Do ảnh hưởng của phim và truyện kiếm hiệp, nhiều người tin tưởng rằng môn Thái cực quyền là do đạo sĩ Trương Tam Phong sáng tạo.
Trong truyện Ỷ thiên đồ long ký, dưới ngòi bút Kim Dung, Thái cực quyền trở thành một môn võ thượng thừa. Cũng qua sự hư cấu của Kim Dung, lai lịch Thái cực quyền được gán cho Trương Tam Phong. Thế rồi bằng sự nổi tiếng của phim và truyện Kim Dung, nhiều người tin tưởng chính Trương Tam Phong là người sáng tạo ra Thái cực quyền.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn gốc người sáng tạo ra môn Thái cực quyền vẫn còn là một điều gây tranh cãi bên Trung Quốc. Có điều trong các tranh cãi dựa trên chứng cứ cụ thể cũng không có ai nhắc đến Trương Tam Phong hay sự dính dáng của nhân vật này với Thái cực quyền.
Trong cuốn sách Thái cực quyền thường thức vấn đáp, tác giả Trương Văn Nguyên viết: “Về nguồn gốc phát sinh Thái cực quyền, có nhiều thuyết khác nhau mà cho đến nay chưa có thuyết nào đưa ra được kết luận xác thực. Căn cứ vào một số thuyết cũ, đều cho rằng người sáng chế ra môn này là Trương Tam Phong, người ta chưa xác quyết được là có một Trương Tam Phong thực hay không? Quê quán ở đâu? Có biết võ thuật không? Sáng tạo ra Thái cực quyền như thế nào? Trong các thư tịch cổ cũng không có sự ghi chép thống nhất; có loại thư tịch mà nội dung vẫn là thần thoại, không thể tin cậy”.
Tác giả này cũng dẫn lại lời của Võ sư Đường Hào, một bậc tiền bối trong giới võ thuật Trung Quốc nói rằng: “Các thuyết cũ bảo Thái cực quyền được sáng chế bởi Trương Tam Phong vào thời kỳ suy vi của triều Bắc Tống (mà cũng có người bảo là thời cuối Nguyên đầu Minh). Nhận định này không đúng, tại vùng Trần Gia Câu không hề có truyền thuyết gì về một Trương Tam Phong nào cả. Căn cứ vào kết quả tìm tòi được ở Trần Gia Câu, người ta phát hiện Thái cực quyền ở đó có đại bộ phận động tác (gọi là thức tử) rút ra từ môn “Quyền Kinh” được sáng tạo bởi một tướng lĩnh nổi danh của nhà Thanh là Thích Kế Quang. Mà môn Quyền Kinh của Thích Kế Quang lại dựa trên 16 loại quyền pháp của dân gian mà biến thành. Do đó có thể nói: Thái cực quyền bắt nguồn từ dân gian, trải qua sự phát triển liên tục mà thành vậy”.
Tài liệu đã nêu cũng cung cấp thông tin về Thái cực quyền ở vùng Trần Gia Câu. Theo đó môn võ này bắt đầu xuất hiện ở Trần Gia Câu từ đầu triều Thanh.
Vua Sùng Trinh – vị vua cuối cùng nhà Minh từng khuyến khích văn nhân luyện võ. Thời ấy có Trần Nguyên Bình là người giỏi cả văn võ. Ông nghiên cứu quyển kinh Hoàng Đình của Đạo gia (kinh này nói về thuật hô hấp) và tham khảo môn Quyền Kinh của Thích Kế Quang mà sáng tạo nên Thái cực quyền Trần Gia Câu vào đầu thời nhà Thanh. Thế rồi về sau Thái cực quyền của Trần Gia Câu được một người họ Dương (chính là ông tổ của Thái cực quyền Dương thức) học lại và đem truyền thụ tại vùng Hà Bắc và dựng nên Thái cực quyền Dương gia rất nổi tiếng.
Vua Sùng Trinh – vị vua cuối cùng nhà Minh từng khuyến khích văn nhân luyện võ. Thời ấy có Trần Nguyên Bình là người giỏi cả văn võ. Ông nghiên cứu quyển kinh Hoàng Đình của Đạo gia (kinh này nói về thuật hô hấp) và tham khảo môn Quyền Kinh của Thích Kế Quang mà sáng tạo nên Thái cực quyền Trần Gia Câu vào đầu thời nhà Thanh. Thế rồi về sau Thái cực quyền của Trần Gia Câu được một người họ Dương (chính là ông tổ của Thái cực quyền Dương thức) học lại và đem truyền thụ tại vùng Hà Bắc và dựng nên Thái cực quyền Dương gia rất nổi tiếng.
Một tài liệu khác lại cho rằng Thái cực quyền được hình thành từ hai nhánh mà trong đó Trần Gia Câu là một. Cuốn Võ thuật Trung Quốc của Nxb Tổng hợp TPHCM nói: “Theo Lý thị gia phả được phát hiện năm 2003 ở thôn Hà Nội Đường (nay thuộc Bái Ái, tỉnh Hà Nam), vào khoảng thời Khang Hy năm thứ 55 (1716) nhà Thanh, có thể suy đoán sơ bộ rằng, nguồn gốc của Thái cực quyền là từ chùa Thiên Tải ở thôn Đường huyện Hà Nội, do nhà Lý thị ở Đường thôn và nhà Trần thị ở huyện Ôn cùng sáng lập nên. Những người sáng lập cụ thể có lẽ là anh em Lý Trọng (1598-1680), Lý Tín (hoặc Nham) (1606-1644) ở Đường thôn và Trần Gia Câu, Trần Vương Diên (khoảng 1600 – 1680)”.
Về sau, do biến loạn vào cuối thời Minh, Thái cực quyền của chùa Thiên Tải đã bị phân thành hai chi, một chi là Lý thị ở Đường thôn, chi kia là Trần thị ở Trần Gia Câu. Từ đầu đời nhà Thanh, các hậu duệ nhà Lý thị ở Đường thôn đã thu nạp đệ tử ở rất nhiều tỉnh thành khác để truyền bá võ nghệ. Nhưng do thời gian đã quá lâu nên sử sách không ghi chép lại được. Thái cực quyền ở Đường thôn cũng bị chìm lắng và không còn bất cứ khảo chứng nào, hiện giờ chỉ còn những ghi chép trong Lý thị gia phả.
Nhưng võ thuật của Trần Gia Câu thuộc phái nhà họ Trần thì khác. Trước thời Đạo Quang nhà Thanh, Thái cực quyền phần lớn chỉ hạn chế trong gia tộc họ Trần. Đến cuối thời nhà Thanh, võ nghệ của họ Trần mới dần dần được truyền bá cho các dòng họ khác”.
Như vậy những tài liệu được dẫn chứng cho thấy sự dính dáng của Trương Tam Phong với môn Thái cực quyền chỉ nằm trong các truyền thuyết dân gian mà không có cơ sở thực tế.
Khánh Nam