1. Những du khách trong đoàn Việt Nam có thái độ trịch thượng:
Hay đòi hỏi như khi ở trong nước, hoặc nặng lời với hướng dẫn viên thì phần lớn là các "quan chức" ở các cơ quan trong nước... Thái độ hống hách đó ở VN thường bị phê bình là "quan liêu", "hách dịch". Thông thường trong một đoàn mà những du khách là người dân thường, ít ra nước ngoài, không thông thạo ngoại ngữ hay mới đi lần đầu v.v.. thì họ rất nghe theo lời của hướng dẫn viên, trừ các vị thuộc thành phần "quan chức" nói ở trên.
Hình minh họa
2. Có một người trong đoàn của tôi đã dùng chiếc khăn ăn dành cho từng thực khách ở bàn ăn, thay vì lót trên người trong khi ăn, đã tự nhiên trải trên mặt ghế để ngồi lên khi ăn. (bài học rút ra sau chuyến đi là: cái gì không biết thì nên nhìn người chung quanh mà làm theo họ)
Đúng như vậy, không biết thì bắt chước. Trong restaurant thường bày trước mặt thực khách hai ba cái ly thủy tinh, hai ba con dao và muổng nĩa đặt bên trái và bên phải ngay ngắn. Tôi hoàn toàn không biết là cái con dao nào dùng vào việc gì, cái ly nào dùng vào lúc nào. Có lần tôi hỏi anh bồi, anh chỉ cho tôi rất minh bạch, dao cầm tay nào, để làm sao, ăn xong muốn người bồi bàn lấy dĩa dơ đi thì để dao và nĩa cách nào vân vân và vân vân… lúc đó còn nhớ ít ngày sau quên mất.
Hình minh họa
Có lần vào tiệm bán crawfish thấy trên bàn có miếng khăn nilon có hai cái quai, tôi đoán là để choàng trước ngực cho đừng dơ áo, nhưng không biết choàng hai cái quai đó cách nào. Không lẽ hỏi mấy người chạy bàn Việt Nam không nói được tiếng Việt, tôi bèn nhìn bàn bên cạnh coi khách làm sao, nhưng cũng chẳng mò ra máng vào cổ cách nào. Lật tới lật lui cái khăn, tôi mới biết là bứt một đầu của hai cái quai, choàng qua cổ và buộc chúng lại.
3. Đi lạc: Trước khi đi, các thành viên, nhất là những người không biết tiếng Anh, được căn dặn nhiều lần về việc này, mọi người nên đi chung theo đoàn, hoặc đi chung theo nhóm nhỏ 3-4 người trong đó có 1 người biết sơ sơ tiếng Anh... Nhưng trong thực tế, khi đi mua sắm thì họ thường đi theo ý thích riêng và mải mê chọn lựa hàng, khi sực nhớ lại thì đã bị lạc xa mọi người... Rất khổ cho chúng tôi khi phải đi tìm những thành viên đi lạc, nhất là ở các siêu thị nhiều tầng hay tại các sân bay quốc tế.
- Tại sân bay, có mấy quý bà đang đi trong dòng người trong đoàn, bỗng thấy cái WC nên có nhu cầu tự nhiên, tức thì quẹo luôn vào mà không nói với ai trong đoàn... Đến khi trở ra thì bị lạc mất đoàn !
Hình minh họa
Nghề hướng dẫn viên du lịch là nghề khá vất vả và khó khăn. Dù có dặn dò chi li, nhưng đông người thế nào cũng trục trặc. Chuyện kách hàng trễ giờ hay đi lạc là thường tình. Cái khổ của người hướng dẫn viên là phải bảo đảm đi tới nơi về tới chốn vui vẻ cả làng. Xứ lạ quê người mà phải đương đầu với những bất ngờ ngoài dự liệu hay phải đương đầu với khách hàng khó tính thì mệt lắm.
Tôi cũng thường hướng dẫn nhóm bạn bè đi chơi, có khi lên tới 25 người. Không ai là hướng dẫn viên cả, nhưng trong đoàn đi như vậy thì phải có một người chịu trách nhiệm đứng ra lo cho cả nhóm cho nên tôi biết nghề hướng dẫn viên tuy là được đi chơi đây đó nhưng thực sự thì đâu có thưởng thức được cảnh đường xa xứ lạ như khách hàng, mà phải sắp đặt lo lắng đủ điều, tối về tới phòng mọi người được ngủ chớ hướng dẫn viên có khi phải thức để giải quyết những chuyện khách hàng gây ra hay phải sắp xếp cho ngày hôm sau.
4. Trong khách sạn:
- Lấy thức ăn rất nhiều vào đĩa trong các bữa ăn buffet, lấy cho mình rồi lấy thêm mấy đĩa chung cho nhóm mình. Cuối cùng là bỏ thừa lại trên bàn ăn. Chúng tôi là những người chịu trách nhiệm hướng dẫn rất xấu hổ, mặc dù đã có nhắc nhở và giải thích nhiều lần.
Hình minh họa
- Hút thuốc lá trong phòng ngủ, làm cho chuông alert rú lên ...
- Gác thuốc lá đang hút trên cạnh bàn, làm cháy sém khăn trải bàn, bị khách sạn phạt tiền.
- Không biết điều khiển các vòi nước trong phòng tắm, nhất là loại vòi có nút ấn vào mới có nước, hoặc loại vòi gạt lên/xuống (thay vì gạt qua trái/phải), rồi la lối om sòm là vòi nước bị hư.
- Dùng giỏ đựng quần áo dơ yêu cầu khách sạn đem giặt để đựng quà cáp mua về.
- Đánh mất chìa khóa phòng, đổ thừa cho nhân viên khách sạn làm mất.
Ngoài ra, còn rất nhiều điều khác gây khó khăn cho người hướng dẫn hoặc cho cả đoàn như:
- Không đúng giờ tập họp theo qui định sau khi đi mua sắm, tham quan chụp ảnh tự do hoặc không đúng giờ ra xe các buổi sáng từ khách sạn. (Hình như vấn đề không tôn trọng giờ giấc là thói quen xấu của người Việt Nam !)
- Cười nói rổn rang nơi công cộng tự nhiên như ở nhà mình.
Hình minh họa
- Hút thuốc lá bất kỳ nơi nào (trong xe, shops, khách sạn có máy điều hòa không khí)
- Vứt rác bừa bãi bất kỳ nơi nào.
- Làm mất hộ chiếu, tài sản cá nhân rồi tranh cãi với khách sạn.
- Quý bà khi đi mua sắm ở siêu thị nhiều tầng, diện rất mode, mang giày cao gót, cuối cùng chịu không thấu đã phải lột giày ra xách ở tay và đi chân đất, mặc dù đã được nhắc nhở vấn đề giày dép này nhiều lần...
Tôi nghĩ rằng một số hành vi nói trên đây cũng không được chấp nhận ngay tại Việt Nam, chứ không hẳn ra nước ngoài mới không được phép làm. Vấn đề ở đây thuộc về sự giáo dục và ý thức cá nhân của từng người...
Nguyen Van
Nguồn: Baomai
No comments:
Post a Comment