Chùa Huê Nghiêm tại thị trấn Thủ Đức – Ảnh: Internet
Người bạn lớn tuổi trước đây từng sống ở làng Linh Chiểu, Thủ Ðức của tôi rất rành về ngôi chùa này, hơn nữa ông từng là Phật tử tại Huê Nghiêm cổ tự nhiều năm trước khi xuất cảnh ra nước ngoài định cư. Khi nghe nhắc đến Huê Nghiêm, ông bùi ngùi thốt lên: “Chùa xưa nay còn đâu!”. Còn chăng là những tháp cổ mộ sau khuôn viên chùa. Ngày xưa ông vẫn thường làm công quả dọn dẹp cỏ dại, chăm sóc cảnh quan khu mộ tháp. Ra nước ngoài, ông vẫn thường liên lạc với nhiều đạo hữu cùng thời ông trước 1975, ông biết nhiều câu chuyện chung quanh ngôi chùa cổ nghe như huyền thoại.
Người hiến đất cất chùa là bà Nguyễn Thị Hiên, sau khi chết đầu thai làm công chúa triều nhà Thanh (Trung Quốc). Truyền thuyết kể rằng: Năm 1821, Hoàng hậu nhà Thanh sanh một công chúa, trên lòng bàn tay công chúa nổi một dòng chữ son đỏ: “Nguyễn Thị Hiên, Linh Chiểu Ðông thôn, Gia Ðịnh, Ðại Nam”. Trong khi ở xứ trời Nam, khi bà Nguyễn Thị Hiên vào năm 1821 trước khi lâm chung, bà nhờ viết trên lòng bàn tay một câu bằng son đỏ “Nguyễn Thị Hiên, làng Linh Chiểu Ðông, Gia Ðịnh, Chùa Huê Nghiêm, An Nam”. Chính vì vậy, vua nhà Thanh đã sai sứ sang xứ ta để truy tìm tông tích. Tìm đến chùa Huê Nghiêm, xác định rõ lai lịch bà Nguyễn Thị Hiên, sứ giả đã kể lại điều hiển linh kỳ diệu đó, và dâng cúng cho chùa một pho tượng Quan Âm bằng đồng. Sứ nhà Thanh đã xin trùng tu lại ngôi chùa và xây cất ngôi mộ bà Nguyễn Thị Hiên trong khuôn viên Chùa Huê Nghiêm của dòng Lâm Tế Chánh Tông.
Khu tháp mộ
Thiền sư Ðạt Lý – Huệ Lưu, Hòa thượng Thích Từ Văn, Hòa thượng Thích Trí Ðức, Hòa thượng Thích Trí Quảng… Thiền sư Tế Giác – Quảng Châu được xem là vị Tổ quan trọng nhất ở miền Nam vào thế kỷ XIX. Những thiền sư này là hàng hậu học nối tiếp dòng Lâm Tế Chánh Tông của Tổ Tế Giác. Tổ Ðạt Lý – Huệ Lưu. Trong thời gian tu hành Ngài vân du khắp nơi, Ngài đã lưu lại cho người dân miền Lục tỉnh nhiều bài thơ, bài vè, bài sám đầy ý vị, mãi đến hôm nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian miền Nam (Sám Huệ Lưu, Ông Vãi bán khoai). Trên đường hành đạo, Ngài đã góp phần giáo hóa dân chúng bằng lối thơ mộc mạc.
Thiền sư Huệ Lưu có chí cầu học và có tâm tu hành nên sớm thông đạt Kinh, Luật và giỏi chữ Nho. Năm Kỷ Sửu (1889), sau khi Thiền sư Liễu Xuân – Minh Chí trụ trì chùa Huê Nghiêm viên tịch, Ngài được cử về kế thế trụ trì, khi ấy Ngài được 32 tuổi. Trong thời gian này, Ngài cũng góp phần sao lục và khắc bản cuốn “Trường hàng luật nghi”, cũng gọi là “Trưởng hạnh Luật nghi”, được Thiền sư Hoằng Ân chú giải, in năm Giáp Ngọ (1894). Quyển Tỳ Ni diễn Nôm có ghi: “Giác Viên lan nhã thiền hòa, Hoằng Ân tỉnh nghĩa, Hoa Nghiêm thiền viện, Tỳ kheo Huệ Lưu sao lục”.
Di ảnh Tổ Huệ Lưu thờ phụng trong chùa
Noi theo bước chân hoằng hóa của Tôn sư Liễu Khiêm – Hoằng Ân, năm 1895, Thiền sư Huệ Lưu phát nguyện ba năm vân du hoằng hóa Phật Pháp tại miền Lục tỉnh Nam kỳ (vùng đất Thất Sơn, Châu Ðốc, An Giang là nơi Ngài thường lui tới), sống với tư tưởng siêu thoát của đạo Phật, đúng với câu thơ: “Túy thưởng yên hà thân ngoại cảnh / Lộng thành sanh diệt vọng trung chân (Bạn với khói mây thân ngoại cảnh / Ðùa cùng sanh diệt vọng trong chân).” Ðầu năm Ðinh Dậu 1897 khi về Huê Nghiêm, Thiền sư Huệ Lưu luôn đặt mối quan hệ thân thiết với cộng đồng làng xã, chùa còn giữ bài thơ của Tổ Huệ Lưu gửi làng Linh Chiểu Ðông (Gia Ðịnh) năm 1897. Bài thơ có đoạn: Kính thăm hương chức hai chữ miên trường / Kể từ tôi cư ngụ bổn hương / Tính đã có chín năm đủ vậy / Thấy trong làng những ai cùng nấy / Trên thuận hòa, dưới cũng thuận hòa … ).
Ngài đem kiến thức Phật học của mình mà tùy duyên hóa độ nhơn sanh, hòa mình đồng sự với mọi hạng người, mọi tầng lớp nhân dân. Cuối năm Ðinh Dậu (1897), Ngài phát nguyện nhập thất tu thiền. Ðến giờ Tý, ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1898), Ngài phát nguyện thiêu thân cúng dường Phật Tổ. Ðêm ấy ánh hào quang rực chói, khiến thầy dòng quản lý Tiểu chủng viện Thủ Ðức bấy giờ là cha cố người Pháp lấy làm lạ báo về cho quan Chánh biện (chủ tỉnh) Gia Ðịnh sự việc qua đời kỳ lạ của Thiền sư Huệ Lưu.
Thiền sư Huệ Lưu có công thực hiện lần trùng tu chùa sớm nhất. Bài vị trên bàn thờ tổ ghi rằng: “Trùng tu Huê Nghiêm tự, Lâm Tế Chánh tông, tam thập bát thế húy Ðại Lý, thượng Huê hạ Lưu Hoà thượng xà dy giác linh miệu toạ”. Tiếc rằng, Thiền sư Huệ Lưu về cõi Niết Bàn không phải do tuổi già hay bệnh tật mà tự châm lửa tự thiêu vào năm Mậu Tuất 1898. Theo những câu chuyện lưu truyền, nguyên do tự thiêu là do không muốn bị quấy nhiễu bởi cám dỗ thường tình. Cám dỗ đó là gì?
Trải qua gần 400 năm lịch sử, Huê Nghiêm Cổ Tự hiện là một di tích Phật giáo quan trọng, nơi dừng chân, sống đạo và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm.
Một xác thực trên báo Giác Ngộ ấn bản năm 1999 ghi lại: “Có một mỹ nữ con ruột quan Tri huyện, thương yêu Hòa thượng tột cùng, nên đã không ngừng tới chùa dụ dỗ, cưỡng ép Hòa thượng từ bỏ cửa thiền để làm vị hôn phu của cô. Hòa thượng Huệ Lưu vì đã Ðạt Lý chơn tu hơn người nên đã phần thân (xà dy – tự thiêu) về cõi Phật, giữ trọn đạo hạnh, khiến tăng chúng kính phục, tôn làm Tổ”.
Chuyện Thiền sư Huệ Lưu xà dy để giải thoát tình đời cám dỗ nhưng suy cho cùng đó là cách ra đi êm ấm để tránh một chuyện cưỡng ép hôn nhân bắt Ngài hoàn tục. Chuyện hư thực khó ai biết được hay bên trong còn nhiều uẩn khúc. Những gì sau khi chết Tổ Huệ Lưu để lại cho nhân thế là tấm lòng đức độ, cố gắng giữ gìn phát huy đạo Phật.
Người bạn già của tôi chỉ nghe lại chuyện ngày xưa chứ thời của ông, ngôi chùa đã được trùng tu lần thứ hai, thứ ba trong thập niên 1960 do Tổ Thiện Bửu chủ trì Chùa Huê Nghiêm thực hiện. Thời gian ấy, chùa còn lưu lại nét cổ kính rêu phong nhưng bên ngoài đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp, cần thiết phải trùng tu. Việc trùng tu toàn bộ cấu trúc mặt tiền và dựng thêm các bảo tháp thờ Phật lộ thiên làm tiếc nuối những người hoài cổ. Tuy nhiên, kết cấu khung gỗ bên trong chùa vẫn còn cứng cáp và được giữ nguyên. Riêng khu mộ tháp là một trong những nơi còn giữ được vẻ trầm tư cổ kính trong khuôn viên Huê Nghiêm cổ tự với cảnh vườn nhiều cây cao bóng mát và 9 ngôi tháp cổ. Những ngôi tháp này được xây cất nhiều kiểu khác nhau.
Chùa Huê Nghiêm hồi xưa còn có một mảnh đất rộng hơn 2 hécta tại Bình Khánh, Thủ Ðức (nay là quận 2), phần đất này được mua từ năm 1899 sau khi Tổ Huệ Lưu xà dy. Phần đất này dùng để sản xuất lúa gạo cho chùa Huê Nghiêm. Sau năm 1975, Hoà thượng Thích Trí Quảng cho dựng am và sau này xây thành Chùa Huê Nghiêm thứ hai rất to lớn để Tăng chúng và Phật tử có chỗ nghỉ ngơi tu học.
TN