Friday, November 30, 2018

MÙA THU NƯỚC ÚC

Không ngờ mùa thu tại xứ sở Kangaroo lại đẹp như chốn thần tiên thế này

Mùa thu chính là một trong những mùa đẹp nhất trong năm. Và ở xứ sở Kangaroo cũng vậy, đây chính là thời điểm để thiên nhiên ở Úc phô bày trọn vẹn vẻ đẹp của mình. Một chuyến du lịch Úc vào mùa thu hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm hấp dẫn.


Công viên cây Golden Valley, Balingup, WA

Golden Valley Tree Park là vườn ươm lớn nhất ở WA, trải rộng trên diện tích 60 hecta. Công viên mở cửa hàng ngày và được quản lý bởi Bộ Môi trường và Bảo tồn, và nó được thiết lập để được chính thức phân loại như một khu bảo tồn. Công viên có đến hơn 3000 cây, từ hơn 1000 loài, một số trong đó được trồng từ một trăm năm trước đây.Vào mùa thu, du khách đến công viên có thể tận hưởng chuyến đi bộ dưới những tán cây màu cam tuyệt đẹp.

Vườn tưởng niệm Alfred Nicholas, Sherbrooke, VIC

Một trong những khu vườn nổi tiếng nhất ở Úc, Alfred Nicholas Memorial Gardens được du khách khắp thế giới ca tụng vì cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Vào mùa xuân, khu vườn trở nên sống động với cây anh đào và đỗ quyên, nhưng vào mùa thu là những chiếc lá màu đỏ và màu cam tươi sáng khiến khung cảnh càng trở nên lãng mạn hơn.

Moidart, Bowral, NSW

Bowral nói chung là một nơi tuyệt vời để ngắm mùa thay lá, nhưng Moidart còn nổi bật là một trong những khu vườn đẹp nhất trong khu vực. Những giống cây quý hiếm càng trở nên tuyệt vời hơn vào mùa thu, và du khách sẽ được ngắm một số cây ở đây chưa từng có ở bất cứ nơi nào khác.

Công viên quốc gia Mount Field, TAS

Công viên quốc gia Mount Field là một trong những công viên lớn nhất ở Tasmania và cung cấp nhiều loại thực vật quý hiếm cũng như nhiều động vật hoang dã. Nếu bạn may mắn, bạn thậm chí có thể thấy một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Công viên cũng là nơi có Thác Russell tuyệt đẹp, được trưng bày trên con tem đầu tiên của Úc, cũng như một số cây cao nhất thế giới và một khu rừng dương xỉ khổng lồ. Mùa thu là thời gian tốt nhất để ngắm nhìn thiên nhiên nơi đây với đủ các màu sắc rực rỡ nhất.

Cao nguyên Alpine, VIC

Cao nguyên Alpine của Victoria rất nổi tiếng về mùa thu đến nỗi thậm chí còn có một lễ hội cho nó. Lễ hội mùa thu sáng kéo dài hơn 10 ngày và kết thúc bằng một cuộc diễu hành lớn cùng một Gala cuối tuần trên đường phố.

Vườn thực vật Mount Lofty, Adelaide Hills, SA

Một trong những nơi tốt nhất ở Nam Úc để ngắm nhìn những tán cây đang mùa thay lá, Mount Lofty có một hình ảnh rừng cây vàng rực vô cùng ngoạn mục trên diện tích 97 hecta của nó. Có rất nhiều con đường mòn trong công viên, và mỗi thứ 5 đều có các chuyến đi bộ có hướng dẫn miễn phí. Bạn có thể khám phá Lakeside Trail, tham gia Main Lake của khu vườn và tám tác phẩm nghệ thuật theo chủ đề của hoặc đi bộ qua Valley View.

Heathcote, VIC

Nằm giữa rất nhiều các điểm đầy cây khác ở Heathcote, Liquidambers thực sự là một nơi hoàn hảo để ngắm mùa thay lá khi vườn cây xanh mướt đã biến thành màu da cam rực rỡ trong những tháng mùa thu. Dọc theo thung lũng này du khách sẽ thấy Heathcote có rất nhiều các kỳ quan thiên nhiên. Ngoài ra còn có Khu bảo tồn Vách đá Hồng, Hòn đá Xem, Hang Quỷ và Hang McIvor nguyên sơ.

Cloudehill, Olinda, VIC

Khu vườn mùa thu của Cloudehill tối đa hóa những màu sắc rực rỡ của lá, của hoa trong ánh hoàng hôn. Vào mùa thu, Cloudehill càng khiến du khách kinh ngạc hơn trước vẻ đẹp lộng lẫy của khu vườn với muôn giống cây lạ và những bức tượng điêu khắc đẹp tuyệt vời.

Theo Hàn Ly (Dân Việt)


ÁNH SÁNG CỦA CON CÓ THỂ TẮT

Một học trò Tông Thiên Thai, một tông phái triết lý Phật giáo, đến thiền viện của Gasan học thiền. Vài năm sau cậu ra đi, Gasan cảnh báo cậu: “Học về sự thật bằng phỏng đoán thì lợi ích cũng chỉ như lượm lặt tài liệu giảng huấn. Nhưng nhớ rằng nếu con không thiền quán thường trực, ánh sáng chân lý của con có thể tắt.


Bình:

• Gasan Jōseki (峨山 韶碩 1275–23.11.1366) là thiền sư dòng Tào Động Nhật Bản, mà ta đã nhắc đến trong bài Không xa Phật vị.

• Đây là cảnh báo về cách học triết lý lệ thuộc nặng nề vào lý luận và suy tư của Thiên Thai Tông. Trong bài Cỏ cây giác ngộ như thế nào chúng ta đã nói đến sự vô ích của các câu hỏi triết lý rắc rối của học trò Thiên Thai.

• Khác biệt giữa “suy nghĩ” và “thiền quán”: Suy nghĩ hay suy tư là “nghĩ”. Thiền quán là chỉ “nhìn” (quán), nhìn sự vật như nó là (seeing thing as it is) mà chẳng “nghĩ” gì cả. Khác biệt về tính danh này đưa đến các khác biệt sau:

1. Khác biệt đầu tiên là tĩnh lặng về cảm xúc. Chúng ta có thể suy nghĩ với đủ loại cảm xúc trong đầu, nhưng thiền quán thì tâm ta phải rất tĩnh lặng,

Ví dụ: Suy nghĩ về cách trả đũa anh chàng chó chết mới chửi mình hồi chiều, vừa suy nghĩ vừa sôi máu. Nếu ta thiền quán về anh chàng này, thì tâm ta phải rất tĩnh lặng, không hờn giận không một gơn sóng, khi ta “nhìn” (quán) anh chàng.

2. Khác biệt thứ hai là tĩnh lặng về tư tưởng. Suy nghĩ thì có câu hỏi, và chạy theo dòng lý luận để tìm câu trả lời; thiền quán thì chỉ “nhìn” thôi, rồi cái gì nó đến thì đến, nó không đến thì không đến, chẳng chạy theo cái gì, nhắm vào câu trả lời nào cả.

Ví dụ: Suy nghĩ “Có thượng đế không?” À, có cái bàn là có ông thợ mộc. Có quả là có nhân. Có vũ trụ phải có người làm ra vũ trụ,. Vậy phải có thượng đế. Có thượng đế thì phải có người sỉnh ra thượng đế. Ai vậy?…

“Thiền quán” thì chỉ “nhìn.” Muốn quán cũ trụ thì cứ nhìn các tinh tú, không gian, các thiên hà, các giới hạn (hay không giới hạn) của vũ trụ… đến các phân tử, nguyên tử li ti của vật thể… rồi chân lý nào đến với mình thì đến, không thì thôi, chẳng đeo đuổi theo ý gì trong đầu cả…


3. Khác biệt thứ ba là sự tập trung và tự do của tâm trí. Đây chỉ là hệ quả của khác biệt thứ nhất và thứ hai bên trên. Khi “suy nghĩ” ta có cả hàng trăm tư tưởng, cảm xúc, lý luận, kết luận, phán đoán chạy tới chạy lui. “Thiền quán” thì ta chẳng có gì trong đầu cả, ngoài trừ một “hình ảnh” của cái mà mình đang quán, như nó là (as it is), mà chẳng có lý luận, phán đoán, kết luận nào cả.

Vi dụ: Suy nghĩ về chuyện cãi nhau hồi chiều với người bạn thân (hay vợ, hay chồng mình), ta có thể suy nghĩ: Cô ấy nói câu này, nói như vậy là rõ ràng làm mình đau, tại sao cô ấy làm mình đau, vì cô ấy ghen tị với mình, cô ấy đang cạnh tranh ảnh hưởng với mình, bởi vậy câu nói của mình với boss bị cô ấy cố tình bẻ méo nghĩa của nó….

Nếu thiền quán về chuyện cãi nhau này thì tâm mình thật tĩnh lặng, không sóng giận, cũng chẳng suy nghĩ gì, chỉ “nhìn” hình ảnh cãi nhau hồi chiều… và thấy… khuôn mặt cô ấy thật buồn vời vợi khi nói với mình câu này… và mình đã không thấy được các nét ấy lúc đó, và mình đã vội vã thọc cho cô ấy một quả đấm ngôn ngữ kinh hồn… và cô ấy đã nhìn mình với khuôn mặt vừa kinh ngạc vừa buồn vô tận… và lặng lẽ ra ngoài… và mình đã cho là cô ấy khinh thường mình… và mình đã chửi ngóng theo một câu cuối…

Điểm quan trọng ở đây là khi suy tưởng các vấn đề trừu tượng, chúng ta thường theo một trường phái lý luận triết lý nào đó, ví dụ: triết lý hiện sinh, hay duy vật biện chứng pháp, hay Plato, hay Decartes, hay Thiên Thai Tông, hay Trung Quán Luận, hay cynicism… cho nên tư duy thường rất phiến diện, vì bị gò bó trong khung lý luận của trường phái ta đang dùng. (Chính vì vậy mà các triết gia hay cãi nhau, ông nói gà bà nói vit). Khi “quán” ta chỉ “nhìn sự vật như nó là” cho nên ta chẳng theo trường phái nào cả. Cứ nhìn thôi. Vì vậy tâm trí ta thực sự tự do và độc lập, và cái nhìn rõ ràng hơn rất nhiều.

4. Khác biệt thứ tư là kết luận. Đây là hệ quả đương nhiên của ba khác biệt trên: Suy nghĩ chấm dứt bằng một kết luận của suy tưởng lý luận, thường theo công thức của luận lý học.

Quán chấm dứt khi nào mình biết là mình đã nhìn thấy toàn thể, thông suốt hoàn toàn, điều mình nhìn, từ trong ra ngoài, ngoài vào trong, từ mọi hướng nhìn.

Ví dụ: Suy nghĩ về một tên trộm: Hắn vào nhà, lấy cái nhẫn hột xoàn bỏ túi, toàn vụ việc bị thâu vào hệ thống quan sát điện tử. Kết luận: Vậy hắn là tên trộm.


Quán về người này thì nhìn hắn, nhìn hình ảnh hắn lấy hột xoàn, nhìn thái độ đầu hàng dịu dàng của hắn khi bị bắt, nhìn khuôn mặt buồn rười rượi tuyệt vọng của hắn, dáng đi thểu não của hắn…

Trước khi “quán” thì tâm ta phải “định” (samadhi), tức là đứng yên. Nếu tâm còn nhảy choi choi thì không thể quán được. Vì vậy người ta thường phải dùng “thiền chỉ” (samatha), ví dụ tập trung vào hơi thở để định tâm trước, khi đã “định” được rồi, muốn quán (vipassana) gì thì “quán” (và trong khi quán, tâm mình vẫn “định”).

Trần Đình Hoành dịch và bình

LITHUANIA: NGỌN ĐỒI THÁNH GIÁ VÀ BIỂU TƯỢNG NIỀM TIN

Nằm cách thành phố Siauliai ở miền bắc Lithuania khoảng 11km có một gò đất uốn cong chịu sức nặng của hàng ngàn cây thánh giá.


Khi gió thổi qua những cánh đồng của Hạt Siaulai thôn dã, những chuỗi hạt lộng lẫy đập leng keng vào những cây thánh giá bằng kim loại và bằng gỗ, khiến không gian vang động những tiếng hợp âm ma quái.

Không rõ nguồn gốc

Được mọi người gọi là Ngọn đồi Thánh giá, lịch sử gò đất này là một câu chuyện phức tạp của các cuộc chiến tranh và những phong trào nổi dậy.


Bao quanh ngọn đồi là các truyền thuyết cổ xưa, những câu chuyện bí ẩn và những lời kể về ma ám. Nguồn gốc chính xác của gò đất vẫn còn là một bí ẩn cho đến ngày nay.

"Ngọn đồi này có rất nhiều bí ẩn," Vilius Puronas, một nghệ sĩ và một sử gia ở địa phương, nói.

"Theo truyền thuyết dân gian, ở chỗ ngọn đồi này ngày xưa đã từng có một nhà thờ. Trong một cơn bão khủng khiếp, sét đánh trúng nhà thờ và cơn bão chôn vùi nhà thờ dưới cát đá với tất cả mọi người bên trong. Người dân địa phương nói rằng chúng ta có thể nhìn thấy một đoàn diễu hành của những hồn ma các linh mục ở chân ngọn đồi vào lúc Mặt trời mọc. Trải qua bao nhiêu năm, những sự xuất hiện bí ẩn, những hình ảnh các vị thánh và những lần bắt gặp hồn ma đã là một phần lịch sử của ngọn đồi."


Một truyền thuyết khác kể rằng vào đầu những năm 1300, ngọn đồi này là nơi có một tòa lâu đài gỗ, là nơi trú ngụ của những vị bá tước theo tà giáo ở Samogitia vốn từng là một bang trong Đại Công quốc Lithuania.

Vào năm 1348, tòa lâu đài bị phá hủy theo lệnh của Hội Huynh đệ Cầm gươm - tức các vị tu sĩ-chiến binh được giao nhiệm vụ phải cải đạo Livonia (vùng đất giờ đây là Latvia và Estonia) sang Thiên chúa giáo.


Nhiều người tin rằng những người sống sót sau trận chiến ở Samogitia đã chất thi thể của những đồng đội ngã xuống của mình thành đống và chôn cất họ, do đó tạo thành gò đất. Cũng giống như hồn ma của các linh mục, oan hồn của những chiến binh Samogitia đã ngã xuống được cho rằng vẫn còn ám ngọn đồi này mỗi lúc đêm xuống.

Tuy nhiên, câu chuyện nổi tiếng nhất về sự ra đời của ngọn đồi là câu chuyện về một người cha tuyệt vọng có con gái đột ngột lâm bệnh nặng.

Khi người con gái đang nằm trên giường bệnh chờ chết, người cha đã nhìn thấy hiện lên hình ảnh một người phụ nữ nói với ông nên làm một cây thánh giá bằng gỗ và đặt nó trên ngọn đồi gần đó. Nếu ông làm đúng như vậy thì con gái của ông sẽ bình phục.


Vào buổi sáng, người cha tuyệt vọng đã vội vã đục đẽo một cây thánh giá gỗ và đem đến ngọn đồi. Khi ông trở về nhà, ông nhìn thấy con gái đứng đợi ông ở cửa, hoàn toàn khỏe mạnh như thường. Kể từ đó, mọi người đã đặt thánh giá trên ngọn đồi với hy vọng lời cầu nguyện của họ sẽ được đáp ứng.

Chứng nhân của sự kháng cự

Tuy nhiên không phải cây thánh giá nào cũng được cắm xuống bởi một tín đồ lạc quan. 

Một số cây thánh giá là chứng nhân của những cuộc nổi loạn âm thầm.


Sau khi vượt qua được những cuộc bao vây thời Trung cổ của quân Thập tự chinh Đức và những cuộc nổi dậy vào thế kỷ 19 của người dân Lithuanian chống lại Sa hoàng Alexander Đệ nhị, Ngọn đồi Thánh giá phải đối mặt với đe dọa nghiêm trọng nhất: Liên bang Xô-viết.

Trong nỗ lực triệt tiêu Thiên chúa giáo ở trong khối Đông Âu, chính quyền Xô viết đã tìm cách san bằng ngọn đồi trong nhiều lần vào những năm 1960 và 70: họ đưa xe đến ủi, đốt các thánh giá bằng gỗ và dọn dẹp các thánh giá bằng kim loại và bằng đá làm sắt vụn hay để dùng trong xây dựng. Những ai đem thêm thánh giá đến ngọn đồi sẽ bị phạt và bị bỏ tù.


Tuy nhiên, những cây thánh giá trên ngọn đồi vẫn cứ tiếp tục nhân lên. Chúng được đưa đến vào ban đêm như là một hành động kháng cự lại sự đàn áp tôn giáo. Giờ đây, đã hơn một phần tư thế kỷ kể từ khi Liên Xô sụp đổ, những cây thánh giá vẫn còn đứng đó.


Kể từ đó, địa điểm này đã trở thành nơi thu hút người hành hương của mọi tôn giáo - các thánh giá Thiên chúa giáo đứng cạnh những bảng khắc chữ Do Thái và những lời dạy của Kinh Koran.

"Ngọn đồi Thánh giá không thuộc về bất cứ ai mà thuộc về tất cả mọi người," ông Puronas nói. "Cả Giáo hội lẫn chính phủ đều không sở hữu nó và người dân đưa thánh giá đến đây không phải vì họ được bảo làm như vậy mà họ cảm thấy muốn làm như vậy."


Ngọn đồi Thánh giá, được chính quyền Siauliai và các tu sĩ dòng Francis ở địa phương chăm sóc gìn giữ ở mức tối thiểu, giờ đây có đến hơn 100.000 cây thánh giá và các biểu tượng tôn giáo khác - và con số này vẫn đang tăng lên từng ngày.


"Đối với một số người, Ngọn đồi Thánh giá là nơi để suy ngẫm và cầu nguyện. Còn đối với những người khác, nó tượng trưng cho sự kiên cường và sự kháng cự trong những thời kỳ đen tối. Và đối với một số người khác nữa thì nó là một hiện tượng lạ thường trong cái buồn tẻ của cuộc sống hàng ngày. Ai cũng đúng cả," Puronas nói.

Egle Gerulaityte
BBC Capital
Link tiếng Anh:

TRẢ NỢ CUỘC ĐỜI

Mỗi sáng thức dậy, tôi đều xác định rằng: “Mình có thêm một ngày mới để tiếp tục đi trả nợ cuộc đời”. Tôi nợ đời nhiều lắm: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy…”, nợ người thân, nợ tình cảm từ tất cả xung quanh (tình thương là tình cảm, mà tình ghét cũng là tình cảm). Tôi sợ mắc nợ nhưng khổ một nỗi là: đã sinh ra ở cõi đời này thì bất cứ con người nào cũng đều phải bị mắc nợ cả rồi. Ông trời công bằng lắm. Dù là bất cứ ai thì mỗi chúng ta cũng đều được sinh ra một lần và chết đi cũng chỉ một lần. Sinh ra để thưởng thức cuộc đời này một lần duy nhất và chết đi để không ai phải chịu đau đớn mãi mãi.


Càng sống, càng hiểu đời, ta sẽ càng thấy xót thương cho thân phận con người nhiều hơn. Đời còn dài nên đừng vội phán xét người khác. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều sẽ phạm phải sai lầm, bởi thế đừng bao giờ phủ định sạch trơn một con người nào đó. Nếu coi thường người khác mà sau này ta vấp ngã thì họ sẽ chế giễu lại ta mà thôi.

Khi mọi chuyện đã trở nên bế tắc nếu ta thấy được điểm tựa tinh thần thì ta sẽ bám chặt và bấu víu dữ dội lắm. Cảm giác bên trong con người mới quan trọng. Bình an, hạnh phúc, đau khổ…, tất cả đều là ở bên trong. Đỉnh điểm của sự sung sướng là khoái cảm, mà khoái cảm là cảm giác bên trong chứ không phải cười ầm ĩ ra bên ngoài. Không có mùa xuân nào đẹp bằng mùa xuân trong tâm hồn của mỗi người. Khi bị tổn thương thì bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều đau khổ. Đừng cố tình làm tổn thương người khác. Vì khi làm tổn thương người khác rồi ta sẽ hối hận, điều đó đồng nghĩa với việc ta đang làm tổn thương chính ta.

Có những cú sốc ám ảnh khiến tôi không tin vào bất cứ ai trong cuộc đời này nữa, nhưng tôi biết rằng nguy hiểm nhất là khi tôi không tin vào chính mình.

Nguyễn Hữu Hiếu

Thursday, November 29, 2018

ĐẶC SẢN HUẾ QUA THƠ LỤC BÁT


Nhà thơ Võ Quê từ Huế đã cho xuất bản tập thơ Hoa & phong vị Huế. Anh muốn “lục bát hóa” các món quà đặc sản Huế để mọi người dễ nhớ. Thơ ở đây không chỉ thể hiện cảm xúc mà còn làm công việc truyền bá hay quảng cáo cho xứ Huế của anh. Dưới đây là một số bài lục bát giới thiệu các món đặc sản Huế của Võ Quê:

Tôm chua

Nguyên là đặc sản miền trong
Theo bà Từ Dũ ra cùng Hương Giang
Tôm hồng, ớt đỏ, riềng vàng...
Vị chua thấm lưỡi nhớ hàng thịt phay



Cơm hến

Đã nghe ớt đỏ cay nồng
Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành...
Mời anh buổi sáng chân thành món quê



Bánh phu thê

Lá dừa ôm bột lọc trong
Ngọt ngào thơm nhụy đậu xanh ửng vàng
Phu thê vui chuyện xóm làng
Mừng nhau tác hợp thiếp chàng hòa duyên



Bánh nậm

Mảnh mai xanh sắc lá dong
Mềm mại bánh nậm ấm trong tay người
Nhụy hồng bột trắng tươi mươi
Xuýt xoa nước mắm ngọt lời tỉ tê



Bánh ướt thịt nướng Kim Long

Kim Long tỏa khói chiều thơm
Thịt em nướng đã ướp hương đậm đà
Bánh ướt dẻo trắng mượt mà
Đón mừng thực khách gần xa lót lòng



Bún thịt nướng Kim Long

Thịt thơm bún trắng rau tươi
Nước mắm ớt tỏi em mời anh chan
Kim Long vườn cũ nắng tràn
Mời nhau “chút Huế” duyên càng đượm duyên



Bánh canh cá lóc Thủy Dương

Bánh canh cá lóc Thủy Dương
Đang thành đặc sản phố phường Huế thơ
Sáng trưa chiều tối đêm khuya
Trẻ già trai gái tìm mê vị nhà



Bánh khoái cá kình

Cá kình vừa béo vừa ngon
Em đổ bánh khoái xương dòn thịt thơm
Vừa ăn vừa nhấp rượu Chuồn
Món quê dân dã tiếng đồn gần xa



Bánh bèo

Tôm chấy hồng thắm cánh bèo
Dẻo thơm bột gạo quê nghèo nên thương
Hẹn em ngồi quán ven đường
Bánh bèo kết mối tơ duyên đôi lòng



Bánh bột lọc


Bột trong bọc thịt tôm hồng
Lá xanh em gói ươm nồng hương yêu
Bánh ngon nước mắm cay nhiều
Mời anh bữa lỡ ban chiều cùng em



Bánh ướt thịt nướng

Kim Long tỏa khói chiều thơm
Thịt em nướng đã ướp hương đậm đà
Bánh ướt dẻo trắng mượt mà
Đón mừng thực khách gần xa lót lòng.



Bánh ram bánh ít

Mời em ăn ngậm mà nghe
Bánh ram dòn dụm đắm mê vị nhà
Bánh ít mềm dịu tình ta
Ít ram khăng khít đôi ta chung lòng.



Kẹo Mè xững

Thơm tho mềm dẻo ngọt ngào
Mè vàng bột nhuyễn ôi chao! Tuyệt vời!
Món quà xứ Huế em ơi
Kẹo ngon mè xững tặng người tình chung.



Chả Huế

Mời anh thử miếng chả này
Nâng ly hào sảng hương say tận lòng
Cung đình chả phượng nem công
Đôi ta nem chả vốn dòng dân gian



Nem Huế

Mời em khai vị món nem
Em nem anh chả tình thêm mặn mà
Nem thơm, chua, ngọt đậm đà
Nhờ ai quết nhuyễn thịt thà đêm đêm



Tré Huế

Tai heo, riềng, thính, tỏi, mè...
Các nguyên liệu chính mới nghe đã thèm
Gói trong lá ổi tươi nguyên
Tré cùng nem chả ông ghiền, bà mê



Bánh khoái

Bột tôm thịt trứng ửng vàng
Cùng chung khuôn bánh thơm tràn phố đông
Nước lèo rau sống tỏi nồng
Càng ăn càng khoái càng… không muốn về



Chè hạt sen

Hạt sen vừa bổ vừa thanh
Tan trên đầu lưỡi ngọt lành hương xưa
Chè sen mời gọi người thơ
Mát lòng du khách ngẩn ngơ bạn tình



Chè bột lọc bọc thịt quay

Ngọt ngào bùi béo tìm nhau
Thịt quay nằm giữa trắng phau bột mềm
Quen nhau tình đã nên duyên
Chè ngon xứ Huế ngỡ quên đường về



Chè đậu ngự

Thức ngon xưa tiến quân vương
Tinh hoa trời đất đượm hương kinh thành
Chè đậu ngự mát và thanh
Đêm, dâng chén ngọc an lành châu thân



Bánh canh Nam Phổ

Nhờ em dáo bột tài ba
Bánh canh Nam Phổ nhà nhà đều ưa
Nhụy tôm hồng thắm màu xưa
Tiếng rao thánh thót bài thơ Ưng Bình (*)

----------------------------------------------
(*) Ưng Bình có bài thơ về Bánh canh Nam Phổ:


Mời chị mời anh chén bánh canh Nam Phổ
Xơi vô bổ khỏe, có chất bổ có mùi hương
Lại thêm mát mẻ can trường
Sâm Cao Ly cũng sút, rượu Quỳnh tương cũng không bì.

Tác giả bài viết: Võ Quê 
Nguồn tin: nguyentrongtao.info

DỄ VÀ KHÓ



  • Dễ là khi bạn có một chỗ trong sổ địa chỉ của một người, nhưng khó là khi bạn tìm được một chỗ trong trái tim của người đó.

  • Dễ là khi đánh giá lỗi lầm của người khác, nhưng khó là khi nhận ra sai lầm của chính mình.

  • Dễ là khi nói mà không suy nghĩ, nhưng khó là khi biết kiểm soát những lời nói của mình.

  • Dễ là khi làm tổn thương một người mà bạn yêu thương, nhưng khó là khi hàn gắn vết thương đó.

  • Dễ là khi tha thứ cho người khác, nhưng khó là khi làm cho người khác tha thứ cho mình.

  • Dễ là khi đặt ra các nguyên tắc, nhưng khó là khi làm theo chúng.

  • Dễ là khi nằm mơ hàng đêm, nhưng khó là khi chiến đấu vì một ước mơ.

  • Dễ là khi thể hiện chiến thắng, nhưng khó là khi nhìn nhận một thất bại.

  • Dễ là khi vấp phải một hòn đá và ngã, nhưng khó là khi đứng dậy và đi tiếp.

  • Dễ là khi hứa một điều với ai đó, nhưng khó là khi hoàn thành lời hứa đó.

  • Dễ là khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu thương, nhưng khó là khi làm cho người khác cảm thấy như thế hàng ngày.

  • Dễ là khi phê bình người khác, nhưng khó là khi cải thiện chính bản thân mình.

  • Dễ là khi để xảy ra sai lầm, nhưng khó là khi học từ những sai lầm đó.

  • Dễ là khi buồn bực vì một điều gì đó mất đi, nhưng khó là khi quan tâm đủ đến điều đó để đừng làm mất.

  • Dễ là khi nghĩ về một việc, nhưng khó là khi ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động.

  • Dễ là khi nghĩ xấu về người khác, nhưng khó là khi cho họ niềm tin.

  • Dễ là khi nhận, nhưng khó là khi cho.

  • Dễ là khi đọc những điều này, nhưng khó là khi bạn thực hiện nó.

  • Nếu cơ hội mãi không gõ cửa, bạn phải xem mình đã xây một cánh cửa chưa đã. ....
(Sưu tầm trên mạng)

KHI SỰ VÔ MINH ĐỘI LỐT TỪ BI

Việc phóng sinh của rất nhiều người Việt Nam ngày nay là một sự tận cùng của độc ác và ngu muội.


Tệ nạn phóng sinh

Đối với Phật giáo, “phóng sinh” là một hành động tốt đẹp xuất phát từ lòng từ bi của người Phật tử trước cái chết của một con vật vô tội nên phát tâm cứu giúp. Tuy nhiên, phóng sinh chỉ có ý nghĩa tốt đẹp khi:

– Người và vật gặp nạn có duyên gặp nhau ngẫu nhiên, không phải do sắp đặt trước.

– Người phóng sinh dốc hết tiền bạc của cải mình có trong người lúc đó chuộc lại mạng sống của con vật gặp nạn.

– Người phóng sinh mang thả con vật bị nạn ở nơi thích hợp đảm bảo con vật được an toàn.

– Người phóng sinh không hề có ước nguyện cá nhân đi kèm với việc phóng sinh.


Nếu so sánh những điều nói trên với hành động “phóng sinh” mà người Việt Nam hiện nay đang làm vào các dịp rằm lớn hoặc lễ Tết, ta sẽ hiểu được tại sao việc phóng sinh ngày nay là một sự tận cùng của độc ác và ngu muội.

1. Chim sống tự do đang ở trên trởi bị đánh bẫy hàng loạt bắt nhốt vào lồng rồi đem bán trước các cổng chùa để mua về thả. Hơn nửa số chim chết trước khi bay ra được khỏi lồng.

2. Cá chép vàng là loại cá kiểng vốn được sinh ra và lớn lên trong môi trường nhân tạo, không thích hợp với môi trường tự nhiên lại bị ô nhiễm quá nhiều của nước ta hiện nay. Đem thả cá ấy vào sông thì chúng sống thế nào?

3. Người phóng sinh bỏ ra vài chục hoặc vài trăm bạc mua chim mua cá phóng sinh, một cái giá rẻ bèo cho những sinh mạng.

4. Chim cá thả ra đều bị ngộp và đuối, không còn sức để bơi hoặc bay. Phần bị chích điện bắt lại, phần bị chó mèo tha, mười phần chết hơn chín.

5. Nhiều người ngu xuẩn đến mức ném cả bịch cá chưa tháo dây cột xuống sông hoặc đổ thùng cá từ trên cao xuống với lực rất mạnh vốn dĩ là để cho xong việc rồi về. Có người tương luôn cả tàn nhang và tro vàng mã xuống cùng. Thử hỏi cá nào sống nổi? Đó là chưa kể việc thả luôn bao nylon xuống sông gây ô nhiễm môi trường.


6. Có một hòa thượng khá nổi tiếng thả hàng chục ngàn con cá chim trắng, loài cá ăn thịt ngoại lai gây hại xuống sông dưới danh nghĩa phóng sinh. Tôi nghĩ nếu xét theo quan điểm khoa học, đây là một điều sai lầm vì sinh vật ngoại lai không rõ nguồn gốc và tập tính sinh hoạt sẽ cạnh tranh nguồn thức ăn thậm chí tiêu diệt các loài sinh vật bản địa.

7. Hầu hết những kẻ phóng sinh đều làm qua loa và khi phóng sinh đều với mục đích ước nguyện trần tục của mình thành hiện thưc, hoàn toàn không có lòng từ bi.

Nếu hiểu về Phật giáo một cách đúng đắn, một sinh mạng dù lớn hay nhỏ đều có giá trị ngang nhau. Phật giáo nguyên thủy không cấm ăn mặn nhưng nghiêm cấm ăn các loài cá nhỏ hoặc trai sò ốc hến vì nếu một con bò hoặc một con cừu bị làm thịt, thịt của nó có thể làm cứu sống hàng chục người, nhưng một người ăn hàng chục con trai sò vẫn còn chưa thấy no. Hai sự ăn thịt hoàn toàn khác nhau. Một đằng là đổi một mạng nuôi nhiều mạng, một đằng là hi sinh rất nhiều mạng để thỏa mãn dục vọng của một mạng.

Cái trò phóng sinh bây giờ xét ra còn kinh tởm và đáng nguyền rủa hơn việc ăn những con vật nhỏ để thỏa mãn cái thói thèm ăn của con người vì nó núp bóng từ bi và Phật pháp. Rõ ràng kẻ phóng sinh không hề quan tâm đến việc sống chết của con vật mình thả mà chỉ trục lợi từ nó. Họ không hề nghĩ tới con chim sẻ gãy cánh bị xe cán hoặc mèo tha hay những con cá chép chết dần chết mòn vì thiếu oxy trong những bọc nylon cột chặt ném xuống nước.


Bạn nào trong friend list của tôi mà vẫn còn phóng sinh kiểu sát sinh như thế này, sau khi đọc xong status này, một là bỏ việc làm vô nghĩa và vô nhân đạo này, hoặc là unfriend tôi. Tôi không làm bạn với những kẻ giả nhân giả nghĩa.

Theo: Mo Lang