Hồi khuya, tôi có post một bài giới thiệu về cây Thần Kỳ, thấy hay nên mới tìm thêm vài tài liệu. Tình cờ phát hiện ra, nói đên cây Thần Kỳ là cái tên chung (common names) của 3 loại thực vật không có liên hệ với nhau nhưng lại có tính năng thần kỳ:
- Synsepalum dulcificum: người VN gọi là cây Thần Kỳ, TQ gọi là 神秘果 (Thần Bí Quả) mà tôi đã post lên rồi.
- Thaumatococcus daniellii: chưa biết tên VN hay TQ, Pháp gọi là Le Katemfe.
- Gymnema sylvestre: người VN gọi là "Dây Thìa Canh", TQ gọi là 匙羹藤 (Thi Canh Đằng)
Trong 3 loại thì Synsepalum dulcificum và Thaumatococcus daniellii thì thần kỳ ở chổ khi nhai quả của nó làm cho vị giác chỉ còn thấy vị ngọt dù ăn hay uống những loại thức ăn chua, đắng chát đên cở nào cũng vẫn thấy ngọt. Còn loại Gymnema sylvestre làm giảm hấp thụ đường và làm mất vị ngọt và vị đắng. Cho nên người ta cho là rất công hiệu trong việc chữa bệnh "đái đường".
Những năm qua có rất nhiều loại thảo dược được người ta đánh bóng quảng cáo rầm rộ những loại cây cỏ có thể trị bệnh nan y, trị đủ thứ bệnh. Nhưng các bạn coi chừng "tiến mất mà tật vẫn mang".
Bài post hôm nay chỉ nên đọc tham khảo để biết về một loại cây có đặc tính lạ chớ không nên tin vào dược tính trị liệu của nó. Trong các lời loan truyền đồn đại về các loại thảo dược trị những bệnh ung thư, tiểu đường,..nếu thật sự trị được thì những nhà bào chế Tây phương, các đại học ỡ Mỹ, Đức,..đã thỉnh mời và tưởng thưởng hậu hỉ cho các lương y đó rồi chứ không có truyền qua truyền lại với nhau đâu. Xin các bạn đọc lưu ý, đừng để "tiền mất mà tật vẫn mang".
GYMNEMA SYLVESTRE - DÂY THÌA CANH .
Dây thìa canh, dây muôi hay lõa ti rừng (danh pháp hai phần: Gymnema sylvestre) là một loài cây thân thảo thuộc chi Lõa ti (Gymnema) họ Apocynaceae, bản địa của rừng nhiệt đới miền nam và miền trung Ấn Độ.
Dây leo cao 6–10 m, nhựa mủ màu trắng. Thân có lóng dài 8–12 cm, đường kính 3mm, có lỗ bì thưa. Lá có phiến bầu dục, trứng ngược, dài 6–7 cm, rộng 2,5–5 cm, đầu nhọn, có mũi, gân phụ 4-6 cặp, rõ ở mặt dưới, nhăn lúc khô; cuống dài 5–8 mm. Hoa nhỏ, màu vàng, xếp thành xim dạng tán ở nách lá, cao 8 mm, rộng 12–15 mm; đài có lông mịn và rìa lông; tràng không lông ở mặt ngoài, tràng phụ là 5 răng. Quả đại dài 5,5 cm, rộng ở nửa dưới; hạt dẹp, lông mào dài 3 cm.
Cây ra hoa vào tháng 7 và đậu quả vào tháng 8. Khi chín quả của cây này rụng xuống và tách đôi giống 2 chiếc thìa, nên dân gian gọi là cây Dây thìa canh hay cây muôi.
Dây thìa canh được tìm thấy đầu tiên tại Ấn Độ. Dược điển Ấn Độ có ghi lại Dây thìa canh (Tiếng Ấn Độ gọi là cây Gumar) được sử dụng tại Ấn Độ từ 2000 năm trước để trị bệnh "Nước tiểu ngọt như mật". Loại cây này phát triển nhiều nhất ở thung lũng Paltacot miền Trung Nam Ấn Độ, ngoài ra còn phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Tại Việt Nam, loại cây này mới được tìm thấy vào năm 2006.
