Monday, January 22, 2018

CON GÀ CỤC TÁC LÁ CHANH

Sự thật khoa học thú vị trong câu đồng dao ăn uống ai cũng thuộc

Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng vì sao "Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi chưa"? Đi tìm lời giải thôi nào!


Hẳn ai trong chúng ta cũng thuộc lòng câu đồng dao:

"Con gà cục tác lá chanh. 
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. 
Con chó khóc đứng khóc ngồi. 
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng"... 

hay như câu đối vè cả ngàn đời của dân tộc 

"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh"...

Thế nhưng không phải ai cũng biết rằng, sự kết hợp các nguyên liệu thành phần trong món ăn ngày này không chỉ là sáng tạo dựa trên kinh nghiệm dân gian của cha ông mà còn có căn cứ khoa học rõ ràng…


Từ thịt gà phải có lá chanh…

Đây có lẽ là "chân lý" không thể chối cãi trong nghệ thuật ẩm thực dân tộc. Cội nguồn của sự kết hợp này có thể được lý giải đơn giản là bởi gà ăn với lá chanh sẽ ngon hơn. Hay màu xanh của lá chanh kết hợp với màu vàng của thịt gà sẽ tạo được sự bắt mắt theo quy luật phối màu trong nghệ thuật.

Tuy nhiên, câu hỏi nên được đặt ra đó là điều gì ở lá chanh khiến nó ngon tới vậy? Tại sao không phải lá bưởi, lá cam hay lá gì khác cũng thân thuộc trong vườn nhà người Việt xưa?

Mấu chốt chính là lượng tinh dầu đáng kể có trong lá chanh. Với thành phần chủ yếu là các chất hóa học có dạng vòng từ phenol nên tinh dầu chanh có mùi thơm rất dễ chịu.


Một nghiên cứu của ĐH Ohio (Mỹ) đã chứng minh mùi thơm này có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe và tinh thần của người sử dụng.

Một mặt, mùi thơm của lá chanh giúp con người cảm thấy sảng khoái, dễ chịu và tăng cường sự tập trung. Mặt khác, nồng độ pH thấp trong tinh dầu giúp tăng khả năng chống vi khuẩn.

Một nghiên cứu trên tinh dầu chanh Ấn Độ đăng trên trang web Sciencedirect cũng chỉ ra, tinh dầu này có khả năng tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các vi khuẩn gây bệnh phổ biến như E.Coli, S. Aureus và P. Aeruginosa.

Như vậy, còn gì thú vị hơn khi vừa được một món ăn ngon như thịt gà trong một tâm trạng vui tươi và sảng khoái nhờ hiệu ứng mà tinh dầu lá chanh tác động lên cơ thể.


Thực tế cũng chứng minh, công dụng này của lá chanh không chỉ được người Việt áp dụng mà ngay cả các nền văn minh ẩm thực lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Hy Lạp cổ đại cũng sử dụng lá chanh rất nhiều trong các món ăn của mình, điển hình như cà-ri, thịt lợn quay...

… tới thịt lợn mỡ "sánh đôi" cùng dưa hành…


Sẽ thật thiếu sót nếu trên mâm cỗ Tết cổ truyền thiếu đi đĩa thịt lợn ăn kèm với dưa hành hay củ kiệu muối chua.

Sự kết hợp này không chỉ tuân thủ luật âm dương ngũ hành trong ẩm thực Việt Nam mà dưới góc nhìn khoa học, rất nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng đã được chỉ ra.


Cụ thể, dưa hành muối chua về cơ bản cũng tương tự các thực phẩm lên men khác có tác dụng trực tiếp tới quá trình tiêu hóa trong đường ruột. Các lợi khuẩn tốt trong dưa hành kích thích dạ dày tiết dịch vị cũng như tạo ra enzyme tiêu hóa tốt hơn.

Qua đó, chúng giúp cơ thể nhanh chóng "xử lý" các thực phẩm nhiều dầu mỡ, nóng hay khó tiêu được chúng ta nạp vào thường xuyên mỗi dịp Tết đến.


Đồng thời, các hợp chất sulfur có trong hành trong cơ thể làm gia tăng lượng cholesterol tốt (HDL cholesterol) cũng như góp phần "dọn dẹp" các mảnh vữa bám ở thành mạch máu, hạn chế bệnh tim mạch.

Ngoài ra, flavonoid quercetin trong hành là chất được giới khoa học chứng minh là chống ung thư. Một nghiên cứu được thực hiện tại Hà Lan trên 121.000 người cho thấy, nếu ăn hành củ hàng ngày thì nguy cơ ung thư dạ dày hay đường ruột, thực quản được giảm đi đáng kể.

… và nhân bánh chưng không thể thiếu đỗ xanh…


Cuối cùng không thể không nhắc tới bánh chưng - món ăn đặc trưng mà chỉ dịp Tết mới có trên mâm cỗ của người Việt.

Dù có thích hay không nhưng có một sự thật không thể phủ nhận, bánh chưng là một trong những món ăn có hàm lượng dinh dưỡng rất cao.


Sự kết hợp các thành phần như gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh và đôi khi là một vài cọng hành củ nhỏ bên trong khiến bánh chưng cung cấp đủ cho chúng ta từ tinh bột, axit amin thiết yếu cho tới chất xơ và các vitamin.

Chưa hết, một trong những điều khiến nhiều người không khoái bánh chưng, đó là vì thành phần gạo nếp gây ra sự khó tiêu. Nguyên nhân là bởi gạo nếp chứa hàm lượng amylopectin rất cao, dẫn tới việc không hòa tan trong nước.


Nói cách khác, gạo nếp sẽ khiến dạ dày phải làm việc vất vả hơn rất nhiều khi tiêu hóa. Vì thế, việc cho thêm hành vào nhân bánh hay ăn bánh chưng với hành là cách giúp cho hệ tiêu hóa dễ dàng phân hủy, cắt đứt các liên kết amylopectin có trong gạo nếp.

Ngoài ra, bên cạnh sự hài hòa dưới góc độ khoa học thì bánh chưng còn là minh chứng rõ nét cho triết lý âm dương ngũ hành trong ẩm thực Việt.


Theo triết lý này, mọi món ăn đều phải đảm bảo tính hòa hợp âm dương đối với các nguyên liệu. Trong trường hợp của bánh chưng, gạo nếp được coi là mang tính Ôn (ấm, dương ít, hành mộc) được kết hợp với đỗ xanh, mang tính Hàn (lạnh, âm nhiều, hành Thủy) và các nguyên liệu khác như thịt lợn, hạt tiêu.

Chúng tạo nên một chỉnh thể cân xứng, hài hòa và cho chúng ta một món ăn ngon, mang đậm hương vị dân tộc.

VIỆT ANH, THEO TRÍ THỨC TRẺ
Nguồn: Sciencedirect, Researchnews, Ehow