Tuesday, October 4, 2016

VỀ MIỀN TÂY ĂN KHÔ CÁ RÚN NẤU SIM-LO

Lúc đầu đọc cái tựa bài thật là ấn tượng vì nó quá lạ với cái tên con "cá rún" và "sim-lo". Con cá rùn thì tôi chắc chắn chưa nghe qua nhưng nhìn miếng khô trong hình thì thấy quen quen, ăn chưa thì không nhớ nhưng nấu theo kiều Miên gọi là sim-lo thì tôi chưa từng thử qua. Chạy vòng vòng trên mạng cứ tưởng sim-lo là một món gia vị gì đó nhưng cuối cùng qua Wikipedia mới biết:


"Samlar machu là từ mà người Campuchia dùng để chỉ món canh chua đặc trưng của họ, với machu nghĩa là chua và samlar nghĩa là canh (samlar còn được viết là samlar, hay samlor, salaw, hoặc salor), thường được biết đến như là canh chua Campuchia.

Vị chua của món canh này là do me và nhiều loại rau quả chua khác như cà chua, dứa, hay là lá sương sâm.

Có nhiều loại canh chua Campuchia. Loại phổ biến nhất là món samlor machu moun (canh chua nấu gà), nổi tiếng vì có sử dụng chanh muối.

Thịt trong canh chua Campuchia gồm có gà, cá hoặc thịt lợn. Gần đây, thay vì dùng me tươi, một loại bột canh vị me được dùng với nhãn hiệu phổ biến là Knorr.

Món này có nhiều điểm tương tự với món canh chua Nam bộ của người Việt."

Bây giờ mời các bạn xem cách chế biến nhé:


VỀ MIỀN TÂY ĂN KHÔ CÁ RÚN NẤU SIM-LO


Cá rún chế biến món gì cũng ngon. Nhưng đối với các bà nội trợ miền Tây, khô cá rún “đệ nhất” ngon, đặc biệt đáng nhớ trong mùa viêm nhiệt là món khô cá rún nấu sim-lo.



Từ khoảng tháng 5, 6 đến gần giáp tết, cá rún thường vào gần bờ sinh sản. Đây cũng là mùa ngư dân vùng biển Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) vào mùa đánh bắt cá rún. Với người dân trong vùng, đây cũng là lúc trong những bữa ăn gia đình có thêm những món ngon, dân dã.

Đầu cá rún tươi nấu canh chua, thân cá rún chiên tươi sốt cà hoặc chưng tương…, cá rún làm món gì cũng ngon. Nhưng với nhiều người, món khô cá rún nấu sim-lo có lẽ ấn tượng nhất.

Thoạt nghe tên món ăn, không ít người ngạc nhiên vì cái tên sao giống món ăn của người Khmer quá! Đúng vậy, “sim-lo” là phiên âm từ “som lo m’chu” của người Khmer có nghĩa là canh chua nhưng có một phần khác với món canh chua truyền thống Nam bộ là món sim-lo là nấu với khô (khô cá chép, cá tra, cá đuối… ) cùng “phụ liệu” là bắp chuối (hoặc chuối cây xắt ghém).



Để nấu nồi canh chua, chỉ cần 200g khô cá rún (có lẫn xương mới ngon, không lấy phần đầu cá vì khi chế biến thường bị hôi dầu, không ngon), một bắp chuối (hoa chuối), một ít gia vị (ngò om, ngò gai, ớt, cơm mẻ). Bắp chuối (hoa chuối) đem về lột vỏ bỏ những phần già, lấy phần nõn, chẻ đôi, bỏ cùi và xắt thành miếng mỏng (ghém hay xắt khúc cũng được) cho vào thau nước có pha một ít nước chanh cho không sẫm màu.

Cá rún rửa sơ với nước lạnh cho sạch, để ráo, dùng dao bén chặt thành miếng vừa đũa gắp cho vào nồi nước nấu với lửa liu riu (như hầm xương) để các chất ngọt trong xương cá tiết ra. Cơm mẻ múc ra chén, đổ vào vợt lược nhúng vào nồi lấy nước bỏ xác. Nêm nếm gia vị muối, đường, bột ngọt… cho vừa khẩu vị và cho ghém chuối vào.

Chờ nước sôi bùng lên, nhắc xuống ngay, không để ghém chín mềm quá mất ngon. Cuối cùng cho ngò om, ngò gai xắt nhuyễn, vài lát ớt vào múc ra tô dọn lên bàn, cùng chén nước mắm ngon nguyên chất với dĩa bún là xong.

Bữa ăn đã sẵn sàng. Thật hạnh phúc và đầm ấm trong buổi chiều tà yên ả, khi cái nóng ban ngày đã dịu đi và cả nhà sum họp đầy đủ để thưởng thức món canh cá rún nấu sim-lo.



Gắp miếng khô cá rún cùng miếng bắp chuối chấm vào chén nước mắm ngon nguyên chất đưa lên miệng nhai chậm chậm. Vị dai dai, mằn mặn, beo béo của khô cá rún hòa lẫn vị chan chát của bắp chuối, chua chua của cơm mẻ, thơm thơm của ngò gai, cay cay của ớt… lan tỏa vào mọi giác quan.

Thêm miếng bún trắng ngần vào chén, chan một ít nước canh chua và “lùa” một hơi, bạn sẽ khó quên được một “hợp khúc” dân dã của quê hương miền Tây.

Dulichvn