Một người đàn ông giàu có nọ say xỉn, bước đi lảo đảo và ngã gục bên ngoài biệt thự của mình. Nhân viên bảo vệ của ông ta thấy vậy liền đỡ chủ nhân và nói: "Thưa ông, để tôi đỡ ông về nhà."
Người đàn ông ngẩng đầu lên hỏi nhân viên bảo vệ: "Nhà?! Nhà tôi ở đâu? Anh có thể đưa tôi về nhà không?
Anh nhân viên tỏ ra khá bối rối và khó hiểu, chỉ về phía căn biệt thự và nói: "Đó không phải là nhà của ông sao?"
Người đàn ông giàu có chỉ vào ngực mình, sau đó đưa tay chỉ ra phía căn biệt thự hoành tráng, lạnh lùng trả lời: "Đó, đó không phải là nhà tôi, đó chỉ là chỗ ngủ của tôi."
Mẩu chuyện trên nói lên điều gì?
Nhà không phải là phòng ngủ, không phải là một không gian có bài trí tủ lạnh, ti vi, hay các loại vật chất khác.
Vật chất dư giả cố nhiên có thể đem đến cho chúng ta một chút khoái cảm về mặt cảm quan nhưng niềm vui đó sẽ biến mất trong nháy mắt.
Hãy thử nghĩ, trong không gia đó nếu chất đầy những bạo lực và chiến tranh lạnh, đồng sàng dị mộng, mạo hợp thần ly (bên ngoài thì tỏ vẻ hòa hợp nhưng trong tâm hồn thì không), đó là nhà hay chỉ là một bãi chiến trường đang ngập trong sự tranh đấu.
Ô tô chẳng qua cũng chỉ là vật bài trí của bi kịch trên bãi chiến trường của thời kỳ hiện đại hóa mà thôi. Chẳng thế mà có những người giàu có, đôi khi vẫn than thở: "Tôi nghèo đến mức chỉ có mỗi tiền!"
Thế nào là nhà? Nhà là một cái tổ mà ở đó có sự chung sức vun vén, xây dựng của cả hai vợ chồng, dệt lên mộng đẹp cũng như những dư vị cay đắng ngọt bùi của cuộc sống.
Nhà là nơi dùng ngôn ngữ của yêu thương chứ không dùng lý lẽ, nhà cần yên tĩnh chứ không thể ầm ĩ ồn ào, nhà cần sạch sẽ chứ không thể bẩn thỉu bừa bộn, nhà cần thành thật chứ không có chỗ cho sự giả dối;
Nhà cần có sự tự do, không thể cưỡng chế, nhà cần có sự rộng rãi, bao dung, không để bụng chuyện vặt vãnh; Nhà cần quan tâm, gần gũi, hiểu nhau, yêu thương và nhẫn nhịn. Nhà, phải hạnh phúc.
Nhà là một khái niệm đơn giản.
Theo các nhà xã hội học, nhà là tế bào nhỏ nhất của xã hội. Trong khi đó các nhà hôn nhân học thì nói rằng, nhà là thế giới của hai con người gắn bó, tương trợ vào nhau như gió với mưa.
Suy cho cùng, nhà là gì?
Nhà, cần có những người thân yêu, vợ và chồng, hoặc vợ, chồng và con dành cho nhau tình yêu. Nhà, cần có những tình cảm chân thực và đặc biệt.
Vợ chồng con cái cùng nắm tay nhau vượt qua mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, đó chính là nhà. Và cao hơn nữa, nhà sẽ thăng hoa thành một loại tín ngưỡng, một loại tôn giáo, một sức mạnh tinh thần.
Nhà là nơi tình yêu tụ hội. Cứ nhìn các gia đình trong thiên hạ, đều là vì tình yêu mà hội tụ, hết yêu mà ly tán, sẽ thấy kết luận trên chẳng sai chút nào.
Không có sự yên ấm từ cấp gia đình, sẽ không có xã hội yên ấm; không có sự bình an tự cấp gia đình, xã hội cũng sẽ không có cái gọi là trật tự, an ninh. Gia hòa vạn sự hưng là vì thế.
Làm thế nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa vợ và chồng?
Đây chính là một vấn đề mang tính cốt lõi nhất trong mỗi gia đình. Người xưa có câu: "Tu trăm năm mới được ngồi cùng thuyền, tu ngàn năm mới được ngủ cùng giường".
Vợ chồng là hai nửa quả cầu, "một nửa quả cầu chẳng thể lăn cho được, cần phải có nửa còn lại mới có thể lăn qua lăn lại, mới có thể phát huy được tác dụng căn bản nhất."
Tương ái một đời, tranh luận một đời, nhẫn nại một đời, đó chính là vợ chồng.
Vậy thì, giữa vợ và chồng, ăn ở thế nào mới có thể duy trì một mái nhà thực sự? Câu trả lời nằm trong từng việc cụ thể: Hiểu, tin, tôn trọng và bao dung.
Từng việc này cần được xử lý mềm mại, khéo léo, giống như chúng ta nắm trong tay mộ nắm cát vậy, nắm nhè nhẹ, cát sẽ không bị rơi. Còn nắm càng chặt, bạn sẽ chẳng còn lại là bao.
Hôn nhân giống như việc hãm trà vậy, mẻ nước đầu tiên tượng trưng cho giai đoạn yêu đương, nồng nhiệt, đậm đà; Mẻ nước thứ hai tượng trưng cho tân hôn, vẫn còn thơm phức.
Nhưng đến mẻ thứ ba, nước đã nhạt như không và đó chính là thời điểm hôn nhân vừa bước qua tuần trăng mật.
Phải dùng một trái tim hết sức bình thường để thưởng thức, mới có thể cảm nhận được sự thú vị trong đó. Nếu kỳ vọng quá cao, mong đợi quá nhiều, e là khó được thỏa mãn.
Hiện nay, không ít người trẻ tuổi không hiểu hết hôn nhân, dẫn tới hiện tượng "quá độ" từ trạng thái yêu đương sang kết hôn quá sớm và kết hôn rồi mới quay lại coi hôn nhân là tình yêu.
Tình yêu không bao gồm hôn nhân nhưng hôn nhân thì rõ ràng trong đó phải có tình yêu. Hôn nhân có thể từng bước trưởng thành trong gập ghềnh trắc trở nhưng tình yêu thì không.
Hôn nhân là khi vợ chồng cãi nhau, ra khỏi nhà nhưng khi trở về sẽ tiện ôm cả bó rau về nấu nướng.
Rất nhiều người không kết hôn, không phải vì họ cho rằng kết hôn không quan trọng mà vì quá quan trọng. Hôn nhân là hồi kết của tuổi thanh xuân, là sự khởi đầu của đời người.
Áp đặt phương thức của tình yêu lên hôn nhân, chẳng ai là không thất bại. Hãy coi hôn nhân là cơm ăn hằng ngày còn tình yêu chỉ là chút điểm tâm, như thế, hôn nhân mới bền vững.
Đời người chính là một quá trình tìm kiểu tình yêu, niềm vui và hạnh phúc. Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng sẽ phải tìm thấy 4 người: Bản thân, người mà ta yêu nhất, người yêu ta nhất và người cùng ta sống cả một đời.
Theo: Trí Thức Trẻ
No comments:
Post a Comment