Mộ huyệt khổng lồ
Câu chuyện được bắt đầu từ năm 1942, khi các nhân viên kiểm lâm miền Bắc Ấn Độ leo lên đến hồ Roopkund và tình cờ phát hiện ra hơn 200 bộ xương người ở một góc lòng hồ. Hầu hết các bộ xương người này đều còn nguyên vẹn. Tin tức này lan truyền ra đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.
Năm 1955, một nhóm nhà thám hiểm Ấn Độ đến hồ Roopkund với mục đích lấy một ít hài cốt để bảo tồn. Nhóm thám hiểm này đã phát hiện dưới lớp băng sâu của hồ Roop-Kund còn chứa ít nhất khoảng 600 bộ xương nữa, ngoài hơn 200 bộ xương đã tìm thấy trước đó.
Đến năm 2003, một cuộc khảo sát khác được thực hiện bởi các nhà khoa học Ấn Độ, phối hợp với các nhà khoa học Đức và kênh truyền hình địa lý quốc gia Mỹ, họ đến “Hồ xương người” nghiên cứu và quay phim nhiều ngày. Nhưng kết quả nghiên cứu vẫn chỉ ở mức phản ánh bởi thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt.
Phải tới cuối năm 2007, Giáo sư - Tiến sĩ William Sarks và các cộng sự thuộc Đại học Heidelberg, Đức, mới có dịp sử dụng các phương tiện hiện đại nhất để phá giải bí ẩn ở “Hồ xương người” này.
Khi vừa đến “Hồ xương người”, Sarks và các nhà khoa học đã tiến hành các nghiệm chứng khoa học bắt đầu từ góc độ văn hóa. Họ được nghe một câu chuyện lý thú liên quan tới “Hồ xương người”, một truyền thuyết lưu truyền lâu đời trong dân cư Bắc Ấn.
Theo truyền thuyết này, vua nước Kannaji thời cổ Ấn Độ cùng hoàng hậu, con cái và quân đội đã mở vũ hội trên núi Himalaya. Điều này xúc phạm đến nữ thần Nandadevi, vì Himalaya là nơi linh thiêng không được hưởng lạc. Nữ thần hóa thành một trận mưa đá rất lớn giết chết mọi người rồi vùi chôn trong hồ Roopkund.
Chi tiết nữ thần Nandadevi trừng phạt bằng mưa đá trong truyền thuyết đã gợi mở hướng lý giải hứng thú cho các nhà khoa học. Trong sách kỷ lục thế giới Guinness có ghi: Năm 1986, ở Bangladesh từng xảy ra một trận mưa đá kinh hoàng, hạt mưa đá nặng đến 1 kg, làm chết 92 người.
Từ liên hệ này, các nhà khoa học cho rằng trận mưa đá giáng xuống “Hồ xương người” ngày trước có tốc độ có thể đạt đến hơn 160 km/giờ, khiến mọi người không kịp tìm chỗ ẩn nấp. Nhiều người bị đá rơi chết ngay, ngoài ra còn có một số người bị thương và chết rét sau đó.
Càng lý thú hơn, khi các nhà khoa học tiến hành kiểm tra thi thể tại hiện trường, ghi nhận được rằng ở phía trên đầu của hầu hết các hài cốt này đều có một vết nứt khá sâu.
Không phải người Trung hoa
Nhiều người cho rằng những bộ xương khô trong lòng hồ Roopkund là của những thương nhân trên đường trở về Tây Tạng, gặp nạn chết giữa đường. Tuy vậy, khi khảo sát kỹ bên cạnh các bộ xương người, các nhà khoa học phát hiện có một số vòng đeo tay bằng thủy tinh, nhẫn, hài bằng da và gậy trúc, không có vũ khí quân đội.
Có rất nhiều thi hài của phụ nữ và trẻ con. Không phát hiện xương động vật, chẳng hạn các loài động vật dùng di chuyển như ngựa, lừa... đồng thời cũng không có đồ vật tương tự thương phẩm.
Như vậy, chủ nhân những bộ xương này không phải là thương nhân cũng không phải là quân nhân. 31 bộ xương người còn đầu tóc, móng tay chân được đưa về Trung tâm Phân tử sinh vật học Hyderabad để kiểm nghiệm và chọn những mẫu xương, thịt để xét nghiệm ADN.
Trung tâm Phân tử sinh vật học Hyderabad là một trong 4 trung tâm khoa học trên thế giới có phòng thực nghiệm giám định AND, có khả năng xác định những mẫu cổ nhất có niên đại đến 1.000 năm trước Công nguyên. Kết quả giám định cho thấy, chủ nhân những bộ xương ở “Hồ xương người” này đều là người Ấn Độ chứ không phải người Trung Quốc, chết vào năm 850.
Họ không bị nhiễm bệnh và tử vong hầu như cùng lúc. Do đó, tuy chưa phải là kết luận cuối cùng nhưng có thể thêm một bước khẳng định mưa đá chính là hung thủ khiến hơn 800 con người phải “ngủ” lại hồ Roopkund.
(Sưu tầm trên mạng)
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment