Quả thật, nếu có thời gian ngồi đọc và ngẫm xuyên suốt bộ võ hiệp “Anh Hùng Xạ Điêu” mới thấy con đường học hành, thi cử của Quách Tĩnh đem “soi” dưới góc nhìn giáo dục hiện nay có nhiều điểm tương đồng hết sức thú vị. Từ chuyện Quách Tĩnh bị học nhồi nhét, bị luyện thi như gà nòi chỉ với mục đích thi thố lấy thành tích với bảy vị sư phụ oai trấn giang hồ suốt một miền sông nước Triết Giang là Giang Nam Thất Quái cho đến chuyện nhờ “lén” đi học thêm với Mã Ngọc chân nhân của phái Toàn Chân mà qua cửa ải sát hạch bậc “Tiểu học”. Rồi chuyện vừa học vừa chơi với Hồng Thất Công hay Chu Bá Thông mà lĩnh hội được Hàng Long Thập Bát Chưởng, Song Thủ Hỗ Bác, Không Minh Quyền – thừa sức cho anh chàng Quách Tĩnh vốn học chậm như rùa đi thi tốt nghiệp! Không những thế, chàng ta còn tranh được xuất “du học toàn phần” ra Đào Hoa Đảo với lệnh muội Hoàng Dung …Và cuối cùng là nhờ tinh thông, vận dụng cách học đổi mới theo khẩu hiệu “lấy học sinh làm trung tâm” mà anh chàng họ Quách kia luyện thông suốt cả bộ “Cửu Âm Chân Kinh” đủ bản lĩnh dự thi Olympic Quốc Tế trên núi Hoa Sơn …
Chuyện học của Quách Tĩnh còn dài lắm, theo kiểu viết truyền kỳ đầy cơ duyên huyễn ảo của Kim Dung thì kể cả ngày cũng chưa hết chuyện, nhưng thật sự tôi đã bật cười và suy nghĩ nhiều trước câu “bình luận” rất thú vị của một em học sinh, rằng nếu lấy chỉ số IQ ra đo, nhân vật Quách Tĩnh có khi còn không đủ chỉ số thông minh mà học võ chứ đừng mong đến chuyện “luận kiến Hoa Sơn”, tranh ngôi võ bá !? Đúng là mấy năm gần đây, các phương tiện truyền thông thường nhắc đến chỉ số IQ, đến quan hệ giữa thông minh và trí não. Vậy IQ là gì?
Tra thông tin trên mạng thì được biết IQ là ký hiệu lấy hai chữ cái đầu của từ tiếng Anh “Intelligence Quotient”, thường dịch “thương số trí tuệ” hay “chỉ số thông minh”. Muốn xác định IQ cần phải qua một bài kiểm tra với các câu hỏi về suy luận logic, ngôn ngữ, số học, trí nhớ, kiến thức tổng quát… sau đó so sánh tỉ lệ số điểm họ đạt được với số điểm trung bình của những nhóm tuổi khác nhau đạt được. Người ta chia ra các định mức của IQ như sau: từ 85-115 đơn vị được coi là có chỉ số IQ bình thường, đúng 100 đơn vị được coi là trung bình, dưới 70 đơn vị được coi là thiểu năng và trên 145 đơn vị được coi là thiên tài. Như vậy chỉ số IQ của mỗi người nói lên năng lực trí tuệ của người đó, khi chỉ số IQ cao, người ta thường nghĩ đến sự thông minh và ngược lại.
Có câu chuyện kể rằng Edison cần tính dung tích một bóng đèn hình quả lê, ông giao nhiệm vụ đó cho trợ lý Chapton (tốt nghiệp đại học y khoa Toán). Hơn một tiếng đồng hồ, Chapton loay hoay mãi với các công thức dày đặc mà vẫn chưa tính ra. Edison đi qua, nói:“Có gì phức tạp lắm đâu!”, rồi mang chiếc bóng đèn ra vòi, hứng đầy nước và nói với Chapton: “Anh đổ nước vào ống đó, xem dung tích là bao nhiêu. Đó là dung tích của bóng đèn”. Từ câu chuyện trên ta hiểu đơn giản người thông minh (hay người có chỉ số IQ cao) là người có khả năng vượt trội về mặt trí tuệ, phản ứng, quan sát … so với nhiều người khác. Có lẽ vì vậy mà nhà tâm lý học người Mỹ, L.L.Thurstone đưa ra phương pháp phân tích đa nhân tố rất nổi tiếng. Ông cho rằng trí thông minh gồm 7 nhân tố, đó là sự lĩnh hội ngôn từ, hoạt bát ngôn ngữ, khả năng vận dụng tài liệu, năng lực không gian, trí nhớ, tri giác và khả năng suy luận.
Nhưng gần đây, các nhà tâm lý học Trung Quốc chỉ ra rằng chỉ số IQ của một người không phải là chỉ số bất biến mà sẽ bị thay đổi dưới sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Ví dụ trẻ càng chậm đến trường học thì chỉ số IQ càng giảm. Trẻ sinh vào cuối năm có chỉ số IQ thấp hơn trẻ sinh vào đầu năm. Môi trường sống và giao tiếp làm tăng hoặc giảm chỉ số IQ rất đáng kể, thực đơn ăn uống cũng làm IQ thay đổi vì trẻ thường xuyên ăn cá có chỉ số IQ cao hơn nhiều so với trẻ thường xuyên ăn thịt…
Quay trở lại với nhân vật Quách Tĩnh và vấn đề IQ. Chỉ cần đọc là thấy, ngay từ đầu bộ Anh Hùng Xạ Điêu, Kim Dung đã giới thiệu hoàn cảnh ra đời, môi trường sống và thiên tư dung mạo của nhân vật Quách Tĩnh rất đặc biệt: “… Lý Bình ở lại sa mạc, cay đắng, vất vả nuôi nấng con thơ. Nàng dùng cành cây dựng một gian lều tranh gần nơi có cỏ và nước ngọt. Lại nuôi dưỡng súc vật, dệt lông dê thành nệm đổi cho mục dân lấy lương thực. Thấm thoát vài năm, đứa con đã được 6 tuổi. Lý Bình theo di ngôn của chồng đặt tên con là Quách Tĩnh. Đứa nhỏ này học nói rất chậm, đầu óc tối tăm, đếu bốn tuổi mới biết nói. Được cái gân cốt mạnh mẽ, 6 tuổi có thể ra thảo nguyên chăn dắt dê bò. Hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống…”. Vậy, nếu cho Quách Tĩnh làm trắc nghiệm IQ hay lấy phương pháp phân tích đa nhân tố mà đối chiếu, đánh giá trí thông minh của Quách Tĩnh thì rõ ràng nhân vật được tôn sùng là tài đức nhất, chính tông nhất trong thế giới võ hiệp của Kim Dung không đứng chót thì cũng áp chót bảng xếp hạng.
Xét về thiên tư, “Quách Tĩnh bẩm sinh tính nết thật thà, đầu óc ngu đần, mồm miệng, chân tay, phản ứng tất thảy đều chậm chạp”. Xét về môi trường giáo dục trong gia đình, Quách Tĩnh thiếu tình thương và sự dạy dỗ của người cha. Xét về điều kiện sống, Quách Tĩnh gia cảnh bần hàn, lại sống trên sa mạc khô cằn chắc chắn thiếu chất dinh dưỡng để phát triển trí tuệ và thể chất. Xét về môi trường sống, Quách Tỉnh từ lúc sinh ra đã “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng chơi với dê bò, đến mức “chỉ khi mẹ con giao tiếp là nói tiếng Lâm An, còn ra Lý Bình thấy con bập bẹ toàn những là dê với bò” lại không có điều kiện đến trường thì làm sao phát triển ngôn ngữ giao tiếp?
Một đứa bé như Quách Tĩnh đúng là đến học vài ba thế võ còn khó, nói chi chuyện trở thành một cao thủ võ công hạng nhất, còn trẻ mà đã đủ tư cách lên đỉnh Hoa Sơn tranh đua cao thấp với các đại sư võ học như Hoàng Dược Sư và Hồng Thất Công thì đúng là chuyện … trong sách võ hiệp mới có. Song, bí mật về trí tuệ của con người còn biết bao nhiêu câu hỏi chờ phân tích và lý giải. Rất nhiều thiên tài ngu ngốc đến nay vẫn chưa được lý giải thật sự hợp lý.
Truyền kỳ Quách Tĩnh học nghệ thành tài có không ít luận điểm mang tính khoa học và giáo dục đáng để suy ngẫm. Quách Tĩnh không phải là thiên tài, dĩ nhiên cũng không ngu đần, nhưng con đường thành tài của chàng có một cách giải đáp hết sức thuyết phục và huyền diệu dựa trên các chỉ số đánh giá khác nhau mà ngày nay các nhà nghiên cứu đang nói đến. Ví dụ như chỉ số EQ là chỉ số cảm xúc được dùng để đo lường năng lực tự nhận biết cảm xúc bản thân, tự điều chỉnh, tự tạo động lực; và những năng lực xúc cảm xã hội như khả năng thấu cảm với người khác và khả năng giao tiếp xã hội. Chỉ số AQ là chỉ số vượt khó, đánh giá khả năng biết xoay chuyển trở ngại thành cơ hội, biết thay đổi các áp lực và các tình huống khó khăn. Chỉ số PQ là chỉ số đam mê, đánh giá lòng nhiệt huyết trong công việc. Virender Kapoor, tác giả quyển sách “The Greatest Secret of Success (Bí mật lớn nhất của thành công) cho rằng chất lửa trong con người, hay nói khác đi chính là các chỉ số cảm xúc, vượt khó, đam mê … kể trên đã đóng góp rất nhiều cho những thành tựu kỳ diệu của nhà khoa học thiên tài Albert Einstein, những chỉ số ấy còn cao hơn cả chỉ số IQ của ông.
Nhìn ngược về phía Quách Tĩnh, ta cũng có thể lấy câu nói của Virender Kapoor để nhận định thành công của họ Quánh là hợp lý. Xuyên suốt bộ tiểu thuyết Anh Hùng Xạ Điêu, nhân vật Quách Tĩnh đã biểu hiện những thông số EQ, PQ, AQ của mình một cách tự nhiên, rất tuyệt vời và đầy sức thuyết phục. Nếu Quách Tĩnh không trung hậu, lương thiện, quật cường, một lòng cứu Triết Biệt, thì đã không được Triết Biệt cảm kích nhận làm đệ tử, cũng có nghĩa không có cơ hội gặp Thành Cát Tư Hãn và được vị Đại Hãn này để mắt đến. Nếu Quách Tĩnh không giữ lời hứa, không quả cảm, giữa đêm tối không lên núi tìm Giang Nam Lục Quái, thì đã không được 6 vị sư phụ dạy võ công Trung Nguyên chính phái. Nếu Quách Tĩnh ngại khó, ngại khổ, không quyết tâm leo lên núi đá như lời yêu cầu của Đơn dương tử Mã Ngọc thì không thể học được tuyệt kỹ nội công tâm pháp của phái Toàn Chân. Nếu Quách Tĩnh không nhiệt tình, chân thành thì Hoàng Dung đã chẳng mang lòng cảm phục, yêu thương, như thế cuộc trở về Trung Nguyên của chàng sẽ diễn biến khác hẳn đi. Nếu tư chất Quách Tĩnh không hồn nhiên ngây thơ và hơi khờ khạo thì lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông đã không kết nghĩa huynh đệ và tất nhiên Quách Tĩnh cũng chẳng học được bí kíp Cửu âm chân kinh và Song thủ hỗ bác. Nếu Quách Tĩnh không hiệp nghĩa, khẳng khái chống lại sự bất bình, thì ở Trung đô Bắc Kinh đã không quyết chiến với Dương Khang …
Và … nếu Quách Tĩnh không phải là Quách Tĩnh ngu ngơ, khờ khạo như Kim Dung mô tả thì cuộc đời Quách Tĩnh có lẽ chỉ sinh ra, lớn lên và chết đi đơn giản như một người dân du mục bình thường trên sa mạc.Cho nên tất cả những tính chất “nếu như” đương nhiên và ngẫu nhiên trong con người Quách Tĩnh không hẳn chỉ là hư cấu. Nếu gặp đúng điều kiện – trong truyện Kim Dung gọi là cơ duyên – đồng thời được khuyến khích, được khám phá, được dấn thân trải nghiệm con người ta sẽ phát huy hết năng lực, sở trường và tất nhiên, sẽ thành công. Đó cũng chính là chân dung Quách Tĩnh Đại Hiệp đầy sức biểu cảm mà không một nhân vật võ hiệp nào khác có thể so sánh được…
– CF&S –
No comments:
Post a Comment