“Cần Thơ gạo trắng nước trong,
Ai đi đến đó lòng không muốn về”
“Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về” – Những địa danh nổi tiếng như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, cùng hệ thông sông ngòi chằng chịt đã tạo nên một Cần Thơ mênh mông sông nước…
Từng là thủ phủ quan trọng của miền Tây Nam Bộ từ thời Pháp thuộc, Cần Thơ ngày nay đã là thành phố lớn, hiện đại và phát triển nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài đặc trưng về địa lý, thành phố Cần Thơ còn được biết đến như một “đô thị miền sông nước”. Nơi đây có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông. Cần Thơ cũng nổi tiếng với bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng – một nét sinh hoạt đặc trưng văn hoá Nam Bộ.
Cần Thơ (Ảnh qua vietnamtourism.org.vn)
Thành phố Cần Thơ nằm trên vùng đất phù sa do sông Mê Kông bồi đắp, và được bồi lắng thường xuyên qua nguồn nước có phù sa của dòng sông Hậu. Vì vậy, Cần Thơ mang trong mình những kiến trúc độc đáo, đặc trưng của sông nước miền Tây.
Kênh rạch ở Cần Thơ cũng là “đường phố”, nó mang vẻ đẹp cho một đô thị lớn từng được mệnh danh là Tây Đô. Nơi đây lại có vẻ bình dị nên thơ của làng quê sông nước, dân cư tập trung đông đúc, làng xóm trù phú núp dưới bóng dừa. Ngoài những đặc sản nổi tiếng mang đậm hương vị quê hương, Cần Thơ còn có những nét đẹp văn hoá truyền thống ít nơi nào có được.
Những địa danh làm nên khu đô thị miền sông nước
Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm và là điểm tham quan đặc sắc của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Chợ nổi Cái Răng. ( Ảnh qua vista.net.vn)
Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thuở xưa, chợ nổi hình thành vì đường bộ và phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển. Trong khi đó, vì nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, người ta tụ tập trên sông bằng các phương tiện như xuồng, ghe, tắc ráng… Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn.
Chợ nổi Cái Răng cũng là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Hàng hóa tập trung ở đây với số lượng lớn. Mỗi mặt hàng đã được phân loại cho đồng đều về chất lượng, kích cỡ. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi, sang tận Campuchia và Trung Quốc.
Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn hộ di động” trên sông nước với những chậu hoa kiểng, các loài vật nuôi, các tiện nghi đầy đủ như ti-vi màu, đầu đĩa, dàn âm thanh… có cả xe gắn máy đậu trên ghe.
Bến Ninh Kiều là một địa danh du lịch có từ lâu và hấp dẫn du khách bởi phong cảnh sông nước hữu tình và vị trí thuận lợi nhìn ra dòng sông Hậu. Từ lâu bến Ninh Kiều đã trở thành biểu tượng về nét đẹp thơ mộng bên bờ sông Hậu của cả Thành phố Cần Thơ, thu hút nhiều du khách đến tham quan và đi vào thơ ca.
Cần Thơ có bến Ninh Kiều,
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân.
Cuộc đời luống những phù vân,
Trở về bến cũ cố nhân xa rời.
Bến Ninh Kiều xưa. (Ảnh qua panoramio.com)
Đêm trên bến Ninh Kiều, hệ thống đèn chiếu sáng dọc bờ sông, người dân sinh hoạt, dạo chơi, rao bán… Bên ngoài bến, đèn sáng rực rỡ. Cứ cách 100m lại có dãy phố chạy dài, mỗi dãy bán một mặt hàng khác nhau, có phố bán quần áo, phố đồ ăn chay, lại có phố chỉ bán trái cây… Đây cũng là nơi các đôi nam nữ hẹn hò…
Một góc bến Ninh Kiều (Ảnh qua 36hn.wordpress.com)
Gần bến Ninh Kiều có chợ Cần Thơ, một trung tâm buôn bán lớn ở miền Tây Nam Bộ. Trên bến sông luôn tấp nập tàu bè, thuyền xuôi ngược chở đầy những sản vật vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đứng trên bến Ninh Kiều có thể nhìn thấy cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á – cầu Cần Thơ, cũng như nhìn sang Xóm Chài và hướng Cồn Ấu ở đầu vàm sẽ thấy một dải cù lao nhiều cây lá. Đồng thời nếu đứng từ bên kia Xóm Chài nhìn sang sẽ thấy toàn cảnh Ninh Kiều và phố xá.
Chợ nổi Phong Điền là một chợ nổi để mua bán và trao đổi hàng hóa, một điểm đến đẹp, hấp dẫn của sông nước miền Tây. Chợ nằm ngay ngã ba sông, nơi sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17 km về phía Đông Nam. Chợ thường nhóm vào khoảng 4-5 giờ sáng khi mặt trời vừa chớm mọc và đến 7-8 giờ là lúc mặt trời lên cao thì chợ cũng tan dần.
Họp chợ nổi Phong Điền (Ảnh qua cids.org.vn)
Khác với chợ nổi Cái Răng chỉ buôn bán nông sản là chủ yếu, chợ nổi Phong Điền phong phú hơn. Trong chợ có các ghe hàng bán những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất như: xuồng, ghe, lá lợp nhà, dao, cuốc, rựa; các dụng cụ đánh bắt thủy sản như: chài, lưới, lờ, lọp…; các sản phẩm của nghề đan lát như: thúng, rổ, nong, nia, sàng, sịa, cần xé… và các loại hàng bách hóa tổng hợp trong và ngoài nước. Ngoài ra, chợ còn bán cả thức ăn như: hột vịt lộn, bún nước lèo, bún thịt nướng, cháo lòng, gỏi vịt, hủ tiếu, cà phê…
Nét văn hóa người Cần Thơ
Mặc dù Cần Thơ được khám phá khá muộn và văn hóa mang nhiều nét đặc trưng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng văn hoá Cần Thơ cũng có những nét đẹp riêng của một vùng đất Tây Đô. Đặc trưng văn hoá Tây Đô được thể hiện qua nhiều phương diện: ẩm thực, lối sống, tín ngưỡng, văn nghệ…
Hò Cần Thơ là một trong những làn điệu dân ca độc đáo với nhiều loại: hò huê tình, hò cấy và hò mái dài. Chúng xuất phát từ những câu hò của khách thương hồ lúc rảnh rỗi cắm sào để tìm bạn hò và đợi con nước để rời sang bến khác. Những làn điệu hò làm say đắm lòng người…
Giữa không gian tĩnh mịch, sâu thẳm của vùng sông nước bỗng một điệu hò man mác ngân lên ngay giữa khoang thuyền, kéo dài, quện lẫn âm thanh xao xuyến của cây đàn cò: “Hoa mua ai bán mà mua; mẹ không ngã giá cho vừa lòng con...” Những điệu hò ngọt ngào càng trở nên gần gũi, tha thiết bởi các nghệ sĩ biểu diễn là người dân lao động, lời ca mộc mạc, chân tình.
Đến với Cần Thơ, hẳn bạn sẽ không thể quên các giai thoại về tài tử giai nhân trong những câu ca, làn điệu vọng cổ. Có lẽ vì vùng đất này là nơi dừng chân của loại hình đờn ca tài tử nổi tiếng của Nam bộ.
Hát đờn ca tài tử (Ảnh qua datviettour.com)
Với những con người sinh ra và lớn lên nơi đây, khi hứng thì đờn ca, vui là chính, không chuyên nghiệp nhưng người chơi cũng phải bỏ ra lắm công phu, phải luyện cho tinh thần nhiều cảm xúc, luyện cho giọng ca hoà quyện với cảnh vùng sông nước. Cuộc chơi không hạn định giờ giấc. Đến khuya, khi mọi người cảm thấy thỏa mãn thì chia tay ra về, hẹn lại vào buổi tối hôm sau. Cứ như vậy thành lệ. Không ai bảo ai, hằng ngày làm lụng vất vả trên đồng ruộng, hoặc có chuyện đi xa, đến chiều phải tranh thủ về để kịp có mặt tham gia hoặc thưởng thức buổi đờn ca tài tử.
Thú chơi đờn ca tài tử còn vì phong cảnh hữu tình, gợi cảm, gần với thiên nhiên. Phần nhiều các ban ca nhạc tài tử thích chơi giữa cảnh trời trăng mây nước. Có thể dưới bóng mát gốc me, gốc xoài, gió lộng, trên gò đất cao cạnh ao làng được bao bọc bốn bề là đồng lúa xanh tươi, vàng rực. Hay trên chiếc thuyền trôi xuôi êm ả theo dòng nước lồng lộng trăng rằm, nên thơ tĩnh mịch, tiếng lá dừa nước hai bên bờ rì rào dịu êm như nền nhạc đệm làm tăng vẻ hữu tình cho buổi đờn ca tài tử trên sông.
Đờn ca tài tử có sức hấp dẫn làm say mê lòng người, ai biết qua rồi khó lòng bỏ được, vì nó là bản sắc văn hóa Nam bộ.
Công trình tín ngưỡng
Người Cần Thơ cũng có nhiều tín ngưỡng như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Công giáo, Tin lành… Cũng có những di tích thờ Thần, thờ thành hoàng làng, và những người có công khai sáng nơi đây.
Chùa Ông, tên gốc là Quảng Triệu Hội Quán, tọa lạc tại số 32 đường Hai Bà Trưng, thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều. Đây là một ngôi chùa của người Hoa gốc Quảng Đông tại Cần Thơ, và là một di tích lịch sử cấp quốc gia kể từ năm 1993.
Từ khi xây dựng (1894) cho đến ngày nay, diện mạo của chùa Ông gần như không thay đổi. Toàn bộ kiến trúc chùa được xây dựng theo hình chữ Quốc (國) với các dãy nhà khép kín vuông góc với nhau, ở giữa chùa có một khoảng không gian trống gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời).
Chùa Ông (Ảnh qua dulich24.com)
Cũng giống như nhiều ngôi chùa Hoa khác, chùa Ông có màu sắc sặc sỡ, tươi vui, nhưng vẫn mang nét cổ kính . Mái chùa lợp ngói âm dương với các gờ bó mái bằng men xanh thẫm. Trên bờ nóc là những hình lưỡng long tranh châu, cá hóa long, chim phụng, v.v…bằng gốm sứ đủ màu. Ngoài ra, ở hai đầu đao còn có hai tượng người cầm mặt trời và mặt trăng, tượng trưng cho âm dương hòa hợp. Kết cấu vòm mái được nâng đỡ bởi 6 hàng cột gỗ tròn và vuông sơn đỏ, có chân đế bằng đá tảng nguyên khối, và một hệ thống vì kèo khá phức tạp. Các đòn tay ở đây đều ở dạng gỗ tròn, được sơn phết cẩn thận.
Chùa Long Quang do thiền sư Thiện Quyền lập vào năm Minh Mạng thứ 5 (Giáp Thân, 1824). Lúc đầu, chùa chỉ là một am nhỏ bằng cây lá. Đến năm 1829, thiền sư Thiện Quyền cho cải tạo lại thành một ngôi chùa bậc trung. Có thể, trong khoảng thời gian này chùa được đặt tên là Long Trường với ý nguyện cầu mong ngôi chùa được vững bền. Năm 1835, thiền sư lại cho trùng tu chùa.
Chùa Long Quang. (Ảnh qua wikipedia.org)
- Cổng tam quan bằng gạch với hai tầng mái ngói, đầu mái uốn công có gắn hoa văn. Bên trên nóc có gắn đôi rồng trắng ngẩng cao đầu quay ngược vào bánh xe pháp luân ở giữa. Hai cột chính có đôi câu liễn đối bằng chữ Hán.
- Ngôi chánh điện rộng 324 m2, xây theo lối kiến trúc “Thượng lầu hạ hiên”, với mái ngói và tường gạch, có tất cả 5 cửa ra vào.
- Ngay giữa trung tâm là điện thờ chính, bên trên có treo bức hoành phi bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo; ở giữa gắn bốn chữ Hán Đại Hùng Bảo Điện; bên dưới gắn khung bao lam cũng được chạm trổ hoa văn tinh xảo thếp vàng; hai bên có gắn hai câu liễn đối bằng chữ Hán. Điện thờ chính được đóng bằng gỗ có 2 bậc. Bậc cao kê 3 ghế thờ, tôn trí ba pho tượng Tam Thế Phật bằng gỗ cao hơn một mét tạc theo tư thế ngồi; bậc thấp tôn tượng Bồ Tát Di Lặc.
Đình Bình Thủy, tên chữ là Long Tuyền Cổ Miếu là một đình thần tại Thành phố Cần Thơ. Đây là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam Bộ.
Đình Bình Thủy nay nằm trên khoảnh đất rộng hơn 4.000 m². Cách kiến trúc ngôi đình này khác rất nhiều so với kiến trúc ở miền Bắc. Đình được cất trên một nền cao ráo và có chiều sâu. Nhà trước và nhà sau đều là hình vuông nên chiều nào cũng có 6 hàng cột. Các chân cột to, tròn và đều hơi choãi ra làm cho đình càng thêm vững chắc.
Đình Bình Thủy (Ảnh qua vietlandmarks.com)
Đình Bình thủy là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Tuy được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 nhưng kiến trúc của đình còn giữ được nhiều yếu tố kiến trúc truyền thống của dân tộc. Đình còn giữ được những mảng chạm, những họa tiết trang trí gần gũi với nghệ thuật dân tộc. Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở nơi đây hết sức tinh tế và sinh động.
Tiềm ẩn dưới mái đình này không chỉ là lịch sử truyền thống cội nguồn của một làng cổ Nam Bộ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung.
Ẩm thực
Bánh tét lá cẩm: Trong số các đặc sản Cần Thơ thì bánh tét lá cẩm là nổi tiếng nhất. Bánh mang hương vị không lẫn vào đâu được. Sự kết hợp với mùi thơm của lá cẩm cùng vị béo ngậy của thịt, của nước cốt dừa hòa cùng nhân đậu xanh khiến không ai có thể cưỡng lại được.
Bánh tét cần thơ (Ảnh qua yan.vn)
Để làm bánh tét lá cẩm Cần Thơ, loại gạo nếp được dùng phải là nếp rặt, không lẫn gạo khác. Thịt để làm nhân cho bánh tét cũng phải được lựa chọn cẩn thận, được tẩm ướp gia vị theo bí quyết riêng. Bánh tét bình thường cũng có thể để 7 ngày. Nhưng để trong tủ lạnh, khoảng thời gian bảo quản này có thể kéo dài lâu hơn. Chính vì vậy, món ăn đặc sản Cần Thơ này thường được nhiều người chọn mua về làm quà cho bạn bè, người thân.
Nem nướng Cái Răng: Nem nướng bên bờ kênh Cái Răng đã nổi tiếng khắp bốn phương. Nem cũng làm từ thịt heo tươi, quết dẻo, thêm gia vị và được nướng trên than hồng, từng cái nem mướt mắt, ngậy mùi thơm ăn cùng với bánh tráng, rau sống, chấm cùng với chén nước tương xay.
Nem nướng Cái Răng (Ảnh qua ngoisao.net)
Vị nem ở Cái Răng dường như hấp dẫn hơn nhờ khung cảnh mênh mông sông nước và tấm lòng thơm thảo của người dân miền Tây, khiến người ta chẳng nỡ rời xa miền đất này.
Ốc tiêu nướng: Ốc được luộc sơ rồi bỏ lên lửa than nướng, vừa nướng vừa bỏ nước mắm đã làm sẵn gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt… Khi thấy nước bên trong con ốc sôi lên, hơi cạn xuống thì cho vào đĩa lót rau răm thơm phức.
Ốc nướng tiêu (Ảnh qua ngoisao.net)
Ốc nướng như vậy rất vừa ăn, hơi cay, vừa ngọt mặn, vừa giòn, ăn thịt rồi mà húp nước ốc cũng rất tuyệt. Hoặc ốc được nướng tươi sống trong lúc nướng cho nước mắm, lại có vị chua cay gia vị vào, nướng cho đến khi hơi khét vỏ thì mùi thơm của nó càng hấp dẫn hơn.
Thanh Phong
Theo: trithucvn
No comments:
Post a Comment