Người đầu tiên phát hiện ra loài cây này là Ts. Trần Văn Ơn - trưởng bộ môn Thực vật - Đại học Dược Hà Nội. Loại cây này ban đầu được tìm thấy tại một số nơi ở miền Bắc Việt Nam từ Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Bắc, Ninh Bình tới Thanh Hoá. Hiện nay loài cây này được quy hoạch trồng thành vùng tại Nam Định và Thái Nguyên. Thu hái các bộ phận của toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hóa học:
Thành phần hóa học có hoạt tính sinh học chính của dây thìa canh là hoạt chất GS4 (Tên khoa học Gymnema Sylvestre kiềm hóa ở lần thứ 4) gồm tổ hợp nhiều acid gymnemic, một hoạt chất thuộc nhóm saponin triterpenoid. Ngoài ra, cây còn chứa các thành phần khác như flavone, anthraquinone, hentri-acontane, pentatriacontane, α và β- chlorophylls, phytin, resins, d-quercitol, acid tartaric, acid formic, acid butyric, lupeol,... Dịch chiết cây cũng cho thấy có thành phần alcaloid.
Acid gymnemic có tác dụng kích thích sản sinh tế bào Beta của tuyến tụy, nhờ đó tăng sản sinh Insulin, tăng hoạt lực của Insulin, giúp cơ thể tái thiết lập được khả năng cân bằng đường huyết tự nhiên. Acid Gymnemic còn ức chế hấp thu đường ở ruột do có cấu trúc phân tử gần giống với đường Glucose, khi vào đến ruột sẽ cạnh tranh với đường Glucose, lấp đầy thụ thể ruột và ngăn không cho hấp thu đường từ ruột vào máu. Acid Gymnemic còn ức chế gan tân tạo Glucose vào máu, đồng thời kích thích các enzyme chịu trách nhiệm tiêu thụ, sử dụng đường tại các mô cơ. Nhờ đó hoạt chất này đem lại hiệu quả giảm đường huyết.
Ngoài ra trong Dây thìa canh còn chứa peptide Gumarin. Khi ăn và nhai lá Dây thìa canh tươi thì Peptide này lấp đầy thụ thể lưỡi làm lưỡi không hấp thu được đường Glucose. Gumarin tác động vào vùng dưới đồi làm mất cảm giác đối với vị ngọt và vị đắng, vì vậy gây mất cảm giác ngọt. Tuy nhiên tác dụng này mất đi khi Dây thìa canh được nấu chín hoặc phơi khô.
Tính vị, tác dụng:
Dây thìa canh được ghi nhận là tác dụng gián tiếp lên sự tiết insulin của tuỵ tạng, hạn chế thoái giáng Glicogen ở gan, làm giảm glucoza-niệu, làm mất vị ngọt của đường và các vị đắng của thuốc đắng trong một vài giờ, nhờ vậy giúp giảm đường huyết và điều trị bệnh đái tháo đường (Anti-diabetes).
Ngoài ra Dây thìa canh còn được ghi nhận là làm giảm nồng độ LDL-cholesterol, triglicerid trong máu, tăng HDL-cholesterol nên giảm lipid máu toàn phần, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu.
Trên lâm sàng, cây này còn cho thấy hiệu quả giảm huyết áp ở bệnh nhân có cao huyết áp.
Điều đáng chú ý là các nghiên cứu lâm sàng ở người bình thường, đường huyết không cao, cây này không cho hiệu quả giảm đường huyết hay huyết áp.
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Thường dùng trị đái đường, với liều 4g lá khô đủ để làm ngưng glucoza-niệu. Lá cũng dùng làm thuốc dễ tiêu hoá, còn dùng tán thành bột để chống độc, ở Ấn Độ, người ta dùng đắp lên vết cắn và dùng sắc uống trong để trị rắn độc cắn. Ở Trung Quốc, người ta dùng cả cây bỏ rễ và quả làm thuốc trị phong thấp tê bại, viêm mạch máu, rắn độc cắn, trĩ và các vết thương do dao, đạn; còn dùng diệt chấy rận.
Theo Wikipedia ghi chú:
Những thông tin y khoa của Wikipedia Tiếng Việt chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế ý kiến chuyên môn. Trước khi sử dụng những thông tin này, đề nghị liên hệ và nhận sự tư vấn của các bác sĩ chuyên môn.
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment