Trong lòng mỗi người đều ẩn chứa sự thiện lương. Khi người khác gặp khó khăn ta chẳng thể nhẫn được mà tới giúp họ một tay. Nhưng nếu việc thiện mà bạn làm chỉ để khiến trái tim mình được xoa dịu, chứ không phải thực sự cải thiện hoàn cảnh của người khác, thì chỉ là “cái thiện nhỏ”. Việc thiện này vì không nhìn xa trông rộng, nên ngược lại rất có thể còn khiến người ta rơi vào một mối nguy mới tiềm ẩn.
Có một bà lão động lòng trắc ẩn thấy đôi thiên nga hoang dã ngoài hồ ủ rũ vì đói, bèn mang đồ ăn cho chúng mỗi ngày. Kết quả là năm này qua năm khác, bầy thiên nga hoang dã tụ tập ngày càng đông… Chúng không bay về phương Nam tránh rét nữa. Nhưng bỗng một năm, bà lão qua đời, hàng mấy trăm con thiên nga tới xin ăn đều chết cóng giữa mùa đông lạnh giá.
Khi giúp đỡ người khác cần phải suy nghĩ chu toàn, phải nhớ rằng: “Cho người con cá, chi bằng truyền người nghề ngư!”. Cử chỉ nhân ái thực sự không phải chỉ dựa vào điều được mất trước mắt, mà cần đo lường sự hơn thiệt dài lâu trong sinh mệnh của đối phương. Đây mới là nghĩa cử đại thiện!
Việc thiện nhỏ nuôi dưỡng điều ác lớn
Vào thời Xuân Thu, nước Lỗ quy định rằng, phàm là người nước Lỗ khi đi ra ngoài, nếu nhìn thấy người nước mình ở ngoài phải làm nô lệ, thì có thể ứng tiền chuộc về, khi về nước sẽ tới triều đình nhận lại tiền. Tử Cống, học sinh của Khổng Tử đã chuộc một người nước Lỗ về, nhưng lại không tới triều đình nhận tiền.
Người dân đều khen Tử Cống phẩm chất cao thượng, nhưng Khổng Tử lại không cho rằng như vậy là đúng. Khổng Tử phê bình Tử Cống không nên làm như vậy. Ông phê bình Tử Cống rằng: “Việc làm ‘cao thượng’ của con, cuối cùng sẽ khiến cho không ai còn muốn chuộc nô lệ về nước nữa. Bởi vì chuộc rồi mà không nhận lại tiền thì là người phẩm chất cao thượng. Nếu ta lại đi nhận tiền thì khác chi nói nhân phẩm mình không tốt. Như vậy thì còn ai dám ứng tiền chuộc nô lệ về nữa đây.”
Sự thực đã chứng minh rằng kiến giải của Khổng Tử rất đúng. Từ sau Tử Cống, rất ít người đến triều đình nhận tiền, và số nô lệ được giải cứu cũng ít hơn.
Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” cũng kể lại câu chuyện sau:
Có vị tể tướng Lã Văn Ý thanh liêm chính trực, sau này ông từ quan về quê. Một hôm, một người nọ uống rượu say rồi mắng mỏ Lã Công, có người đem chuyện này kể đến tai ông. Nhưng Lã Công lại sinh tâm thiện mà không kể đến chuyện này.
Tuy vậy sau này, người đó phạm phải trọng tội và bị tử hình. Khi nghe kể về sự việc, trong lòng Lã Công vô cùng ân hận. Nguyên do là vì ông chẳng thể ngờ một niệm nhân từ khi ấy của ông lại dung túng, khiến người kia trở nên ngạo mạn vì có thể chửi bới người từng làm tể tướng, cuối cùng chẳng chút kiêng nể, vì vậy mà dẫn tới phạm phải tội chết. Nếu lúc đó ông đối xử với y nghiêm khắc một chút, không chừng có thể giúp người này quay trở về con đường chính đạo.
Trong đối nhân xử thế, cần luôn giữ một trái tim lương thiện, nhưng không phải mọi lòng tốt đều có thể mang đến trái ngọt, rất nhiều “việc thiện nhỏ” lại ẩn dấu đại hoạ tiềm tàng.
Hai câu chuyện trên kể với chúng ta rằng, sự lương thiện mù quáng có thể là đang hành ác mà không tự biết. Những việc thiện nhỏ và sự lương thiện mù quáng đều do bị tình cảm dẫn động, bị cái tình che mờ hai mắt, vì một niệm nhân từ mà thuận tay hành sự, đây gọi là việc thiện nhỏ.
Ví như có người không thích sát sinh, mà chỉ thích phóng sinh, nhưng lại phóng sinh một cách mù quáng thì sẽ phá hoại môi trường sinh thái tại địa phương ấy, mang đến đại hoạ cho những sinh vật khác. Người thích phóng sinh thì sẽ có người đi bắt về bán để kiếm tiền, đó khác nào là gián tiếp mang họa tới cho con vật.
