Wednesday, April 19, 2017

HIỆU ỨNG CÁNH BƯỚM VÀ SÁCH LƯỢC "RÚT CỦI ĐÁY NỒI"

Bài này tôi đọc trên mạng lâu rồi và đã share với các bạn, bây giờ post lại để các bạn nào chưa đọc thì đọc chơi cho vui nó không mang tính chính trị và cần nhất là không comment nhé.


Tôi thấy có một nghề hiện nay ở VN không bao giớ ế mà ngày càng giàu mạnh là nghề trị bệnh tâm thần hoang tưởng. Mới mấy ngày trước có một đám người treo băng ron đón một đoàn du lịch ở Đà Nẵng thì lại tưởng ra nầy ra nọ. Thấy chân gà, đồ lòng heo bò, dê có độc thì nói là từ TQ đưa sang, gạo giả, yến giả, mực giả thì cũng cùng một tin đồn từ TQ đưa sang. Chất độc hóa học bỏ vào thức ăn, rắn lục, rắn xanh cũng do họ đưa vào để cắn chết dân ta....
Bởi vậy mạng xã hội là nơi kết nối thông tin, tìm hiểu tri thức chớ không phải cho những người bệnh hoang tưởng muốn có nhiều "LIKE", nhiều "SHARE" mà lấy le với người khác. Nói nhảm thì để người ta biết mình là dân "DỐT".
TQ không hồ đồ và giản đơn như vậy. Chỉ cần xây vài cái đập trên thượng nguồn Mekong là hạ nguồn khốn đốn, bỏ tiền ra thu mua giá cao khoai lang tím là các nhà nông ĐBSCL bỏ ruộng trộn cát vào để trồng khoai,...Tất cả chỉ vì sao ? Vì cái "tham" cá nhân, vì cái "ác" mà người VN hại người VN chớ không có "thằng TQ" nào vào VN mà hại người VN.
Tôi mới đọc được một bài, đây là một cảnh giác nhưng có người nào để ý hay không thì có lẽ đó là chuyện lạ hoặc chỉ là ngồi đó la làng:(LKH)


HIỆU ỨNG CÁNH BƯỚM VÀ SÁCH LƯỢC "RÚT CỦI ĐÁY NỒI" (釜底抽薪 - PHỦ ĐỂ TRỪU TÂN) CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC (*).


Sách lược “rút củi đáy nồi” của Tôn Tử binh pháp luôn được các doanh nghiệp Trung Quốc áp dụng triệt để trong kinh doanh. Một khi doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về nguyên liệu, không sớm thì muộn, thị trường bên ngoài cũng sẽ là của họ.

Năm 1969, trong một buổi nói chuyện trước Hiệp hội Phát triển khoa học Hoa Kỳ, nhà toán học và khí tượng học Edward Lorenz đã có một câu nói nổi tiếng: “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas”.
Câu nói này sau đó được gọi là hiệu ứng cánh bướm. Đó là khởi nguồn của một lý thuyết khác mang tên thuyết hỗn độn được áp dụng trong nhiều ngành khoa học.
Ở đây, chúng ta sẽ không bàn về các lý thuyết mà sẽ xem xét hiệu ứng trên ở góc độ quan hệ nhân quả trong kinh doanh.
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, ở vào một thời đại mà một chính sách hay một chiến lược của một quốc gia nào đó cũng có thể tác động và gây ảnh hưởng đến một quốc gia khác.


Nếu không thể nhìn thấy và đo lường sự ảnh hưởng của các chính sách này, đôi khi, chúng ta sẽ phải hứng chịu những hậu quả không lường.
Vấn nạn nhiễm mặn đang trực tiếp tác động đến đồng bằng sông Cửu Long hôm nay không phải đến trong một sớm một chiều.
Từ lâu, chúng ta đã có thể nhìn thấy viễn cảnh này nhưng ít ai chú ý cũng như đánh giá tác động của nó, cho đến khi mọi việc trở thành hiện thực thì mọi người mới chịu nhìn nhận vấn đề.
Trong kinh doanh cũng vậy, rất nhiều chính sách của các nước láng giềng hoặc trong khu vực có nguy cơ trở thành những mối đe dọa cho chúng ta trong tương lai.
Điển hình là Trung Quốc – quốc gia láng giềng có nhiều duyên nợ với Việt Nam. Hiện Trung Quốc đang trong quá trình nỗ lực cải thiện uy tín về vệ sinh và an toàn thực phẩm nhằm đối phó với hiện tượng tẩy chay hàng hóa thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc ngày càng gia tăng trên thế giới.
Chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu mạnh tay. Đã có hàng loạt vụ bắt bớ như vụ bắt 30.000 tấn chân gà nhiễm độc vào cuối năm 2014.
Và từ đầu năm 2016 này, Trung Quốc đã cho thi hành Luật An toàn thực phẩm sửa đổi, trong đó quy định về yêu cầu phải được phê chuẩn trước được quy định nghiêm ngặt hơn không những đối với hàng nhập khẩu mà cả hàng sản xuất trong nước.


Cục An toàn thực phẩm và dược phẩm của Trung Quốc (CFDA) không chỉ tăng cường giám sát, ban hành các quy định khắt khe mà còn phối hợp hành động với các bộ phận khác của chính phủ và tòa án về lĩnh vực an toàn thực phẩm và dược phẩm.
Có thể nói Trung Quốc đã tiến hành những chính sách tiền kiểm lẫn hậu kiểm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và dược phẩm.

Như vậy, liệu các chính sách này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới doanh nghiệp Việt Nam?
Ai cũng biết trước nay, trong thương mại với Việt Nam, Trung Quốc luôn muốn duy trì quan hệ thương mại tiểu ngạch hơn là chính ngạch, vì nhiều lý do.
Đối với các thương lái Trung Quốc, con đường tiểu ngạch tiện nhiều bề: thanh toán bằng nhân dân tệ chứ không phải bằng đô la Mỹ nên chẳng phải lo ngại rủi ro tỷ giá ngoại hối; quản lý chất lượng lỏng lẻo ở cả hai đầu nên “tha hồ giở trò” mà không bị ràng buộc bởi các thông lệ thương mại quốc tế như theo đường chính ngạch; dễ dàng lách thuế; có thể thiết lập mạng lưới thu mua trên lãnh thổ Việt Nam.
Chính vì vậy, trong một thời gian dài, các doanh nghiệp Việt Nam dù muốn hay không, dù bị thua thiệt, vẫn phải chấp nhận con đường tiểu ngạch.
Thí dụ, do quản lý chất lượng lỏng lẻo, tôm xuất khẩu bị bơm tạp chất và lách được thuế nên giá bán chỉ vào khoảng 7-8 đô la Mỹ/kg; còn nếu đi bằng đường chính ngạch giá sẽ lên tới 15 đô la Mỹ/kg.
Doanh nghiệp Việt Nam rất khó tìm được con đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc cho dù đây là thị trường hấp dẫn đứng thứ tư.


Quay trở lại vấn đề Trung Quốc thắt chặt quản lý chất lượng thực phẩm, một khi các chính sách của CFDA được thực thi với các tiêu chuẩn mới cùng các quy định về tiền kiểm, hậu kiểm, các doanh nghiệp chế biến thủy sản Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn và thương mại tiểu ngạch cũng sẽ bị hạn chế.
Theo những “thông tin rỉ tai”, nhiều trung tâm chế biến thủy sản của Trung Quốc đã ngừng hoạt động.
Còn theo Thomas Sun, Giám đốc Công ty Thực phẩm Yantai-based Ted Foods – một chuyên gia về chế biến mực, các công ty chế biến của Trung Quốc đang có những điều chỉnh trong hoạt động.
Đã có những công ty sa sút và ngành này đang phải củng cố lại.
Tuy nhiên, ngành chế biến thủy sản của Trung Quốc vẫn mạnh và thị trường trong nước vẫn tăng trưởng hàng năm.
Như vậy, một viễn cảnh không xa là các công ty Trung Quốc thay vì thu mua nguyên liệu thô ở Việt Nam đem về nước chế biến thì sẽ chuyển sang đầu tư nhà máy tại Việt Nam để tận dụng chi phí nhân công, nguyên liệu rẻ và hơn hết là những lợi ích từ TPP, các FTA mà Việt Nam tham gia.
Thoạt nhìn, viễn cảnh này là tín hiệu tốt về đầu tư nước ngoài, nhưng thật ra, một khi các nhà máy do Trung Quốc đầu tư đi vào hoạt động thì các lợi thế về thu mua kiểu tiền tươi thóc thật sẽ giúp họ chiếm hết nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.
Chúng ta cần biết rằng Trung Quốc là nước theo đuổi chiến lược cạnh tranh bằng nguồn tài nguyên. Điều này có thể thấy qua việc họ đầu tư vào các nguồn khoáng sản khắp nơi trên thế giới.
Cho nên, việc đầu tiên của họ là chiếm lấy nguồn cung cấp. Ngoài ra, sách lược “rút củi đáy nồi” của Tôn Tử binh pháp luôn được các doanh nghiệp Trung Quốc áp dụng triệt để trong kinh doanh.
Một khi doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về nguyên liệu, không sớm thì muộn, thị trường bên ngoài cũng sẽ là của họ.


Những tín hiệu đầu năm của thị trường thủy sản Trung Quốc đang báo hiệu một hiệu ứng cánh bướm tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam thường luôn tìm được cách đối phó và vượt qua trở ngại, nhưng sẽ không thừa khi cảnh giác sớm!
Hồ Trọng Lai
Theo TBKTSG

(*) Tựa bài do Tiếp Thị Thế Giới đặt lại


No comments: