Wednesday, April 3, 2019

CAO LƯƠNG ĐỎ (红高粱) - MẠC NGÔN (莫言)

Tối nay xem chương trinh "Ai là triệu phú" phát sóng 02/04/2019 mới biết được tên của nhà văn Mạc Ngôn, người đoạt giải Nobel văn học năm 2012. Có nghe nhắc lại về cuốn phim "Cao Lương Đỏ" (1987) mà lúc trước có xem qua nhưng chỉ nhớ cái tên của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và diễn viên Cũng Lợi chớ không để ý về quyển tiểu thuyết "Hồng Cao Lương Gia Tộc" của Mạc Ngôn. Sau này truyền hình TQ có dựng lại bộ phim nhiều tập cùng tên do đạo diễn Dư Chiêm Ngao và diễn viên chánh Châu Tấn (2004), mới đây lại được dưng phim (2014) do đạo diễn Trịnh Hiểu Long và cũng do diễn viên Châu Tấn trong vai chính.Tôi có tìm chút tài liệu về nhà văn này nên share cùng các bạn. (LKH)


Nhà văn Trung Quốc giành giải Nobel Văn học 2012


Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn hôm nay 11/10/2012 đã được trao giải thưởng danh giá Nobel trong lĩnh vực văn học, vì có những sáng tác hòa trộn những câu chuyện dân gian, lịch sử và đương đại.

Học viện Thụy Điển đã ca ngợi tác phẩm của ông “với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo hòa trộn cả những câu chuyện dân gian, lịch sử và đương đại”.

Nhà văn 57 tuổi là người thứ 109 nhận giải thưởng danh giá Nobel Văn học. Năm ngoái giải thưởng này được trao cho nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtroemer.

Với giải thưởng chỉ trao cho những nhà văn còn sống này, ông sẽ được Quỹ Nobel trao cho số tiền tương đương 1,2 triệu USD.

Mạc Ngôn (莫言)

Mạc Ngôn (莫言), tên thật là Quản Mô Nghiệp (管謨業), sinh năm 1955. Ông đã xuất bản nhiều cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, và bài viết về các chủ đề khách nhau. Với ngòi bút chủ nghĩa phê phán xã hội, ông được xem là một trong những nhà văn đương đại lỗi lạc nhất ở Trung Quốc.

Trong các tác phẩm của mình Mạc Ngôn đã viết nhiều về kinh nghiệm thời trẻ và bối cảnh quê hương, nơi sinh thành của ông.

Vũ Quý
Theo BBC, AFP

Cũng Lợi trong "Cao Lương Đỏ" (1987)

“Cao lương đỏ"- Mạc Ngôn: Dùng hào khí để tái dựng hình bóng tổ tiên

Trung Quốc kháng Nhật. Ngựa, la và cả đàn ông khỏe mạnh bị điều đi làm đường. Róc thịt hành hình, gã đồ tể phát điên, tiếng khóc của phụ nữ nghe như tiếng hát, gót sen ba tấc của cô dâu mới lộ ra khỏi rèm kiệu hoa, những cái chết, hương rượu thơm da diết, từng làn đạn bắn xuyên qua gánh bánh tráng nhân trứng cùng hành. Và, cao lương. Cao lương đỏ rực những mảnh ruộng mênh mông.

Câu chuyện của Cao lương đỏ (红高粱) diễn ra nơi làng quê vùng Đông Bắc Cao Mật, thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Tên gốc của tác phẩm này là Hồng cao lương gia tộc (红高粱家族). Nội dung là lời kể theo dòng hồi ức của một nhân vật xưng “tôi” về gia đình mình những năm tháng quê hương ông oằn mình kháng Nhật. Mạc Ngôn được cả thế giới biết đến nhờ Cao lương đỏ được Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim với ngôi sao Củng Lợi vào vai nữ chính. Nhưng khi đọc chính bản thân truyện gốc, chúng ta sẽ hiểu rằng, tên tuổi của Trương Nghệ Mưu, của Củng Lợi và danh tiếng từ bộ phim ấy chỉ là chất xúc tác để đưa Mạc Ngôn đóng dấu ấn của riêng ông lên văn đàn thế giới. Bởi, bản thân truyện Cao lương đỏ đã tràn đầy nội lực, đủ sức khẳng định tầm vóc của mình.


Không có sự đồ sộ của tiểu thuyết, Cao lương đỏ lại có sự trọn vẹn vừa đủ trong khuôn khổ một truyện vừa. Mạc Ngôn mang khí khái hào sảng của con người Cao Mật vào trong con chữ. Ông chọn trận chiến của tư lệnh Từ Chiếm Ngao đánh quân Nhật vận lương qua làng làm cao trào cho tác phẩm, các tình tiết đều xoay quanh điều này, trước và sau, nguyên nhân và kết quả. Để thuật lại tác phẩm Cao lương đỏ, thật dễ sa đà vào việc kể lại các tình tiết chi li. Có lẽ cái người đọc thích làm sẽ lại kể lại tình tiết để lại cho họ ấn tượng mạnh nhất: có thể là cảnh ông La Hán bị quân Nhật cho lóc thịt lột da đến chết; cũng có thể là cảnh bà nội của nhân vật “tôi” ngồi trên kiệu hoa, tuyệt vọng với tương lai u tối; hay cảnh bà bay lên trời cùng chim bồ câu ngắm nhìn cánh đồng cao lương quê hương, v.v… Tất cả, nhìn lại, hóa ra đều là những mảnh vụn – những mảnh vụn của ký ức gia tộc, lấp lánh, thi thoảng lóe lên dưới ánh mặt trời, lúc lại chìm khuất trong bóng tối của thời gian. Cái tài của Mạc Ngôn đặt ở sự khéo léo khi ông tỉ mẩn xâu chuỗi những mảnh vụn ấy, khiến chúng quyện vào và tôn nhau lên thành một chuỗi liền mạch, mượt mà, thấm đẫm hơi thở huyền thoại. Cho nên, bóc tách Cao lương đỏ nhằm tóm tắt nội dung thật ra không phải là một việc dễ dàng, ngắn gọn quá thì hao tổn mất không khí rừng rực những tháng năm quá khứ, mà dài dòng quá thì chẳng bằng đọc chính tác phẩm.
 
Châu Tấn trong "Cao Lương Đỏ" (2004)

Bởi, cũng cần nói thêm rằng, Cao lương đỏ tuy mang cốt truyện đủ đầy trọn vẹn nhưng đây là dạng tác phẩm mà người ta phải đọc mới thấy được hết cái hay, cái tinh tế, cái hào sảng mà Mạc Ngôn cất công gầy dựng nên. Mạc Ngôn không chỉ kể lại một câu chuyện trong Cao lương đỏ, ông tái tạo huyền thoại. Và điều xuất sắc trong tác phẩm này là tác giả đã dựng nên được một tầm vóc khổng lồ vượt ra khỏi bản thể câu chữ mà ông bày ra trên trang giấy.

Mạc Ngôn đặt hình tượng cao lương thành mạch ngầm xuyên suốt tác phẩm. Cao lương ở khắp mọi nơi, từ hình ảnh được miêu tả trực quan, trên cánh đồng, trong hương rượu, làm mốc đo thời gian, đến cao lương trong tâm thức. Và rốt cuộc, có lẽ tất cả đều là cao lương trong tâm thức. Mạc Ngôn đã không đem hình tượng cao lương vào tác phẩm theo phương cách truyền thống như thể nó là một mạch song song hiển lộ khiến người đọc thuận tiện kết nối cao lương với con người Cao Mật, cùng sinh trưởng và đổ xuống trên đất đen Cao Mật. Thay vào đó, khi Mạc Ngôn trộn lẫn các thời điểm khác nhau, khiến các nhân vật và hồi ức của họ nhòa nhạt vào nhau, ông đã đem đến hiệu ứng đa chiều cho tác phẩm. Hình ảnh cao lương trở thành một thủ pháp điện ảnh, kiến tạo phông nền cho hồi ức được tái hiện. Vì vậy, cao lương trở thành sự ám ảnh.


Bằng cách chọn ngôi kể xưng “tôi” nhưng không trực tiếp tham gia vào gần như toàn bộ câu chuyện, Mạc Ngôn đã giữ cho mình một vị thế khiêm nhường, một vị thế mà từ góc nhìn của ông, từ lời kể của ông, người đọc không khỏi cảm thấy câu chuyện thực đã diễn ra trong quá khứ ắt hẳn còn phải hào hùng hơn cả những gì họ được đọc. Nhân vật tôi là kẻ hậu bối. Người đọc theo cái dẫn tay của Mạc Ngôn để bước vào thế giới hồi ức, nơi những ruộng cao lương lồng lộng đón gió ở quê hương ông, vùng Đông Bắc Cao Mật. Vì vậy, cái nhìn của người đọc vô hình chung cũng trở thành cái nhìn của kẻ hậu hối. Từ dưới mà nhìn hếch lên thì dường như điều gì cũng trở nên to cao sừng sững. Những nhân vật trong một quá khứ xa xăm, do đó, hiện về với tầm vóc kì vĩ, phi thường. Nhân vật “tôi” không hề bị hạn chế góc nhìn vốn là điều thường thấy khi nhà văn chọn viết từ ngôi thứ nhất. Bằng cách nương theo dòng hồi ức, “tôi” đã phá bỏ được các ranh giới của điểm nhìn trần thuật. “Tôi” được hưởng cái tự do của sự tùy hứng, như thể Cao lương đỏ chỉ là bản thành văn của một câu chuyện truyền kỳ được bao đời truyền miệng lưu giữ đến hôm nay, thế nên ký ức của “tôi” đôi khi đứt đoạn, chồng chéo, lắm lúc phảng phất như thể tin đồn, pha lẫn những điều hoang đường.

 

Cũng với việc chọn ngôi kể, Mạc Ngôn gọi các nhân vật chính bằng những cách gọi vừa phiếm chỉ lại vừa thân quen cụ thể: bố tôi, bà tôi, ông tôi. Bằng cách gọi này, Mạc Ngôn đã nhấn vào niềm tự hào gia tộc, niềm tự hào ấy như men rượu cao lương nồng nàn quẩn quanh không khí truyện, cho dù có lúc tanh mùi máu nhưng chưa từng sa vào bi lụy. Trong nỗi đau đớn và mất mát vẫn không ngừng rừng rực cháy ngọn lửa của sự phản kháng cùng sức chịu đựng phi thường. Biến tác phẩm thành câu chuyện tưởng chừng rất riêng tư trong một gia tộc, Mạc Ngôn đã gửi vào đây tấm lòng thành của chính ông.

Kết truyện, ông viết:

“Tôi là con cháu không xứng đáng của các vị, tôi nguyện đem trái tim không trong sạch của tôi, cắt nhỏ ra, xếp thành ba bát, đặt vào trong ruộng cao lương. Cúi xin về thượng hưởng, thượng hưởng.”


Đoạn kết đậm vết tinh huyết trên chẳng khác nào một dấu chấm mạnh mẽ, quyết tuyệt để xứng đáng với vai trò kết thúc một huyền thoại về những bóng hình tổ tiên trong quá khứ. Sự ngưỡng vọng của đời sau càng mãnh liệt đã gián tiếp một lần nữa khẳng định sự vĩ đại của tiền nhân.

Cao lương đỏ là một tác phẩm xuất sắc của Mạc Ngôn, chắc chắn là vậy. Nó thấm đẫm tình yêu mà ông dành cho quê nhà. Người đọc Trung Quốc nói chung và người dân vùng Cao Mật nói riêng có lẽ đều rất tự hào vì có một nhà văn như Mạc Ngôn, không chỉ vì ông có tài mà còn bởi vì ông có tấm lòng sâu nặng với quê hương. Song, từ một góc nhìn khác, tình yêu thương này dường như đã đưa ông đến mấp mé lằn ranh của chủ nghĩa dân tộc – điều vừa làm nên sự đặc sắc cho ngòi bút của Mạc Ngôn, vừa như con dao hai lưỡi có thể trở thành rào cản làm hạn chế tầm nhìn của chính ông.

Chiễm Phong
(Reading Cafe Staff)



No comments: