Bà Maijlis Jonsson, 73 tuổi, sống ở trung tâm thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Bà có một cuộc sống tích cực với bạn bè, thường đi lại quanh thành phố và gặp gỡ nhau ở các quán cà phê.
Tuy nhiên, có một vấn đề bắt đầu xuất hiện và nó thường xuyên khiến bà cảm thấy lo lắng.
Thụy Điển đã dần chuyển mình thành một xã hội hoàn toàn không sử dụng tiền mặt trong vài năm qua.
Tiền mặt chỉ được sử dụng chưa tới một phần năm trong số các giao dịch mua bán ở các cửa hàng - con số này hồi 5 năm trước là một nửa.
Quốc gia này đã ngưng sử dụng tiền giấy và tiền xu trên xe bus, rất nhiều địa điểm du lịch chỉ nhận thanh toán qua thẻ.
Luật nơi đây cho phép các cửa hàng có quyền từ chối nhận tiền mặt. Vì thế giờ đây có rất nhiều cửa hàng trưng biển "Không nhận tiền mặt!"
Cuộc sống trở nên khó khăn hơn với những người không sẵn sàng thoặc không thể thích nghi với thay đổi này.
Không phải ai cũng ghét tiền mặt
Maijlis Jonsson là một trong số những người đó.
Bà phải đến ngân hàng để chuyển tiền trả người bạn sau khi nhờ mua vé tàu qua mạng.
"Thông thường phí chuyển tiền là 79 krona, tức là khoảng 9 đô la Mỹ," bà nói. "Đó là một khoản rất lớn... tất nhiên họ luôn nói bạn có thể giao dịch miễn phí trên mạng, nhưng vấn đề là một số người [như chúng tôi] không biết cách trả tiền trên mạng."
Bà đã thử trả tiền cho tách cà phê khi vào quán nhưng nhân viên thu ngân từ chối. "Cậu ấy không nhận tiền mặt thế tôi phải trả bằng thẻ," bà nói, và cho biết thêm là ngày nay càng ngày càng khó tìm được máy ATM ở Stockholm.
Niklas Arvidsson, giáo sư tại Học viện Hoàng gia KTH về Công nghệ và là chuyên gia hàng đầu Thụy Điển về hệ thống thanh toán, thừa nhận rằng một số nhóm người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là người già.
"Chúng tôi cũng gặp phải vấn đề với những người buôn bán nhỏ ở vùng quê, nơi mà hệ thống viễn thông không hoạt động đầy đủ," ông nói.
Cái chết của tiền mặt và sự chuyển giao quyền lực
Liệu Thụy Điển có được lợi từ sự chuyển mình này không?
Theo Arvidsson thì có.
"Nếu bạn quan sát vấn đề từ góc độ kinh tế vĩ mô, thì đúng là có lợi," ông nói. "Nhìn chung thì giao dịch qua mạng nhanh chóng hơn, ít tốn kém hơn và khiến hệ thống thanh toán hoạt động hiệu quả hơn."
Ông cũng chỉ ra rằng "việc không dùng tiền mặt sẽ ít nhiều gây khó khăn cho những người muốn trốn thuế hoặc những kẻ trộm vặt."
Tuy nhiên, khi tất cả mọi người đều bước chân vào vùng đất chưa ai biết, thì ai là kẻ nắm quyền lực? Liệu có phải ta đang trao quyền cho một nhóm nhỏ các công ty tư nhân nắm giữ toàn bộ hệ thống thanh toán?
Đó là một rủi ro, Arvidsson thừa nhận.
"Có thể ta sẽ rơi vào tình trạng một số ít ngân hàng thương mại sẽ có cực kỳ nhiều quyền lực.
Đối kháng lại có thể là sự phát triển của các công ty công nghệ, tạo ra dịch vụ để cạnh tranh với ngân hàng, và hy vọng sẽ tạo ra thị trường cực kỳ cạnh tranh, để ta không phải chứng kiến lợi nhuận độc quyền khiến nhiều sức mạnh tập trung trong tay chỉ một số ít người."
Thụy Điển không phải là quốc gia duy nhất nhắm tới tương lai không xài tiền mặt.
Bước đi phũ phàng của Ấn Độ?
Ấn Độ đang xem xét khả năng bỏ phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt.
Nhưng một số người cho rằng đây là hành động cực đoan, có lẽ là bước đi tàn nhẫn ép buộc người dân phải chấp nhận thanh toán bằng kỹ thuật số.
Chính phủ bỏ một số loại tiền mệnh giá cao khỏi hệ thống thanh toán vài năm trước. Bước đi này đánh mạnh vào nền kinh tế và rất nhiều người nghèo trong thời gian ngắn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tạo ra hàng chục thị trấn không sử dụng tiền mặt, nơi tiền giấy và tiền xu không được khuyến khích. Thậm chí đã có cả một bộ trong chính phủ được thành lập để tạo ra thay đổi này.
Nhưng Ấn Độ là một quốc gia khổng lồ với khoảng 270 triệu người sống dưới mức nghèo khổ.
Liệu một tương lai không xài tiền mặt, dù hoàn toàn khả thi thì có đáng mơ ước không?
Monika Halan, biên tập viên của tờ báo tài chính tên Mint có trụ sở ở Delhi nói rằng chính phủ Ấn Độ theo đuổi điều này vì nhiều yếu tố.
Bà cho biết một phần của hành động này là tấn công vào thị trường tiền chợ đen và việc tài trợ khủng bố. Nhưng nó cũng liên quan đến tài chính tổng thể và vấn đề nguồn tiền lưu thông trong nền kinh tế.
"Có nhiều lý do khiến người ta không đến chi nhánh ngân hàng," bà giải thích. "Họ sợ bị nói móc, chế giễu là họ có tiền bẩn. Họ không đủ tự tin rằng họ sẽ được quản lý ngân hàng đối xử đàng hoàng."
Bà cũng chỉ ra một vấn đề khác: ngân hàng ở vùng quê không có đủ nhân viên và nguồn lực.
"Nếu bạn quan sát cách người dân tiết kiệm ở những vùng nghèo khó ở đất nước này, hoặc thậm chí ở mảng thị trường không chính thức tại thành thị, có rất nhiều khoản phí không chính thức mà họ bị tính khi họ tự đi nhận tiền. Và rất nhiều người mất tiền."
Bà lập luận rằng mọi người muốn giữ tiền an toàn, cho nên tất nhiên họ muốn cất giữ tiền trong ngân hàng thay vì để tiền mặt ở nhà.
"Bạn cần phải đưa dịch vụ ngân hàng đến với người nghèo theo đúng cách mà họ muốn, chứ không phải theo cách mà bạn muốn."
Halan cũng mô tả ngân hàng điện tử qua điện thoại di động đã mở ra sân chơi cho những nhà buôn bán, cung cấp dịch vụ lặt vặt.
Ngay khi giá điện thoại di động giảm thì mọi người đều mua, dù họ là người bán hàng rong, làm thợ mộc, hay người quét dọn - với tinh thần khởi nghiệp bừng nở tại Ấn Độ - và giúp họ phát triển công việc, dịch vụ của mình. Nhờ vào những công cụ này, ngày nay họ có thể làm được những thứ mà người giàu và giới tinh hoa vẫn làm.
Thanh toán và vấn đề bảo mật
Tất nhiên, khi các khoản thanh toán kỹ thuật số ngày càng tăng thì câu hỏi về bảo mật dữ liệu ngày càng được đặt ra nhiều hơn.
Khi ta rơi tự do vào thế giới ngày càng thiên về kỹ thuật số hơn - và chi trả qua điện toán đám mây thay vì thanh toán trên giấy tờ - thì ai là người giữ tất cả thông tin của ta?
Với Monica Halan, đó là vấn đề toàn cầu không dễ tìm ra giải pháp.
"Tôi nghĩ rằng đó là vấn đề toàn thế giới hiện nay đang vật lộn trong thời kỳ hậu Facebook," bà nói. "Chính phủ và các nhà làm luật phải hành động rất nhanh để kiểm soát việc ăn cắp dữ liệu đang xảy ra toàn cầu, và cả ở Ấn Độ."
Nhưng bà vẫn rất lạc quan tin vào những chính sách hướng đến loại bỏ tiền mặt. "Đây giống như hệ thống cơ sở vật chất ảo đang được xây dựng... nếu đường cao tốc hay đường xe lửa có khả năng đưa con người và doanh nghiệp đến gần nhau và tăng cường hiệu quả, thì điều tương tự cũng sẽ xảy ra với công nghệ."
"Tôi thực sự tin rằng một khi vị thần đèn công nghệ bay ra khỏi chiếc chai, thì làm sao bạn nhốt ông ta lại được?"
Nguồn: Báo Mai