Hoa cẩm tú cầu có vẻ đẹp vừa thơ mộng lại vừa hoang dã. Loài cây thật đặc biệt, có thể chuyển tiếp nhiều màu sắc trên cùng một bông hoa, nhiều hoa khác màu nhau trên cùng một cây từ xanh ngọc, hồng phớt, xanh lam, xanh biếc, tím nhạt đến tím đậm …và những màu sắc có thể có được theo sự chuyển tiếp của thời tiết nơi cây sinh sống hay sự phụ thuộc vào độ pH của đất.
Hoa Cẩm Tú Cầu hay còn gọi là: Hoa Bát Tiên, Dương Tú Cầu, Hoa Tử Dương, và tiếng Anh gọi là Hydrangea.
Hoa Cẩm Tú Cầu tượng trưng cho lòng biết ơn và những cảm xúc chân thành.
Một bó hoa tú cầu thể hiện sự biết ơn của người tặng cho sự hiểu biết của người nhận và hoa cũng là biểu tượng đại diện cho bất cứ điều gì đó là chân thành.
Cẩm tú cầu hay hortensias, chi Tú Cầu (danh pháp khoa học: Hydrangea) là một chi thực vật có hoa trong họ Hydrangea macrophylla tú cầu – bát tiên (hydrangeaceae), có nguồn gốc từ vùng ôn đới, bao gồm khoảng 75 loài tự nhiên tập trung ở Đông Á (từ Nhật Bản đến Trung Quốc), Nam Á, Đông Nam Á (Hymalaya, Indonesia) và Châu Mỹ.
Hoa tú cầu đầu tiên mọc ở Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nhưng trên thế giới cẩm tú cầu cực kỳ phổ thông ở Azores thuộc Bồ Đào Nha, nhất là ở Faia Island. Ở đảo Faia hoa cẩm tú cầu nhiều đến độ đã mang lại cho hòn đảo cái tên gọi Blue Island. Cẩm tú cầu thuộc loại tiểu mộc nhỏ cao từ 1-3m. Lá mọc đối, rộng, bìa có răng, hoa vô tính, nhiều màu sắc, lúc đầu hoa màu trắng sau biến dần thành màu lam hay màu hồng…., màu hoa phụ thuộc vào độ pH của thổ nhưỡng, ưa bóng râm ẩm thấp.
Một trong những vẻ kỳ diệu của hoa Cẩm Tú Cầu là sự đổi màu ngoạn mục của nó. Sắc màu của tú cầu dao động từ màu trắng sang màu xanh sang màu hồng và màu tím, xác định bởi mức độ chua của đất.
Trong hoa cẩm tú cầu có sắc tố anthocyanin màu đỏ, đây là gốc màu của cẩm tú cầu và nó có thể tạo nên hợp tố phức với chất nhôm (aluminum) và đổi thành màu xanh da trời hay các màu khác, nên ta có thể thấy có những cụm hoa khác màu nhau trên cùng một cây.
Hầu hết các loài tú cầu có hoa màu trắng, tuy nhiên vài loài (điển hình là H. macrophylla) có màu hoa thay đổi phụ thuộc vào độ pH của đất, nếu đất có độ pH nhỏ hơn 7 (đất chua) sẽ cho hoa màu lam, nếu đất có độ pH là 7 thì cây cho hoa màu trắng sữa, nếu đất có độ pH lớn hơn 7 cây cho hoa màu hồng hoặc màu tím nên có thể điều chỉnh màu hoa thông qua việc điều chỉnh độ pH của đất trồng.
.
Tên Hydrangea gốc Hy Lạp, có nghĩa là cái chén nước (water- vessel).
Loài hoa này có nhiều hoa thật nhỏ có cánh mỏng manh chen chúc, xếp lên nhau tạo thành từng chùm hoa to tròn. Hoa Cẩm Tú Cầu thường nở rộ từ mùa hè đến mùa thu với nhiệt độ từ 55 đến 95F, nhiều nhất vào mùa hè. Hoa Tú cầu đổi màu liên tục trong một chu kỳ nở, lúc đầu hoa màu xanh ngọc, kế đến là trắng hay màu nguyên thủy của cây rồi sau đó chuyển dần thành màu lam, màu hồng, màu tím, … rất đẹp.
Hoa mọc thành những chùm hình tròn như quả cầu, được trồng phổ biến trong sân vườn.
Tất cả bộ phận của cây chứa độc tố có thể gây ngộ độc ở người khi ăn phải. Nếu ăn những bông hoa này, bạn sẽ bị đau bụng trong nhiều giờ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê và co giật.
Những hạt phấn nhỏ do hoa cẩm tú cầu phát tán ra tiếp xúc với người sẽ làm cho da của người bị dị ứng.
Nhưng thật ra hoa Tú cầu có rất nhiều loại giống khác nhau nên không hẳn là hoa Tú cầu nào cũng có độc tố gây ngộ độc. Vì thế những người yêu hoa vẫn thích trồng hoa Tú cầu trong vườn nhà của mình, bạn chỉ cần tìm hiểu kỹ hơn khi chọn hoa cho mình mà thôi.
Muốn hoa có màu lam vào mùa hè, mùa thu: bón dung dịch clorua sắt hay có thể chôn vài cây đinh gỉ vào gốc cây hoặc cũng có thể trôn vào đất một ít clorua nhôm, clorua magie. Muốn hoa có màu hồng có thể bón vào đất một ít vôi bột.
Ở nhiệt độ thích hợp cây rất dễ nhân giống bằng cách giâm cành. Chỉ cần cắt một cành vừa tuổi (cành bánh tẻ) cắm xuống đất tưới nước vừa đủ có thể trở thành cây con, thời điểm nhân giống tốt nhất là vào mùa Xuân.
Hoa Cẩm Tú Cầu tượng trưng cho lòng biết ơn và những cảm xúc chân thành. Với màu sắc dịu dàng, nó có thể đứng chung với rất nhiều loại hoa khác nên được dùng rất nhiều trong tiệc cưới, trang trí nhà cửa và làm quà tặng…
Có nhiều sự tích, truyền thuyết xoay quanh những đóa hoa kiều diễm này. Theo một câu chuyện kể khá ly kỳ về tên gọi Hortensia của loài này là: nhà nghiên cứu thực vật Philibert Commerson vào giữa thế kỷ 18, đã cùng với một trợ lý và cũng là đồng nghiệp trẻ của mình tên là Jean Baret, đã cùng vượt qua cuộc hành trình gian khổ với những cơn bệnh rừng nhiệt đới ngặt nghèo. Thế rồi ở Tahiti họ đã tìm thấy loài hoa tuyệt đẹp mọc thành từng cụm to như cái chén lớn; nhưng cũng ở đó Jean Baret đã bị lộ khi “anh” cố tránh né những lời tán tỉnh của một tù trưởng Tahiti, vì thực chất Jean là Jeanne, một cô gái. Kết thúc cuộc thám hiểm, người trợ lý vẫn ở cạnh và trở thành quản gia cho Commerson đến khi nhà nghiên cứu trút hơi thở cuối cùng. Jean Baret sau đó đã tái hôn và đổi tên mình thành Hydrangea Hortensia, chính là tên gọi theo phương Tây của hoa Tú Cầu. Do vậy nhiều người cho rằng tên hoa được đặt theo tên gọi của nhân vật nữ trong truyền thuyết kể trên.
Lại có một truyền thuyết khác về hoa Cẩm Tú Cầu: Có một công chúa La Mã đã đến tuổi cập kê nhưng bao nhiêu người nhà Vua mai mối, công chúa vẫn không ưng thuận. Trong một chuyến kinh lý, gặp ý trung nhân trên đường, công chúa cầm hoa Cẩm Tú Cầu ném vào người mà nàng để ý. Hoa Tú Cầu theo truyền thuyết này có tên dân gian là hoa Cầu Hôn.
Hà Linh
Theo: Just Flowers 2
No comments:
Post a Comment