Tôi mới post một bài nói về "Đứa con" của cặp vợ chổng liên quan với câu ca dao "chim quyên ăn trái nhãn lồng" tình cờ đọc thêm được một bài viết của Vũ Đức Sao Biển cũng về con chim quyên, cũng về trái nhãn lổng.
Trong bài này sẽ có một phần tôi bỏ trong ngoặc *[.... ]* vì phần này không biết tác giả nghe lầm hay bài được đăng lầm cho nên tôi sẽ post luôn bài nhạc và phần giới thiệu của MC Nguyễn Ngọc Ngạn để minh chính.
(Rất tiếc khi post lại bài này clip video của bài hát "Đau xót lý chim quyên" và lời giới thiệu của MC Nguyễng Ngọc Ngạn đã bị xóa.)
OAN CHO.....NHÃN LỒNG
Ca từ trong ca khúc nhiều khi được viết theo lối ẩn dụ. Hiểu đúng ẩn ý đó mới hiểu hết được nội dung, tinh thần của ca khúc
Bà con Nam Bộ có câu ca dao:
Chim quyên ăn trái nhãn lồng;
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.
Bắt mạch cảm xúc khi được nghe lại câu ca dao đó trong một chiều tình cờ qua sông Cửu Long do một người mẹ hát ru con, tôi viết ca khúc Đau xót lý chim quyên. Ca khúc không phát triển theo mô-típ của điệu Lý chim quyên trong dân ca Nam Bộ mà chỉ lấy cái hồn của câu ca dao làm nền tảng.
*[ Nhạc phẩm này lưu lạc sang Mỹ, được nhiều ca sĩ hát. Ca sĩ H.L hát trong một chương trình của hãng Thúy Nga Paris. Người dẫn chương trình (là một nhà văn) bình ca từ bài hát: “Kính thưa quý vị, nhãn lồng là một loại trái cây ngon mà chúng ta thường vào supermarket mua với giá 99 cents một pound...”. Ông ta đã lầm trái nhãn lồng với trái nhãn! ]*
Ở miền Bắc ngày trước, khi cây nhãn ra trái, người ta thường lấy giấy lồng (bao) trùm nhãn lại để chim, dơi khỏi phá. Nhãn được bao lại gọi là nhãn lồng. Ở Nam Bộ, nhãn được trồng nhiều, mẫu này qua mẫu khác, huyện này qua huyện khác. Ai có thể lấy giấy bao từng chùm nhãn trên diện tích cả trăm ngàn hecta nhãn?
Nhãn lồng trong ngôn ngữ Nam Bộ là dây lạc tiên hay dây chùm bao. Loại đọt của dây này được bà con luộc chín, ăn như một món rau luộc, có tác dụng an thần, dễ ngủ. Trái nhãn lồng được bao bọc bên ngoài bằng những nang lông. Muốn ăn được hạt nhãn lồng, con chim quyên phải mổ để phá vỡ các nang lông đó, rồi mổ cho vỡ vỏ bao của trái mới ăn các hạt ở bên trong.
Trái nhãn lồng chính là hình ảnh tượng trưng của xuân cung - chỗ kín đáo nhất trong thân thể phụ nữ. Ca dao Nam Bộ hàm ý “Chim quyên ăn trái nhãn lồng” có nghĩa là chỉ có người chồng mới biết, mới quen được xuân cung của người vợ. Ta thấy vế thứ ba của câu ca dao bảo “vợ chồng quen hơi” mà! Sống đời lứa đôi, người ta chung đụng với nhau như con chim quyên thường ăn trái nhãn lồng vậy.
Tôi viết Đau xót lý chim quyên tặng một người bạn mà người ấy chưa là gì của mình cả:
Mà đôi ta, không là tình nhân,
Không phải vợ chồng,
Chưa hề bén tiếng,
Chưa hề quen hơi.
Chính vì vậy, ca từ có đến ba thái độ, ba tầng nấc:
Chim quyên, chim ăn trái nhãn lồng.
Chim quyên chưa ăn trái nhãn lồng.
Chim quyên không ăn trái nhãn lồng.
Không phải vợ chồng,
Chưa hề bén tiếng,
Chưa hề quen hơi.
Chính vì vậy, ca từ có đến ba thái độ, ba tầng nấc:
Chim quyên, chim ăn trái nhãn lồng.
Chim quyên chưa ăn trái nhãn lồng.
Chim quyên không ăn trái nhãn lồng.
Nếu là vợ chồng thì “chim quyên ăn trái nhãn lồng”. Thế nhưng, tôi vẫn còn do dự, giữ cho mình một khoảng cách cần thiết “chim quyên chưa ăn trái nhãn lồng”. “Chưa ăn” có nghĩa là có thể sẽ ăn (và cũng có thể sẽ không ăn). Cuối cùng, tôi khẳng định:
Chim quyên không ăn trái nhãn lồng.
Qua không thương bậu, bậu đừng thương qua.
Qua không thương bậu, bậu đừng thương qua.
Nói “qua không thương bậu” chỉ là một cách nói ý tại ngôn ngoại. Thực ra, lòng thương lắm nhưng không vì thế mà phải “ăn trái nhãn lồng”.
Ca khúc trên ra đời đã hơn 16 năm, nhiều thế hệ ca sĩ đã hát. Thế nhưng, có lẽ ít ai biết ngày xưa ấy tôi đã cố giữ sự trong trắng cho một người bạn. Mỗi khi qua sông Cửu Long, tôi vẫn thấy hình tượng trong trắng, tươi đẹp kia lại hiện về trong ký ức mù khơi.
Vũ Đức Sao Biển