Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
述懷 - 范五老
橫槊江山恰幾秋,
三軍貔虎氣吞牛.
男兒未了功名債,
羞聽人間說武侯.
Tỏ lòng (Người dịch: Bùi Văn Nguyên)
Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu
Sơ lược tiểu sử:
Phạm Ngũ Lão (chữ Hán: 范五老; 1255–1320) là tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam). Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh
Phạm Ngũ Lão 范五老 sinh năm Ất Mão (1255), tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là Ân Thi, Hưng Yên, mất năm Canh Thân (1320), thọ 65 tuổi. Khi Phạm Ngũ lão mất, Vua Trần Minh Tông vô cùng thương tiếc thương tiếc nên nghỉ chầu đến năm ngày. Đó là một ân điển đặc biệt mà đương thời, ngay cả quý tộc họ Trần cũng không mấy ai có được. Về việc Phạm Ngũ Lão được hưởng ân huệ đặc biệt này, sách "Đại Việt sử ký toàn thư" (bản kỷ, quyển 6, tờ 38 a - b) chép rằng: "Ngũ Lão xuất thân trong hàng quân ngũ nhưng rất thích đọc sách, sống phóng khoáng, có chí lớn thích ngâm thơ, xem qua có vẻ như không để ý đến việc võ bị nhưng quân do ông chỉ huy thực là đội quân trên dưới như cha con, hễ đánh là thắng".
Ông là danh tướng giỏi của triều Trần, là chỗ dựa tin cậy của 3 triều vua nhà Trần. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ hai (1285-1287) và lần thứ ba (1288) ông lập được nhiều chiến công lớn tại các trận: Tây Kết, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, Nội Bàng, Lạng Sơn... Từ năm 1294 đến 1318, Phạm Ngũ Lão đã bốn lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao, hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành, buộc vua Chiêm là Chế Chí phải xin hàng. Năm 1302, nghịch thần Biếm nổi lên chống lại triều đình, cũng bị Phạm Ngũ Lão đập tan.
Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu.
Không chỉ có tài về quân sự, mà còn để lại nhiều bài thơ về chí trai, lòng yêu nước. Hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là Thuật Hoài (Tỏ Lòng) và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương).
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment