Thursday, January 11, 2018

HẬU CUNG HỒI GIÁO

Đời sống của cung tần mỹ nữ trong Hậu cung Hồi giáo

Hậu cung trong tiếng Ả Rập gọi là “haram” có nghĩa là "cấm". Chỉ có những chủ nhân của cung điện được gọi là Sultan và con trai của họ mới được phép đặt chân tới khu vực này. 


Nhưng đối với tất cả những người khác, Hậu cung là một khu vực cấm kỵ vô cùng khắc nghiệt. Sự cấm kỵ nghiêm ngặt tới mức một nhà chép sử người Thổ Nhĩ Kỳ có tên là Dursun Bay đã ghi lại rằng: "Nếu mặt trời là giống đực thì thậm chí nó cũng sẽ bị cấm soi sáng vào hậu cung" (Trong tín ngưỡng của người Thổ Nhĩ Kỳ, mặt trời là thực thể cái).

Trong hậu cung của người Hồi giáo cũng có hệ thống thứ bậc chặt chẽ và mỗi cấp bậc đều có tên gọi riêng. Quyền lực cao nhất ở chốn Hậu cung thuộc về mẹ của Sultan gọi là Walid. Cấp bậc thứ hai dành cho 7 bà vợ chính của Sultan, trong đó Hoàng hậu được gọi là Kadin. Dưới họ là các Gediklik - những thê thiếp được sủng ái của Sultan và số còn lại được gọi là thị nữ hay Odalik.

Nếu mặt trời là giống đực thì thậm chí nó cũng sẽ bị cấm soi sáng vào hậu cung

Ngoài ra, còn có một số cô gái được Sultan đặc biệt sủng ái với đặc quyền đặc lợi riêng không chính thức được gọi là Iqbal. Những người phụ nữ này giống như những cô nhân tình nhỏ của Sultan. Họ được nhận tiền chu cấp, sống trong một phòng riêng và có người hầu kẻ hạ riêng. Họ là những "cống vật" xinh đẹp được các quần thần dâng lên cho Sultan. Trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ cũ, nhiều quan tham đã đạt được địa vị hay sự sủng ái của các Sultan thông qua các Iqbal này.

Về mặt tôn giáo, tiên tri Mohammed không cho phép đàn ông có quá 4 vợ để giảm thiểu chế độ đa thê. Nhưng các ông Hoàng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu bước vào cuộc đua tuyển chọn nhiều thê thiếp từ thời Caliphate khi người Hồi giáo bắt đầu coi việc một người đàn ông có nhiều vợ đẹp là thước đo của sự giàu có cũng như quyền lực. Hậu cung lớn nhất lịch sử Hồi giáo từng công nhận là hậu cung Dar-ul-Seadet, trong đó có tới hơn 1.000 thê thiếp, gồm cả những người phụ nữ người nước ngoài được cống cho Sultan.

Họ là những "cống vật" xinh đẹp được các quần thần dâng lên cho Sultan

Có một điểm khác với các thê thiếp của những ông Hoàng Trung Hoa, những phụ nữ trong hậu cung Thổ Nhĩ Kỳ xưa lại rất thạo những việc triều chính và họ cũng đóng một vai trò quan trọng trong các quyết định của lãnh chúa, nhưng vai trò của họ như môt quy luật luôn được ẩn giấu ở phía trong để tránh con mắt tò mò của mọi người. Nhưng cũng tùy vào ân sủng đặc biệt của Sultan,đôi khi tài năng của họ cũng có thể trở nên nổi tiếng.

Ở nhiều khía cạnh khác có thể hiểu việc bước chân vào một hậu cung cũng giống như trở thành một nữ tu, nơi họ sẽ dồn hết tâm trí phụ vụ cho người chủ của mình. Những người vợ và thê thiếp buộc phải cắt đứt mọi mối liên hệ với bên ngoài, được đặt tên mới và học cách sống biết vâng lời. Họ sẽ sống và chết ở chính nơi này kể từ đó.

Bước chân vào một hậu cung cũng giống như trở thành một nữ tu

Những cô gái đẹp từ khắp cả nước được chọn để dâng lên cho Sultan thường là những cô gái ở đội tuổi 13, độ tuổi đã bắt đầu hình thành những nét đẹp của thiếu nữ đủ để thu hút sự chú ý của Sultan. Những người khả ái hơn khi mới bước vào hậu cung sẽ được gọi là những Gezde nghĩa là những người “có cái nhìn tiềm năng”.

Dưới đế chế Ottoman, kéo dài từ thế kỷ 11 tới đầu thế kỷ 20 và đạt tới đỉnh cao quyền lực trong thế kỷ 16 và 17, hậu điện ở Thổ Nhĩ Kỳ được gọi là Serail. Các cung nữ được đưa vào Hậu cung phục vụ cho Sultan (Hoàng đế) thường được mua từ các chợ nô lệ. Tuy nhiên, chỉ những người con gái còn trinh mới xứng đáng được bước chân vào khu vực này. Để được đặt chân vào hoàng cung của Thổ Nhĩ Kỳ, một nữ nô lệ buộc phải hoàn thành một bài kiểm tra sự trong trắng ngây thơ vằng cách bị ép buộc phải ôm hôn một người đàn ông Hồi giáo.

Sultan cũng có thể nhận những cô gái đẹp còn trinh như một món quà bày tỏ lòng kính trọng đối với mình. Trong đó có trường hợp lãnh chúa Algeria Mohammed bin Osman, người đã dâng lên Sultan Selim III một phụ nữ người Pháp tên là Emma de Beauharnais. Đây chính là cô em họ của vợ Napoleon Bonaparte đã bị những kẻ cướp biển bắt cóc.

Những cô gái đẹp từ khắp cả nước được chọn để dâng lên cho Sultan thường là những cô gái ở đội tuổi 13

Trong hậu cung, họ đều thường xuyên được học múa, học nhạc và thơ Hồi giáo cùng những loài hình nghệ thuật khác. Mọi thê thiếp của Sultan, bất kể nguồn gốc xuất thân, đều buộc phải chuyển sang đạo Hồi sau khi nhập cung. Sau 3 lần đọc câu: “Không có vị thiên Chúa nào ngoài Allah và nhà tiên tri Mohammed của tôi”, họ sẽ trở thành một "nô lệ" với cuộc đời ràng buộc với Sultan của mình và buộc phải quên đi cuộc sống cũ và làm quen với các tên gọi mới, nghĩa vụ mới.

Ở cấp bậc thấp nhất là những Odalik - những người đảm nhiệm vai trò giống như một nô lệ nhưng họ vẫn có thể ước mơ trở thành một trong số những người vợ chính thức. Trong số các Odalik cũng có rất nhiều người xuất thân từ tầng lớp quý tộc. Họ được dạy để trở thành người nổi bật trong đám đông bằng cái nháy mắt hay cử chỉ lời nói.


Tuy nhiên, đạt được ngôi vị Kadin cũng không phải là không thể. Tất cả đều phụ thuộc vào tài năng của họ. Để có thể leo lên bậc cao của chiếc thang quyền lực trong hệ thống phân cấp thứ bậc ở hậu cung, họ không chỉ cần tới diện mạo đẹp đẽ mà còn cần tới trí thông minh, sự quyết tâm và sự khôn ngoan bởi trong hậu cung có tới hàng ngàn cô gái đẹp, không ngoan như vậy và Sultan sẽ không thể nhận ra một ai đó nếu họ không đặc biệt.


Sự cạnh tranh ở mọi nơi đều giống nhau. Ở hậu cung Hồi giáo cũng vậy. Những người phụ nữ ganh đua với nhau một cách nghiêm túc và dùng bất kỳ một phương tiện nào có thể giúp họ chiến thắng. Các tiểu thuyết gia phương Tây đã phóng đại vai trò của các chất độc và dao găm trong hậu cung Thổ Nhĩ Kỳ.

Sultan có một bảng xếp hạng dành riêng cho tất cả những người phụ nữ của mình và nó có thể thay đổi bất kỳ lúc nào phụ thuộc vào tâm trạng của ông ta. Điều hy vọng duy nhất của một thị nữ muốn trở thành Kadin là có thể sinh con cho Sultan. Với đứa con, các thị nữ sẽ được hưởng những đặc quyền cao quý khác. Nhưng điều đó cũng không phải dễ thực hiện được bởi cơ hội được chú ý và được quan hệ với Sultan không phải là nhiều. Thứ hai, một khi nếu Sultan có đoái hoài tới họ thì khả năng có thể thụ thai trong một lần quan hệ không phải là nhiều và hơn nữa cũng không tránh khỏi khả năng có thể bị sảy thai do âm mưu hay sự cố. Thêm nữa, con trai của các thị nữ sẽ rất khó được lên ngôi bởi chúng sẽ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh của những hoàng tử khác.


Giữa các thê thiếp luôn có những cuộc cạnh tranh rất khốc liệt và thường xuyên sử dụng dao găm, thuốc độc để tranh giành vị trí được sủng ái nhất. Bởi vậy, các Sultan thường yêu cầu những nô lệ trong cung thông báo trực tiếp khi một trong số các thê thiếp của mình có thai. Những người phụ nữ của Sultan khi mang thai sẽ được bảo vệ cho tới khi sinh nở thành công. Họ sẽ nhận được phục vụ tốt nhất từ những người nô lệ, thái giám và những kẻ hầu cận khác.


Tuy nhiên, đối với những người phụ nữ ở cấp bậc dưới cùng bên trong hậu cung, họ rất ít được hưởng hạnh phúc. Ví dụ như họ chỉ chút ít quyền hạn và sau nhiều năm phụ vụ cũng như tôn thờ Sultan, về già họ có thể được trả tự do với một số tiền đủ sống

Khi Sultan chết, tất cả các phi tần sẽ được sắp xếp lại vị trí sủng ái theo giới tính của con cái họ. Mẹ của một công chúa có thể tái giá nhưng mẹ của hoàng tử thì nhất quyết sẽ được giữa lại để phục vụ cho chủ nhân mới của gia đình Sultan. Vì vậy nó lại nảy sinh một cuộc chiến mới. Các bà mẹ có thể dùng thuốc độc cho vào thức ăn để hạ gục đối thủ cũng như con trai của họ.


Các nô lệ và thái giám cũng được thay đổi lại. Từ thái giám trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "người bảo vệ giường". Họ được đưa vào hậu cụng để làm bảo vệ và duy trì trật tự ở nơi này. Họ chủ yếu được chọn từ các nô lệ da đen.

Có hai kiểu nam giới được phép có mặt trong hậu cung của người Hồi giáo. Một loại là thái giám được tuyển từ khi còn nhỏ và đặc điểm tình dục thứ cấp hoàn toàn bị cắt bỏ. Họ không có râu, cao lớn nhưng tiếng nói giống như trẻ con và cử chỉ như một phụ nữ. Trong số các thái giám có những người cũng đã đạt tới đỉnh cao của danh vọng và có ảnh hưởng lớn tới người dân. Các hoạn quan có độ tin cậy cao đối với Sultan còn được giao trọng trách trông coi những những thị nữ trưởng thành. Hoạn quan trong hậu cung cũng được sắp xếp theo cấp bậc.


Thứ hai là thái giám được tuyển ở độ tuổi lớn hơn. Họ giống những nam giới bình thường, có râu, tóc tơ ở mặt, cơ bắp và cũng có ham muốn tình dục như những người đàn ông bình thường khác. Họ đảm nhiệm nhiệm vụ như những vệ sĩ nhưng cũng có khi phải làm việc như một đao phủ trừng phạt những thị nữ phạm tội như: thắt cổ bằng dây lụa – một hình thức trừng phạt nhẹ nhàng nhất. Các thị nữ còn có thể bị xử bằng cách đặt vào trong túi da rồi bị ném đá tới chết hoặc cho một con mèo đang sợ hãi hoặc một con rắn độc vào trong túi rồi buộc đá thả xuống sông… Họ phải tự an ủi mình và kìm nén các ham muốn của một người đàn ông với những phụ nữ đẹp đầy rẫy trong hậu cung. Nếu phạm tội bất trung, họ cũng sẽ bị xử phạt bằng một trong số những hình phạt trên.


Nhưng năm 1909, sau cuộc cách mạng giải phóng các nô lệ kết thúc, khi mở cửa hậu cung ở Istanbul người ta nhận thấy phần lớn các nô lệ vẫn ở lại trong cung điện. Họ không tưởng tượng được còn có một cuộc sống tự do khác còn tồn tại ở bên ngoài cánh cửa.

Trong thế kỷ 19, hình ảnh các Odalik ở trong các hậu cung Thổ Nhĩ Kỳ là một đề tài yêu thích đối với các họa sĩ châu Âu. Họ thường được miêu tả là những cô gái trẻ đẹp ở trong tư thế nửa trần, ngả mình trên đệm hoặc múa bụng biểu diễn trước các chủ nhân.


Họa sĩ Jean Auguste Dominique Ingres đã có hơn 100 bức tranh với chủ đề này. Tranh của ông giống như miêu tả một Ba Tư thu nhỏ với những màu sắc mang đậm phong cách phương Đông.

Nguồn: VTC News