Sunday, January 28, 2018

TỐI QUA QUÁ CHÉN, SÁNG NAY VẬT VỜ

Say sỉn hoặc quá chén là sau một chầu “túy lúy càn khôn” , liên tục “dô! dô!” với bạn bè. vào tối hôm trước thì sáng hôm sau thấy trong người vật vờ khó chịu mệt mỏi, tiếng Anh gọi là Hangover, tàn dư của quá chén.


Hangover không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới nếp sống và việc làm. May mắn là sau 24 giờ, đa số tàn dư hangover này cũng tự hết đi. Nhưng hangover tiếp nối hangover thì lại là có chuyện chẳng lành.

Tại sao lại có hangover?


Note: Tất cả những hình trong bài này là hình minh họa

Cho tới bây giờ vẫn chưa có một giải thích khoa học nào về tại sao lại bị hangover cũng như tại sao có người nhậu đã đời mà sáng hôm sau vẫn tỉnh bơ đi làm, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra vào đêm hôm trước. Mà có người chỉ mới ngà ngà vài ba ly thì sáng hôm có những dấu hiệu của hangover.

Những dấu hiệu đó là gì?


Triệu chứng của hangover có thể là nhức đầu, bơ phờ mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, khát nước, mất ngủ, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, tim đập nhanh, tay chân run rẩy, kém tập trung, lên cơn kinh phong, lạnh người, ngẩn ngơ sững sờ thậm chí bất tỉnh…

Tại sao có khó khăn như vậy?



Nguyên nhân chính của hangover chưa được xác định nhưng sự thiếu nước, thay đổi hormone và tàn dư của các chất do sự phân hủy rượu có thể là thủ phạm gây ra các triệu chứng kể trên. Chẳng hạn chất cồn trong rượu làm sáo trộn các hóa chất trong não khiến cho giấc ngủ kém bình an cũng gây ra tình trạng vật vờ.

Sau đây là một vài giải thích:

1- Vì rượu là chất làm lợi tiểu, người say sỉn đi tiểu nhiều đưa tới khô nước trong cơ thể. Mà khô nước lại đưa tời khô miệng, khô da, mệt mỏi, khó ngủ, nhức đầu, chóng mặt, táo bón…

Nguyên do là rượu chặn sản xuất hormone chống tiểu tiện của nang thượng thận, thận tăng thải nước ra khỏi cơ thể qua sự tiểu tiện. Cứ mỗi 250 cc rượu uống vào thì thận loại ra từ 800- 1000 cc nước tiểu. Tác dụng lợi tiểu này chỉ chấm dứt khi chất rượu hoàn toàn tan biến.


2- Vì tiểu tiện nhiều, chất potassium trong máu giảm. Khi lại cần cho các chức năng của thần kinh và cơ bắp, tim mạch. Khi thiếu chất này, người say sỉn bị nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn. Thêm vào đó, vì cơ thể giảm nước, não bộ cũng giảm một chút khối lượng, màng óc bị kéo theo khiến cho nhức đầu gia tăng.

3. Rượu làm giảm đường trong máu khiến ta run rẩy, đổ mồ hôi, ngất sỉu. Lý do là gan bận “xử lý” chất rượu không điều hòa glucose được.


4. Rượu khiến sức để kháng của cơ thể suy yếu, mau mệt;

5. Rượu kích thích dạ dày, khiến cho sự tiêu hóa bị rối loạn, chậm tiêu và muốn nôn ói.

6. Rượu khiến ta buồn ngủ, nhưng giấc ngủ không yên, nhiều ác mộng, đứt đoạn.

Bộ ai cũng bị hangover hay sao?



Kết quả nghiên cứu tại Boston University School of Public Health vào năm 2008 cho hay khoảng 30% người uống nhiều rượu có thể không bị hangover, còn 70% kia thì vật vờ hành trông thấy.

Thường thường thì ai uống nhiều cũng bị, nhưng nặng nhẹ khác. Tùy thuộc ở tạng và sức chịu đựng của mỗi người. Một số hoàn cảnh khiến hangover nhiều hơn là:

1. Dạ dày mà trống trơn thì chất rượu chuyển sang máu mau hơn và gây ra khó chịu nhanh và nhiều hơn.

2. Say sỉn mà lại liên tục “khói vàng bay lên mây”, phì phả thuốc lá thì khó khăn càng trầm trọng

3. Nếu bố mẹ say sỉn thì con cái cũng chịu nhiều dấu hiệu khó khăn hơn, do gene di truyền.


4. Tùy theo mầu của rượu. Trong sự lên men, hóa chất congener được tạo ra. Chất này làm cho rượu có mầu hấp dẫn hơn và cũng là chất gây ra hangover nhiều hơn. Các loại rượu như Bourbon, Scotch, Brandy, Taquina, Red wine thường nhiều congener hơn là Vodka, Gin…

5. Người mập mạp ít bị hangover hơn người gầy, người tuổi cao thì cũng nhiều hangover hơn trai tráng thanh niên.

6. Có ý kiên cho rằng vị ngọt của rượu gây ra nhiều hangover, có thể là vì rượu ngọt nên ngọt miệng uống nhiều.

7. Phụ nữ dễ bị vật vờ hơn nam vì gan quý bà kém hóa giải chất rượu so với nam nhân cũng như vì chất lỏng trong cơ thể quý bà ít hơn ở nam giới.

Như vậy thì hangover có hại không?



Có chứ. Ngắn hạn thì kém tập trung, hay quên, tay chân vụng về, mắt nhìn lệch lạc, tới sở thì chỉ muốn ngủ, lơ là công việc mà lái xe lại hay gây tai nạn.

Tiếp tục hangover thì sức khỏe suy giảm vì tác hại của rượu như là ung thư gan, miệng, suy dinh dưỡng, thân hình tiều tụy, trí nhớ khi còn khi mất…

Vậy phải làm gì để chữa hangover?

Không có thuốc tiên để giải rượu nhưng thời gian có thể tiếp tay, vì thường thường sau 24 giờ cơ thể có thể hóa giải các tàn dư khó chịu gây ra do sự quá chén.

Nếu vì chào mời quá thắm thiết thì “đề cao cảnh giác”, uống cầm chừng, vừa nhâm nhi uống vừa ăn thực phẩm, như các cụ ta xưa kia trà dư, tửu hậu. Gan có khả năng chuyển hóa một lon bia trong 1 giờ. Nếu nhịp uống cách xa nhau sẽ giúp gan làm việc hữu hiệu hơn.

- Uống vừa phải, đừng quá sức chịu đựng của cơ thể.


Viện National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism khuyên rằng phụ nữ không nên uống quá 1 drink/ngày còn nam giới không nên uống quá 2 drinks/ngày. Một drink là 12 ounces beer, 5 ounces vang và 1 ½ ounces rượu mạnh 80 độ. Nên nhớ là người nhỏ con kém chịu đựng với tác dụng của rượu hơn là người to con.

- Cứ hai ly rượu thì uống một ly nước để bớt uống rượu và tránh khô nước cho cơ thể.

- Đừng uống rượu khi bụng đói. Trước khi đi phó hội, làm một bữa ăn lót dạ với nhiều tinh bột hoặc chất béo để giảm tốc độ hấp thụ của rượu ở dạ dày. Trong tiệc, nên ăn món ăn có nhiều tinh bột và hơi béo một chút.


- Giới hạn uống rượu có mầu đậm vì chất congener kích thích mạch máu và tế bào não khiến cho dấu hiệu của hangover trầm trọng hơn lên.

- Tránh nước có gas vì gas làm cho rượu hấp thụ vào máu mau hơn.

- Có ý kiến cho là uống cà phê để giải rượu. Cà phê có nhiều caffeine là chất kích thích có thể giúp giảm mệt mỏi. Nhưng khi tác dụng của cà phê hết thì người hangover lại thấy mệt mỏi hơn. Hơn nữa, cà phê lại là chất lợi tiểu giống như rượu, khiến cho người say mất nhiều nước hơn và sẽ làm tình trạng hangover trầm trọng hơn. Nói chung, uống cà phê không giải quyết được các dấu hiệu khó chịu do uống rượu nhiều gây ra.

Thế làm gì để tránh hangover?



Phương thức hay nhất là xa lánh rượu hoặc uống một cách vừa phải.

- Bí quyết của dân chúng vùng Địa Trung Hải là uống một thìa dầu olive trước khi đi dạ tiệc, để trì hoãn sự hấp thụ rượu ở bao tử.

- Uống một ly nước lớn trước khi đi ngủ. Để một ly nước ở đầu giường để khi thấy khát, khô miệng là uống ngay.

- Rượu giảm glucose trong máu khiến ta cảm thấy đói, run rẩy và yếu sức. Do đó, nhiều người cho là thực phẩm nước uống chứa đường fructose của trái cây hoặc mật ong giúp hóa giải rượu mau hơn

- Ăn uống đầy đủ vì thực phẩm sẽ cung cấp sự thất thoát của muối khoáng và potassium của cơ thê do rượu gây ra.

- Nghỉ ngơi thoải mái nếu có thể.


- Không nên uống thuốc chống nhức đầu Tylenol vì thuốc này thường gây tác dụng không tốt đối với gan. Nếu quá nhức đầu, có thể uống viên Ibuprofen, Advil.

- Cà phê có thể giúp làm nhẹ nhức đầu vì tác dụng co mạch máu. Tác dụng này hóa giải tác dụng dãn mạch máu gây ra nhức đầu.

Một vài viên thuốc chống acit có thể giảm cồn cào bao tử.

- Một bát súp rau thịt giúp bổ sung sinh tố khoáng chất thiếu hụt vì nhậu đêm trước mà không ăn cơm.

- Nếu thấy run tay, đau bụng hoặc có máu trong chất ói thì đi bác sỹ ngay vì có thể là đã bị ngộ độc rượu, cần được chăm sóc tức thì.

Kết luận



Kinh nghiệm của các cụ ta là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cho nên tránh quá chén là điều cần làm. Cực chẳng đã mà phải “phó hội bàn rượu” thì cứ một rượu một nước, kèm theo thức ăn là có thể tránh được vật vờ vào sáng hôm sau, có phải không bà con nhỉ?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

No comments: