Sunday, August 5, 2018

NGHỆ THUẬT TƯƠNG ỚT

Tôi là một người có thể ăn cay một chút, mấy gói mỳ cay của Hàn Quốc tôi đều ăn một cách rất bình thường, hơi cay một tí chớ không phải là dữ dằn như mấy cái quảng cáo. Có mấy clip video của "Nhóm cơm Hến", anh Huy nhà ta thường quảng cáo loại tương ớt Tabasco của Mỹ, tôi cũng mua về thử nhưng cũng không phải là cay lắm, nó chỉ thích hợp lúc ăn đồ Tây, BBQ, steak,..chứ ăn chung với đồ Ta hay Tàu thì thật tình mà nói nó không giống ai hết.


"Thôi thì ta về ta tắm ao ta", tương ớt của mình không cay nhưng lại hạp khẩu vị. Chai ớt tôi thường ăn ở nhà cứ tưởng là của Thái, sau thấy chữ Việt nên tưởng là của Việt Nam hoặc mấy ông nhập cảng đặt làm bên Tàu rồi dán nhãn Việt đem về Úc bán...Vậy mà hôm nay đọc bài viết này mới giật mình, chạy vào bếp lấy chai tương ớt con gà soi dưới ánh đèn nhìn cho kỹ cái nhãn, tìm mấy chữ phía dưới mới thấy "4800 Azusa Canyon Rd.,Irwindale, CA 91706". Tới bây giờ mới biết chai tương ớt Sriracha của Huy Phong Foods là sản phẩm làm từ nước Mỹ. Quê quá!. 

Thôi thì mời bạn đọc bài của anh Trần Văn Giang dưới đây: (LKH)

Lời mở đầu


Không có gì lạ: Mọi người (trên 8 tuổi) trong chúng ta đều thích ăn cay – vấn đề là cay ít hay cay nhiều thôi. Cứ tưởng tượng hương vị của Cà-ri Ấn độ, món xào “Kung pao” Tứ Xuyên (Szechuan) Trung hoa, và Bún bò (Huế) của Việt Nam sẽ ra thế nào nếu không có ớt… Vị cay của ớt có thể làm đau mình đau mẩy: trán toát mồ hôi hột, máu chạy rần rần, tim đập rầm rầm, lưỡi tê dại, bao tử ruột già quằn quại xót xa… Nhưng cái thú đau thương ít tốn kém này lại làm con người thích thú (!) mới chết. Nhiều người còn thành thật thú nhận là họ “ghiền” ăn cay: Bữa ăn lớn, hay nhỏ vẫn không thể nào thiếu món ớt hay tương ớt ở ngay bên cạnh. (TVG)

***

1- Ớt


Nguồn gốc của ớt (tên nguyên thủy là “Chile,” nhưng chính tả Anh Ngữ có khi viết Chili, Chilli, hoặc Chili Pepper mà theo thổ ngữ Nahuatil của dân Nam Mỹ thì Chili có nghĩa là đỏ - Red) đã được ghi nhận từ thời tiền sử. Từ các tài liệu do kết quả của các công trình đào xới, khảo cổ, người ta tin rằng ớt dại xuất phát từ miền núi của các xứ Brazil và Bolivia của Nam Mỹ khoảng 7500 trước Công nguyên (TCN) - Nên biết, một quốc gia Nam Mỹ có tên là Chile tức “Chí Lợi,” tên nước này lại không có dây mơ rễ má gì với chữ “Ớt / Chile” cả. Theo tiếng thổ ngữ “Quechua,” tên nước Chile bắt nguồn từ 2 chữ chin (lạnh) và tchili (tuyết). Ở đất nước Chile, ớt được gọi là ají.

Qua vài ngàn năm sau, ớt đã được phân tán, di chuyển tràn lan khắp Châu Mỹ một cách tự nhiên nhờ chim muông; bởi vì màu đỏ sặc sỡ của trái ớt đã thu hút sự chú ý của chim. Cũng nên biết thêm là bộ phận tiêu hóa của chim hoàn toàn khác hẳn với bộ phận tiêu hóa của các động vật có vú… Không thấy có chữ “Ớt” ở dây thần kinh của chim. Nói cách khác, vị cay của ớt hoàn toàn không có tác dụng gì đối với chim. Chim ăn ớt y như con người ăn chuối vậy thôi! Quý vị nếu đã có dịp xem nhòng ăn ớt thì rõ!?

Ớt thấy được trồng (domestication) và được dùng trong các món ăn tiền sử (ancient foods). Các nhà khảo cổ học tìm thấy dấu vết của hột ớt nằm lẫn trong đồ dùng trong nhà (như đồ đất nung, đồ sành…) ở vùng khảo cổ Tây-Nam Ecuador khoảng 6100 năm TCN.


Ớt được ông Kha Luân Bố (Christopher Columbus) khám phá năm 1493. Ngoài việc Kha Luân Bố đã lầm người thổ dân da đỏ châu Mỹ là người Ấn độ (Indians); ông ta lại lầm Ớt (Chili) là Tiêu (Black pepper) cho nên đầu tiên ông gọi ớt là “Chili Pepper.” Kha Luân Bố đem ớt về Tây Ban Nha và ớt trở thành một gia vị được ưa chuộng ở Tây Ban Nha và Âu châu.

2- Cay


Vị cay của ớt gây ra bởi một chất hóa học chính trong trái ớt gọi là “Capsaicin” (công thức C18H27NO3) - một chất hóa học tính kiềm - và 4 loại hóa chất phụ khác. Tất cả các hóa chất này được gọi chung là “Capsaicinoids.” Capsaicinoids phần lớn tập trung ở hột và phần ruột / lõi trái ớt (phần thịt nằm giữa vỏ trái ớt). Mỗi vị cay của mỗi Capsaicinoids gây ra các phản ứng khác nhau khi tiếp xúc với các đầu dây thần kinh ngoài da, da trong khoang miệng, lưỡi, màng ruột… gây ra cảm giác kích thích tương tự như bị đau đớn (pain) và làm cho phần cơ thể tiếp xúc với Capsaicinoids bị xưng đỏ tấy lên trong một thời gian… Qua ngày tháng, thói ăn cay dần dần tạo cho não bộ quen với sức chịu đựng (tương tự như sức chống đau) là cho con người ăn cay thêm… Kể ra thì dù sao cũng tiện lợi, tiết kiệm được vô số giấy vệ sinh vì ăn cay quá sẽ làm cho bị táo bón kinh niên. Capsaicinoids còn được dùng ở “Súng Cay Ớt” (Pepper spray) của cảnh sát.


Độ cay có thể được đo một cách tương đối bằng Đơn vị cay Scoville (Scoville Heat Unit - viết tắt là SHU). Chỉ số SHU cho biết đại khái bao nhiêu đơn vị nước phải được dùng để hòa tan với 1 đơn vị ớt cho đến khi chất cay (“Capsaicin”) không còn tác dụng nữa (có nghĩa là “chuyên viên nếm” nếm lại không còn thấy cay nữa? sự nêm nếm này coi bộ rất chủ quan!) Độ cay SHU thay đổi tùy theo các loại cây ớt và trái ớt khác nhau… Thấp nhất là “zero SHU” của “Ớt Quả Chuông” (Bell pepper); còn ớt cay nhất trước đây là giống ớt Red Savina Habanero, trồng ở vùng Walnut California USA, có độ cay 550,000 SHU. Red Savina Habanero giữ ngôi vị cay vô địch từ năm 1994 cho đến năm 2006 trong Guinness Book of Records, tức là cay gấp 200 lần một trái ớt thường ngày Jalapeno chúng ta vẫn ăn.


Gần đây, khoa học gia Ấn độ khám phá ra một loại ớt mới, có độ cay kỷ lục mới, đó là ớt Naga Jolokiai (còn gọi là Bih Jolokia - Bih = Poison, Jolokia = Chile pepper) ở tỉnhAssam nằm về phía Đông bắc nước Ấn độ. Ớt Naga Jolokiai có độ cay 1,041,427 SHU; có nghĩa là cay gần gấp đôi ớt Red Savina Habanero.

Thói quen chung của chúng ta là một khi ăn nhằm phải ớt cay quá là cứ quơ vội vàng nước ở gần đâu đó để uống lấy uống để chữa lửa. Tuy nhiên, theo các thử nghiệm khoa học, đối với cơ thể con người, uống nước không phải là biện pháp hữu hiệu để chữa cay; bởi vì chất “capsaicinoids” khó hòa tan trong nước hơn là trong các thực phẩm có chất béo như sữa, yogurt, dầu… Vị cay tự nó từ từ rồi sẽ giảm đi; nhưng sữa và sản phẩm từ sữa (dairy products) có một chất đạm tên là “Casein” có thể trung hòa chất cay của ớt mau chóng hơn.

3- Tương ớt


Hoa kỳ, chưa / không có con số chính xác về bao nhiêu chai tương ớt, và bao nhiêu nhãn hiệu tương ớt được bán ra mỗi năm; nhưng con số thương vụ của tương ớt được ước lượng vào khoảng 500 triệu đô-la một năm.

Công thức làm tương ớt thì vô vàn, đếm cho hết phải mất vài ngày; nhưng vật dụng chính / căn bản vẫn là ớt trái. Còn lại là các món phụ như dầu, muối, dấm, trái cây (xoài, sim), nước trái cây, rau (cà-rốt, cà chua, cà, bí), nước rau và các gia vị phụ (added spices) làm gia tăng thêm độ cay, độ đặc…

Hương vị và màu sắc còn được làm gia tăng và độc đáo thêm qua các giai đoạn lên men (fermenting, tương tự như cách làm rượu, bia), ủ (aging) và nấu (cooking) rất tinh vi và được đặc biệt giữ kín (bí mật, không tiết lộ cho công chúng biết)...


Hiện nay có độ 50 nhãn hiệu tương ớt thịnh hành khác nhau đang được bày bán trên thị trường. Tất cả các hãng tương ớt được giới tiêu thụ biết đến phần lớn nhờ truyền miệng (words of mouth), người này dùng qua rồi bảo người kia, chứ vấn đề quảng cáo tương ớt trên truyền hình coi bộ rất tốn kém mà không có hiệu quả. Các thương vụ của các công ty lớn như Disney, McDonald… ở xã hội tư bản Tây phương phần lớn nhắm vào trẻ con và phụ nữ, mà nhất là trẻ con. Ông Ray Kroc, người đứng ra mua lại gian hàng Hamburger của Richard và Maurice McDonald năm 1955 rồi từ đó thành lập ra công ty McDonald rất thành công, đã có lần nói là:

- “Nếu trẻ con chúng thích các quảng cáo của McDonald, chúng sẽ mang cha mẹ và cả ông bà theo chúng ra tiệm McDonald. Như vậy đứa trẻ có thể làm cho McDonald có thêm một lúc 3-4 khách hàng như chơi…”

Cách quảng cáo này (nghĩa là nhắm vào trẻ con) hoàn toàn không hợp với loại quảng cáo cho tương ớt… Lý do tại sao thì không cần nói thêm quý vị cũng hiểu rồi.

Vì thị trường giới hạn mà lại cạnh tranh ráo riết, các hãng làm tương ớt phần lớn không tiết lộ loại ớt nào họ đang sử dụng. Giá trị dinh dưỡng (Nutrition Facts), mặc dù theo luật lệ ấn định buộc phải liệt kê và in rõ ràng trên chai tương, gần như là con số không, vô giá trị (không mỡ, không chất đạm, không vitamins, không carbohydrates…) nếu chưa muốn nói là tương ớt gây ra độc hại lớn cho sức khỏe vì hầu kết chứa mực độ muối (sodium) rất cao; và nhất là các chất hóa học độc địa (additives / preservative) cũng ở độ cao để giữ sản phẩm tương ớt lâu, năm này qua năm nọ, không hư thối trên kệ hàng ở các chợ?! Mà thiệt tình có ai quởn ngồi đọc cái “Nutrition Facts” của mấy chai tương ớt rồi lo cho việc hại sức khỏe bao giờ hà?


Chai tương ớt đầu tiên xuất hiện trên thị trường Hoa kỳ vào năm 1807 ởMassachusetts. Hầu hết những nhãn tương ớt đầu tiên vào thời điểm 1800’s không còn tồn tại nữa. Riêng tương ớt Tabasco là loại tương được ưa chuộng rất rộng rãi trên đất Mỹ xuất hiện lần đầu vào năm 1869. Danh từ “Tabasco” đôi khi được dùng đồng nghĩa và thay thế cho 2 chữ “tương ớt” y như ở quê ta, người ta gọi chung cho xe gắn máy là xe “Honda” vậy!


4- Tương Ớt phở nhãn hiệu “Con Gà Trống” (“Rooster Sauce” Sriracha) Việt Nam

Ngộ thiệt! Trong cái thị trường tương ớt nhỏ, chật hẹp này đặc biệt có chai tương ớt Phở của Việt Nam quậy, thao túng tứ tung ngũ hoành mới có chuyện đáng đề cập trong bài viết nhạt nhẽo này.

Chủ nhân của chai tương ớt đang mạnh tiến từng bước một trên con đường tự do ăn cay, định hướng xã hội tương ớt này là Xì thẩu David Tran. Nên biết qua, mặc dù Xì thẩu chẳng may có cùng tên họ Trần với người viết, nhưng rất tiếc người viết (Trần Văn Giang) chỉ thích ăn nước mắm thôi. No soy sauce please!


Xì thẩu David Tran và gia đình trước đây sống ở Việt Nam đã có sẵn nghề làm tương ớt chui theo kiểu thủ công, tiểu công nghệ. Có nghĩa là tương ớt họ Trần này chỉ được chế từng chai một, cho vào mấy cái lọ đồ ăn trẻ con đã phế thải (loại Gerber Baby Food jars) và giao bằng tay cho các chợ, hoặc bán cho vài tiệm phở loanh quanh địa phương. Năm 1979, Xì thầu chịu không thấu sự chèn ép của bác và đảng đối với người Việt gốc củ cải muối cho nên xì thẩu cùng với gia đình vượt biển tị nạn cộng sản và được may mắn định cư trên đất Mỹ vào tháng Giêng năm 1980. Tháng Hai năm 1980 Xì thẩu đã bắt đầu lại nghề làm tương ớt. Như vậy, thấy rõ là con đường sự nghiệp tương ớt vinh quang đã được thượng đế an bài hẳn hòi…

Xì thẩu với một số vốn khiêm nhường đem theo từ Việt Nam, mua lại một hãng tương ớt nhỏ xíu hiệu “Sriracha” của một người Mỹ gồc Thái Lan ở Rosemead California trong lúc hãng này sắp xập tiệm vì tương ớt Thái Sriracha của cha nội này coi bộ đang tiến thoái lưỡng nan không giống con giáp nào. Tuy vậy, cũng còn có nhiều người Mỹ gốc Thái Lan cắc cớ, ghen tị với sự thành công cua Xì thẩu David Tran, lập luận vớt vát rằng:


- “Sriracha là thương hiệu tương ớt của Thái Lan chứ đâu phải của Việt Nam?”

Thực tế cho thấy, chỉ có cái vỏ chai tương ớt là còn dính dáng cái địa danh Thái khó phát âm thôi; còn lại nội dung (tương) và chữ nghĩa (in trên vỏ chai) đều hoàn toàn Việt Nam ta – Nên biết thêm, “Si Racha” là tên một thành phố có khoảng 20 ngàn dân thuộc tỉnh Chon Buri nằm cách Bangkok Thái Lan độ 120 cây số về Đông nam, gần vịnh Thái Lan.


Xì thẩu đã có lần hào sảng tuyên bố một câu xanh rờn với truyền thông Mỹ để vô hiệu hóa với các tiếng kêu ồn ào về vấn đề “Sriracha là tương ớt Thái” là:

- “Đây không phải là tương Sriracha Thái. Đây là tương Sriracha của tui.” (I know it is not a Thai Sriracha. It’s my Sriracha).”


Xì thẩu khởi sự dùng cơ sở của hãng tương ớt cũ của người gốc Thái Lan này để sản xuất tương ớt phở thuần túy Việt Nam theo công thức riêng của mình. Xì thẩu đặt tên cho công ty tương ớt là “Huy Fong” Foods Company - Huy Fong là tên của con tầu thứ tư (chứ không phải con tầu thứ ba mà tổ tiên Xì thẩu đã quá giang từ Hải Nam Trung quắc đến Việt Nam trước đây) đưa Xì thẩu, gia đình và sự nghiệp tương ớt vượt biên đến bến bờ tự do. Ngoài ra, để đơn giản cho tiện việc thương mại, Xì thẩu dùng ngay con giáp “Quý Dậu – Con gà trống” (Chinese Zodiac) của mình cho nhãn hiệu (Logo) trên chai tương ớt. Theo thói quen, người Mỹ luôn luôn muốn làm cho mọi chuyện thành đơn giản hơn, đỡ mất thời giờ, muốn tránh đọc, phát âm đến mức trẹo mỏ chữ “Sriracha;” họ gọi cho vắn tắt lọ tương của Xì thẩu là “Tương Ớt Con Gà Trống” (Rooster / Cock sauce). Kể cũng tiện cho cả đàng bán và đàng tiêu thụ.


Ngay từ lúc bắt đầu, Xì thẩu chỉ có một mơ ước nhỏ là tiếp tục sự nghiệp làm tương ớt để cung cấp cho các tiệm phở Việt Nam loanh quanh vùng Los Angeles; để sống qua giai đoạn tạm dung trên đất Mỹ chứ đâu có biết rằng từ năm 1996 hãng Huy Fong ở Rosemead sản xuất trên 10 triệu chai tương ớt hiệu con gà mỗi năm. Không chỉ riêng ở các tiệm phở Việt Nam, “Tương Ớt Con Gà” với giá cả phải chăng, ngon miệng còn được thấy ở khắp mọi nơi. Từ các quán đồ ăn tầu ăn nhanh (“Chinese fast foods”) cho đến nhà hàng Á châu lớn bé (Vietnamese, Chinese, Japanese, Korean restaurants), quán Hot dogs, Hamburgers, Pizzas, BBQ… đều có sẵn một chai Tương Ớt Con Gà bằng plastic to tổ bố với nút chai màu xanh lá cây quen thuộc nằm chình ình ngay giữa bàn.

Trong số báo tháng 12 năm 2009, báo (magazine) “Bon Appétit” đã phong cho “Tương Ớt Con Gà” là “tương ớt ngon nhất trong năm 2010” (The sauce Ingredient of the year 2010). Nhờ vậy “Tương Ớt Con Gà” xem như được quảng cáo miễn phí, bán chạy như tôm tươi.


Cuối năm 2012, vì sự đòi hỏi (demands) lên rất cao, Huy Fong phải dời nhà máy sản xuất tương ớt từ Rosemead khiêm nhường ra cơ sở sản xuất qui mô, rộng lớn hơn (650,000 square-foot) ở thành phố Irwindale (population 1422, nằm cạnh thành phố Los Angeles, thuộc quận Los Angeles Cailornia). Ở đây, từ năm 2012, Huy Fong bắt đầu sản xuất trên 20 triệu chai tương ớt mỗi năm (3000 chai mỗi giờ / 200 tấn tương mỗi tuần) với gần 100 triệu đô la thương vụ. Mức sản xuất và tiêu thụ cũng tiếp tục gia tăng độ 15-20% mỗi năm.


Không kể sự hợp khẩu của người Việt đối với tường ớt quen thuộc vẫn được dùng cho phở và các loại gỏi cuốn, tôm thịt nướng; hương thơm quyến rũ mùi tỏi và vị ngọt đậm đà của “Tương Ớt Con Gà” (với độ SHU chừng 2200 – cay tương đương với tương Tabasco) làm người Mỹ gốc La tinh vốn dĩ thích ăn cay và dân Mỹ ở miền Nam (American South) thích ăn gà chiên, BBQ thịt bò và BBQ sườn heo mê như điếu đổ.


Có vài thực khách ghiền Tương Ớt Con Gà quá khích còn lên Youtube lấy tiếng ngu, nốc biểu diễn một lúc cạn láng liên tiếp ba (03) chai Tương Ớt Con Gà trước máy camera cho bà con coi giải trí cuối tuần! OMG.

Xin mở cái “link” dưới đây để xem; nếu không tản thần không lấy tiền:

Xem video: The Sriracha challenge

Bây giờ dân Mỹ còn nhận ra là các loại tương ớt mà họ vẫn thích từ trước, tương Tabasco chẳng hạn, chỉ có thuần túy vị cay chứ không thể có cái hương vị đậm đậm đà (after taste) như “Tương Ớt Con Gà” của Xì thẩu David Tran.

Hôm nay, không những ở trên toàn quốc Hoa kỳ, chai “Tương Ớt Con Gà” còn có mặt ở cả ở Canada, Âu châu… Xì thẩu thú thật là Xì thẩu không biết rõ các chai tương ớt của Xì thẩu đã đi đến nơi nào? và được bày bán như thế nào? Lý do vì Xì thẩu chỉ giao tương ớt cho 10 nhà phân phối rồi để họ tùy ý họ phân phối lấy. Một điểm đặc biệt khác là Xì thầu vẫn còn dùng cách thương mại cổ điển rất nhà qué theo kiểu Tầu Chợ lớn đó là: Không dùng salesmen và hoàn toàn không bao giờ làm quảng cáo tương ớt.


Ba dòng thác tương ớt (Ớt Phở, Ớt Tỏi dầu và Ớt Sa tế Sambal Oelek) của xì thẩu hanh thông rất mạnh giỏi… hẩu leng, hẩu leng… Năm 2012 các công nghiệp tên tuổi như P.F. Chang (nhà hàng Tàu loại sang trọng, có 240 nhà hàng trên toàn quốc), Applebee’s (có trên 1900 nhà hàng trên toàn quốc), Jack-In-The-Box (2200 tiệm Hamburger trên 19 Tiểu bang), Lays Potatoes chips Company… đều có các sản phẩm hoặc thực đơn với Tương Ớt Con Gà của Xì thẩu.

Đến cuối tháng 10 năm 2013, hội đồng thành phố Irwindale bắt đầu có vẻ ganh tị về sự phát triển phi mã của “Tương Ớt Con Gà” và họ đã thảo một Thỉnh Nguyện Thư (“petition”) lên tiếng phản đối mùi cay của tương ớt bay tỏa trong phạm vi thành phố. Họ cho là mùi cay làm tổn thương đến sức khỏe của 1422 công dân (phần lớn đang thất nghiệp) của thành phố. Thỉnh nguyện thư về vấn đề hơi cay này được nộp cho tòa án Los Angeles. Tôi tạm thời dùng chữ “họ ganh tị” là vì cũng trong thành phố nhỏ bé này, chỉ cách có vài “blocks,” đã có nhà máy sản xuất Bia MillerCoors (Miller Brewing Company and Coors Brewing) to gấp 10 lần Huy Fong Foods Co, đã bắt đầu hoạt động từ năm 1980, sản xuất 10 triệu thùng bia (barrels - 1 barrel of beer có 15.5 gallons beer) mỗi năm; xả hơi bia nồng nặc vào không khí đã từ khuya, rất lâu trước khi “Tương Ớt Con Gà” mở xưởng sản xuất ở đây mà có ma nào trụ trì trong hội đồng thành phố lên tiếng phàn nàn cái quái gì đâu?


Cũng vào cuối tháng 10/2013, bác Chánh án Robert O’Brien của Tòa Thượng thẩm Los Angeles đồng ý với Hội đồng thành phố Irwindale, ra án lệnh dọa sẽ đóng của Huy Fong Foods sau một thời gian hạn định nếu Huy Fong Foods không khống chế được mùi cay trong không khí.

Voila! Từ tháng 4 năm 2014, Thống đốc Tiểu bang Texas Rick Perry và cả Nghị sĩ đảng Cộng Hòa Jason Villalba của thành phố Dallas tìm mọi cách liên lạc thẳng với Xì thẩu.


Ngày 5/12/2014 Thống đốc Perry đã chánh thức lên tiếng, qua truyền thông thương mại – báo Business Week, mời Xì thẩu dọn ngay hãng tương ớt Huy Fong về Texas càng sớm càng tốt; Thống đốc Rick Perry còn hứa sẽ cho miễn cả thuế má Tiểu bang cho Xì thẩu vì cái lợi trước mắt là Texas sẽ có sẵn tương ớt ngay bên cạnh nhà để ăn mệt nghỉ (đỡ phải tốn kém chuyên chở) và giúp Texas giải tỏa phần nào nạn thất nghiệp.

Không thể để trì hoãn lâu hơn, Thống đốc California Jerry Brown nhận thấy ngay mình đâu có ngu gì! Một tuần sau, ngày 5/19/2014, Jerry Brown phải bay vội xuống Nam California để ngăn chặn quyết định của tòa án Los Angeles cũng như bịt miệng mấy anh Hội viên tâm thần, đớ đẩn, vô công rỗi nghề thuộc Hội đồng thành phố Irwindale. Lệnh được Thống đốc Jerry Brown phát ra là:

- Tất cả hãy ngừng quấy nhiễu nhà máy tương ớt Huy Fong nhe mấy cha nội! Give them a break.

Thế là Tương Ớt Phở Việt Nam thắng lợi hoàn toàn trên hai mặt trận thương mại và tư pháp mà không phải bắn một phát súng nào (?) Tương Ớt Phở Việt Nam vô địch… Lãnh thổ kế tiếp mà Tương Ớt Phở Việt Nam sẽ chinh phục là Hoàng Trường Sa… (Nên biết Hoa Kỳ đã chinh phục thế giới rất ngoạn mục bằng Coca-Cola).

5- Lời cuối

Trước năm 1975, vào thời kỳ tôi còn theo học trường Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài gòn, trong giờ đầu tiên của môn “Nông học Đại cương,” ông Thầy tôi có hỏi tất cả chúng tôi câu hỏi là:

- “Tôi đố các em, trong ngành canh nông, trồng cây gì thì sẽ có lời cao nhất? Và dĩ nhiên sẽ giàu mau nhất?”

Tất cả các câu trả lời của đám học trò chúng tôi đều sai bét. Sau cùng, Thầy tôi ôn tồn trả lời là:

- “Trồng cây thuốc phiện là lời nhanh và cao nhất. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Canh nông còn có một khía cạnh khác rất quan trọng mà chúng ta phải quan tâm. Vấn đề đó tôi gọi là “xã hội canh nông.” Chúng ta không thể trồng, sản xuất một hoa mầu lấy lợi mà làm cho người tiêu thụ bị tổn thương… như đem đến cho người tiêu thụ bịnh ghiền ma túy chẳng hạn. Đây là một vấn đề xã hội mà tôi muốn nói…”


Xì thẩu David Tran với Tương Ớt Con Gà và Mr. Howard Schultz với Cà phê Starbucks dường như, ít hay nhiều, cũng đã trở thành giàu có nhanh chóng vì đem sản phẩm cay và đắng (có vấn đề “xã hội canh nông” ở đây không nhỉ?) của họ đến với quần chúng thế giới và làm cho họ phải nghiện (addicted, get hooked).

Nhưng mà nhờ trời, vị cay của ớt và vị đắng của cà phê dù sao cũng còn rẻ, vừa túi tiền và không đến nỗi nguy hiểm cho xã hội và sức khỏe như là thuốc phiện, thuốc lá, và rượu…

Vài “lời quê góp nhặt dông dài” ở bên trên chỉ có mục đích giúp vui cho quý vị vào cuối tuần. Người viết không hề dám múa rìu qua mắt thợ.

Thân mến.
Trần Văn Giang

No comments: