Trong bài thơ Luong Châu Từ Kỳ 1 (涼州詞其一) của Vương Hàn (王翰) thời Đường có mấy câu:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
葡萄美酒夜光杯,
欲飲琵琶馬上催.
Nói về loại rượu nho uống bằng ly ngọc dạ quang, loại rượu mà ngày nay ta gọi là rượu vang hoặc rượu chát.
Tối nào tôi cũng ngồi nhâm nhi rượu vang đỏ và tìm bài trên mạng, lúc trước tôi có post mấy bài giới thiệu về rượu vang, rượu TQ, Nhật Bản. Hôm nay có bài giới thiệu chi tiếc hơn về rượu vang nên post lên cho các bạn cùng đọc. (LKH)
DỤC ẨM TÌ BÀ....MẶC KỆ THÔI
Tôi khoái rượu vang, dù không phải là dân sành điệu, tinh tế giống nho, sóng sánh hít hà, vang trắng hải sản, vang đỏ thịt bò… Nhưng uống rượu luôn luôn chịu thử thách của cái gọi là “áp lực nội bộ”. Rượu vang đã xử đẹp những càm ràm phản khoa học này, khi nhiều nghiên cứu khoa học (chính thống) cho thấy rằng chất resveratrol trong rượu vang có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch, béo phì, ung thư, tiểu đường, và Alzheimer.
DỤC ẨM TÌ BÀ....MẶC KỆ THÔI
Tôi khoái rượu vang, dù không phải là dân sành điệu, tinh tế giống nho, sóng sánh hít hà, vang trắng hải sản, vang đỏ thịt bò… Nhưng uống rượu luôn luôn chịu thử thách của cái gọi là “áp lực nội bộ”. Rượu vang đã xử đẹp những càm ràm phản khoa học này, khi nhiều nghiên cứu khoa học (chính thống) cho thấy rằng chất resveratrol trong rượu vang có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch, béo phì, ung thư, tiểu đường, và Alzheimer.
Thần tửu bồ đào resveratrol?
Rượu vang đỏ là một loại mỹ tửu thuở xưa, nhưng tính thần tửu của rượu mới chỉ được khám phá và được giải thích là do resveratrol, một trong những chất chống oxid hoá (antioxidant) nhóm polyphenols có nhiều trong vỏ và cuống trái nho.
Vang đỏ có nhiều resveratrol hơn vang trắng là do cách chế biến. Trái nho được cà xát, rồi lọc nước ra nước, cái ra cái, sau đó cho lên men. Nếu dịch lên men có cả vỏ nho sẽ cho ra vang đỏ.
Lượng resveratrol có trong vang đỏ từ 0,2 – 5,8mg/lít. Nhiều ít còn tuỳ giống nho và cách chế biến (thời gian tiếp xúc lâu với vỏ nho). Giống nho muscatel ở Bắc Mỹ có thể cho rượu vang có hàm lượng resveratrol tới trên 40mg.
Resveratrol được phát hiện đầu tiên vào năm 1940, không phải từ nho mà từ rễ của các loài hellebore, và sau này vào năm 1963 từ rễ cây chút chít (knotgrass) ở Nhật. Nhưng resveratrol chỉ trở nên “hot” từ năm 1992 khi rượu vang được cho là giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Đích thị là do resveratrol chứ còn gì nữa. Từ đó thiên hạ xúm nhau nghiên cứu về resveratrol.
– Với bệnh tim, resveratrol giúp làm giảm viêm, làm hạ cholesterol xấu (LDL), và tăng cholesterol tốt (HDL), chống đông tập tiểu cầu, hình thành các cục máu đông gây những cơn đau tim.
– Resveratrol còn ngăn ngừa việc kháng insulin, là yếu tố dẫn đến bệnh tiểu đường.
– Resveratrol hoạt hoá gen SIRT 1, một cơ chế sinh học bảo vệ cơ thể chống lại các hiệu ứng có hại của chứng béo phì và các bệnh tuổi già.
– Resveratrol còn bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi hư hỏng và tránh đóng vữa (plaque) mà có thể dẫn đến bệnh Alzheimer.
Và, reseveratrol có khả năng xuyên thẳng vào nhân tế bào, giúp DNA sửa chữa những hư hỏng do gốc tự do gây ra, nếu không sẽ dẫn đến ung thư. Nó còn hỗ trợ hoá và xạ trị trong chữa ung thư.
Chuột là người hay người là… chuột?
Các nhà khoa học chân chính thường… hẹp hòi. Nghiên cứu về độc tố, họ xem chuột là người, nhưng với chất nào tử tế một chút, như resveratrol chẳng hạn, thì họ xem chuột chỉ là chuột.
Hầu hết các nghiên cứu về tính thần dược của resveratrol đều trên thú vật, chủ yếu là chuột, và giới khoa học lạnh lùng phán: resveratrol tốt cho chuột, nhưng không đủ bằng chứng tốt cho người. Rõ ràng họ có thành kiến với rượu và kỳ thị… chuột.
Sự kỳ thị chuột không phải là không có lý. Ngăn chặn kháng insulin kiểu nào không biết, nhưng nhiều người bị tiểu đường type 2, chỉ cần chiêu hai ngụm rượu vang đỏ (cỡ 100ml), thì sáng hôm sau lên đường (huyết) ngay.
Một phũ phàng khác, các thí nghiệm trên chuột đều sử dụng resveratrol liều cao mới được kết quả tốt đẹp như thế. Nếu tính qua cho người, phải cần tới hơn 2.000mg resveratrol, hay phải uống tới… 1.000 lít vang mỗi ngày mới đạt liều tương đương. Coi như tuyệt vọng với resveratrol!
Những người không tuyệt vọng
Đó là các nhà khoa học thực phẩm… chức năng và cộng sự. Đối với họ, cái gì tốt cho chuột đều tốt cho người. Cái gì mơ hồ đều là có thể. Cái gì có thể nghĩa là chắc chắn. Thực phẩm (chức năng) chứ có phải dược phẩm đâu mà ngán. Họ chiết xuất resveratrol từ cây chút chít và chế ra các viên bổ sung resveratrol từ 200 – 500mg. Giới y học chưa dám khuyến cáo dùng mấy viên này. Lợi ích còn mơ hồ, nhưng hiệu ứng phụ đã được nhìn thấy, chúng có thể tương tác với các loại thuốc loãng máu như wafarin, hoặc các loại thuốc chống viêm non-steroid như ibuprofen, làm tăng nguy cơ chảy máu.
Thuận ý trời, hợp lòng dân (nhậu), và bồ đào liệu pháp
Viện Nghiên cứu y học Pháp (INSERM) năm 2002 đã làm nghiên cứu “tập thể” với những tay “bợm” từ 35 – 65 tuổi ở Toulouse, vùng nổi tiếng về rượu vang của Pháp. Kết quả cho thấy, những người uống rượu vang đỏ đều đều, mỗi ngày cỡ chừng hơn 1 xị (khoảng 300ml), thì hàm lượng cholesterol tốt (HDL) trong máu cao hơn so với những không uống rượu. Cả omega-3, một loại acid béo tốt cho tim mạch, trong máu cũng cao hơn. Các nhà khoa học gọi đây là nghịch lý dân Tây (French paradox).
Trong rượu vang, ngoài resveratrol còn nhiều chất có hoạt tính sinh học và chất chống oxid hoá khác, và điều đó đem lại ít nhiều lợi ích, chứ không chỉ săm soi vào resveratrol. Dĩ nhiên còn nhiều nghiên cứu khác hỗ trợ cho lợi ích “thần thánh” của rượu vang, như của Marty Mayo (University of Virginia Health System), hay nghiên cứu của Martin Wabitsch, giáo sư đại học Ulm (Đức), và còn nhiều nhiều nữa…
Thiệt là những nghiên cứu thuận ý trời và hợp lòng dân… nhậu.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) “cay cú” thừa nhận điều này, nhưng nói thêm, tập thể dục và ăn kiêng giảm cân cũng làm giảm nguy cơ tim mạch. Họ không quên cảnh báo, uống rượu nhiều làm tăng mức lipid trong máu, dẫn đến béo phì và áp huyết cao.
Chưa hết, rượu vang còn được phát triển để làm da dẻ mịn màng, gọi là “bồ đào liệu pháp” (vinotherapy). Làm đẹp thì mấy bà tít mắt lên rồi. Nhẹ đô thì lấy nho cà, hay hèm rượu vang xát da. Nặng đô thì pha rượu… tắm. Rượu để nhâm nhi, lại đem dốc ồng ộc vào bồn tắm. Ai ngập ngụa hơn ai?
Nỗi lòng thần tửu
Phiền nỗi, uống rượu lại chẳng ai ưa. Các nhà khoa học (dở hơi) không ưa đã đành, cái kiểu “áp lực nội bộ” mới sinh chuyện. Họ có quyền năng biến những gì vô lý thành… chân lý, và ngược lại. Thuyết phục mấy cái đầu ngoan cố đó bằng chân lý là điều bất khả. Thưa các chiến hữu, hồn ai nấy giữ!
Uống rượu điều độ, uống chút chút mới có lợi, các nhà khoa học khuyên thế. OK, chút chút là bao nhiêu? Cái này thì khoa học bất đồng, người nói 50ml, người bảo 70ml. Nhưng dựa trên cơ sở nào để tính toán ra 50 hay 70? Mấy ổng nín khe. Các nhà khoa học (rất tử tế) ở Mayo Clinic, một cơ sở phi lợi nhuận nghiên cứu và điều trị nổi tiếng ở Mỹ, đưa ra con số 148ml, cỡ 2/3 xị (quy đổi hơi ăn gian tí). Đó là con số lớn nhất mà tôi lục lọi được. Sự “tử tế” của các nhà khoa học thường có giới hạn, không thể kì kèo thêm được nữa. Mà thú thiệt, tôi cũng không biết Mayo Clinic tính toán thế nào lại ra con số đó. Đây là đang nói về rượu vang, 13 độ cồn, chứ không phải rượu đế, whisky… nghe mấy ông thần.
Sau cùng, tôi muốn dẫn lời của David Crabb, giáo sư đại học Y khoa Indiana (Indianapolis), rượu vang đỏ chỉ tốt cho những người cao tuổi, có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao. Còn thanh niên, rượu có thể làm họ bị đụng xe trước khi bị… tim mạch. Các bạn trẻ nên lưu ý điều này.
Ngày xuân nhâm nhi vài ly rượu vang (2/3 xị tối đa) là hình ảnh… đẹp. “Áp lực nội bộ” mới là điều tệ hại. Cứ cằn nhằn, không khéo “người ta” lại chết vì stress, trước khi chết vì… xỉn.
Vũ Thế Thành
No comments:
Post a Comment