Khô cá đuối hắc cấy
Hút hàng quanh năm
“Tui không còn một thẻo để đãi khách nhâm nhi, lấy đâu mà bán”, ông Dương Tiến Hải, chủ cơ sở chế biến tôm, cá khô uy tín ở ấp Động Cao, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh than. Hơn ba năm trước, mùa tết nào ông Hải cũng thủ không dưới một chục con khô quý hiếm vừa kể, để bán cho khách sành điệu.
Thường, chúng sống ở môi trường nước mặn và lợ. Tuy nhiên, cũng có một số con sống khỏe trong vùng nước ngọt. Chẳng hạn, vào tháng 1.2018, một ngư dân ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã đánh bắt được một con đuối nặng đến 220kg trên sông Tiền, bằng cách giăng lưới. Nhưng cũng có “đứa” lớn không quá cái dĩa đựng cơm tấm (đuối ghim), sống dọc biển đục Long Hải - Vũng Tàu - Cần Giờ (TP.HCM) - Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang).
Đa phần, chúng sống ở tầng đáy, nơi có cát nhằm dễ vùi mình ẩn nấp và chuyên săn mồi vào ban đêm. Ngờ đâu, điểm mạnh cũng chính là điểm yếu vong mạng của chúng. Nắm rõ tính nết này, ngư dân thả những giàn câu kiều chìm gần sát đáy, nơi cửa sông hoặc khúc biển quen thuộc mà cá ưa lui tới, để giăng bắt chúng và một số loại cá lớn khác. Trữ lượng cá vàng đen đang khan hiếm dần. Ông Nguyễn Văn Sáu (Sáu Nhọn), ở thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ cho biết, hơn chục năm trước tụi đuối đen còn rải rác chui vô lưới đáy hàng khơi vùng biển ở đây. Nay hiếm gặp hơn.
“Dung nhan” con đuối huyền thoại, từ cửa biển Bình Đại, tỉnh Bến Tre
Mặc dù vậy, người chủ ghe giàu kinh nghiệm nay đã giải nghệ này, chỉ chúng tôi sang cảng Vàm Láng tìm con “ó đen khoái chưng diện”. “Chắc có! Hổng nhiều thì ít”, ông Sáu cao giọng quả quyết.
Vơi hẳn, ổ cá đuối Vàm Láng
Cảng Vàm Láng nằm cạnh con sông Soài Rạp, cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Cần Giờ của TP.HCM với Gò Công Đông, Tiền Giang. Hơn 20 năm trước, con sông nước lợ này (dài khoảng 40km), còn được dân địa phương ca tụng là ổ cá đuối.
Bà Năm Nhan (Nguyễn Thị Ngọc Tuyết) 66 tuổi, ở khu phố chợ 1, thị trấn Vàm Láng kể, thời đó những con cá đuối nặng dưới 1kg, “bị” đổ đống ở cảng cá gần nhà bà. Rẻ như cho - ngang giá cá tạp nham. May mắn hơn ông Tiến Hải, tính đến cuối năm 2018, bà Nhan thu mua được khoảng 150 con hắc cấy rặt. Riêng trong tháng 10.2018, bà gom được cả trăm con.
Thịt cá hắc cấy đen tím, tựa như thịt gà ác rặt
“Hàng tươi ngon là một lẽ (không ướp đá qua đêm). Mình còn phải mướn thợ khéo tay xẻ khô nữa. Rồi, nhắc nhở nhân công dọn dẹp sân phơi cho thiệt sạch. Canh nắng nóng lưng - rát mặt mới mang phơi. Phải chịu cực trăn trở vài bận/ngày”, bà Năm phân trần.
Nhờ có hai đời gắn bó với nghiệp biển nên những sản phẩm tôm, cá, khô (tôm thẻ, cua gạch, cá dứa...) của bà đều tươi mới và thuộc hàng tuyển lựa kỹ. Nói cách khác, bà chỉ nhận cung ứng hàng chất lượng, theo đơn đặt hàng. Khách mối của bà đa phần là Việt kiều Mỹ và Úc. Số còn lại, cũng thuộc hàng đại gia khu vực Tây Nam bộ và ở TP.HCM. “Có bà Việt kiều Mỹ, gọi điện về đặt mua một lần cả chục con hắc cấy”, bà Năm xởi lởi. Chuyện vãn thân tình hơn, bà tiết lộ thêm: vùng biển Long Hải (Bà Rịa -Vũng Tàu) vẫn có đội ghe chuyên đi câu hắc cấy. Và họ, cũng bán hàng tươi sống cho bà.
Mặc dù vậy, sản phẩm cá đuối đen gốc Vàm Láng vẫn hút hàng hơn. Do không ít người cho rằng, hương vị con đuối nước lợ còn ấn tượng hơn cả con hàng nước mặn, cùng loại. Với lại, sông rạch nơi đây, trước kia từng là “ổ cá đuối” kia mà. Chỉ có một người cực kỳ sành ăn con “máy bay tàng hình” phản đối.
Vùng nào đỉnh hơn?
Đó là ông Cao Trung Kiên, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cực kỳ sành ăn và được dịp đi đây đó nhiều. “Con hắc cấy thường sống ở biển sâu. Cho nên, dù nguồn hàng tuốt ngoài Bình Định - Phú Yên hay trong miệt Vàm Láng hoặc Bạc Liêu thì chất lượng vẫn ngang nhau thôi”, ông Kiên giảng giải.
“Nó nặng không quá 3 ký một con, da đen mốc. Thịt cũng tím đen luôn. Đặc biệt, trên lưng nó lấp lánh dãy đốm sáng trắng phớt xanh, tựa như chùm sao trời đương phát sáng. Có con, mang sao nhỏ mà sáng tỏ lắm. Con khác, chứa sao mờ, nhưng hình mỗi đốm sao thì lớn hơn”, ông Kiên tả tỉ mỉ như đang đứng trước mặt con hắc cấy vậy. “Thịt con sao tỏ ăn ngậm mà nghe hơn con sao lu. Mà phải làm khô mới ngon nhất hạng. Chứ ăn tươi hổng ra gì!”, ông dặn dò thêm.
Thịt cá đuối ó không nổi màu tím đen, ăn tươi lại ngọt vị hơn hắc cấy
Theo ông, hiện con hàng cực phẩm này, phía cảng Gành Hào vẫn có, nhưng số lượng không nhiều như trước. Muốn mua phải đặt trước. Giá 4 - 5 triệu đồng/con.
Hàng này, đem nướng lửa than đước là số dzách rồi. “Trời ơi! Nó thơm bát ngát luôn. Bẻ một miếng nhỏ bỏ vô miệng, nhai chậm thôi! Thịt nó còn ngọt hơn cả khô mực (ống) câu Phú Yên nữa kìa!”, giọng ông Kiên tràn đầy hứng khởi.
Hỏi, có mẹo nào phân biệt khô hắc cấy thật với hàng dỏm (đuối ó) không, ông Kiên cười hề hề chia sẻ: “Miếng khô xịn, nướng xong, giần sơ, chú bẻ nó gãy ngang như kẹo đậu phộng vậy. Sớ thịt nó không chịu tơi ra như đám khô đuối thường. Nếu gặp hàng có sớ xuôi thì coi như bị gạt rồi!”
Dễ nghiện!
Theo nhiều quý bà quen sống tiết kiệm, thời buổi kinh tế khó khăn mà đòi bằng được miếng khô đuối đắt hơn vàng cho ra cái tết sang chảnh thì “hoang phí hết chỗ nói”. Song chị Nguyễn Thị Mộng Ngọc, ở huyện Nhà Bè, TP.HCM, chủ trang bán hàng Đặc Sản Gò Công Vàm Láng - Bà Chà Năm (https://www.facebook.com/dacsan.bachanam) thì khác: “Những ai không biết thưởng thức con đuối huyền thoại này thì cảm thấy bình thường thôi. Nhưng cũng có người tò mò ăn thử cho biết, liền bị ghiền luôn!”.
Khô hắc cấy, của để dành của dân đi biển miệt Gành Hào, Bạc Liêu
Bằng chứng là, cô em gái của chị Ngọc cùng gia đình hiện sống ở Mỹ, cứ mỗi lần về thăm quê cũ Vàm Láng, cứ đòi mua bằng được vài con mang sang Mỹ, để nhấm nháp dần mỹ vị cố hương! Và có đôi khi “đời không như là mơ”, nên không ít người đành chùn ước ao hạnh ngộ miếng khô đuối đen xuống thấp vài ba bậc, tạm “gá nghĩa” chén nước mắm me sánh vàng thật quyến rũ với hàng khô đuối đàn em: đuối ó, đuối da (một giống cá đuối lớn con, trên 100kg/con)... Nướng vừa lửa, giần điệu nghệ, đã huy hoàng lắm rồi.
Tuy nhiên, vẫn không khỏi ngậm ngùi về sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn sản vật biển khắp ba miền.
Rồi một ngày đẹp trời, bầy đuối ó sao vắng bóng hẳn, liệu ai sầu hơn ai?
Bài: Tấn Tới - Ảnh: Tạ Tri - Tùng Châu
Nguồn: Người Đô Thị Online