Chào các bạn,
Hồi trước đọc Thánh Kinh, có một điều mình không hiểu, đó là chuyện Adam và Eva không nghe lời Thượng đế, ăn trái cấm, cho nên bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng và con cháu, tức là chúng ta ngày nay, mang Tội Tổ Tông (Original Sin) do di truyền từ Adam và Eva.
Trên bề mặt triết lý, câu chuyện này có vẻ bất công—ai làm nấy chịu, mắc mớ gì đến tui, bao nhiêu trăm nghìn năm rồi, mà tui vẫn phải chịu tội cho cái ông dại gái đó là sao?
Dù vậy, chúng ta vẫn không dễ gạt bỏ câu chuyện đó ra ngoài 100%, bởi vì chính ta cũng nhận thấy là có cái gì đó trong ta luôn thúc đẩy ta làm điều xấu, điều tồi, điều ta không muốn làm, điều ta làm xong là ân hận… Sự thúc đẩy bên trong đó phải chăng là Tội Tổ Tông, cái gốc di truyền, làm chủ mọi hành động tồi tệ tội lỗi của ta ?
Cho đến ngày nay, mình hiểu Tội Tổ Tông, cái gốc thúc ta làm chuyện bậy đó là gi.
Đó là “cái tôi”.
Chúng ta sinh ra là đã có “cái tôi” đi theo. Và từ đó ta được giáo dục để vun bồi cái tôi của mình—học giỏi, đẹp, nhiều tài, giật đủ mọi giải thưởng, nổi tiếng, vợ/chông đẹp, chức tước, con cái giỏi giang, nhà cửa cao rộng… Tất cả đều là cái tôi.
Rồi vì những thứ ta mơ tưởng đó mà sinh ra kiêu căng, cạnh tranh, ganh tị, giành giật, trầm uất, đau khổ, nước mắt, làm tình làm tội nhau, kể cả giết nhau…
Tất cả đều từ cái tôi mà sinh ra. “Cái tôi” là Tội Tổ Tông mà mỗi chúng ta sinh ra đã có nó đi theo.
Và dẹp bỏ được cái tôi đó—vô ngã—là đạt được Niết Bàn.
Hay trong nhà thờ Ki tô giáo, “rửa tội” với nước (Baptism) là hình thức tuyên bố tôi trở lại với Thượng đế, giao phó hồn và xác tôi hoàn toàn vào tay Thượng đế, tức là total submission, loại bỏ cái tôi hoàn toàn khỏi tay tôi.
Dù trong truyền thống tâm linh nào, thì “cái tôi” cũng là nguồn gốc mọi tội lỗi. Và không những đó là nguồn gốc mọi tội lỗi, đó còn là nguồn gốc của mọi thất bại ở đời.
Quan Vân Trường
Quan Công (Quan Vân Trường), thần râu dài mặt đỏ cầm Thanh Long Đao, được người Trung quốc thờ phượng như vị thánh rất lớn của Trung quốc, vì lúc còn sống rất thanh liêm chính trực, tín nghĩa. Nhưng Quan Công vẫn chết vì cái tôi—tự xem mình hơn tất cả mọi người nên cuối cùng cũng rơi vào vòng vây hãm mà không có người cứu, nên phải chết.
Cái tôi cao thì teamwork tồi, đường công danh khó tiến. Làm lãnh đạo mà cái tôi lớn thì có lúc sự nghiệp sụp đổ. Trong đời sống cá nhân thì cái tôi làm cho mọi liên hệ với bạn bè thành yếu kém. Ngay cả liên hệ tình yêu, hay với mọi người trong gia đình–vợ/chồng con cái– cũng thành một chiều, không có sức mạnh.
Tức là, cái tôi không chỉ là nguồn gốc của mọi khổ đau và tội lỗi như nhà Phật nói, nó còn là nguồn gốc của nhiều thất bại của ta trên đời.
Dẹp bỏ cái tôi—yêu quý và quan tâm đến mọi người quanh mình—chính là cuộc chuyển hóa lớn lao, mở cho chúng ta một con đường mới, trong đó ta sẽ thành công hơn trong việc mang lại hạnh phúc an lạc cho chính ta, và thành công hơn trong mọi công việc ta làm ở đời, dù đó là kỹ thuật, kinh doanh hay chính trị.
Cho nên các bạn hãy thực tập giảm bớt cái tôi và tập trung vào yêu người, quý người. Khiêm tốn. Bạn chỉ có một cách giảm cái tôi là yêu người, quý người. Không thể khiêm tốn mà không yêu quý người khác.
Chúc các bạn một ngày thành đạt.
Mến,
Trần Đình Hoành