Chúng ta nhìn thấy những cậu bé tàn tật bên đường đang cầu xin sự trợ giúp, thì chẳng thể kiềm lòng mà bố thí chút tiền. Những việc thiện nhỏ này có thể giải quyết miếng ăn nhất thời, nhưng về bản chất lại không thể thay đổi số mệnh của các em. Điều ác hơn nữa là, rất nhiều nhóm tội phạm nhìn thấy điều này có thể lợi dụng lòng tốt của mọi người mà trục lợi cá nhân. Họ sẽ không tiếc công mua chuộc những đứa trẻ này, khiến chúng trở thành tàn tật để ép chúng phải ra đường xin ăn.
Đây chính là việc thiện nhỏ lại nuôi dưỡng điều ác lớn.
Việc đại thiện hoá ra lại “vô tình” nhất
Khổng Tử có một học trò tên Tử Lộ. Một hôm khi đang đi dạo bên bờ sông, ông đã cứu được một người nông dân bị rơi xuống nước. Người nông dân tặng Tử Lộ một con trâu để tỏ lòng cảm tạ. Phải biết rằng, vào thời canh tác xưa kia thì con trâu là một lễ vật vô cùng quý trọng.
Tử Lộ vui vẻ dắt trâu về và dắt đi khoe khắp chợ. Người qua đường thi nhau bàn tán:“Người này cứu người không sai, nhưng lại nhận trâu nhà người ta, nhân phẩm thật thấp kém.”
Nhưng Khổng Tử biết chuyện thì biểu dương Tử Lộ trước mặt các đệ tử rằng: “Bởi vì con cứu người và nhận lễ vật của người ta, nên sau này sẽ khiến ngày càng nhiều người hơn cứu vớt những người đang sắp chết đuối.”
Sự lương thiện thực sự, chắc chắn sẽ là lý trí nhất, là vứt bỏ những nhân tố cảm tính, cảm xúc và tình cảm.
Không bị tình cảm chi phối mới không bị cảm xúc làm nhiễu loạn
Vào những năm 90 của thế kỷ trước người Mỹ thương xót 4.000 con hươu hoang dã trong khu rừng Kabbah, thuộc dãy núi Rocky của Châu Mỹ. Họ hy vọng chúng có thể thoát khỏi sự truy sát của loài sói hoang. Vậy nên lúc đó khi tổng thống Mỹ hạ lệnh truy sát sói hoang trong rừng, loài sói hoang đã nhanh chóng bị diệt tận. Số lượng hươu hoang dã ngày càng tăng theo cấp số nhân. 10 năm sau, số hươu hoang dã đã lên tới 100.000 con. Nhưng bầy hươu quá đông nên đã ăn sạch cả cây cỏ rừng già, chúng cũng vì đói mà tự lăn ra chết hàng loạt.
Nhìn thấy bầy hươu hoang dã sắp bị diệt tận, người Mỹ buộc phải đưa ra kế hoạch “dắt sói về nhà”. Họ vận chuyển một lô sói hoang từ Canada về, thả lại vào rừng Kabbah. Đàn hươu cuối cùng cũng có cơ hội sinh trưởng mạnh mẽ trở lại.
Sự lương thiện có lý trí là phải biết suy xét dài lâu, suy xét tới mối quan hệ liên hoàn nhân quả phía sau mỗi sự việc.
Trong “Đạo Đức Kinh” cũng nói rằng: “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”, nghĩa là Trời đất chẳng thiên vị ai, vạn vật đều coi như rơm rác. Trời đất tự đã có quy luật của mình, không bị tình cảm chi phối thì sẽ chẳng có điều gì là thiện hay bất thiện cả.
Khổng Tử có câu: “Thiên hà ngôn tai. Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên, thiên hà ngôn tai.” Nghĩa là: “Trời có nói chi? Bốn mùa cứ xoay vần, bách vật vẫn sinh sôi, Trời có nói chi?”
Trời đất tuyệt diệu nhưng lặng im không nói. Trời đất sinh dưỡng vạn vật, nhưng không coi đó là ân huệ, vậy nên lại là điều “vô tình nhất”. Trời đất câm lặng chẳng nói một lời, cũng chẳng thiên vị ai, làm việc đại thiện nhưng chẳng để lại dấu tích, vô tình nên chẳng nói lấy một lời. Đây chính là điều gọi là “việc đại thiện lại là thứ vô tình nhất”. Vô tình ở đây chính là một loại cảnh giới, là Đạo, chứ không phải là vô trật tự, không phải là vứt bỏ đạo lý.
Trong đối nhân xử thế con người cần phải giữ được một trái tim lương thiện, nhưng không phải mọi lòng tốt đều luôn mang tới trái ngọt. Rất nhiều việc thiện nhỏ ngược lại lại ẩn dấu đại hoạ tiềm tàng. Sự lương thiện thực sự ắt phải song hành cùng trí huệ. Con người vừa phải thấu hiểu nhân tâm thế sự lại vừa phải minh bạch quy tắc vận hành của trời đất. Hành sự không vi phạm quy luật tự nhiên mới có thể giúp con người thoát khỏi khổ nạn. Đây mới là tấm lòng lương thiện thực sự.
Theo Sound of Hope
Thiên Cầm biên dịch