Sunday, February 10, 2019

AUSTRALIA VÀ AUSTRIA: CÓ ĐIỀU GÌ LIÊN QUAN ĐẰNG SAU HAI CÁI TÊN GẦN GIỐNG NHAU?

Áo và Úc trong tiếng Việt thì không sao, nhưng tiếng Anh thì lại rất dễ nhầm lẫn. Vậy có gì liên quan giữa 2 quốc gia này không, khi chúng cách nhau cả chục ngàn cây số.


Nước Áo và nước Úc. Trong tiếng Việt thì chẳng có gì, nhưng với tiếng Anh thì lại khá nhầm lẫn. Úc là Australia, trong khi Áo là Austria, quả thực khiến nhiều người nhìn nhầm rất nhiều lần. Dù chúng cách nhau đến 14.203km, nằm ở hai nửa bán cầu của Trái đất nhưng cái tên lại chỉ khác nhau vài ký tự.

Vậy liệu bạn có bao giờ thắc mắc, rằng hai đất nước này có gì liên quan đến nhau? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu về nguồn gốc của hai cái tên đã.

Nguồn gốc Austria và Australia 

Nước Áo tồn tại từ năm 996, nhưng bản thân cái tên Austria lại có gốc rễ lâu đời hơn. Trong tiếng Latin trung cổ, Marchia Austriaca có nghĩa là vùng biên giới phía Đông, và thực tế trên bản đồ địa lý thì nước Áo nằm thẳng về phía đông nước Đức.

Trong tiếng Đức cổ (High Germany - tiếng Đức được nói tại trung tâm và phía nam nước Đức), khu vực này được xem như một vương quốc phía đông với cái tên "Ostarreich" (Ostar – thuộc về phía đông, Reich – vương quốc). Đây là cái tên được sử dụng trong suốt thời kỳ trị vì của Hoàng đế La Mã Charlemagne.


Hiện nay, trong tiếng Đức hiện đại, nước Áo được gọi là Österreich. Âm tiết "Öst" cuối cùng được chuyển thành "Aust" giống đúng như cách mà nó được phát âm - tức là Austria. Bởi vì thực tế nhiều nước họ thiên về viết một từ theo cách họ nghe chúng như thế nào. Tuy nhiên, tại Áo và Đức, họ vẫn sử dụng từ gốc Österreich.

Còn cái tên Australia lại bắt nguồn từ phương hướng khác hoàn toàn so với hướng đông trên la bàn – đó là hướng nam. Trước khi các nhà thám hiểm đặt chân đến Nam cực, con người đã có ý tưởng về một lục địa nằm ở "nửa phía dưới" của Trái đất, nhằm cân bằng những khối lục địa lớn đã được khám phá và vẽ trên bản đồ ở "phía trên".

Trước thế kỷ thứ 2 sau công nguyên, lục địa lớn phía nam này được gọi là "Terra Australis Incognita". Trong tiếng Latin, "Australis" nghĩa là phía nam, được lái từ một từ của tiếng Latin "Auster" (ngọn gió phía nam). Và cho đến khi các nhà thám hiểm đã thực sự đặt chân được đến mảnh đất này, thì cái tên đã được rút gọn chỉ còn "Australis".


Từ "Terra" được đề xuất lược bỏ vào năm 1814 bởi ông Matthew Filnders - người đầu tiên đi vòng quanh châu Nam cực bằng đường biển. Đến năm 1824, có một sự thay đổi nho nhỏ trong cái tên "Australis" thành "Australia" và được sử dụng chính thức cho đến ngày nay.

Vậy cả 2 có liên quan gì không?

Như vậy, rõ ràng hai cái tên có nguồn gốc từ hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau, một có nguồn gốc từ High German - Austria, một lại bắt nguồn từ tiếng Latin - Australia. Nhưng khoan chưa vội kết luận, bởi hai cái tên này đều xuất hiện là nhờ vào vị trí của nó nằm ở hướng nào.

Mặt khác, tồn tại sớm hơn hai ngôn ngữ này hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác lúc ấy là tiếng Ấn – Âu nguyên thủy - được sử dụng vào khoảng từ năm 4500 - 2500 TCN. Tuy chưa có một báo cáo chính thức nào về ngôn ngữ này nhưng với số lượng lớn các công trình nghiên cứu, ta vẫn có những thông tin cần thiết về nó.

Ngôn ngữ này được cho là bắt nguồn từ thảo nguyên Pontic - Caspian ở Đông Âu, và đặc biệt, có một từ liên quan đến vấn đề chúng ta đang bàn đến - từ "aus", có nghĩa là bình minh hoặc ánh sáng, chiếu sáng. Từ này liên kết với các hướng trên la bàn cũng rất hợp lý.


Đầu tiên, ta thấy nếu như càng đi về phía nam thì mặt trời có vẻ càng to hơn (chẳng hạn như đi gần hơn về xích đạo). Cũng dựa vào nơi mà tiếng Ấn – Âu nguyên thủy được sử dụng, vùng Mặt trời mọc được xem là ở phía đông nam. Thế nên, từ "aus" được tin rằng là để chỉ hướng nói chung. Cho đến khi các hướng cơ bản được bổ sung và chuẩn hóa thì ngữ tộc German quyết định gắn từ đó với phía đông, trong khi đó, nhóm tiếng Roman liên kết nó với phía nam. Và đó chính là tiền đề để hai cái tên ra đời.

Từ nguyên học quả là một ngành nghiên cứu đòi hỏi rất nhiều sự tinh tế, khi mà ngỡ ngoài sự trùng lặp vài chữ cái đầu thì chẳng có gì liên quan giữa Austria và Australia. Vậy mà thực chất lại liên quan đến bất ngờ, quả thực là vẻ đẹp của ngôn ngữ.

Tham khảo: Science Alert
Khuê Trần

No comments: