“Đường tới Vân Đồn lắm núi sao!
Kỳ quan đất dựng giữa trời cao”
路入雲屯山復山,
天恢地設付奇觀。
Lộ nhập Vân Đồn sơn phục sơn,
Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan.
(Vân Đồn - Nguyễn Trãi)
HUYỀN SỬ VỊNH HẠ LONG
Từ xa xưa, Vịnh Hạ Long đã được danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đánh giá là kỳ quan đất dựng giữa trời cao ẩn chứa vẻ đẹp của truyền thuyết, huyền sử. Vinh Hạ Long hiện nay là hiện thân của những trang sử đá ghi lại các biến cố vĩ đại của quá trình địa chất, thể hiện qua các đặc điểm màu sắc, thành phần vật chất, cấu tạo các lớp đá, các di tích hóa thạch còn bảo tồn cho đến ngày nay.
Rồng hạ giới
Ai cũng biết, Vịnh Hạ Long có từ xa xưa do những kiến tạo địa chất tạo thành. Tuy nhiên, trong tâm thức của người Việt từ thời tiền sử, với trí tưởng tượng dân gian và ý niệm về cội nguồn con Rồng cháu Tiên, một số truyền thuyết cho rằng khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống hạ giới giúp dân ta đánh giặc. Thuyền giặc từ biển ào ạt tiến vào vừa lúc đàn rồng tới hạ giới. Đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc và… biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển, như bức tường thành vững chắc chặn bước tiến của thuyền giặc. Đoàn thuyền giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột đã đâm vào các đảo đá vỡ tan tành. Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, rồng mẹ và rồng con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến. Và vị trí rồng mẹ đáp xuống là Hạ Long, nơi rồng con đáp xuống là Bái Tử Long, và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xóa là Bạch Long Vĩ với bãi cát dài trên 15km.
Theo thống kê của ban quản lý Vịnh Hạ Long, trong tổng số 1.969 đảo của Vịnh Hạ Long có đến 1.921 đảo đá với nhiều đảo có độ cao khoảng 200m. Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của Vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau; và quá trình tiến hóa carxtơ (kiến tạo đá vôi kiểu Phong Tùng) đầy đủ trải qua trên 20 triệu năm với sự kết hợp các yếu tố như tầng đá vôi dày, khí hậu nóng ẩm và tiến trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể. Cánh đồng carxtơ của Hạ Long là lòng chảo rộng có bề mặt tương đối bằng phẳng, thường xuyên ngập nước, được tạo thành theo những phương thức: hoặc nhờ kiến tạo liên quan các hố sụt địa hào; hoặc nhờ sụt trần của các thung lũng sông ngầm, hang động ngầm; hoặc cũng có thể nhờ tồn tại các tầng đá không hòa tan bị xói mòn mạnh mẽ nằm giữa vùng địa hình carxtơ cao hơn vây quanh mà thành.
Vịnh Hạ Long còn bao gồm địa hình carxtơ ngầm là hệ thống các hang động đa dạng trên Vịnh, được chia làm 3 nhóm chính: nhóm 1 là di tích các hang ngầm cổ, tiêu biểu là hang Sửng Sốt, động Tam Cung, động Lâu Đài, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, Thiên Long. Nhóm 2 là các hang nền carxtơ tiêu biểu như Trinh Nữ, Bồ Nâu, Tiên Ông, Hang Trống. Nhóm 3 là hệ thống các hàm ếch biển tiêu biểu như 3 hang thông nhau ở cụm hồ Ba Hầm, hang Luồn, Ba Hang…
Độc nhất vô nhị
Carxtơ Vịnh Hạ Long có ý nghĩa toàn cầu và có tính chất nền tảng cho khoa học địa mạo. Môi trường địa chất Vịnh Hạ Long còn là nền tảng phát sinh các giá trị khác như đa dạng sinh học, văn hóa khảo cổ và các giá trị nhân văn khác. Và quá trình carxtơ bào mòn, phong hóa gần như hoàn toàn tạo ra một Vịnh Hạ Long độc nhất vô nhị. Các đảo trên Vịnh Hạ Long có những hình thù riêng, không giống bất kỳ hòn đảo nào ven biển Việt Nam và không đảo nào giống đảo nào. Có chỗ đảo quần tụ lại, nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau; nhưng cũng có chỗ đảo đứng dọc ngang xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục kilômét như một bức tường thành.
Những kết quả nghiên cứu, thám sát khảo cổ học và văn hóa học cho thấy sự hiện diện của những cư dân tiền sử trên vùng Vịnh Hạ Long từ khá sớm, đã tạo lập những hình thái văn hóa cổ đại tiếp nối nhau bao gồm văn hóa Soi Nhụ trong khoảng 18.000-7.000 năm trước Công Nguyên, văn hóa Cái Bèo trong 7.000-5.000 năm trước Công Nguyên và văn hóa Hạ Long cách ngày nay khoảng từ 3.500-5.000 năm. Tiến trình dựng nước và truyền thống giữ nước của dân tộc Việt Nam, trong suốt hành trình lịch sử, cũng khẳng định vị trí tiền tiêu và vị thế văn hóa của Vịnh Hạ Long qua những địa danh mà tên gọi gắn với điển tích còn lưu truyền đến nay, như núi Bài Thơ, hang Đầu Gỗ, Bãi Cháy... Trong bài thơ Lộ nhập Vân Đồn từ hơn 500 năm về trước, Nguyễn Trãi đã lần đầu tiên ca ngợi vịnh Hạ Long là "kỳ quan đá dựng giữa trời cao".
Hiện nay, Vịnh Hạ Long là khu vực phát triển năng động nhờ những điều kiện và lợi thế sẵn có như tiềm năng lớn về du lịch, nghiên cứu khoa học, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, giao thông thủy đối với khu vực vùng biển Đông Bắc Việt Nam nói riêng và miền Bắc Việt Nam nói chung.
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment