Bạn hiền,
Đêm hôm trước, sau khi tôi kể bạn nghe câu chuyện con khỉ đột sợ thoái hoá thành con người, tôi có hứa sẽ kể bạn nghe một chuyện khác, không phải về những con khỉ, mà về những con người thích bắt chước. Một kiểu bắt chước rất "người", nghĩa là rất bá láp, chứ không phải là bắt chước hồn nhiên, rất "khỉ". Bạn thích nghe không? Thích hả?
Này nhé, ví dụ bạn đang đi trên hè phố, thình lình bạn thấy có một người đứng nhìn đăm đăm lên bầu trời, bạn có bắt chước dừng lại để nhìn thử xem trên trời có cái gì không? Cứ cho là bạn không dừng lại, nhưng nếu không phải là một người, mà hai, ba, bốn, rồi nhiều người bắt chước người đầu tiên, dừng lại để đăm đăm nhìn lên trời, thì bạn có bắt chước họ không, hay bạn vẫn tỉnh khô, đi thẳng?
Tôi nghi là bạn sẽ bu vào đám người ấy. Bạn cũng xúm vào, đứng nhìn đăm đăm lên trời, cố xem thử có cái gì trên đó hay không. Chuyện buồn cười là tất cả đám người càng lúc càng đông ấy không bao giờ biết (hoặc không còn nhớ) ai là người đầu tiên đã làm thế. Lắm khi người đầu tiên đã bỏ đi từ lâu (vì trên trời chẳng có gì cả), mà thiên hạ vẫn tiếp tục xô đẩy nhau đứng thành đám chen chúc, ngước mắt đăm đăm nhìn lên trời...
Bạn bảo rằng bạn không dễ bị lôi kéo vào đám đông một cách vô ý thức à? Chà, giỏi quá. Tôi phục bạn đấy. Chung quanh tôi, tôi thấy đại đa số thiên hạ đều mắc cái chứng này cả.
Mà này, nếu bạn thích thì một hôm đẹp trời nào đó bạn thử chơi một vố xem sao. Đang đi trên đường phố, thình lình bạn đứng lại, và... tùy sáng kiến của bạn, bạn đẻ ra một trò vớ vẩn gì đó. Bạn có thể làm thiên hạ bu lại bắt chước bạn, và bắt chước nhau, càng lúc càng đông, đến độ khi bạn đã lẻn đi ra chỗ khác, thiên hạn vẫn còn nhốn nháo. Bạn tách ra khỏi đám đông ấy, và đứng từ xa nhìn lại, bạn thấy cái sản phẩm của bạn đang láo nháo, xôn xao... Thích mắt lắm.
Hồi còn trẻ, văn hào Italo Calvino đã có lần chơi thiên hạ một vố. Ông có kể lại vố ấy trong một truyện ngắn có nhan đề: "Người gào tên Teresa". Mời bạn thưởng thức nhé. Chuyện thế này:
Tôi bước ra khỏi lề đường, đi lùi một quãng, ngước mặt lên, và, từ giữa đường, đưa hai tay lên miệng để làm chiếc loa và gào lên tầng cao nhất của khu chúng cư: "Teresa!"
Bóng tôi sợ mặt trăng và lẩn vào giữa hai bàn chân tôi.
Có người đi ngang qua. Tôi lại gào: "Teresa!"
Hắn đến gần tôi và hỏi: "Nếu anh không gào lớn hơn, cô ấy sẽ không nghe. Vậy cả hai chúng ta cùng thử. Này nhé: đếm đến số ba, ở số ba chúng ta cùng gào một lượt." Rồi hắn nói: "Một, hai, ba." Và chúng tôi cùng gào: "Te-reee-saaa!"
Có người khác đi ngang qua và nhập bọn với chúng tôi; mười lăm phút sau, chúng tôi đã có một đám ngon lành, chừng hai chục. Và thỉnh thoảng lại có người mới đến tham gia.
Sắp xếp cho cả bọn cùng gào một tiếng rõ lớn, và đồng loạt, chẳng phải dễ dàng gì. Luôn luôn có kẻ nào đó gào trước số ba hoặc gào quá dài, nhưng rốt cuộc chúng tôi cũng thực hiện được khá hữu hiệu. Chúng tôi đồng thuận rằng âm "Te" phải được gào tiếng thấp và dài, âm "re" phải được gào tiếng cao và dài, âm "sa" phải thấp và ngắn. Gào như thế nghe rất hay. Chỉ thỉnh thoảng có chút ít cãi vã lắt nhắt khi ai đó gào trật nhịp.
Khi chúng tôi bắt đầu gào đúng nhịp điệu, thì có một kẻ nào đó, thuộc loại nếu giọng không tệ hại, thì mặt phải đầy tàn nhang, thắc mắc: "Nhưng anh có chắc là cô ấy đang ở nhà không?"
"Không," tôi đáp.
"Vậy thì kẹt quá," một người khác nói. "Anh quên chìa khoá hả?"
"Đúng ra," tôi nói, "tôi có chìa khoá của tôi."
"Vậy thì," họ hỏi, "tại sao anh không lên trên ấy?"
"Ồ, nhưng tôi không sống ở đây," tôi đáp. "Tôi sống ở bên kia thị trấn."
"Vậy thì..., xin lỗi, tôi có hơi tò mò," gã có giọng đầy tàn nhang hỏi cặn kẽ, "nhưng ai sống ở đây?"
"Thật tình tôi không biết," tôi nói.
Mọi người có vẻ hơi bực mình vì điều này.
"Vậy xin anh vui lòng giải thích," có kẻ nào đó với một giọng đầy răng, hỏi, "tại sao anh đứng dưới này gào tên Teresa?"
"Nói cho cùng," tôi đáp, "chúng ta có thể gào một tên khác, hoặc đứng ở chỗ khác gào cũng được. Chẳng có gì quan trọng lắm."
Những người khác tỏ vẻ hơi bực dọc.
"Chắc là anh không chơi xỏ chúng tôi chứ?" gã tàn nhang hỏi với vẻ nghi ngờ.
"Cái gì?" tôi nói, với vẻ khinh bỉ, và xoay mình nhìn những người khác để tìm sự đồng tình với thiện ý của tôi. Họ chẳng nói gì, chứng tỏ họ chẳng hiểu ẩn ý của tôi.
"Này nhé," có người ôn tồn nói, "tại sao chúng ta không gọi Teresa một lần cuối, rồi ai về nhà nấy."
Vì thế chúng tôi gào thêm một lần nữa. "Một, hai, ba, Teresa!" nhưng hiệu quả âm thanh không tốt mấy. Thế rồi mọi người ra về, kẻ đi lối này, người đi lối khác.
Khi đã quẹo vào quảng trường thị trấn, tôi chừng như còn nghe có giọng người gào: "Tee-reee-sa!"
Chắc chắn là có ai đó ở lại để tiếp tục gào. Thật là kẻ lì lợm.
Bạn hiền ơi, thấy bạn bò lăn ra cười như thế, tôi vui lắm. Nhưng, nói thật, bạn đừng cười nhiều quá. Tại sao hả? Tại vì có lần chính mắt tôi thấy bạn tham gia vào một đám đông láo nháo như vậy. Không có hả? Sao không? Có, mà bạn không biết đấy chứ! Khi rơi vào trò bắt chước như vậy, bạn đâu có ý thức rằng bạn đang bắt chước, bạn đâu có biết bạn đang làm gì.
Tôi gọi kiểu bắt chước này là kiểu bắt chươc rất "người". Lúc con khỉ bắt chước, nó biết nó đang bắt chước cái gì. Con người thì lại có những lúc bắt chước thiên hạ một cách rập khuôn, mà lại không biết mình đang bắt chước. Nghe người ta "đả đảo", thì mình "đả đảo". Nghe người ta "hoan hô", thì mình "hoan hô". Như bị "liệu" vậy. Nếu có ai hỏi tại sao nói thế, tại sao làm thế, thì mình lại loay hoay, lúng túng, trả lời lắp bắp, không đầu không đuôi. Mà nếu mình có trả lời bon bon, thì cũng lại là sự bắt chước. Đã nghe ai nói bon bon trước, nên mình bắt chước bon bon theo. Chứ nếu bị hỏi gặn thêm chút xíu thôi, thì mình lại... loay hoay, lúng túng, đỏ mặt.
Này, sao bạn hiền lại đỏ mặt? Bị tôi bắt quả tang đang bắt chước, nên mắc cỡ à? Không phải hả? Chứ sao lại đỏ mặt? Thế à? Bạn vừa nghĩ ra một trò chơi xỏ thiên hạ à? Thú quá nhỉ? Thì ra bạn đỏ mặt vì mắc cỡ giùm cho thiên hạ! Trò gì vậy, kể tôi nghe trước được không? Không à? Kể đi. Nếu bạn kể tôi nghe, thì tôi sẽ kể lại cho bạn nghe mấy chuyện này vui lắm. Không, tôi không kể trước đâu! Bạn phải kể trước, rồi tôi mới kể. Không chịu kể à? Sợ lộ bí mật hả? Thì thôi, đi ngủ đi. Khuya rồi. Mai ta lại nói chuyện tiếp. Lại lắm chuyện ly kỳ...
Ngọa Đàm
No comments:
Post a Comment