Từ hơn nửa thế kỷ nay cái áo dài cổ thuyền vẫn được quen gọi là "áo dài bà Nhu", và được cho là do bà Ngô Đình Nhu thiết kế. Nhưng theo người mẫu trình bầy cái áo loại này đầu tiên thì câu chuyện không hẳn như vậy.
Tài tử Kiều Chinh trình bày áo dài cổ thuyền tại Sài Gòn năm 1961.
Ngày 31 tháng 3 năm 1961, một hội chợ Tiểu Công nghệ với quy mô rộng được tổ chức ở phòng Văn Hóa của thành phố Sài Gòn trên đường Tự Do, nay là đường Đồng Khởi. Lồng trong chương trình là buổi trình diễn thời trang áo dài chính thức đầu tiên của Việt Nam theo lệnh của bà Ngô Đình Nhu. Tất cả được giao cho đạo diễn phim ảnh Thái Thúc Nha điều khiển.
Ông Thái Thúc Nha đã giới thiệu ra một mẫu áo dài mới, được may theo phác họa của ông, để cho phần mẫu mã được phong phú hơn. Và ông không tiết lộ tên người may. Chiếc áo dài cổ thuyền lạ mắt này được tài tử Kiều Chinh, khi đó mới 21 tuổi, trình bầy lần đầu tiên hôm ấy.
Sự kiện này được phản ánh trên UPI photo ngày 31/03/1961 (tạm dịch): “Lộng Lẫy Phương Đông. Sài Gòn, Nam Việt Nam: Cái cổ cao của thời trang Việt Nam làm một màn hô biến khi Tài tử Kiều Chinh của Việt Nam giới thiệu phiên bản không cổ của áo dài Việt Nam. Trình bầy tại buổi trình diễn thời trang chính thức đầu tiên trước nay ở Sài Gòn. Áo dài thể hiện cái tà xẻ bên ấn tượng của phương Đông . Áo mặc với quần trắng”.
Theo lời kể của chị Kiều Chinh thì bà Nhu chấm ngay kiểu áo dài này, vì bà cho rằng nó làm cho cổ của phụ nữ Việt cao hơn và sang hơn. Bà Nhu cũng khen ông Thái Thúc Nha về cái tay áo cắt theo phong cách "troa-ca" (trois-quatre, tức là 3/4) của áo. Theo bà thì cả cổ và tay áo cắt như thế dễ hợp mắt với giới ăn mặc quốc tế, nhất là Âu Mỹ. Và bà lập tức cho phổ biến mẫu áo dài mới này.
Bà Nhu từ đó luôn tự thân tiên phong mặc áo dài cổ thuyền trong các dịp lễ lạc và ngoại giao. Cái áo dài cổ thuyền do đạo diễn Thái Thúc Nha phát kiến, từ đó cho đến nay vẫn được biết đến với cái tên gọi “áo dài bà Nhu”.
Theo Trịnh Bách