Tuesday, January 9, 2018

VÔ CÔNG BẤT THỌ LỘC (無功不受祿)

"Vô công không nhận lộc" là liêm sỉ của người tài đức xưa

Ngạn ngữ cổ có câu: “Nhà nghèo nhớ đến vợ hiền, nước nguy nhớ đến tướng tài đức”, để nói rằng người vợ hiền và vị tướng tài là vô cùng quan trọng. Họ có thể khiến nhà nghèo, nước nguy trở thành gia đình hưng thịnh và đất nước phồn vinh.


Trong lịch sử có rất nhiều đất nước, triều đại hưng thịnh phồn vinh nhờ trọng dụng người hiền tài. Họ thực sự là cái phúc của muôn dân. Một trong số những nước ấy phải kể đến Tề quốc.

Khi nhắc đến sự hưng thịnh của nước Tề, người ta không thể không nhắc đến Yến Tử (Yến Anh). Ông là Tướng quốc của nước Tề, ông cũng là một người tài đức vẹn toàn, thông minh cơ trí, là nhà chính trị nổi tiếng, cống hiến rất nhiều cho sự hưng thịnh của nước Tề.

Có thể nói, Yến Tử là điển hình mẫu mực của một người tài đức, hết lòng vì dân chúng, nhân nghĩa liêm sỉ. Có rất nhiều điển cố ghi chép về đức hạnh và tài năng của Yến Tử, dưới đây xin trích dẫn ba điển cố về đức liêm sỉ, tình nghĩa của ông được ghi chép trong cuốn “Yến Tử Xuân Thu”.

Đối với Vua và dân: Chính trực, liêm khiết

Một lần Yến Tử đang dùng bữa thì sứ giả của Vua Tề Cảnh Công đến. Yến Tử đứng lên nghênh đón và mời vị Sứ giả cùng dùng bữa. Yến Tử chia ra một nửa phần ăn của mình cho Sứ giả dùng, kết quả là cả hai cùng ăn không đủ no.


Sau khi vị Sứ giả trở về liền mang câu chuyện kể lại cho Vua Tề Cảnh Công. Vua Tề Cảnh Công kinh ngạc nói: “Ôi chao! Không ngờ nhà của Tướng quốc lại nghèo như thế! Vậy mà xưa nay ta không hề biết, đây là lỗi của ta!

Thế rồi, nhà vua dùng một ngàn lượng vàng thu được từ tiền thuế chợ phái người đưa cho Yến Tử để Yến Tử tiếp khách. Yến Tử nói không cần dùng đến, cứ thế Vua Tề Cảnh Công ba lần phái người đi đưa tiền vàng cho Yến Tử nhưng cả ba lần ông đều kiên quyết từ chối.

Yến Tử thưa với Vua Tề Cảnh Công: “Thần không nghèo khổ, thần dựa vào bổng lộc của Quốc quân mà sống đã là ân huệ cho gia tộc, đủ để giao du quan hệ, sao có thể nhận tiền của bách tính nghèo khổ. Bổng lộc mà Quốc quân ban cho đã đủ dùng rồi!

Thần nghe nói, nhận châu báu của Quân chủ ban thưởng rồi mang nó bố thí cho bách tính là thay mặt cho Quân chủ lấy lòng dân. Người trung quân không làm như thế. Nhận châu báu của Quân chủ rồi lại không bố thí cho bách tính là ăn trộm ân điển của Quân chủ. Người nhân nghĩa không làm như thế. Trong nhà thần hiện cũng có vải vóc và lương thực đủ dùng. Tại sao thần phải nhận ban thưởng nhiều như thế?


Vua Tề Cảnh Công hỏi lại Yến Tử: “Trước đây tiên phụ Cảnh Công dùng 500 thư xã phong cho Tướng quốc Quản Trọng. Tướng quốc Quản Trọng không hề chối từ. Tại sao bây giờ khanh lại từ chối không nhận?

Yến Tử hành lễ rồi trịnh trọng nói: “Thần nghe nói: Người thấu đáo đến mấy thì trong một ngàn lần suy tính cũng có lúc tính không chu toàn. Người cho dù ngu dốt thì trong một ngàn lần suy tính cũng có lúc chuẩn xác. Thần nghĩ, Quản Trọng tuy là người thông minh thì cũng có lúc suy tính không chu toàn, thần tuy ngu dốt thì cũng có lúc suy tính đúng đắn. Việc Quản Trọng sơ suất thì thần không muốn lặp lại. Vì thế mà thần mới liên tục chối từ.”

Vua Tề Cảnh công nghe xong chỉ biết gật đầu bội phục.

Theo: Trithucvn

No comments: