa nhưng người Hoa hay Á Châu vào thì miễn phí. Cũng gần đó là nơi bảo tàng con rồng dài nhất Úc và lịch sử người Hoa định cư ở Victoria. Các bạn sẽ ngạc nhiên khi đến nơi đây vì sẽ có những người nhìn giống Úc 100% nhưng họ sẽ nói grand grand father của họ là người TQ. Bây giờ còn có thêm chùa Quán Thế Âm ở ngang mặt.
Có một câu nói: "Ở đâu có khói, ở đó có người Tàu". Đúng vậy và cũng phải thêm ở đâu có người Tàu thì ở đó sẽ có "chùa Ông" hay "chùa Bà". Cái tín ngưỡng tôn giáo dân gian đó phải nói không phải là "ngấm sâu" mà đã trở thành huyết quản của người Hoa, nhất là những người lưu vong nơi xứ người. Người Hoa thờ Quan Công vì muốn ngài phù trợ cho công việc làm ăn phát đạt. Người làm công việc "chánh đạo" hay "tà đạo" cũng cùng thờ. Cho nên khi các bạn xem phim HK, trong ty Cảng sát cũng thờ mà "hắc xã hội" cũng thờ vì họ coi trọng cái chính khí và nghĩa khí của ngài.


Quan Công có thật hay không bây giờ không phải là vấn đề suy xét lại nhưng để "thần thánh hóa" thì cũng phải có cái lý do của nó:

HÀNH TRÌNH "THẦN HÓA" CỦA VÕ THÁNH QUAN VÂN TRƯỜNG

Nhắc tới danh tướng thời Tam Quốc Quan Vũ – hay còn gọi là Quan Vân Trường, Quan Công, Quan nhị ca…, nhiều người sẽ ghi nhận hình tượng nhân vật mặt đỏ râu dài, mày ngài mắt phượng, thân mặc kim giáp uy phong lẫm liệt. Vị tướng này đã đi vào dân gian và trở thành Võ Thánh như thế nào?
Trang lịch sử của Sina (Trung Quốc) cho hay, kể từ thời Minh Thanh, cùng với việc “nâng hạng” miếu Quan Công thành Võ Miếu, Quan Vũ cũng trở thành Võ Thánh, cùng với ông tổ của Nho giáo Khổng Tử trở thành “văn võ nhị thánh”trong hệ tư tưởng của người dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, Sina tiết lộ, sở dĩ Quan Vân Trường được “phong thánh”, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thiết lập một hình mẫu đạo đức mô phạm nhằm thu phục nhân tâm và bảo hộ sự thống trị của các triều đình phong kiến Trung Quốc.


Dù chưa phải là đại tướng có thành tích quân sự xuất sắc mà báo chí hay gọi là “võ công cái thế”, Quan Vũ vẫn được nhìn nhận là một danh tướng có những chiến công ưu tú. Điển tích “vượt 5 ải chém 6 tướng” tuy chỉ có trong tiểu thuyết, nhưng việc chém danh tướng Nhan Lương của Ngụy là một chiến công được chứng thực của ông. Năm 208, Tào Tháo huy động lực lượng hàng triệu binh sĩ tấn công Kinh Châu nhằm “đuổi cùng diệt tận” thế lực của Lưu Bị. Quan Vũ nhận nhiệm vụ chỉ huy thủy quân của Lưu Kỳ - con trai Kinh Châu mục Lưu Biểu – hỗ trợ Lưu Bị chạy thoát. Sau này, Lưu Bị bắt tay với đô đốc Chu Du của Đông Ngô, thực hiện trận đánh phục kích kinh điển tại hẻm Hoa Dung – địa điểm diễn ra điển tích “vượt 5 ải chém 6 tướng” huyền thoại của Quan Vũ – đánh bại quân Tào.
Năm 219, Quan Vũ đánh bại Tào Nhân, khiến Vu Cấm quy hàng, dùng kế chém Bàng Đức, danh tiếng của ông trở nên lẫy lừng. Mặc dù vậy, Quan Vân Trường phạm vào đại kỵ của nhà binh là kiêu ngạo, khiến ông để mất Kinh Châu và bị Lữ Mông bắt sống, sau đó gặp nạn.
Sina cho hay, lịch sử chứng minh Quan Vũ không phải là một nhân vật hoàn hảo đến mức như đại tư tưởng gia Khổng Tử, vậy điều gì khiến danh tướng này nhận được sự sùng bái của người dân nhiều quốc gia Á Đông?


Theo thực tế lịch sử, điểm nổi bật của vị tướng này là lòng trung thành tuyệt đối với người anh kết nghĩa Lưu Bị. Trong bài “Nhân nghĩa chi khí thường tồn” của sách “Trà dư khách thoại”, tác giả đời Thanh Nguyễn Quỳ Sinh chỉ ra, khí độ nhân nghĩa của Quan Vân Trường chính là nguyên nhân giúp vị tướng này đi vào tâm thức của người dân.
Hành trình “thần hóa” của Quan Vân Trường
Sina trích dẫn bài văn “Trùng tu Ngọc Tuyền Quan miếu ký” của Đổng Thính vào năm Trinh Nguyên thứ 18 (802) đời Đường Đức Tông, được chép trong cuốn “Toàn Đường văn”, chỉ ra vào thời kỳ Trung Đường đã có sự tồn tại của “Quan miếu”, cho thấy nhân vật Quan Vũ nhận được sự sùng bái của dân chúng.
Thời Nam Tống, góc nhìn chính sử thời Tam Quốc “Ngụy là vua, Thục là giặc” được đảo ngược thành “Ngụy là giặc, Thục là vua”, khiến cho vị thế chính trị của Quan Vũ – người trung thành với Lưu Bị – được nâng cao rõ rệt, và màu sắc thần thánh hóa đối với ông cũng đậm nét hơn.
Thậm chí, trong thời kỳ nhà Nguyên của Mông Cổ thống trị Trung Hoa, hình tượng Quan Vũ vẫn được duy trì. Cuốn “Nguyên sử - Tế tự ký” có ghi chép, lễ phật trong cung đình nhà Nguyên luôn có “Quan Vũ thần kiệu”. Các nhà sử học cho rằng, việc xuất hiện “thần kiệu” cho thấy bên trong kiệu nhiều khả năng chính là thần tượng của Quan Vũ. Đây được cho là ghi chép hiếm hoi về việc thần thánh hóa nhân vật Quan Vũ được xuất hiện trong chính sử.


Đến thời nhà Minh, những ghi chép liên quan đến Quan Vũ càng nhiều, thậm chí có cả sắc phong của Hoàng đế. Sina cho hay, những hoạt động này không nằm ngoài “công tác tuyên truyền” của nhà thống trị phong kiến nhằm đề cao tư tưởng trung nghĩa, với hy vọng “giáo dục tư tưởng” cho các văn thần võ tướnghọc tập “tấm gương” của Quan Vân Trường, cống hiến hết mình cho triều đình.
Tác giả La Quán Trung thời Minh đã cho ra đời tác phẩm “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, trong đó “định hình” Quan Vũ là hóa thân của tư tưởng trung nghĩa. Sau đó, bộ tiểu thuyết này nhờ phù hợp với nhu cầu tuyên truyền của triều đình phong kiến mà được phổ biến rộng rãi và trở thành một danh tác.
Năm 1614, vua Minh Thần Tông đã “chính thức hóa” ngôi vị thần thánh của Quan Vũ khi sắc phong danh tướng này thành Hiệp thiên hộ quốc trung nghĩa đế, gia phong Tam giới phục ma đại đế thần uy viễn trấn Thiên tôn Quan thánh đế quân. Thậm chí, sự tôn sùng đối với Quan Vũ còn trở thành “mốt” trong cung đình nhà Minh vào khoảng 1621-1627, khi có ghi chép “trong cung dựng 2 tượng Quan đế, một lớn một nhỏ”.


Sina cho hay, triều đình nhà Thanh đối với việc tuyên truyền hình tượng Quan Vũ còn “đầu tư công sức” gấp bội so với Minh triều, điều này có liên quan tới câu chuyện lập quốc của Thanh triều. Theo đó, Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích là một người hâm mộ bộ tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, đồng thời học hỏi nhiều binh pháp thao lược trong đó. Trong cuộc chiến thống nhất tại quan ngoại, quân đội của ông thường không phải nếm mùi thất bại. Các nhà nghiên cứu về triều Thanh tiết lộ, với mục đích thần thánh hóa bản thân và phủ thêm màu sắc huyền bí cho chiến thắng quân sự, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã tuyên truyền rằng ông“được thần Quan Vũ phù hộ”.
Năm 1652, vua Thuận Trị phong Quan Vũ thành Trung nghĩa thần võ Quan thánh đại đế. Đến 1760, vua Càn Long lại phong thànhTrung nghĩa thần dũng Quan thánh đại đế, và năm 1769 tiếp tục đổi thànhLinh hữu trung nghĩa thần võ Quan thánh đại đế. Đến thời điểm này, Quan Vũ đã chính thức được nâng lên thành Võ Thánh, và Võ Miếu của ông đã sánh ngang với Văn Miếu thờ Khổng Tử.
Theo: Soha

No comments: