Monday, January 22, 2018

HỦ TIẾU BÒ VIÊN TRIỀU CHÂU

Tiệm hủ tiếu bò viên gốc Triều Châu hơn 50 năm ở Sài Gòn

Bò viên, cọng hủ tiếu đến nước chấm đều do một tay cô Thái A Muối, người gốc Triều Châu, làm theo công thức của ba truyền lại.


Không gian của tiệm nằm gọn ở hai mặt tiền của một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3). Một bên là chiếc xe hủ tiếu thường thấy của người Hoa, bên trên chất đầy những dụng cụ và nguyên liệu nấu nướng, phía còn lại là không gian lớn hơn chỉ dành riêng cho thực khách.

Chủ đầu tiên của nơi này là ông Thái Minh Khôn, người gốc Triều Châu. Hơn 50 năm trước, tiệm chỉ bán món bò viên với nước súp. Sau thấy nhu cầu của khách tăng cao, ông đã tự tìm ra công thức riêng, biến món ăn chơi thành món ăn chính khi cho vào thêm hủ tiếu.

Cô Muối tiếp quản tiệm hơn 20 năm trước, sau khi được truyền lại các công thức nấu nướng từ ba của mình.

Tiệm mì bán từ 15h30 đến tối mịt, có nồi nước lèo lúc nào cũng toả khói. Ảnh: Phong Vinh.


Tiệm nổi tiếng với miếng bò viên tròn to, được chia thành 2 loại. Khách có thể chọn bò viên thông thường hoặc gân theo sở thích. Tuy khác nhau về thành phần, nhưng độ dai, giòn đặc trưng vẫn không thay đổi.

So với mặt bằng chung của các địa chỉ ẩm thực gốc Hoa ở Sài Gòn thì giá ở đây có phần đắt hơn. Nhưng nhiều khách từng thử qua đều tấm tắc khen và còn đặt biệt hiệu cho địa chỉ này “tuyệt đỉnh bò viên”.

Bạn Minh Trí (quận 4, TP HCM) cho hay: “Nghe danh đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên mình ghé quán. Vị của bò rất đậm đà khi chấm kèm với chén tương ớt và húp thêm nước lèo”.

Bò viên được làm từ thịt bò mới xẻ, phải giã đều tay để viên bò có được độ dai và giòn, gia vị cũng theo đó mà thấm đều. Sau khi giã nhuyễn, người nấu sẽ vo thịt bò thành những viên tròn, to vừa phải. Viên bò này phải luôn được trụng trong nước sôi để ăn nóng.

Một chén bò viên với nước súp


Hầu hết khách đến quán đều là người Hoa hoặc người yêu thích những món ăn mang hương vị đặc trưng xứ Triều Châu. Đến đây, bạn sẽ thưởng thức sợi hủ tiếu đúng chuẩn của người Tiều do chính tay chủ quán chế biến mỗi ngày.

Sợi hủ tiếu cũng có hai loại cọng tròn và dẹt, khách có thể chọn tuỳ theo sở thích, ăn khô hoặc nước. Theo lời chủ, nước lèo khi nấu luôn hạn chế sử dụng bột ngọt (mì chính), chủ yếu là xương hầm để có chất ngọt và thanh tự nhiên.

Để cho ra vị ngon đúng chuẩn theo công thức của người ba đã mất, cô Muối và người thân trong gia đình tự phân chia nhau các công đoạn, trong đó nêm nếm và làm bò viên hầu như đều do một tay cô Muối thực hiện.

Một tô hủ tiếu thập cẩm bao gồm bò viên, gan, lá lách, tổ ông và thịt heo 
có giá 50.000 đồng. Ảnh: Phong Vinh


“Người trong nhà phải đi chợ từ sớm, lựa mua những loại rau củ hay thịt tươi và ngon nhất”, một nhân viên cho biết.

Đa số khách sau khi ăn hủ tiếu đều gọi thêm một chén bò viên với nước súp để ăn thêm. Ngày nay, gia đình cô Muối còn tìm ra cách nấu gân, lòng bò... kèm theo mì hoặc bún để thực đơn ở quán phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của khách.

Di Vỹ
Nguồn: VnExpress