Các món chay ở Huế
MÓN NGON NGÀY TẾT Ở XỨ HUẾ
Đối với người Huế, các món thờ cúng ông bà hay đãi khách trong ba ngày Tết đều tự làm lấy, ít khi mua thứ chế biến sẵn ở chợ. Ngày Tết lá dịp để người phụ nữ Huế thể hiện sự tài ba, tinh thế trong nghệ thuật ẩm thực. Họ rất hạnh phúc, mặt mũi rạng rỡ, khi ngắm cha mẹ, bạn bè, chồng con thưởng thức những món ngon cổ truyền do chính mình làm ra trong những bữa cơm đầu năm…
Bánh tét làng Chuồn - hương vị đặc trưng của Tết Huế
Tết Huế nhà nào cũng chuẩn bị hàng trăm món ăn, rồi tình toán bảo quản để đến Nguyên Tiêu vẫn thơm ngon. Đó là một nghệ thuật. Món Tết Huế chia thành hai nhóm: Nhóm đồ ăn mặn gồm các loại giò chả, thịt ngâm, thịt đông, nem, tré…Loại ăn ngọt là các loại mứt bánh.
Ngon nhất là bánh Tét làng Chuồn
Khoảng 27-28 Tết, mọi nhà đều lo gói bánh tét, bánh chưng và các loại bánh khác. Bánh chưng chỉ gói độ vài đôi để bày lên bàn thờ cho đẹp, còn phần lớn là bánh tét được gói bằng lá chuối hột với gạo, đỗ, thịt và làm thành từng đòn như bó giò. Khi ăn phải bóc lá, cắt thành từng khoanh rồi sắp lên đĩa. Bánh tét Huế ngon nhất là bánh tét làng Chuồn. Nghe nói làng Chuồn có một giống gạo nếp đặc biệt là gạo nếp tây. Loại nếp này làm bánh tét rất dẻo, mềm có hương vị thơm riêng.
Ngoài bánh tét, bánh chưng, người Huế còn thích ăn một số bánh khác như bánh su sê (phu thê), bánh măng, bánh sen chấy, bánh dừa mận...Bánh su sê làm bằng bột sắn có nhân đậu xanh ngào đường với dừa hay tôm chấy (tôm chấy là tôm tươi được rang xát cho nhỏ tơi ra), gói lá dừa đem hấp cách thủy. Còn bánh sen chấy làm bằng hạt sen nấu chín, nhào với đường đem láng cho mỏng, nướng lên, cuộn tròn, để vào thẩu đậy kín để ăn dần. Bánh dừa mận thì dùng xôi nếp giã nhuyễn ngào với dừa và nước đường, đem cán mỏng, cắt thành miếng vuông vừa, bên ngoài bọc lớp mè (vừng) rang, gói lại bằng giấy bóng. Bánh măng thì làm bằng măng tươi thái chỉ đem rim kỹ với đường, nấu lẫn với bột nếp. Sau đó cắt miếng, phủ lớp bột hoàng tinh bên ngoài rồi bọc bằng giấy bóng.
Bánh su-sê của người Huế
Các món ăn mặn cũng được các mệ, các o xứ Huế chuẩn bị chu đáo từ vài hôm trước Tết. Trong các món ăn, dưa món là thứ không thể thiếu được trong mâm cỗ Tết của người Huế. Dưa món gồm dứa (thơm) và củ cải thái miếng đem phơi săn trộn với ớt chín, cà muối, đu đủ, tỏi, cà rốt, nước mắm và đường. Món này phải làm trước Tết độ vài tuần lễ cho ngấm. Tiếp đến là các món chả tôm, nem bò lụi, chả da, xà lách gân bò, chả tré, hành dầm dấm, chả lụa...
Chả tôm đặc biệt của xứ Huế
Hành dầm dấm là hành củ phơi nắng cho héo đem muối với đường trước Tết vài ba hôm, lúc ăn trộn thêm ớt và tỏi. Chả tré thì làm bằng thịt bò và thịt ba rọi rán vàng thái chỉ, trộn với riềng, ớt, tỏi, muối, đường, thính. Món này ăn với bánh tráng mè và rau ngò thơm. Còn muốn ăn tré chua thì gói chặt thành từng gói nhỏ bằng lá chuối hột, bên trong lót lá ổi. Để vài ba hôm, tré sẽ có vị chua. Nem bò lụi thì dùng bò nạc thật tươi giã nhuyễn trộn với hàn the, da heo, thính, đem viên thành từng viên, nướng vàng. Khi ăn dùng bánh tráng cuộn nem, xà lách, rau thơm, chuối chát non, khế, chấm với nước lèo. Nước lèo là một thứ nước chấm hỗn hợp gồm tương ngọt, nước mắm, hành phi, gan heo giã, nấu lẫn với hành, tỏi. Trước khi ăn còn rắc thêm lạc rang vàng giã nhỏ. Nem bò lụi cũng là một món ăn hỗn hợp của gần 20 thứ khác nhau.
Nem lụi đặc biệt hấp dẫn trong ngày Tết
Một món ăn khác là chả tôm làm bằng tôm tươi lột vỏ giã nhuyễn, trộn mỡ, hàn the, lòng trắng trứng, cho tôm lên trên mặt lá chuối hấp chín ăn với dưa món và nước chấm. Muốn ăn chả tôm chiên thì sau khi hấp đem chiên chả lên ăn với rau sống. Ngoài ra, món tôm chua cũng là món ăn rất được người Huế ưa thích. Tôm được chọn làm món chua là loại tôm sống, tôm đồng. Tôm đem dầm rượu, cho vô thạp cùng với nước mắm, riềng và đường, đậy kỹ, đem đặt ngoài nắng chừng 5 hôm thì dùng được.
Để làm nem Huế, người ta chọn đúi sau con lợn khi mới mỏ xong còn nóng. thịt được thái nhỏ. Cho muối vào quết thật nhuyễn, lấy ra nhồi thiệt kỹ, sau đó trộn da heo thái sợi mỏng, trộn thêm thính, nước mắm kho, tỏi, đường, muối, tí ót, lấy tay viên thành từng viên, vắt chặt ,cho vào lá dong gói thành hình chữ nhật sau đó gói thêm mấy lớp lá chuối bên ngoài, treo lên khoảng hai đến ba ngày, nem thơm, chín là ăn được.
Chả lụa Huế cũng lấy thịt nạc đùi lợn còn nóng, thái mỏng cho vào cối quết nhuyễn, nêm tiêu, hành, đường cát, nước mắm, mỡ, lòng trắng trứng vịt, trộn cho thật đều, lấy lá chuối hơ lửa cho mềm rồi bỏ chả quết vào, gói như gói bánh tét, hai ba lớp lá, lấy lạt bó đều. Sau đó cho vào nồi luộc.
Ngoài chả giò, chả lụa, người Huế cón làm món chả da lợn, rẻ mà làm mồi nhậu ngày Tết rất đắc địa. Da lợn cạo kỹ, rửa nước phèn chua cho sạch, rồi cuốn thành giò, một lớp da cho một lớp mộc nhĩ, hạt tiêu, muối dàn đuề. Lá chuối hơ nóng, cuốn chả, buộc lạt, sau đó luộc chín, treo lên cho sạch nước. Chả da cắn ăn sần sật, nhấm với rượu Chuồn Huế thì không gì sánh bằng.
Rượu ở Huế phổ biến là rượu nếp và rượu thuốc đã được hạ thổ lâu ngày cho ngấm men và tăng thêm vị ngọt. Ngày Tết, người Huế rất thích uống trà. Nhiều loại hoa được ướp với trà để dùng như hoa nhài, hoa sen, hoa sói...
Món chay ở Huế được trình bày hết sức đẹp mắt
Ẩm thực Huế ngày Tết phải kể đến các món ăn chay đơn giản nhưng dưới tài sáng tạo và bàn tay khéo léo của người phụ nữ Huế đã chế biến các loại thực vật bình thường như hoa chuối, nấm rơm, hạt sen, đậu phộng, tàu hũ, nước dừa, củ đậu... thành nhiều món ăn thơm ngon, lạ miệng để cúng vào buổi sáng đầu năm.
Mứt gừng Huế vàng mà cay thơm
Phong phú nhất trong các món Tết Huế là mứt. có hàng trăm loại mứt. Hình như các loại củ quả ăn dược đều được người phụ nữ Huế làm thành mứt Tết. Nhưng Huế nhất phải là hương vị mứt gừng. Mứt gừng là món ăn của mọi nhà. Gừng Huế trồng ở đất đồi nên củ nhỏ, màu vàng, không trắng như gừng nơi khác. Mứt gừng Huế vàng mà cay thơm hơn mứt gừng trong Nam ngoài Bắc. Nhiều người Huế ở Sài Gòn cứ Tết đến lại điện ra bảo người nhà gửi mứt gừng vào, để khỏi nhớ Tết Huế vì không về ăn Tết được. Hiên nay ở Kim Long Tết đến, cả làng làm mứt gừng để bán. Ra chợ mua củ gừng non, về cạo sạch vỏ, ngâm nước phèn chua, rửa sạch sau đó thái thành lát, luộc hai ba lần cho giảm độ cay sau đó rim đường. Những gia đình giàu có ở Huế xưa chế biến mứt gừng rất công phu. Họ làm mứt gừng nguyên củ. Gừng non, gọt sạch vỏ, ngâm vào nước lạnh, lấy que nhọn xăm thật mềm, sau đó xả nước lạnh, vắt chanh vào gừng, phơi nắng khoảng hai tiếng đồng hồ, sau đó rửa cho hết vị chua của chanh, ép kho, luộc lần nữa, lại ép kô rồi mới rim đường.
Các loại bánh mứt Tết, người Huế thường tạo hình rất đẹp, bánh đậu xanh, đậu quyên nặn thành quả măng cụt, hay những trái cây trên cành. Chả tôm cắt thành hình chim phượng, xếp hình con tôm; mứt bí đao được tạo hình bông hoa, cây quạt xếp…Người phụ nữ Huế chăm chút món ăn ngày Tết như chăm chút sắc đẹp của mình. Họ không tiếc công sức cắt tỉa, vẽ bày từng tí một cho những ngày Xuân vui tươi đầm ấm.
Trang Korea
Theo: YeuDuLich