Tuesday, February 19, 2019

TRÁI CÂY RỪNG LẠ HOẮC CHUA CHUA, GIÒN GIÒN.

Mùa hè năm nay, thực đơn trái cây rừng trên mạng xã hội còn mở rộng thêm nữa với món măng cụt núi và vải rừng. Hai món mới này đang làm "nức lòng" các chị em và được đặt mua rầm rầm.


Những loại quả như chôm chôm rừng, dâu da rừng đã xuất hiện từ khá lâu và luôn gây "sốt" với các tín đồ nghiện những món ăn vặt có hương vị chua chua, thơm giòn đã miệng. Mùa hè năm nay, thực đơn trái cây rừng trên mạng xã hội còn mở rộng thêm nữa với món măng cụt núi và vải rừng. Hai món mới này đang làm "nức lòng" các chị em và được đặt mua rầm rầm.

Món măng cụt rừng đang khá "hot" vì còn khá mới lạ, loại quả này vừa "lên sàn" đã gây xôn xao thị trường hoa quả vì vừa lạ vừa quen. Măng cụt rừng xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, được biết với những cái tên như trái rỏi, quả bứa rừng...


Chị Thanh Trà (Hà Nội) cho hay, chị nhập măng cụt rừng về bán đã được 2 tuần này, lượng tiêu thụ rất tốt vì có vị chua ngọt đan xen tự nhiên. "Măng cụt rừng có hai loại, 1 loại có vẻ ngoài trông y đúc quả măng cụt thường nhưng vỏ màu đỏ hồng thì được người dân An Giang gọi là trái rỏi, còn một loại vỏ màu vàng vàng còn gọi là quả bứa rừng. Quả măng cụt rừng của nó có hương thơm nhẹ dễ chịu, ăn vị chua ngọt, có nhiều hạt. Thịt bên trong xếp khía múi trông như trái măng cụt. Bây giờ mới đầu mùa thôi, tháng 7 Âm lịch số lượng quả chín còn nhiều nữa. Loại quả này còn được xem là thuốc quý trong việc điều trị những bệnh như tiêu viêm, hạ nhiệt, tá tràng..."


Chị Trà cũng cho hay, măng cụt rừng không chỉ được lấy về từ các tỉnh, một số thương lái còn nhập từ Campuchia, Thái Lan. Kích thước của những quả nhập khẩu này rất to.Giá bán măng cụt rừng thuộc vào hàng cao trong số các loại trái cây rừng, chỉ riêng giá nhập sỉ đã lên đến 65.000 - 70.000 đồng/kg nhưng vẫn rất được nhiều người hỏi mua.

Bên cạnh măng cụt rừng, vải rừng vốn là đặc sản của rừng Tây Ninh cũng đang được ưa chuộng, quả này còn được người dân miền Nam biết đến với tên gọi là trái trường. Quả trường có vỏ rất giống với quả vải thông thường, nhưng dáng quả có phần thon dài hơn. Cùi thịt bên trong ăn lại khá giống với chôm chôm, có vị rất chua nên kích thích vị giác cực kỳ mạnh mẽ. Chính vì vậy mà trái vải rừng thường được được ăn bằng các xóc cùng muối ớt hoặc trộn cùng nước nắm đường, đủ vị chua cay mặn ngọt của món ăn dân dã này đã khiến nhiều chị em phải chảy nước miếng vì thèm thuồng.


Chị Hồng Vân - nhập quả vải rừng từ tận Tây Ninh ra bán tại TP Vinh (Nghệ An) cho biết, loại quả này đang rất được yêu thích vì nó có vị chua khá đặc biệt. "Vải rừng ăn chua lè lưỡi nhưng càng ăn càng đã, đã ăn thì chỉ có nghiện thôi. Tất nhiên để vị chua của quả vải khiến người ăn "phát sốt" thì phải được chế biến qua, trộn lẫn cùng một số gia vị khác như muối ớt, nước mắm đường... Có thể biến tấu ăn kèm cùng xoài thái nhỏ, muối tôm Tây Ninh. Không chỉ bán cho khách, bản thân mình cũng bóc ra dầm muối ớt ăn hàng ngày, ngon lắm, ăn một lúc đã thấy hết vèo".

Chị Vân cũng cho biết, mùa trái trường rừng diễn ra khoảng 2 - 3 tháng nhưng mặt hàng này không có nhiều, đến chừng cuối tháng 5 thì sẽ khan hiếm vì quả đã được người dân vào rừng thu hái gần hết, muốn có thêm phải vào sâu trong rừng, sẽ khiến giá quả tăng lên.


"Quả này được hái bán ở ngay rừng, tôi phải nhờ người quen gom giúp mới được 50 - 60kg bán cho khách mỗi tuần. Nhưng loại quả này không vận chuyển đi xa được, mang ra các tỉnh miền Bắc lại càng khó. Lý do là mã quả trường rất nhanh xuống, nếu để trong môi trường kín 3 - 4 ngày thì vỏ quả sẽ thâm đen lại, để quá lâu thì ruột cũng sẽ bị teo" -chị Vân bộc bạch.

Năm ngoái, chị nhập về 50kg quả trường bán ra đại lý ở miền Bắc nhưng lại lỗ cụt vốn. Lý do là bởi quả vận chuyển lâu trong điều kiện nóng, khi mở hàng ra thì vỏ quả bị thâm lại. Mặc dù ruột vẫn trắng đẹp, không bị ảnh hưởng nhưng vẫn không thể bán được. Vậy nên chị đành tặng không khách hàng, loại quả này chị cũng chỉ nhập bán tại các tỉnh miền Trung để tránh thời gian vận chuyển lâu, quả xuống mã. Giá bán hiện nay của quả trường đang ở khoảng 70.000 đồng/kg, cao ngang với quả vải ngọt đầu mùa.

Lương Chi