Thursday, February 7, 2019

NÚI KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI CAO, SÔNG KHÔNG NHẤT ĐỊNH PHẢI SÂU

Trong suốt cuộc đời của một người, đối với chính nhân quân tử mà nói điều tối trọng yếu chính là không ngừng nâng cao đức hạnh của bản thân. Về phần hưởng thụ vật chất, họ chỉ duy trì ở mức cơ bản nhất như ăn, mặc, ở, đi lại. Bởi vì vậy nên họ luôn thấy đủ và sống khoái hoạt, phẩm đức của họ cũng được hậu nhân ca ngợi ngàn đời. 


Một người nếu có đức hạnh cao thượng thì cho dù ở nơi đơn sơ mọi người cũng tự nhiên kính trọng họ. Những người đại đức khiêm cung, có lễ nghĩa có thể dùng tấm lòng từ bi mà đối đãi với người khác. Bất luận người ấy có của cải vật chất nhiều hay không đều sẽ dễ dàng được người khác kính trọng và ngưỡng mộ.

Trong bài thơ “Lậu Thất Minh”, tác giả Lưu Vũ Tích viết: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh” (Tạm dịch: Núi không nhất thiết phải cao, có Tiên ở là sẽ nổi danh. Sông không nhất định phải sâu, có Rồng ở là có linh khí). Gian nhà đơn sơ, điều làm cho nó trở nên tốt đẹp chính là đức hạnh của người chủ. Không bởi vì ngôi nhà xa hoa, rộng lớn mà chính là đức hạnh của gia chủ mới khiến người ta ngưỡng mộ, sùng kính. Thứ bề ngoài không thể thay thế cho điều thực sự ở bên trong.

Trong lịch sử có rất nhiều ghi chép về phương diện này. Xưa kia, các bậc thánh nhân như Lão Tử, Khổng Tử, các nhà quân sự hay quan lại triều đình như Gia Cát Lượng, Phạm Trọng Yêm… đều có công danh phú quý nhưng lại sống rất đạm bạc. Họ không chỉ xem nhẹ danh lợi, kim tiền mà còn gặp biến không kinh, lâm nguy không bị khuất phục, một lòng thủ giữ tiết tháo. Giữa được mất, vinh nhục, họ đều thong dong tự tại. Ở phương diện tu dưỡng đạo đức, họ đều là những tấm gương sáng cho người đời sau.


Gia Cát Lượng thời kỳ Tam Quốc là nhân vật nổi danh. Ông không chỉ là người trí tuệ phi phàm mà còn sống rất đơn sơ, đạm bạc. Cả một đời oai phong là vậy, nhưng ông luôn dạy bảo con cái thanh tĩnh đạm bạc.

Lúc 54 tuổi, ông viết lá thư cho con trai Gia Cát Chiêm mới lên 8 tuổi, dạy bảo rằng: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi trữ tĩnh vô dĩ trí viễn”, ý tứ chính là nếu một người mà trong tâm không thể xem nhẹ dục vọng thì không thể có chí hướng minh xác, thân và tâm không thanh tịnh thì không cách nào thực hiện được khát vọng cao xa.

“Đạm bạc” mà Gia Cát Lượng dạy con ở đây không phải là sống tầm thường, ẩn thân, không có chí tiến thủ, cũng không phải là sống an nhàn hưởng thụ. Đó là trong tâm không có tạp niệm, không có tư dục, thì sẽ khiến cho chí hướng được rõ ràng kiên định. Ở trạng thái lý trí thanh tỉnh, người ta mới có thể không bị danh lợi vây khốn mà mệt mỏi, không bị phồn hoa nơi xã hội mê hoặc mà đánh mất mình. Ngoài tài năng thì chính đức hạnh của Gia Cát Lượng khiến người đời kính trọng ông.

Mặc dù quyền cao chức trọng, bổng lộc lớn, nhưng Phạm Trọng Yêm – vị tướng triều nhà Tống không để lại tiền của cho con cái, mà toàn bộ dùng vào việc thiện, cứu khổ phò nguy, truyền đức nhân, dạy con cháu lấy việc thiện làm vui. Các con của ông đều tiếp bước và mở rộng thêm chí hướng của cha, trong khi cuộc sống của bản thân họ và gia đình lại vô cùng giản dị. Đức hạnh cao thượng của Phạm Trọng Yêm và các con ông mới là điều khiến họ được lưu danh sử sách, người đời kính ngưỡng.


Một người nếu thời thời khắc khắc đều có thể lấy phẩm đức, hành vi của thánh nhân để làm thước đo chuẩn mực cho hành vi của mình thì sẽ dần dần nâng cao được đức hạnh của bản thân. Cho dù là ở ngoài xã hội, người ấy có công việc, chức vị bình thường đến đâu, điều kiện vật chất thiếu thốn cỡ nào, sinh sống trong hoàn cảnh đơn sơ đến ra sao, chỉ cần người ấy có đạo đức cao thượng, vô tư vô ngã thì sẽ tự nhiên có được cuộc sống hạnh phúc, khoái hoạt, được người đời tôn kính.

An Hòa